jeudi 23 août 2018

Mắm Dưa Thịt Da Dân Tộc - Xuân Vũ

Mắm Dưa Thịt Da Dân Tộc - Xuân Vũ - Thanh Phương diễn đọc
*
*     *


Viên Linh
Còn nhớ đó là vào khoảng 1968, chính sách Chiêu Hồi của chính quyền Quốc Gia đang phát động mạnh, một hôm nhà văn Xuân Vũ được dẫn vào tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến, đặt tại số 2 đường Hồng Thập Tự.µ
 
Nhà văn Xuân Vũ (1930-2004).
Chủ bút tờ báo “bàn giao” công việc cho tôi, nói rằng đây là một nhà văn mới hồi chánh, và dặn anh Xuân Vũ rằng từ nay anh làm việc với thư ký tòa soạn của tờ báo. Bài anh sẽ đăng trên trang ba của Tiền Tuyến, mà tôi là người hàng ngày chịu trách nhiệm làm các trang 2-7, 3-6. Xuân Vũ đưa ra một xấp bài, nhan đề là Ðường Ði Không Ðến.
Xuân Vũ người thấp, mặt vuông, vai u, lè phè, nhưng cử chỉ nhanh nhẹn, vầng trán cao, chịu lắng nghe và nói ít. Dung mạo một người như anh, tôi nghĩ, nhìn qua cái gì là biết hết, nhưng làm hay không là chuyện khác. Lông mày rậm và ánh mắt tinh anh là điều dễ thấy nhất ở anh. Ðiều nữa sau này tôi thấy là hình như không bao giờ anh đi giầy. Anh thường đi dép. Tôi không chỉ làm việc biên tập với Xuân Vũ suốt thời gian anh viết Ðường Ði Không Ðến trên tờ nhật báo, ngày lại ngày qua cả năm, mà sau này còn làm việc với anh cùng một phòng, tám giờ một ngày, tại Ðài Mẹ Việt Nam, trụ sở ở số 7 đường Hồng Thập Tự. Chủ bút tờ báo dặn dò gì anh hồi chánh viên Xuân Vũ là chuyện trước đó, phần tôi thì bổn phận rõ ràng: Tôi chịu trách nhiệm trước khi phổ biến bài của anh. Anh có thể là người chân thành tìm tự do, một Victor Kravchenko khoảng hai mươi hai năm trước (so với 1968) rời bỏ Liên Bang Xô Viết rồi viết I Chose Freedom - cuốn sách mà bất cứ tay chiến tranh chính trị nào cũng muốn biết qua - hay tôi có thể bị vào tròng, tuyên truyền cho Việt cộng ngay trên tờ báo chính thức của quân đội, là chuyện tôi phải “ngửa cổ ra mà lãnh,” nếu chuyện đó xảy ra. Tầm mức ấy khiến tôi là người đã đọc Ðường Ði Không Ðến từng dòng, từng chữ, từ khi nó ở dạng bản thảo, viết chữ nghiêng, mà chữ nghiêng thường khó đọc hơn chữ đứng. Tôi đã hỏi anh nhiều lần sau một câu, một kỳ, tôi còn đề nghị với anh nhiều câu nhiều kỳ khác. Tôi hoàn toàn tin anh và chúng tôi đối với nhau như hai đồng nghiệp từ đó.
Giao tình giữa Xuân Vũ và tôi thường trực hơn, thân hơn, từ 1974. Nhờ làm việc chung một cơ quan tám tiếng một ngày với nhau, tôi biết thêm một điều về anh: Anh cần ngủ trưa. Chỉ có đâu ba mươi phút để ăn trưa, mà anh phải ngủ khoảng ba mươi lăm phút là ít. Cho nên anh thường ngủ quá giờ ăn của mình. Ban biên tập thường trực của đài, lãnh lương tháng, có tám người, mà ba là hồi chánh viên, ngoài tác giả Ðường Ði Không Ðến còn có một đạo diễn từng đi học ở Mạc Tư Khoa về, và Thượng Tá Tám Hà, trung đoàn phó gì đó mà địa bàn hoạt động là quanh vùng Nha Trang, Khánh Hòa. Xuân Vũ đi làm bằng xe đạp, có lẽ nhà ở quanh đó, vùng Thị Nghè, cách sở vài cây số. Trong các biên tập viên tôi biết chỉ một mình anh đi xe đạp, không phải anh nghèo. Anh không có cung cách một nhân viên sở Mỹ, dù Ðài Mẹ Việt Nam thực tế là trực thuộc Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ngoài ban biên tập còn các biên tập viên cộng tác, là những người được mời viết trên căn bản bài, viết bài gửi vào (không ngồi trong đài, lãnh nhuận bút từng bài) mỗi bài tùy theo hạng, nhưng tối thiểu là ba ngàn, tối đa là năm ngàn một bài để đọc trong năm phút.
Những ngày gần Tháng Tư không khí Ðài Mẹ Việt Nam trầm lặng trong bí ẩn. Khoảng tháng ba chúng tôi đã được hỏi một câu giản dị thôi, nhưng không giản dị về phía người hỏi: “Theo bạn, tình hình sẽ ra sao nếu miền Nam có một giải pháp liên hiệp?” Thượng Tá Tám Hà, Xuân Vũ và tôi nhìn nhau. Chúng tôi lắc đầu, hay có thể diễn tả như thế. Riêng tôi, câu trả lời được nói ra rõ ràng: “Theo thôi thì liên hiệp chỉ có nghĩa là cộng sản sáu tháng sau.” Ðây là buổi họp của giữa các nhân viên Việt Nam và các cố vấn Mỹ từ tòa đại sứ qua. Trong một buổi họp khác, một tờ giấy được đưa cho mọi người, trong có một câu hỏi đáng nhớ: “Nếu chiến sự lan tới Sài Gòn, đài phải di chuyển ra một hải đảo, bạn có sẵn sàng đi theo đài không?”
Người được hỏi phải viết vào tờ giấy câu trả lời và ký tên. Nghe thì giản dị, nhưng đó là một câu hỏi sinh tử nếu anh đang là quân nhân tại ngũ, hay công chức đương nhiệm. Nếu anh ký nhận đồng ý theo đài, 'di chuyển ra một hải đảo,' là anh hứa sẽ đào ngũ, và đào nhiệm với chính phủ và quân đội nước anh. Với tôi thì giản dị vì đã giải ngũ từ cuối năm 72. Cố vấn về tổ chức quân sự của Việt cộng là nguyên Thượng Tá Tám Hà, ngồi sau cái bàn bên tay mặt; bạn hồi chánh viên của tôi là Xuân Vũ, ngồi ở một góc tối, chỉ nhìn. Như nhìn vào khoảng không. Tôi nhớ hai tháng sau đó ở Guam, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau mái tóc Bác Tám trắng phơ. Hơn 20 năm sau chúng tôi không liên lạc với nhau, cho tới khi Xuân Vũ đọc được bài tôi viết về học giả Ðào Duy Anh. Anh viết thư cho tôi:
1. “Gửi Viên Linh thân mến. Già mẹ nó rồi mà cứ tưởng còn như hồi ở Xè Goòng 1973 uống cái chai Cointreau của bạn ở số 7 Hồng Thập Tự. Người xưa đâu tá cả rồi? Thấy có Hồi ký Ðào Duy Anh thì muốn đọc. Ông già đó với Nguyễn Tuân là tôi đọc liền. Ðó là trí thức, văn sĩ. Ổng nói câu này: ‘Lập trường không thay được khoa học.’ Còn Tố Hữu thì bảo: ‘Cần gì khoa học ta có chính trị...’’ Hai câu đó tôi nhớ, ghi lại không dám thêm một chữ ông à. Như nước với lửa vậy. Nay tôi thấy hình ông nhận không ra hồi mình ra Phú Quốc. Cái đêm bị ăn cắp sạch láng mà vẫn xách [...]qua Mỹ Khởi Hành nay đã 28 năm. (1) Mình đang viết ÐÐKÐ (Ðường Ði Không Ðến) tiếp. Mô tả cặp chân Ba lê của cô Thu, nay đã trên 70 rồi, không biết có còn đẹp không. (2)
Ông đã đi vào ngõ ngách của báo chí chứ không phải đại bang, đại lộ, nhưng cái ngõ ngách rất lạ rất đông khách đến nhậu. Phải dân ‘nhậu’ văn chương thì mới đọc Khởi Hành. Ðến số này tôi mới cất để đọc đây. Cảm ơn, Bẫy Ngầm. (3)
Ðường đi không đến. Xuân Vũ.” 22.5.03
[Chú thích lá thư trên: 1. Ðêm 29.4 cả toán nhân viên Ðài Mẹ Việt Nam bị ăn cướp có súng chặn lại, cứ 10 va-li thì họ lấy 9, cho lại 1.
2. Có lẽ Thu Hà, xướng ngôn viên Ðài Mẹ Việt Nam. “70 rồi...” là tác giả tự nói mình, chứ không phải nói Thu Hà.
3. Bẫy Ngầm là quán cà phê tại đường Cao Thắng Sài Gòn, VL, Xuân Vũ hay gặp nhau ở đấy.]
2. Ông Ðào Duy Anh nói một câu mà nếu Mác nghe chắc sẽ ngồi dậy cãi nhau với cụ. Ở đâu mà bạn có được tài liệu quí thế? Cố gắng ra Khởi Hành. Nó sẽ lớn và trở thành tư liệu Văn Hóa VN nhờ tay VL đó. Cần gì tôi viết được thì gọi 210 67092...”
3. “Thấy nói là không còn ai sống từ thời NVGP (Nhân Văn Giai Phẩm). Ở Hà Nội thì tôi không rõ nhưng Hải ngoại này còn tôi. Tôi sống suốt thời đó, từ nó ra đời tới nó chết. Và tôi có gặp nhiều người, cả trăm. Tôi dự các cuộc đại hội ở Hà Nội. Ðại khái là ở Hà Nội, ở Thái Hà Ấp, mỗi cuộc gồm có cả ngàn văn nghệ sĩ mới cũ, Nam Bắc, VB (?)lẫn Hà Nội. Không giới nào tôi không quen. Ông có cần thì tôi viết cho toàn bộ diễn biến Nhân Văn Giai Phẩm mà tôi thấy và dự nhưng không bảo đảm có đầy đủ hay không và theo nhận định của tôi. “Chủ tọa đấu tố là Hoàng Văn Hoan không phải Hoài Thanh và Tố Hữu đâu. Chủ tọa mời Tô Hoài lên phát biểu Tô Hoài nhất định không lên. Tôi còn nhớ Tố Hữu mạt sát Bảy Trấn lúc đó là GÐ Ðại Học Nhân Dân (nơi tập trung đấu tố) rất thô lỗ ông ạ. Lạ thật.
(Tôi đã yêu cầu Xuân Vũ viết bất cứ gì anh biết về NVGP, từ người đến việc, viết như quay phim như chụp ảnh, liên tục cũng được mà từng pha cũng được. Cứ dương máy lên mà chụp, rồi thảy cho tôi. Ði chợ cứ mua loạn lên, về thảy cho tôi, tôi làm đầu bếp, xào nấu kho chua kho mặn món khô món ướt là chuyện của tôi. Xuân Vũ đã gửi cho tôi những tài liệu quí về NVGP. Những dòng chữ cuối cùng của đời anh rồi sẽ được gửi tới bạn đọc. Những trang viết chữ nhỏ, viết tháu và liền liền, viết dọc và viết ngang gửi tới tôi hình như trong tháng 8. 2003.)

Nhà văn Xuân Vũ từ trần

SAN ANTONIO, Texas - Hội Ái Hữu Bến Tre - Khánh Hòa thông báo là nhà văn lão thành Xuân Vũ, tên thật là Bùi Quang Triết, đã qua đời vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 1, 2004 tại San Antonio, Texas, thọ 74 tuổi.
Nhà văn Xuân Vũ, sinh quán tại Mỏ Cày, Bến Tre, ngày 19 tháng 3 năm 1930, từng học tại trường College Mỹ Tho, đi kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Bắc vào năm 1955. Sau khi hiểu thế nào là Cộng sản, ông đã tìm cách trở lại miền Nam, bỏ Cộng sản. Năm 1963 ông được trở về miền Nam và đã ra Hồi chánh Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1968.
Xuân Vũ được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1972 với tác phẩm Ðường Ði Không Ðến. Lễ hỏa táng được cử hành vào ngày Thứ Hai 5 tháng 1, 2004 tại nhà quàn Oakhills, San Antonio, Texas.” (Báo Người Việt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire