mercredi 8 août 2018

70 năm Tình Ca Việt Nam - Nhạc sĩ Văn Cao (Phần3)

kỳ 3
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản

http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/van-cao-va-trinh-cong-son.jpgNăm 1944 khi tài năng đã nở rộ, Văn Cao viết Thiên Thai và Trương Chi. Hai ca khúc được hậu thế đánh giá là hai tuyệt phẩm của ông, cũng như của cả nền nhạc tình Việt Nam. Trước hết nói về Thiên Thai, bản này Văn Cao lấy cảm hứng từ hai bài thơ Ðường là Ðào Nguyên Hành của Vương Duy và Lưu Nguyễn Nhập Thiên Thai của Tào Ðường. Xưa nay, các thi văn nhân cũng như các nhạc sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng của Ðường Thi không phải là ít, và số tác giả lấy cảm hứng từ hai bài thơ Thiên ThaiÐào Nguyên cũng khá nhiều, chẳng hạn Vũ Hoàng Chương, Tản Ðà, Phạm Duy. Thế nhưng, chính như Phạm Duy đã phải nhận xét, “Chỉ có Văn Cao mới dẫn dắt chúng ta tới đỉnh cao nhất của tình ái, cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu thẳm nhất của khổ đau, với hai câu truyện cổ dân gian, biến thành 2 bản tình ca muôn thuở tức Thiên Thai và Trương Chi.”
Ca Khúc Văn Cao 

Về hình thức, bản Thiên Thai dài tới gần 100 khuôn nhạc, với những chuyển cung, chuyển điệu tài tình, cùng với những lời ca tuyệt diệu. Có thể nói Thiên Thai, một bản trường ca, có nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự, giống như một bản giao hưởng, hay một vở Opera của Tây Phương. Vì thế, cũng giống như khi thưởng thức một bản giao hưởng hay một vở Opera, người ta có thể vừa ăn uống, vừa trò chuyện hay vừa làm một công việc nào đó, vừa nghe bản Thiên Thai. Phải chú ý lắng nghe từng lời hát, thả hồn theo từng nốt nhạc và phải nghe đi nghe lại nhiều lần, thì mới rung cảm, mới thấy hết được những tuyệt diệu trong bản nhạc. Về nội dung, sau hai câu mở đầu, “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên.”.
Văn Cao đã phối hợp một cách nhịp nhàng cung nhạc và lời hát, để mô tả đường lên tiên nó đẹp như thế nào. Rồi khi quê hương dần xa lấp núi ngàn, mái chèo khua nước Ngọc Tuyền, có tiếng hát bên bờ Ðào Nguyên, mới biết mình đã lọt vào chốn Thiên Thai. Nơi hoa xuân chưa bao giờ gặp bướm trần gian. Nơi mùa đào chưa tàn qua một lần. Nơi có thiên tiên dâng hai chàng trai trái đào thơm, múa khúc Nghê Thường, thì Văn Cao lại sử dụng một nhịp điệu lẳng lơ mời gọi. Rồi nhạc bỗng sáng lên với khúc Bồng Lai, khiến hai chàng quên đời dương thế, khiến thiên tiên khao khát tình duyên và trở nên dìu dặt khi ánh trăng mơ chốn Thiên Thai bỗng tan thành suối trần gian, bởi cuộc ái ân giữa người tiên và kẻ phàm. Tới đoạn Lưu Nguyễn cùng bầy tiên đàn ca hoan lạc suốt 300 năm, Văn Cao sử dụng một nhịp điệu rộn rã, để rồi khi hai chàng nhớ quê trần gian và đòi về, hai câu cuối bỗng chậm hẳn lại, tiếc nuối, bâng khuâng. “Nhớ quê chiều nào xa khơi, chắc không đường về tiên nữ ơi” Và cuối cùng, khi Lưu Nguyễn, giờ đây đã thành hai cụ già, tìm đường trở lại cõi tiên thì than ôi, Ðào Nguyên đã biến mất, chỉ còn tiếng ca vang vọng từ cõi tiên mỗi khi chiều tà trăng lên. Bài hát đã đưa con người vào một giấc mơ tuyệt vời và kết thúc trong nỗi buồn man mác, bâng khuâng trước nghịch lý trong thân phận con người. Ở dưới trần thì mơ lên tiên cảnh, sống nơi tiên cảnh, thì lại đòi về dương trần.
http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/van-cao-nam-1995.jpg 

Thiên Thai-Văn Cao-ca sĩ Anh Ngọc, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Dao
https://www.youtube.com/watch?v=tCRvrHukShw
Nếu cho rằng bản Thiên Thai là cõi mơ thần tiên của Văn Cao, thì bản Trương Chi chính là tiếng hát cô đơn của ông ở đời thường. Văn Cao là một con người cô đơn, cô đơn cả theo nghĩa cụ thể lẫn trừu tượng, cụ thể tới mức lạnh lùng tàn nhẫn, như trong suốt hơn 20 năm sau ngày được gọi là ngày giải phóng thủ đô Hà Nội, Văn Cao đã ngồi uống rượu một mình. Sự cô đơn thê thảm ấy đã được Trịnh Công Sơn hồi tưởng lại vào năm 1993. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh Văn Cao ngồi một mình với ly rượu trước mặt, ngày này qua ngày khác. Ông ngồi  đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống, ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng, ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người, người và ly rượu đã trở thành người thân thiết, chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng hiu quạnh, không còn ai khác có thể san sẻ giùm.” .
Còn cô đơn theo nghĩa trừu tượng chính là nỗi cô đơn trong các tác phẩm của ông, ở đây chúng ta đang nói tới Trương Chi. Qua ca khúc này Văn Cao đã mượn dòng nhạc và lời hát để kể lại chuyện tình tuyệt vọng của Trương Chi với Mỵ Nương. Chuyện tình dân gian này ai cũng biết, ai cũng thuộc, thậm chí còn trở thành một ca khúc ăn xin cho những người hát dạo ngoài Bắc. “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu, hát thì thật hay. Mỵ Nương vốn ở lầu tây, con quan Thừa Tướng ngày rày cấm cung”. Nhưng Văn Cao đã đi xa hơn những nhạc sĩ khác từng cảm hứng trước chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương. Ông đã mượn hình ảnh xấu xí và tiếng hát tài hoa của nhân vật Trương Chi, để nói về con người và số phận, đồng thời cũng là nói về chính mình.
http://baotreonline.com/wp-content/uploads/2017/07/gia-dinh-van-cao.jpg 
Gia đình Văn Cao năm 1991

Trong truyện, Mỵ Nương say mê tiếng hát của chàng ngư phủ Trương Chi, nhưng khi gặp mặt thì lại thất vọng vì chàng quá xấu xí nên khước từ, chàng buồn tình gieo mình xuống dòng sông tự tử, nhưng, cũng giống như bất cứ chuyện tình thần tiên nào khác, chuyện tình éo le Trương Chi Mỵ Nương đã kết thúc có hậu. Chàng chết, nhưng vì cuộc tình chưa thỏa , trái tim không tan đi mà hóa thành ngọc đá, người đời đem ngọc ấy làm thành bộ ly trà tặng gia đình quan Thừa Tướng. Một ngày nọ, Mỵ Nương bưng chén trà lên, thấy chàng ngư phủ hiện ra, cất tiếng hát trong miệng chén, thương nhớ con người và tiếng hát năm xưa, nàng rơi lệ nhỏ xuống chén ngọc. Thế là mối oan tình tuyệt vọng từ bao năm, nay đã được đền bù thỏa mãn, chén ngọc tức trái tim của Trương Chi mới tan vào hư vô. Nhưng chàng Trương Chi thời đại, tức Văn Cao không đi tìm cái chết mà chấp nhận sống để tiếp tục, “Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca, trái đất vẫn còn riêng ta”. Chỉ có điều đáng tiếc là ngay từ ngày ấy tức năm 1944, rất ít người chịu để ý, chịu hát lời hai của bản Trương Chi. Ðáng tiếc bởi vì chỉ qua lời hai ấy, Văn Cao mới tiên kiến về những hệ lụy sẽ đến với đời mình, đó là ngày ông không còn được phép đàn hát nữa. “Ðêm thu dài đến, khoan tiếng nhạc rơi, nhạc ơi, thôi đàn ..” Trong tích xưa, Mỵ Nương đã nhỏ lệ xuống trái tim Trương Chi để hồn chàng được siêu thoát. Ngày nay, ai sẽ nhỏ lệ xuống nấm mồ Văn Cao?
Trương Chi -Văn Cao- ca sĩ Anh Ngọc
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/truong-chi-van-cao-anh-ngoc.LHH8kHW1bo.html

Hoài Nam
http://baotreonline.com/van-cao-ky-3/
*
*     *
Thăng Long Hành Khúc Ca
nhạc: Văn Cao - lời: Văn Cao - Đỗ Hữu Ích

Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng
Trông khói sương chiều ám trên dòng sông
Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó!
Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông

Tháp đây! Gươm Thần đâu dưới nước biếc
Có chăng! Bao ngươì bao nhiêu luyến tiếc
Này phường này phố cũ
Này đường về Ô xưa!
Bóng xưa ngàn năm hồ phai khi tàn mơ

Thăng Long! Thành xưa!
Thăng Long, ngày nào cờ khoe sắc phấp phới
Loa vang xa chiêng thu không tiếng hát ngát trong trống thành
Bao năm qua các chốn cũ cũng đã mất hết tinh anh

Thăng Long thành:
Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long ngày nay
Dân trí sống yên vui chờ gió mới theo về
Bao ánh sáng phương Tây từ khắp chốn theo về
Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long ngày mai
Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng
Gần xa hò hét:
Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long Thành

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire