samedi 28 mars 2015

Ngày trở lại... - Nguoiduatin (Danlambao)

https://a.disquscdn.com/uploads/mediaembed/images/1883/8963/original.jpg?w=600&hTôi muốn tham dự nhưng không muốn viết với tư cách dự thi. Tôi muốn viết như một lời tri ân cứu tử đến với người lính VNCH, người lính Mỹ và những người tử tế đã giáo dục tôi nên người có ích cho xã hội. Tôi muốn trải lòng mình như một sám hối với mọi người để được tha thứ và yêu thương... Vì tôi, là đứa trẻ mồ côi.



  
Ngày trở lại... 
Nguoiduatin (Danlambao) - Giọng đọc Cát Bụi 

Làng cô nhi Long Thành
Thường là mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, những người lính Mỹ được sự hướng dẫn của lính VNCH đến thăm và tặng quà và quần áo cho chúng tôi, những đứa trẻ vô thừa nhận. Không biết họ tặng gì cho làng cô nhi, nhưng lũ trẻ chúng tôi thì được dạy ca hát và những trái cam Mỹ thì chúng tôi để dành... ném nhau, không cách gì ăn cho hết những thùng giấy đựng đầy những trái cam vàng tươi mát lạnh. Ký ức hạnh phúc đời người có khi thật đơn giản với hai chữ bình yên của tuổi thơ.
Noel năm 1968, vào buổi chiều trong lúc người lính Mỹ bắt nhịp dạy chúng tôi hát bài Jingle Bells, thì cũng là lúc những đứa trẻ mồ côi biết thế nào là súng đạn. Nghe tiếng đạn bắn vào những vách tôn, cứ tưởng như mưa rào giữa trời đang nắng gắt, những tiếng thét vì trúng đạn, những tiếng khóc của lũ trẻ chúng tôi vì sợ hãi cùng những tiếng hét "Tất cả nằm xuống" của người lính VNCH như một mệnh lệnh đã cứu sống hàng trăm trẻ mồ côi, và tôi là một trong số đó. Khi tiếng súng dừng hẳn, chúng tôi bắt đầu được hướng dẫn di chuyển ra ngoài, thì thêm loạt đạn như mưa "tưới" vào lũ trẻ vốn dĩ đã chịu nhiều bất hạnh. Người lính VNCH hét lên tiếng gì đó rồi túm cổ áo xách tôi lên như một chú chó con, ném vào lòng người lính Mỹ, ông ôm tôi trước ngực chạy ra và nhào vào hố rác, thế là tôi được sinh ra lần nữa từ một đống rác, nhưng có thừa nhận bởi người lính VNCH và lính Mỹ. Chỉ có cha mẹ mới dám chết cho con cái mình được sống... Chợt buồn nhớ mẹ, mẹ ơi, mẹ mang nặng đẻ đau con, chín tháng mười ngày, sao mẹ nỡ bỏ rơi con.
Trong trí óc non nớt của trẻ thơ ngày đó, tôi không biết có bao nhiêu bạn mồ côi được đem chôn, nhưng nhớ một bạn tên Miên bị trúng đạn và được người lính Mỹ chuyển sang bên kia đồi cùng với những người lính bị thương. Tôi thù ghét chiến tranh từ đó... Nhưng khi nào tôi còn hiện diện trên cõi đời này, tôi sẽ mãi mãi biết ơn người lính VNCH và người lính Mỹ đã lấy thân mình che đạn cho trẻ mồ côi, để gìn giữ sự sống cho tôi và bạn bè cùng cảnh ngộ. Lính VNCH ơi, lính Mỹ ơi, con chân tình xin lỗi vì không biết người lính VNCH và người lính Mỹ là ai, tên gì, ở đâu, còn sống hay đã mất. Nhưng xin nhận nơi con một lạy tạ ơn cứu tử, như nợ tang bồng vay trả, trả vay mà kiếp này con không thể nào trả được.
Từ Lasan Mossa đến thằng du đãng
Không nhớ chính xác là tôi có mặt ở Lasan Mossa tại Thủ Đức khi nào vào thập niên 60s, nhưng nhớ lắm ông anh con ruột của cha mẹ nuôi, anh hay nhiếc tôi là thằng ngu, mà tôi ngu thật. Chưa bao giờ điểm toán của tôi vượt quá con số ba, bù lại khi thi vào trường nội trú thì tôi đậu điểm cao và anh thì thi rớt, bà má nuôi phải năn nỉ rất nhiều anh mới được vào học chung trường. Có thể từ đó anh bắt đầu biết thương thằng em nuôi ngu đần của mình mỗi khi anh cần "dicté" điều gì. Cứ ngỡ cuộc sống như vậy là tốt đẹp song hành với quả đất xoay tròn, nhưng không, số phận của trẻ mồ côi như một định mệnh, phải để cho dòng đời đẩy tới xô lui...
Ngày cha nuôi ra "tòa áo đỏ" ở bến Bạch Đằng Sài Gòn, để nhận cái án nhiều năm khổ sai vì tội buôn lậu thời VNCH, cũng là ngày tôi bị buộc phải rời khỏi ngôi trường thân yêu để tham dự cuộc chơi trần thế khi bà má nuôi không còn tiền đóng tiền học. Tôi phải trở về quận Tư. Viết đến đây chợt nhớ cha Laurant, người phụ trách hướng dẫn học trình cho tôi, ông xin bà má cho tôi được làm con nuôi của ông và ông hứa sẽ nuôi tôi ăn học đến thành tài. Sau khi bị từ chối, cha Laurant có về thăm tôi một lần tại đường... nhà số... ở quận Tư. Ông chào từ biệt trước khi trở về Pháp sau khi hôn lên trán đứa trẻ khôi ngô nhưng sinh lầm thế kỷ.
Dốt vẫn hoàn dốt, chữ nghĩa trả cho thầy. Tôi thật sự khiếp đảm với bạn trẻ cùng trang lứa tại quận Tư, chửi tục là điều tối kỵ với đứa học sinh từng mài đũng quần ở Lasan Mossa. Nhưng sự đời vốn không đơn giản, người xưa nói đúng "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Sống ở quận Tư hiền quá thì bị ăn hiếp, dữ quá thì cửa Chí Hòa luôn mở sẵn... Và tôi đã vào khu nhi đồng vì tội chém người ở tuổi vị thành niên. Sau đó là chuỗi ngày "tự do" bụi đời, đánh giày, bán báo Mỹ từ Sài Gòn ra tới Vũng Tàu... Bất kỳ nơi nào cũng sẵn sàng đổ máu để tồn tại. Khi con người bị đẩy đuổi vào hoàn cảnh "nhanh thì sống, chậm thì chết" là ký án chung thân với cuộc đời đen như mõm chó. Với ký ức lộn xộn, không biết phải bắt đầu viết từ đâu cho có thứ tự, nhưng chắc rằng tôi không viết gì ngoài sự thật.
Sau 1975, thú thật mới biết thế nào là cái đói tại miền Nam. Cơm còn không đủ ăn, mơ gì đến thịt cá, thời Cộng Sản ngăn sông, cấm chợ, muốn mua thịt rẻ từ miền tây mang về Saigon buộc phải nấu chín và có giới hạn, Cộng Sản nói là để ngăn chận chợ đen, "đầu cơ tích trữ" của bọn tiểu tư sản. Thịt sống sẽ bị tịch thu với tội "con buôn", nước mắt của đồng bào nghèo khi bị tịch thu chút thịt heo, phải chan với cơm ăn cho qua ngày đoạn tháng, chữ nghĩa nào có thể viết hết nỗi khổ đau của người miền Nam sau tháng tư đen?
Năm 1979, đói quá mà lang thang cũng đâu có dễ, không khéo bị mấy chú côn an khép tội ăn không ngồi rồi đưa đi cưỡng bức lao động, đành phải lên rừng Đồng Xoài chặt lồ ô cho hãng giấy Cogido tiêu thụ, thụt nẹp (cây lồ ô chẻ làm tư, làm tám) bán cho các đầu nậu để họ đang cần xé chứa rau quả, bạn bè là những chú vắt rừng láu cá đeo bám không thua gì đỉa đói. Không còn chịu nổi cảnh đói khổ nữa, ai làm gì tôi không biết. Bản thân thì muốn đổi mạng sống để có cuộc đổi đời... theo quan niệm đường phố... "thà một phút huy hoàng rời chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Và cái giá phải trả là nhiều năm tù với tội danh cướp có vũ khí.
Gặp Bảy Xi, anh rể Năm Cam tại trại cải tạo Đồng Tháp thời ông Tám Sên làm trưởng trại, ông nói khi ra tù tôi sẽ có "tương lai sáng lạng" nếu chịu theo ông học nghề... cờ bạc. Hoặc làm "phát hỏa" bảo kê giữ sòng bài cho ông và Năm Cam. Đúng là trời còn thương, chớ nếu sau khi ra tù mà đầu quân cho Năm Cam chắc giờ này cũng đã xanh cỏ... Và nói cho đúng sự việc, người đầu tiên "được mời" để bắn Dung Hà là tôi đây, chớ không phải Hải Bánh, nếu tôi nhận lời Năm Cam, trị đám giang hồ bắc Hải Phòng. Sống ngoài vòng pháp luật là chuỗi ngày đen tối nhưng có cái thú riêng của nó với những ai có chút... máu liều.
Không phải vì thù ghét Cộng Sản mà vu vạ cho chúng, nhưng sự thật là các trại cải tạo tù hình sự của chế độ Cộng Sản, sự đói khát không giáo dục được con người tử tế hơn, môi trường tù hình sự "huấn luyện" con người trở nên thủ đoạn và tàn nhẫn hơn, kể cả những tên côn an mang danh "quản giáo". Vì lý do an toàn cá nhân chưa thể viết chi tiết để bạn đọc thấy sự khốn nạn của tù mồ côi (không có ai thăm nuôi). Xin kể chút chuyện nhỏ. Trại cải tạo Đồng Tháp có mười nhà, chia làm hai dãy, mỗi nhà có đào hố chứa nước tiểu phía sau, xây bằng xi măng âm dưới đất, cứ mỗi sáng "xuất chuồng" (điểm danh xuất phòng) là tôi phải chạy ngay ra phía sau để bắt chuột cống rơi vào hố tiểu, bắt được con nào lột da, cắt đầu, bỏ ruột ngay tại chỗ và hôm đó xem như thuộc diện... có thăm nuôi.
Cha tôi. Người giáo dục tôi nên người tử tế là một linh mục
Thú thật, dạo trước nói về dân Thiên Chúa giáo, tôi ghét không thua gì Cộng Sản. Từ sau 1975, mỗi lần nghe giọng Bắc kỳ là tôi bỏ đi chỗ khác để khỏi phải... ở tù. Mỗi lần "thành công" trong một vụ cướp, tôi la cà các quán nhậu, dò xét để săn các nạn nhân mới, lắm tiền nhiều của, thường là mấy chú đội "ăn nên làm ra" nhờ "giải phóng" miền Nam, cho đến một ngày trong cơn say nghiêng ngửa, tấp vào vệ đường làm ly đá chanh cho bớt say đời và buồn người... Bên kia đường vọng lại tiếng hát:
Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh
Gặp gỡ Đức Kitô chân tình mình gặp mình
Gặp gỡ Đức Kitô chứa chan tình đệ huynh...
Ừ, thì gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình...
Và mỗi Chúa Nhật buồn vì "Chiều nay không có em, thành phố quên chưa lên đèn..." là tôi trốn bạn nhậu mò tới nhà thờ Kỳ Đồng Saigon, ngồi nghe nhạc... ké. Có lẽ số phận đã mỉm cười với thằng trời đánh thánh vật. Tôi học đạo làm người, từ bỏ mọi điều xấu xa tội lỗi, chối bỏ những lời mời tanh mùi máu dù có thể sẽ mang lại rất nhiều tiền. Hoàn lương nhưng chưa hồi tâm là vẫn còn tai họa, nếu không có ông linh mục ở nhà thờ Kỳ Đồng khuyên dạy, có thể tôi đã giết kẻ thù, mà bạn bè cầm chắc tôi sẽ thực hiện. Cứ xem như dấu chấm hết của cuộc đời. Tôi tìm đến ông, muốn sám hối lần sau cùng, ông kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể chuyện... Những tưởng ông sẽ khuyên dạy nhiều về chuyện của tôi, nhưng ông chỉ im lặng. Đến khi đã trút hết nỗi lòng, chào ông để ra về, ông mới nói: Tôi muốn nhờ anh một việc, ngày mai lúc 8 giờ xin hãy đến đây giúp tôi. Tưởng ông nhờ chuyện gì, ông đưa tôi đi thăm bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Ông xin tôi hãy chia sẻ cùng những người sắp chết bằng những lời khuyên hãy can đảm đối diện với sự thật, vì họ có muốn sống cũng không còn cơ hội nữa. Thật mỉa mai, người sắp chết thì muốn được sống, và người đang sống khỏe mạnh thì muốn chết, thế là tôi từ bỏ ý nghĩ đen tối. Con xin cám ơn cha đã dạy cho con biết sự sống quý giá đến chừng nào.
Cách giáo dục của ông linh mục làm tôi thấy xấu hổ với chính mình, tôi không phạm tội giết người vì tước đoạt mạng sống của ai dù là kẻ thù. Tôi mang ơn ông linh mục bằng tất cả tâm trí mình. Và từ đó tôi xem ông như người cha đáng kính, cho tôi nương tựa mỗi khi tôi vấp ngã. Ngồi gõ những giòng này như hồi tưởng quảng đời buồn nhiều hơn vui của đứa trẻ mồ côi, sinh trong chiến tranh trưởng thành trong lao lý. Ai đó nói lắm ân nhân thì nhiều phiền lụy, tôi cho rằng điều đó có thể đúng, bởi oán thì trả dễ nhưng ân muốn đền chắc phải hẹn kiếp lai sinh.
Nguoiduatin
danlambaovn.blogspot.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire