vendredi 10 août 2018

Đoàn xe tang trên đường phố Hội An - Trần Trung Đạo

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg8xRGHIM1R77xkEKIs5JaTDoipQk8WfJbn3ZG21HwwBU75FbkU99UVKf7RwyRjTtmW-DrpyAgsgmgvvVN_0vU33bfwf9gTPiKsOktKudTlHzjJpn8EocKZinSuLUwBVk9-py3DWY-owMo/s1600/%25C4%2591a%25CC%2580n+bo%25CC%2580+va%25CC%2580o+ho%25CC%25A3%25CC%2582i+an-danlambao.jpgNgày đó, 41 năm trước, những người này hay cha mẹ những người này ngồi trên những chiếc Molotova dơ dáy, phủ những nhánh cây rừng, đội nón tai bèo, tay cầm súng AK, khuôn mặt hầm hầm tiến vào thành phố. 
Ngày này, 41 năm sau, những người đó hay con cái những người đó ngồi trên những chiếc Limousine sạch sẽ, mới nhập màu đen lánh, ăn mặc sang trọng, tay cầm iPhone, khuôn mặt tươi cười, tiến vào thành phố.
Ngày đó, khá đông các thành phần tò mò, nằm vùng, ngây thơ chào đón họ. Chiếc bánh vẽ “độc lập, tự do, hạnh phúc” còn rực màu sơn nên không ít người tưởng thật. 
Ngày này, gần như không còn ai tò mò, không còn ai ngây thơ, không còn ai nằm vùng ra chào đón họ. Chiếc bánh vẽ được thay bằng chiếc bánh bao Tàu nhưng thịt có tẩm chất salbutamol siêu nạc.
Đoàn xe tang trên đường phố Hội An 
Tác giả: Trần Trung Đạo-HạtSươngKhuya trình bày
*
*     *
Đoàn xe tang trên đường phố Hội An 
Tác giả: Trần Trung Đạo-HạtSươngKhuya trình bày

Đoàn xe màu đen như xe tang đi qua trên đường phố Hội An trong lặng lờ như đoàn xe Đức cũng màu đen trên đường phố Paris tháng Sáu 1940. Dăm bóng người ngơ ngác và không ai vẫy tay chào. 
Để giữ gìn các kiến trúc không thể thay thế, bảo vệ an toàn, kính trọng các giá trị lịch sử và nét đẹp tự nhiên, nhiều thành phố cổ trên thế giới nghiêm cấm xe chạy trong những khu lịch sử. Trung tâm thành phố Vienna ở Áo, Grand Place ở Bỉ, Nuremberg ở Đức, đảo Hydra ở Hy Lạp v.v.. nghiêm cấm xe cộ ra vào. 
Hội An giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử của Đàng Trong vào cuối thế kỷ 16. Trong thế kỷ 17, thành phố là nơi thả neo của nhiều tàu buôn quốc tế, nơi nghiên cứu và ẩn dật của các nhân vật cách mạng, chính khách thế giới sa cơ. 
Hội An có những mái ngói cong, những cột gỗ liêm tròn chạm trổ công phu, những con đường lót sỏi chạy dọc theo bờ sông Thu Bồn thơ mộng chảy từ Trà My tuyệt vời ra Thái Bình Dương bát ngát. 
Thời gian trôi qua, các điều kiện địa lý và kinh tế chính trị thay đổi, trục giao thương chuyển ra Đà Nẵng nhưng các giá trị lịch sử của Hội An vẫn còn nguyên vẹn. 
Sau 1975, Phố Cổ vốn u trầm lại càng buồn hơn. Thành phố già nua trong thời chiến càng cằn cỗi hơn trong thời bình. Con người Hội An, giống như cả nước, sống trong sự an bài của định mệnh hơn là chọn lựa của đời mình. 
Nhưng từ khi được UNESCO công nhận định chế World Heritage Site năm 1999, Hội An ngủ quên suốt mấy trăm năm và may mắn sống sót trong cuộc chiến tranh dài đã thức dậy. Du khách nhiều nơi trên thế giới ồ ạt ghé thăm và thích thú được chiêm ngưỡng một Phố Cổ rêu phong nhưng gần như còn nguyên vẹn trong lòng một miền Nam Việt Nam điêu tàn và đổ nát. 
Những chiếc lồng đèn, những mái ngói cong, những cột gỗ liêm chạm trổ công phu, những tiệm cao lầu, những địa danh nghe rất lạ tai nhưng vô cùng thân thiết trong lòng người dân xứ Quảng như chùa Cầu, chùa Âm Bổn, chùa Ông từ quá khứ lãng quên bỗng hóa thành cơm gạo, bạc tiền giúp nuôi sống người dân của thành phố không có một công nghệ chính nào. 
Sự kiện đoàn xe nhiều chục chiếc của Nguyễn Xuân Phúc chạy trên đường Phố Cổ Hội An cấm chạy xe cho thấy bản chất vô văn hóa, thiếu tư cách của những người lãnh đạo Cộng Sản, sau 41 năm vẫn không thay đổi. 
Không có trường học nào dạy Chủ tịch Quốc hội cách cho cá ăn, một Chủ tịch Nước chọn lời ăn tiếng nói hay một Thủ tướng Chính phủ biết con đường nào nên tránh lái xe qua. Những điều đó thuộc về tư cách. 
Những việc như nhổ một cây đinh, nhặt dăm cộng rác, rải thức ăn xuống hồ cá, mở lời trước công chúng nước ngoài, chọn một lối đi, rất nhỏ nhoi và gần như phản xạ tự nhiên nhưng thường là thước đo trung thực nhất cho tư cách con người. 
Tư cách con người là kết quả của một quá trình sống, học hỏi, trải nghiệm lâu dài trong một môi trường giáo dục khoa học, nhân bản và khai phóng chứ không phải là một món hàng có được qua mua sắm bằng tiền nhất là tiền ăn cướp của kẻ khác. 
Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý ánh mắt đầy giận dữ của người dân Hội An đứng nhìn đoàn xe nặng nề đang lăn bánh trên con đường mỏng manh sau mấy trăm năm chịu đựng lụt lội, nắng mưa? 
Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS có để ý đôi mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của các du khách ngoại quốc đứng bên đường nhìn lãnh đạo cao cấp của một quốc gia đang vi phạm luật lệ do chính các lãnh đạo đó ban hành? 
Dĩ nhiên Nguyễn Xuân Phúc và đám quan quyền CS không thấy, bởi vì, dù ngồi trên Molotova trước đây hay Limousine hôm nay, họ cũng chỉ là một loại người chưa khai hóa. 
10.08.2016
Trần Trung Đạo
danlambaovn.blogspot.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire