samedi 11 août 2018

TRUYỀN THÔNG MỸ - Vũ Linh

Résultat de recherche d'images pour "truyền thông dòng chính" Dù muốn hay không, chúng ta đều lệ thuộc vào truyền thông chung quanh ta, bắt buộc phải đọc báo Mỹ, coi TV Mỹ, không có lựa chọn nào khác. Nhưng chúng ta có thể giới hạn ‘ô nhiễm’ hay ‘tẩy não’ bằng cách hiểu rõ báo nào là báo nào, đài nào là đài nào.
Tuần này, ta sẽ xem qua hệ thống truyền thông Mỹ.
     Cách đây nửa thế kỷ, trong cuộc chiến toàn diện còn mất của cả nước, vẫn có nhiều người nhắm mắt không muốn bàn đến cái mà họ gọi là ‘chuyện chính trị’. Kiểu như “tôi không muốn biết vì tôi không làm chính trị”. Cho đến khi xách dép chạy thục mạng qua Mỹ vẫn không nghĩ họ thật ra đã ‘làm chính trị’, bỏ phiếu bằng chân rồi.
Qua Mỹ thì tình trạng cũng không khác mấy. Đại đa số đầu tắp mặt tối lo kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình, cũng không muốn ‘làm chính trị’. Hơn thế nữa, không ít người nghĩ mình vẫn chỉ là dân ‘ngoại quốc’ sống tạm trên đất người, mắc gì phải lo chuyện ‘chính trị’ của xứ người ta.
Thực tế mà nói, không ai có thể trốn tránh ‘chuyện chính trị’ được vì con ma xó chính trị nó nằm trong tất cả các hóc cạnh của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chính trị chi phối công ăn việc làm của chúng ta, tiền lương, tiền thuế, tiền già, chế độ bảo hiểm và dịch vụ y tế, chuyện học hành của con cái, con cháu có phải đi lính ra chiến trường ở những xứ bên kia điạ cầu,... Thậm chí đến chuyện con cháu gái có phải đi cầu tiêu chung với anh già gác dan trường học không, cũng là... chuyện chính trị. Đi bộ trên lề đường bị thằng khủng bố lái xe tông chết cũng là chuyện chính trị.
Cái may mắn cho dân tỵ nạn là ta đang sống trong những nước dân chủ, như Mỹ, Pháp, Úc, Canada,... tức là những xứ mà người dân cùng đinh nhất cũng có tiếng nói ‘chính trị’, có quyền nói bậy nghĩ nhảm mà không bị nhốt, có quyền lấy quyết định có hậu quả lên đời sống hàng ngày của họ, may nhờ họa chịu. Khác xa với xứ ‘đỉnh cao’, nơi mà người dân có quyền ngu muôn năm vì tất cả đã có ‘lãnh đạo đại tài’ lo dùm rồi.
Nhìn vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, chúng ta nên vui mừng thấy con số khá lớn dân tỵ nạn, thế hệ một và thế hệ hai, đã săn tay áo, nhẩy ra ‘làm chính trị’ thật, ứng cử vào khá nhiều chức vụ dân cử địa phương và tiểu bang, bất kể khuynh hướng nào.
Tuyệt đại đa số còn lại, không ‘làm chính trị’ nhưng đã ý thức rõ hơn nhu cầu ‘dính dáng’ vào chính trị, tích cực tham gia hơn, như đi bầu, vào các diễn đàn hay hội nhóm chính trị, tranh cãi chuyện chính trị. Dĩ nhiên tất cả đều tốt, cho dù nhiều khi cãi nhau hăng quá, thành ra chửi lộn cá nhân, là ngón võ được khá nhiều người có biệt tài và đam mê.
Tốt thật, nhưng tốt hơn nữa là mọi người nên tìm hiểu cho kỹ trước khi cãi cọ và chửi rủa. Từ đó đưa đến nhu cầu tìm hiểu về tin tức thời sự, ý nghĩa của những biến cố xẩy ra quanh chúng ta mỗi ngày. Tức là nhu cầu đọc báo, coi TV.
Ở Mỹ này (hay ở Pháp, Úc,…), mọi sự không dễ đàng. Nhà Nước không chịu giúp dân, thanh lọc báo dùm cho dân như trong xứ ‘đỉnh cao’. Ở đây, dân phải lo lấy. Báo chí có cả vạn tờ, lớn đến nhỏ, báo thí đến báo chợ, chưa kể các bản tin của các hội nhóm, các diễn đàn tạp nhạp thuận chiều, trái chiều, hay chẳng chiều nào hết vì chỉ là bản dịch, mà nhiều khi người dịch cũng chẳng biết mình đang dịch cái gì. Kẻ này nhớ mang máng có cái Presidential Commission on Crime gì đó, được một cụ tỵ nạn dịch ngay ra là ‘Ủy Ban Điều Tra Tội Ác Của Tổng Thống’. Chẳng ai biết đâu mà mò. Chưa kể mưa sa tin fake news tràn ngập các báo.
Trong cái rừng thông tin đó, không rối trí mới là lạ. Do đó, ta cần phải có một cái nhìn khá thấu đáo, hiểu cho rõ báo nào là báo nào, đài nào là đài nào.
[Bài này chỉ bàn đến truyền thông chính trị, không bàn đến truyền thông chuyên môn về thể thao, văn hoá, tiêu khiển,... Cũng chỉ bàn đến quan hệ truyền thông, không bàn đến quan hệ kinh doanh, chẳng hạn như Washington Post là chị em của Amazon chuyên bán sách và hàng hoá trên mạng, và Whole Foods, xâu chuỗi bán thực phẩm. Bài này cũng không đề cập đến truyền thông tỵ nạn vì không có dữ kiện chính xác]
Trên căn bản truyền thông Mỹ có 3 hệ thống chính:

Image result for six of media conglomerates 
 
1.   Hệ thống truyền thông bao phủ cả nước, được gọi là hệ thống truyền thông dòng chính (TTDC) hay Mainstream Media (MSM) gồm các báo, đài TV, ngay cả hãng phim, được phổ biến trên toàn quốc,... Quý độc giả mua các chương trình TV qua giây cáp (cable) hay hệ thống vệ tinh (satellite) thấy mình có thể coi được cả mấy trăm đài, muốn đọc báo, coi phim tại rạp hay trên TV, cũng thấy mấy ngàn báo và mấy trăm hãng phim. Có vẻ rất đa dạng, nhưng sự thực là hệ thống TTDC Mỹ phần lớn nằm trong tay 6 đại tổ hợp truyền thông –media conglomerates. Đại để:
-         Comcast: sở hữu NBC, MSNBC, CNBC, USA Network, Universal Pictures, Telemundo,...
-         Walt Disney: ABC, Disneyland, Disney Channel, ESPN, A & E,…
-         News Corporation: Fox News, National Geographic, 20th Century Fox, Wall Street Journal, New York Post,...
-         Time Warner: CNN, TIME, USA Today, HBO, Cinemax, Warner Bros Pictures,...
-         CBS Corp: CBS, Showtime, Sony,...
-         Viacom: MTV, Paramount,...
Ba đài TV lớn ABC, CBS, NBC được phổ biến qua mấy trăm đài TV địa phương mà ta thường coi như Channel 4, Channel 7,… có thể bắt được dễ dàng qua các ăng-ten thường. TTDC cũng là hệ thống những báo lớn được bán khắp nước như New York Times, Washington Post,... Vì đây là hệ thống truyền thông quốc gia nên ít có những tin tức hay vấn đề địa phương mà phần lớn là những tin tức chính trị cấp liên bang hay quốc tế.
Ta cần lưu ý quan hệ chằng chịt và ảnh hưởng của khối này. Ví dụ như CNN đưa tin tức và quan điểm chính trị thiên tả, trong khi công ty chị em HBO làm phim với những nội dung thiên tả ‘phải đạo chính trị’ như ca tụng đồng tính, đả kích kỳ thị da trắng, bôi bác cảnh sát,...
2.   Hệ thống truyền thông độc lập địa phương, gồm cả ngàn báo địa phương như Los Angeles Times, Miami Herald, Chicago Tribune, Houston Chronicle,... Cũng bao gồm cả những đài TV độc lập địa phương. Hệ thống truyền thông địa phương phục vụ nhu cầu địa phương, do đó các tin tức thời sự cấp liên bang hay quốc tế chỉ là cho có thôi, còn phần chính là tin tức cũng như bàn luận về các vấn đề địa phương của thành phố hay của tiểu bang.
3.   Hệ thống thông tin mạng, tạp nhạp, phổ biến giới hạn trong khối những người cùng quan điểm, do đó thường có quan điểm cực đoan, hoặc bên tả như Salon, Slate, Huffington Post, Vox, ... hay bên hữu như Breitbart, Red State, Daily Caller, Drudge.
Tất cả các báo và đài đều có hai loại mục khác biệt: mục tin tức thuần túy và mục bình luận. Trên căn bản thì mục tin tức bắt buộc phải hoàn toàn trung thực, trong khi mục bình luận dĩ nhiên là chủ quan, diễn giải những biến cố thời sự dưới một cách nhìn nào đó, của một cá nhân nhà báo, hay của ban chủ biên. Trước đây, bình luận tương đối công bằng, có thiên về bên nào thì cũng không quá đáng, thiên vị quá. Ngoài ra, nhiều báo cũng có chỗ cho các quan điểm trái ngược nhau. Như USA Today trên trang bình luận, luôn có hai bài tương phản ý kiến về cùng một đề tài để độc giả đọc và so sánh.
Lúc sau này, từ thời TT Johnson và nhất là Nixon, tình hình thay đổi. Tin tức bớt trung thực trong khi bình luận bớt trung dung. Ranh giới giữa tin tức và bình luận trở nên lu mờ. Phần lớn hệ thống truyền thông dòng chính bắt đầu nghiêng sang phiá tả, cổ võ cho những chính sách thiên về cấp tiến của các chính quyền, chỉ trích những quyết định bảo thủ.
Việc chuyển hướng của TTDC một phần không nhỏ là hậu quả ‘ngang hông’ của chiến tranh VN. Đối với cuộc chiến này, TTDC ban đầu nhất loạt tin tưởng và ủng hộ dưới thời TT Kennedy và cả trong vài năm đầu của TT Johnson, cho đến sau Mậu Thân 68 thì đổi hẳn thái độ. Ban đầu nghi ngờ chính quyền Johnson đã không thành thật, rồi sau đó công khai chống việc Mỹ can dự.
Cuộc chiến cấp tiến – bảo thủ trong truyền thông Mỹ tăng cường độ năm 1980 khi Ted Turner, chồng của bà Hà Nội Jane Fonda, thành lập đài Cable News Network, hay CNN, với quan điểm thiên tả khá rõ nét. Đến năm 1996, cuộc chiến trở thành hấp dẫn hơn khi Fox News của đại gia Úc Rupert Murdoch ra đời, với quan điểm bảo thủ đối nghịch với CNN.
Qua thời TT Bush con thì cuộc chiến bắt đầu găng khi TTDC công khai nhục mạ tổng thống là ‘thằng ngốc của làng’, the village idiot.
Sự xuất hiện của ông Obama đưa đến một cuộc ‘lột xác’ hẳn của khối TTDC khi khối này nhất loạt phủ phục dưới chân Đấng Tiên Tri. Anh bình luận gia Chris Matthews của MSNBC nói “mỗi lần nghe đến tên ‘Obama’ là tôi rùng mình từ chân tới đầu”, và “tôi thật là may mắn hết sức vì đã được sinh ra cùng thời với Đấng Tiên Tri, để được sự phù hộ của ông”. Evan Thomas, chủ bút tạp chí Newsweek, gọi Obama là ‘God’!
Bảng sắp xếp dưới đây cho thấy tình trạng truyền thông của Mỹ hiện nay dưới khiá cạnh tả/hữu.

Từ trái qua phải là danh sách các cơ quan từ rác rến thiên tả nặng gần như cộng sản, đến rác rến thiên hữu gần như phát xít. Từ trên xuống dưới là mức khả tín và chính xác. (Phải nói ngay có rất nhiều cách phân loại, phần lớn cũng có tính phe phái luôn, kiểu như phân loại của một cơ quan thiên tả sẽ xếp CNN là trung lập đáng tin và Fox là rác rến thiên hữu. Phân loại trên tương đối chính xác nhất, theo ý kẻ này)
Nhìn sơ qua, ta thấy hầu hết các cơ quan truyền thông lớn đều nằm ở cánh trái, từ thiên tả nặng như CNN, MSNBC, New York Times, Washington Post,... cho đến thiên tả nhẹ hơn một chút như BBC (của Anh), Bloomberg, USA Today,... Bên cánh phải, có Wall Street Journal và Forbes không quá cực đoan, rồi Fox, qua tới Breibart, Drudge Report, National Review, Weekly Standard là thiên hữu nặng.
Bản xếp hạng trên chưa đầy đủ, còn thiếu một vài cơ quan ngôn luận lớn như tạp chí TIME, hay trang mạng Yahoo!, đều thiên tả. Xếp hạng cũng có sai sót như đặt Real Clear Politics về phiá thiên hữu trong khi đây chỉ là trang mạng tổng hợp, đăng lại bài của đủ loại báo từ cực tả đến cực hữu.
Dù sao thì nói chung bảng phân loại cũng cho thấy trong khối truyền thông Mỹ, khuynh hướng cấp tiến thiên tả đông đảo và nặng ký hơn phe thiên hữu, bảo thủ.
Dưới đây là một xếp hạng khác:




Đến thời TT Trump thì tình hình biến thái. Ranh giới cấp tiến-bảo thủ vẫn còn, nhưng hiển nhiên bị áp đảo bởi một ranh giới mới, chống hay ủng hộ Trump. Hầu như toàn thể hệ thống TTDC, cả tả lẫn hữu, đã trở thành lực lượng xung kích tiên phong trong việc tìm cách lật đổ chính quyền Trump.
Đối với TT Trump, truyền thông cánh tả nhất loạt chống đến độ gần như mù quáng, trong khi bên cánh hữu, cũng có những báo của nhóm #NeverTrump, chống kịch liệt như Weekly Standard và National Review. Trong khi Breibart (trước đây do cố vấn của TT Trump, Steve Bannon điều hành), Drudge, New York Post thân thiện với Trump hơn. Dưới đây là bảng tóm lược quan điểm về Trump của các cơ quan truyền thông.
CHỐNG TRUMP
TRUNG LẬP
ỦNG HỘ TRUMP
Cuồng
Nặng
Nhẹ
Nhẹ
Nặng
Cuồng
MSNBC
Huffington
Salon
Vox
Move On
Slate
NYT
WaPo
CNN
ABC
CBS
NBC
TIME
Newsweek
Week Stand *
Nat Review *
AP
USA Today
Bloomberg
Politico
Reuters
Real Clear
C-SPAN
Wall Street
Forbes
Fox News
Wash Times
NY Post
Drudge
Daily Caller
Breibart
Red State
Alan West
InfoWars
(*): Weekly Standard và National Review là hai tạp chí bảo thủ thuộc khối #NeverTrump
Biểu đồ dưới đây cho thấy thái độ bất thân thiện của TTDC đối với TT Trump, theo nghiên cứu của đại học Harvard: tin tức và bình luận của TTDC có khuynh hướng bất lợi cho TT Trump tới khoảng 80%-90%! Đứng đầu chống Trump là CNN và NBC với 93% bất lợi. Ngay cả trong Wall Street Journal và Fox là những cơ quan tương đối bảo thủ, đa số những tin và bình luận cũng bất lợi cho TT Trump.
Nếu đi vào chi tiết từng vấn đề thời sự thì ta thấy rõ hơn nữa tính phe phái của truyền thông Mỹ:
Hầu như tất cả các tin liên quan TT Trump đều bị các đài TV chính bóp méo, loan ra hoàn toàn bất lợi, trong khoảng hơn 90%.
Khuynh hướng cấp tiến của TTDC lộ liễu đến độ ai cũng biết và ít người còn tin tưởng. Theo thăm dò mới nhất, 72% dân Mỹ cho rằng truyền thông cố tình đăng tin phịa hay đăng tin lập lờ để lừa thiên hạ, ngõ hầu kéo họ về phiá mình, chứ không phải lo thông tin một cách trung thực nữa. 80% cử tri CH cho rằng TTDC đã không công bằng với TT Trump.
Nói chung, đại đa số dân Mỹ không tin truyền thông. Như biểu đồ dưới đây do đại học Quinnipiac nghiên cứu, Fox là đài được tin tưởng nhiều nhất với 29%, sau đó là CNN với 22%. Các đài TV chính chỉ được lác đác 10% hay ít hơn. Không có đài nào được sự tin tưởng của một phần ba dân Mỹ.
Tương đối, Fox được tín nhiệm và được coi/nghe nhiều hơn cả. Trong 20 chương trình bình luận chính trị hàng đầu của các đài TV lớn,  Fox chiếm hết 15 (kể cả 4 trong 5 chương trình được coi nhiều nhất) với MSNBC được 5 chương trình còn lại. Chương trình số một của CNN chỉ được xếp hạng 24.
Nói chung, số người coi Fox bằng tổng số người coi 4 đài chính cộng lại: FOX = ABC + CBS + NBC + MSNBC.
Hiện nay, có hai đài TV cáp lớn đang đánh nhau kịch liệt là CNN và Fox. Nhìn vào thống kê chính thức mới nhất của Drudge, Fox rõ ràng đã đè bẹp CNN qua số người xem trong tuần lễ đầu tháng 7 vừa qua, khoảng 13 triệu so với 3 triệu của CNN, hơn gấp 4 lần.
Dù sao, chỉ một mình Fox thì cũng khó đánh lại toàn thể hệ thống TTDC.
Những người không có cảm tình với Trump biện giải: đó không phải vì TTDC có thành kiến chống Trump, chẳng qua vì Trump làm toàn những chuyện sai lầm. Vậy sao? Kinh tế tăng mạnh, thất nghiệp xuống thấp nhất, hàng triệu người có việc làm, số người lãnh trợ cấp thấp nhất, khủng bố khó vào Mỹ hơn bao giờ hết, bắt tay Nga để cản tân đế quốc Tập lộng hành trên Biển Đông –chiếm luôn VN không chừng-, ... Toàn là những việc làm sai lầm hết sao?
Một chỉ dấu cụ thể nữa; phần lớn những tin chống TT Trump đều có tính bôi bác cá nhân con người của ông này, kiểu như chuyên nói láo, thiếu tư cách, bốc đồng, nói nhảm, bất nhất,... Chỉ vì trên phương diện chính sách, TT Trump thành công nhiều hơn thất bại, khó chỉ trích hơn.
Một điều đáng chú ý nữa là trong hệ thống truyền thông địa phương, các báo chính của các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco, Chicago, Miami, Boston, Atlanta,... phần lớn cũng thiên tả, chống TT Trump tàn bạo, nhất là tại Cali.
Câu hỏi là tại sao những cơ quan truyền thông trên lại thiên tả, chống TT Trump và khối bảo thủ CH. Vấn đề này đã được bàn khá kỹ trong bài bình luận ‘TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ ĐỒNG TIỀN’ tháng Giêng trên Diễn Đàn này. Xin nhắc sơ qua.
Lý do đầu tiên là hầu hết khối truyền thông đã sai bét trước bầu cử. Trên khắp thế giới, có hơn 500 tờ báo ủng hộ bà Hillary và cổ võ cho ông Trump chỉ có đúng 28 tờ, toàn là những báo địa phương vô danh. New York Times tiên đoán bà Hillary có 98% hy vọng đắc cử, ông Trump 2%. Sự sai lầm nghiêm trọng đó khiến TTDC cảm thấy mất hết uy tín và mất mặt, do đó, bằng mọi cách cố chứng minh họ đã nhận định đúng trong khi dân Mỹ đã bầu lầm người. Và cách chứng minh của họ là chứng minh tất cả những việc TT Trump làm từ ngày vừa lọt lòng mẹ đều là sai trật hết ráo.
Ngoài ra, cũng vẫn là vấn đề tiền. Khách hàng các cơ quan truyền thông lớn phục vụ trong các thành phố lớn, hầu hết là dân trí thức, giáo sư, sinh viên, hay dân làm việc văn phòng cao cấp, hầu hết đều có khuynh hướng cấp tiến. Muốn bán được báo hay muốn có người coi TV, bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu của khối khách hàng đó mới có tiền của người mua báo và nhất là tiền quảng cáo.
Phần lớn cử tri của TT Trump là dân lao động hay trung lưu, làm việc cật lực không có thời giờ ngồi đọc báo hay nghe bình luận trên TV, phần khác là dân các tỉnh nhỏ hay ‘vùng quê’, Mỹ gọi là ‘rural’, cả đời chưa đọc New York Times hay Washington Post một lần hay coi CNN hay Fox.
Hiện tượng truyền thông chống Trump không phải chỉ có ở Mỹ, mà cũng đã lan qua Âu Châu, với hai xứ chống đối mạnh nhất là Đức và Pháp. Cũng không phải là chuyện lạ khi hai nước được coi là thiên tả nhất Âu Châu, không kể Nga, chính là Đức số 1 và Pháp số 2. Tờ báo Đức Der Spiegel đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ những bức hình bià nhục mạ TT Trump nặng nhất. Báo Pháp thì khỏi nói, từ báo của đảng CS Pháp L’Humanité tới báo cánh hữu Le Figaro, qua đến báo thiên tả lớn nhất Le Monde, đều nhất loạt đánh Trump mệt nghỉ.
Truyền thông bên ông hàng xóm cấp tiến Canada đánh Trump không thua gì mấy đồng nghiệp Mỹ, đưa đến tình trạng dân tỵ nạn Việt bên Canada nhìn TT Trump với con mắt hắc ám nhất.
Thế giới ngày nay là thế giới của thông tin. Thiên hạ ai cũng muốn biết chuyện gì đang xẩy ra chung quanh họ. Và họ có cả triệu cách để biết. Những biện pháp ngăn cản như xây ‘tường lửa’ –fire wall- chống các trang mạng, hay ban hành những luật về ‘an toàn mạng’ chỉ là những việc làm ngu xuẩn vì mang tai tiếng mà lại hoàn toàn vô hiệu khi có cả ngàn cách leo qua tường lửa.
Cái may cho dân Mỹ là không gặp những rắc rối ngớ ngẩn đó, nhưng cái không may là đụng phải cái đám truyền thông dòng chính đã mất hết lương tri, không còn biết trách nhiệm của người làm thông tin là gì nữa mà chỉ lo phục vụ quyền lợi phe đảng, hay bị chi phối bởi đồng tiền, bắt buộc chúng ta phải đề cao cảnh giác, phân biệt tin thật với tin phịa, báo thật với báo giả, một việc nói dễ làm khó.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire