mercredi 11 mars 2015

30.4.75 – Tháng Ba buồn … hiu !

https://ongvove.files.wordpress.com/2010/03/img0704.jpg 
Thời gian 35 năm, từ 3.75 tới 3.2010, là một nửa đời người nếu tôi chỉ xin được sống bình an đến 70 tuổi thôi là đủ rồi, vậy mà hằng năm cứ đến tháng 3 là lòng tôi lại nao nao buồn bã, bao hình ảnh của chiến trận năm xưa, vào hạ tuần tháng 3.75, lại hiện về khiến tôi giảm tuổi thọ! Cuộc chiến “không chiến*” ấy chỉ xẩy ra trong vòng một tuần lễ trên một đoạn đường không xa, từ cửa Thuận An, Huế đến bờ biển Non Nước Đà Nẵng mà có quá nhiều đổi thay, quá nhiều điều khó hiểu luôn dày vò tâm can khiến tôi lại ngậm ngùi nghĩ về Tháng Ba Buồn Hiu!
(* Tôi gọi cuộc chiến “không chiến” không có nghĩa là máy bay ta và địch đấm đá nhau trên trời mà là quân ta ở dưới đất chưa có đánh nhau thực sự với địch mà đã phải rút theo lệnh, theo lệnh vào ngõ cụt khiến quân ta bị đẩy vào cửa tử! Tôi còn nhớ như in những ngày buồn thảm ấy, như mới xẩy ra ngày hôm qua mà thôi! )
Ngày 25.3.1975
Mới 6.30 sáng, Đại Úy Nguyễn Quang Đan, danh hiệu Đại Dương, chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, đã gọi tôi trình diện gấp, vừa gặp anh, Đại Dương vội vã nói với tôi như có việc khẩn cấp:
– “Tiểu Cần mang PRC.25 ra ngay bãi trực thăng TL.SĐ chờ tôi”.
– “Nhận rõ, tôi chờ Đại Dương tại bãi trực thăng của TL”.
Theo kinh nghiệm, tôi lập lại khẩu lệnh cho chắc ăn để không hiểu lầm rồi làm sai lệnh của cấp trên, chào Đại Dương xong là tôi mang máy PRC25, ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra chỗ trực thăng của Tư Lệnh đang đậu, nhưng trong đầu không khỏi thắc mắc về cử chỉ vội vã khác thường này của Đại Úy Đan. Nhưng cũng không còn thì giờ để nghĩ tiếp vì xe jeep của TĐ.THD chở phi hành đoàn cũng vừa tới, hai phi công phóng vội lên trực thăng và cho nổ máy. Khoảng 5 phút sau thì Đại Úy Đan đi tới cùng với Đại Tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Lê Đình Quế, danh hiệu Quang Trung tất tả đến, chúng tôi tôi cùng leo lên trực thăng ngay.
Cất cánh lên cao, trực thăng trực chỉ hướng Bắc, dọc theo bờ biển, khi vừa qua khỏi Lăng Cô, Đại Úy Đan ghé sát miệng vào tai tôi gần như hét lên để át tiếng cánh quạt máy bay:
– “Tiểu Cần gọi LĐ.147 để Quang Trung nói chuyện với Long Mỹ”
Long Mỹ là Đại Tá Nguyễn Thế Lương Lữ Đoàn Trưởng LĐ.147.TQLC. Khoảng 30 phút sau, trực thăng đến vùng bờ biển Thuận An, nơi tập trung quân của Lữ Đoàn, theo lời yêu cầu của Đ.Úy Đan, trực thăng giảm độ cao, bay rất thấp, thấp đến độ tôi có thể nhìn rõ màu bảng tên của tiểu đoàn các anh TQLC ở dưới đất, thấy rõ các anh ngước lên đưa tay vẫy mỗi khi trực thăng bay qua phạm vi đóng quân của từng đơn vị, những gương mặt vui tươi với những nụ cười hy vọng dù rằng cả một ngày và đêm các anh phải đi bộ từ tận cùng phía Bắc Huế về đây theo kế hoạch lui binh. Nhưng các anh vui tươi và hy vọng điều
gì khi chỉ một chiếc trực thăng bay ngang? Hẳn nhiên là mong thẩm quyền “cõi trên” nhìn thấy và biết rõ những gì các anh đang cần để mà đáp ứng hầu tiếp tục chiến đấu.
Là lính truyền tin mang máy đi theo Tư Lệnh nhiều năm, loáng thoáng nghe qua cuộc điện đàm giữa Quang Trung và Long Mỹ nên tôi hiểu được tình hình và những chuyện gì đang xảy ra dưới bờ biển kia! Tôi thông cảm với nụ cười và hy vọng của các anh mỗi khi trực thăng bay qua, dù rằng không biết là giới chức nào ngồi trên đó, nhưng ít nhất “trực thăng” cũng đã thấy tận mắt hoàn cảnh bi đát của các anh, “kìa đoàn quân chiến thắng” không phải trở về mà bị buộc lui binh, lui binh trên lộ trình “rút cầu”!
Cầu phao ở cửa Tư Hiền, trên đường lui binh đã không được thực hiện theo kế hoạch Alfa!
Trực thăng bay dọc theo bờ biển theo hướng Nam Bắc và ngược lại nhiều lần để Quang Trung nói chuyện với Long Mỹ, khoảng 30 phút sau thì trực thăng quay về BTL.SĐTQLC trong căn cứ Non Nước.
Về đến BTL.SĐ chưa đầy 10 phút, đang uống ly nước lạnh do T.S Hòa, văn thư của TL cho để dằn “bụng đói” thì Đại úy Đan gọi vào văn phòng:
– “Tiểu Cần, tụi mình sẽ bay ra Thuận An nữa để tiếp tế gạo cho anh em, chúng ta vẫn dùng trực thăng của Thiếu Tướng Tư Lệnh”.
– “Tôi luôn sẳn sàng, chúng mình sẽ bay ra tiếp tế gạo cho anh em, tôi ra trực thăng trước để chờ thẩm quyền”.
Khi tôi đến nơi thì một số anh em thuộc TĐ.THD đang chất những thùng gạo sấy lên chiếc trực thăng, tôi phụ một tay để cố sắp xếp sao cho càng nhiều càng tốt, nhưng khoang tàu chỉ có sức chứa 10 thùng là tối đa. Vậy với chỉ một chiếc như thế này thì chở không được bao nhiêu, và phải bao nhiêu chuyến trong lúc hơn 3000 người đang “bụng không, bãi cát trống”?
Vẫn bay dọc theo bờ biển lên hướng Bắc, khi gần đến vị trí LĐ.147 thì phi công hỏi Đại Úy Đan kế hoạch tiếp tế những thùng gạo xấy này thì anh Đan cho lệnh đáp xuống bãi cát, anh em dưới đất phụ vào để giải tỏa rất nhanh cho trực thăng cất cánh làm chuyến khác. Nơi đầu tiên nhân được gạo sấy là một đơn vi. PB.
Qua chuyến thứ hai, theo tính toán của anh Đan và phi công thì đáp và cất cánh tốn nhiều thời gian nên các anh cho trực thăng bình phi cách mặt đất chừng 10m rồi chúng tôi xô các thùng gạo sấy xuống, làm cách này rất nhanh, nhưng sau đó thì được biết một vài anh em bị thương vì thùng gạo rơi trúng người!
Xin lỗi các anh, cái khó nó bó cái khôn, chúng tôi không biết làm gì hơn. Chuyến thứ ba đã hoàn tất, như vậy chúng tôi đã thẩy xuống được tất cả 30 thùng gạo sấy, nhưng một thùng có bao nhiêu bịch gạo thì khó mà biết. Vội vã quay trở lại Non Nước để làm chuyến thứ tư trước khi phi cơ phải đi đổ xăng thì một bất ngờ, hết sức bất ngờ xẩy ra.
Phi công báo cho Đại Úy Đan (K21VB) biết là trực thăng của Chuẩn Tướng Điềm, TL.SĐ.1.BB lâm nạn, rớt xuống đất, hiện ông Tướng Tư Lệnh, sĩ quan tùy tùng và phi hành đoàn đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm, lại chưa liên lạc được với giới chức nào để tiếp cứu, phi công xin ý kiến Đại Úy Đan.
Nên nhớ trực thăng Đại Úy Đan đang sử dụng là trực thăng chỉ huy của TL.SĐTQLC và được Thiếu Tướng TL cho dùng để tiếp tế gạo cho lính của ông, vì không còn bất cứ phương tiện nào khác, nên trong trường hợp cần thiết và nguy hiểm này Đại Úy Đan hiểu được Chuẩn Tướng Điềm cũng sẽ không còn “chuồn chuồn” nào tới cứu ông! Đại Dương Đan OK với phi công đi cứu người ngay trước khi thông báo về BTL.SĐTQLC để xin “hợp thức hóa” sự liều mạng này.
Trực thăng đang xuôi Nam liền “quẹo” phải về hướng Tây (Trường Sơn) rồi “quẹo” phải một lần nữa về hướng Bắc, bay chừng 5 phút thì chúng tôi phát hiện trực thăng của Tướng Điềm nằm nghiêng đằng sau hàng dương liễu gần QL1, khoảng 10 km phía Bắc Lăng Cộ
Chúng tôi vừa đáp xuống cách trực thăng bị nạn chừng 150m thì phi hành đoàn, Chuẩn Tướng Điềm và một vị thiếu tá rời khỏi trực thăng chạy về hướng chúng tôi. Lập tức toán VC ở bìa làng gần QL1 cũng đang tiến đến chỗ trực thăng bị nạn liền khai hỏa về phía chúng tôi.!
Có lẽ trước khi chúng tôi đáp xuống cứu chuẩn tướng thì toán VC này còn ở xa hoặc đang thăm dò tình hình và xin lệnh “thủ trưởng” là bắt sống hay giết chết! Nhất định phải bắt sống, vì VC nghĩ những “địch quân” ngồi trên “máy bay lên thẳng” ắt phải là cấp “sư”. Nay thấy chúng tôi đến cứu vớt, “hớt tay trên” những nhân vật quan trọng từ “trời rơi xuống”, những mồi ngon của chúng nên chúng vội vã xả súng để hy vọng gỡ gạc may ra gây cho địch “từ chết tới bị thương”.
Nhìn thấy Chuẩn Tướng Điềm khập khiễng khó khăn chạy trên cát mà VC thì bám sát bắn rát sau lưng ông, tôi tự động không cần đắn đo suy nghĩ mà phóng ào ra khỏi trực thăng, chạy thật nhanh đến ông, dìu tiếp sức giúp ông chạy nhanh hơn. Ông và tôi là hai người cuối cùng còn “đầu đội trời, chân đạp đất”, vừa chạm tay vào mép sàn trực thăng thì trên máy báy bao cánh tay của các “thượng đế” đưa ra nắm lấy chúng tôi, người túm áo, người nắm vai, thậm chí còn có thượng đế dám nắm cổ ông tướng kéo lên, miễn sao thoát khỏi bàn tay của quỷ dữ.
Trực thăng bốc lên ngay khi hai chân tôi còn đang tòng-teng phía ngoài, vài tràng súng bắn theo, tôi lạnh giò đúng nghĩa, nhưng khi đã an vị trên sàn thì tôi đưa tay vẫy vẫy chọc quê mấy cháu “bác”, giã từ vũ khí AK. Cùng lúc một bàn tay vỗ nhẹ vai tôi, tôi quay lại, ông tướng mỉm cười nói:
– “Cám ơn em, em tên gì?”
Trực thăng của TL.SĐTQLC đưa TL.SĐ.1BB và phi hành đoàn bị nạn về đến phi trường Đà Nẵng (SĐKQ) là Đại Úy Đan cho quay trở về BTL.SĐ ở Non Nước ngay. Tôi chuẩn bị sẵn sàng chất gạo xấy lên máy bay cho chuyến tiếp tế thứ tư, nhưng khi anh Đan và tôi vừa nhẩy ra khỏi thì trực thăng bốc cao, tôi hỏi:
– “Trực thăng đi đâu vậy Dại Dương?”
– “Đi đổ xăng”. Anh Đan lắc đầu đáp gọn, giọng nói như nghẹn họng!
Sau ba phi vụ tiếp tế, tôi không còn nhận được lệnh gì nữa, coi như chuyện bay ra Thuận An để thả những thùng gạo xấy xuống cho anh em nhai chấm dứt, tôi xin nhấn mạnh chữ “nhai”, vì anh em có còn giọt nước nào đâu để đổ vào gạo xấy cho gạo sẽ thành cơm! Dù xung quanh các anh là những đầm nước, là đại dương mênh mông, vì người ta có thể uống nước tiểu chứ không thể uống nước biển. Quả thật anh em LĐ.147 đang chết “vì nước” trước biển cả! Nếu anh em ăn được cát thì đâu cần trực thăng tiếp tế lương thực! Không ăn được cát thì “cát ăn”, cá ăn kiến, kiến ăn cá mà, đã có nhiều xác phải vùi vội vàng xuống cát vì không có tiếp tế! Chết vì không có trực thăng tiếp tế đạn dược, thuốc men, nước uống và lương thực dưới bầu trời đầy “chuồn chuồn” đang xuôi Nam!
Vị danh tướng tiền phương QĐ.1 khi ra mắt cuốn sách viết về trận chiến Bình Long Anh Dũng “Hell In An Lộc” đã trả lời phóng viên báo Người Việt:
– “Trận An Lộc chứng tỏ một cách hùng hồn rằng QLVNCH nếu được yểm trợ đầy đủ về hỏa lực và tiếp liệu thì có thể đánh bại các sư đoàn thiện chiến nhất của Bắc Việt, dù chúng được pháo binh và thiết giáp yểm trợ” (NV 8803).
Trung Tuong Lam Quang Thi
Vậy mà khi điều binh cuộc chiến “Tháng Ba Buồn Hiu 3.75″ này, dưới tay Tướng Tư Lệnh có SĐ.1.KQ và HQ vùng I Duyên Hải, PB đủ loại mà ngài lại quên sử dụng để yểm trợ hỏa lực và đạn được khiến quân dưới quyền của ngài, cụ thể là LĐ.147.TQLC thiếu đạn để bắn quân thù, anh em chúng tôi bèn dùng lựu đạn M26 để ôm nhau rút chốt!
Ba mươi năm năm sau hay 70 năm thì vẫn thắc mắc xuông vậy thôi chứ nào dám hỏi ai đâu! Ngay việc muốn hỏi Đại Úy Đan là tại sao không tiếp tục tiếp tế gạo xấy cho LĐ.147 mà tôi còn không dám hỏi thì nói chi tới chuyện lấy “sào khều mặt trời”, dám thắc mắc với Trung Tướng Tư Lệnh Tiền Phương QĐ.1, tác giả “Hell In An Lộc” rằng sao ông không cho lui binh theo QL.1 mà lại điều quân ra bờ biển, bảo quân đi qua cầu phao ở cửa Tư Hiền, nhưng ngặt nỗi cầu phao thì không bắc mà những con thuyền (tàu) thì cũng “viễn xứ”! Thôi thì đành anh em ta ôm “em 26″ vào lòng cho xướng!
Đại Tá Nguyễn Thành Trí TLP, chỉ huy lực lượng TQLC tại mặt trận Quảng Trị Huế đã ghi lại lệnh rút lui của Tướng Tiền Phương Lâm Quang Thi như sau:
– “Lực lượng Tây Bắc Huế do tôi (Tướng Thi) chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó di chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây Hải Quân và Công Binh QĐ.1 sẽ thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng. LĐ.468.TQLC từ đèo Hải Vân sẽ cử một đơn vị đến chiếm núi Vĩnh Phong để bảo vệ điểm vượt sông đồng thời làm thành phần tiếp đón. SĐ.1.BB do Tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục QL1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông (cửa Tư Hiền), song song cùng với cánh quân TQLC…”.
Hay quá! Nhưng chỉ kẹt một sợi tóc là “cóc có” cầu phao nên SĐ.1 tan hàng và LĐ.147.TQLC bị đưa ra “pháp trường cát Thuận An”! Tại sao không có cầu phao? Câu trả lời thuộc về HQ vùng I và CB.QĐ.1, cao hơn là TL Tiền Phương.
Ngày 26.3.1975
Phạm vi trú đóng của TL.SĐ yên lặng, mọi người làm việc bình thường, cái bình thường hình như không yên ổn. Tôi chỉ loanh quanh trong vị trí đóng quân, sẵn sàng xách máy chạy theo TL bất cứ lúc nào ông đi bay. Thỉnh thoảng tôi lên TOC (TTHQ.SĐ) để kiểm soát lại hệ thống liên lạc, mật hiệu, tần số xem có gì thay đổi hay không rồi trở về ngay chốn cũ “bến đò xưa”.
Ngày 27.3.1975
Tin LĐ.147 bị hốt trọn gói, bị bắt hết (trừ một số thương binh đã được LCM vào bốc từ hôm trước) chỉ vì hết đạn và tàu HQ không vào đón theo kế hoạch lui binh Alfa khiến chúng tôi rụng rời tay chân. Trời hỡi, trời ơi! Tôi thực sự bàng hoàng sửng sốt, không tin là sự thật! Mới chỉ hôm qua hôm kia thôi, các anh còn cười đùa “vẫy tay chào nhau” với chúng tôi để đón những bịch gạo xấy. Cái kết thúc quá tàn nhẫn và đau thương!. Các anh còn đội ngũ đội hình vững vàng, còn đầy đủ cấp chỉ huy can trường luôn sát cánh cùng quân sĩ của mình, các anh vẫn còn đầy đủ hay dư thừa sự gan lì và kỷ luật của một đoàn quân luôn chiến thắng và chưa bao giờ chưa bao giờ biết lùi bước. Nhưng các anh lại thiếu đạn dược lương thực và đau đớn là bị bỏ rơi chỉ vì bờ biển “cạn” tàu không vào được! Các anh bị bắt chỉ vì cầu phao tại cửa Tư Hiền không được HQ và Công Binh thiết lập theo lệnh của Trung Tướng TL.TP. Ai là người gây ra thảm họa này. Nếu TL.QĐ.1.TP chọn lui binh theo QL1 thì chắc chắn không có thảm cảnh cá nằm trong rọ. Ai đã đơm LĐ.147?  Lữ đoàn 147.TQLC gồm các Tiểu Đoàn 3,4,5 và 7 chính là những tiểu đoàn tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị thì nay những tiểu đoàn ấy lại bị bỏ rơi một cách khó hiểu.
Trận chiến năm 1972 và tái chiếm Cổ Thành, chỉ một đoạn đường không bao xa, từ ngã ba Tri Bưu đến chân thành Đinh Công Tráng, các anh đã phải bò, trườn, lăn có ngày chỉ tiến được 50m với hằng trăm đồng đội bị gói trong “poncho”. Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh TĐTr.TĐ.3, một trong mũi tấn công đã nói rằng ngày nào tiểu đoàn chỉ hy sinh dưới 20 mạng là “may mắn” lắm rồi! Vì thế trong 55 ngày đêm từ khi khởi sự cho đến lúc ngọn cờ quốc gia phất phới bay trên đống gạch vụn thành Đinh Công Tráng theo lệnh của Tổng Tư Lệnh tối cao thì binh chủng TQLC chúng tôi đã phải hy sinh hơn 3000 tay súng, mà một người hy sinh thì 4 người bị thương! Nhưng ngày đó chúng tôi không khóc, vậy mà hôm nay 27.3.1975, cũng hơn 3000 tay súng TQLC phải “chết đứng” trên bãi cát chỉ vì súng họ không còn đạn khiến anh em chúng tôi khóc! Chúng tôi khóc vì thương cho đồng đội bị dồn vào lưới, tống vào rọ ở bờ bên kia cửa Tư Hiền, ngăn sông chỉ vì thiếu một cái cầu phao!
Tôi thương cho thằng Hùng, thằng Lý, thằng Đức v.v.. Tôi nhớ đến Cam Ranh, Thiếu Tá Phạm Cang TĐTr.TĐ.7, một thần tượng của tôi, anh là xử lý Lữ Đoàn 147 sau khi LĐT bị thương, anh đã ở lại để cùng bị trói với đồng đội Lê Quang Liễn, Phạm Văn Tiền, Nguyễn Văn Sử với hơn ba ngàn thuộc cấp!
Ngày 28.3.1975
Thiếu Tướng Bùi Thế Lân
Như thường lệ, cứ 6 giờ sáng là tôi đã quân phục chỉnh tề, kiểm soát máy PRC25, pin, hệ thống liên lạc v.v.., nếu có một trục trặc nhỏ là tôi được ưu tiên đổi máy mới toàn hảo, mang máy theo Tư Lệnh thì mọi thứ mọi điều phải 5.5. Tánh của ông nghiêm nghị ít nói, suốt 3 năm mang máy theo ông tôi chỉ một lần bị sao “quả tạ” chiếu mạng. Ngày N, trên đường bay đến LĐ.258, TL muốn nói chuyện với Đồ Sơn, Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng, nhưng không hiểu vì sao mà tôi không thể liên lạc được với BCH.LĐ dù máy móc OK, thời tiết tốt. TL nhắc lần thứ nhất với Đại Úy Đan, chánh văn phòng TL, rồi lần thứ 2, thứ 3, anh Đan nhìn tôi lo lắng thương hại, còn tôi thì hồn vía “lên mây”! Lần thứ 4 TL quay sang “gõ” vào đầu tôi và nói tiếng Đức, chỉ có vậy thôi, rồi trực thăng cũng đáp tại LĐ.258 và đã có Đại Bàng Đồ Sơn ra đón TL. Có điều nghĩ lại cũng buồn cười, TL là “Bắc Kỳ” 100% mà lại nói tiếng Đức theo lối “Nam Kỳ” nên nghe lạ tai và kỳ-kỳ làm sao ý. Một kỷ niệm khó quên.
Đã 10 giờ sáng rồi mà không thấy động tĩnh gì cả, thường thì TL đi thăm các đơn vị vào lúc 8 giờ sáng. Tôi lò mò đến gặp đầu bếp của TL, Tr.S Nam để thăm dò tin tức chứ trong lòng đầy mối lo nhưng lại “bụng không dạ trống”, anh Nam luôn cưu mang tôi mỗi khi túi không tiền, mà túi tôi không tiền gần như suốt 25 ngày trong tháng.
Vừa trông thấy tôi mang bộ mặt rầu rĩ, anh Nam tưởng lầm tôi đói nên cho một chén cơm nguội đỡ lòng. Kể ra sự “hiểu lầm” của anh Nam cũng rất dễ thương và ước mong ai cũng hiểu lầm nhau theo phong cách này. Vừa nhai lưng chừng nửa chén cơm nguội thì Tr.Hòa vào gọi bảo tôi đi gặp Đại Úy Đan gấp! Thế là đành bỏ dở chừng chén cơm nguội đang ngon miệng, rồi ba chân bốn cẳng chạy đi, lòng thầm nhớ câu cải lương “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
Tôi không còn nhận ra Đại Úy Đan của ngày hôm qua nữa, trông anh tựa như người vừa bi. VC bắt, hẳn là anh đã thức trắng đêm, tôi nào có hơn gì anh, quanh đây đầy một không khí tang tóc, hình như ai cũng khóc cho đồng đội vừa mới…! Không phải như lời ca Cờ Bay “vừa mới chiếm lại đêm qua bằng máu” mà các anh “vừa mới bị trói đêm qua đầy máu”! Đại Úy Đan nhỏ nhẹ bảo tôi:
– “Tiểu Cần đến TĐ truyền tin SĐ nhận 2 bộ antena trời, 2 âm thoại viên và 2 máy PCR25 rồi sang BTL.Hải Quân bên Sơn Chà gặp Đ.Úy (?) Hải Quân trực TOC, ông ấy sẽ hướng dẫn địa điểm để Tiểu Cần thiết lập hệ thống liên lạc dã chiến cho Tư Lệnh”.
– “Thưa Đại Dương, anh em tôi đi bằng phương tiện gì?”
– “Tiểu Cần đi bằng xe của TL, Tài xế Ngọc đã sẵn sàng rồi”
– “Sau khi xong rồi tôi phải làm gì tiếp, thưa Đại Dương?”
– “Standby, chú ở đó để chờ lệnh mới”
– “Nhận thẩm quyển 5.5, ở tại đó để nhận lệnh mới”.
Tôi đến TĐTT thì gặp Đai Úy Trần Văn Viễn (ĐT.ĐKTHQ) đang chờ tại văn phòng, Đ.U Viễn là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi, anh em tôi làm việc với nhau lâu rồi và có thật nhiều kỷ niệm êm đềm, anh luôn hướng dẫn và giúp đỡ mỗi khi tôi cần đến. Sau khi trao cho tôi 2 bộ antena trời và những gì cần thiết cùng 2 âm thoại viên, T.S Tân, H.S Mạnh, Đ.U Viễn nắm chặt tay tôi nhắn nhủ:
– “Sang bên đó nếu có gì trở ngại, chú gọi cho tau ngay, đi bình an”
– “Cám ơn anh, tôi sẽ…”
Theo đúng nhà binh thì phải gọi là “đại úy”, nhưng đối với tôi, gọi cấp bậc tuy đúng nhưng họ chỉ là cấp chỉ huy, còn khi tôi gọi anh Viễn, anh Cang, anh Đan ở chỗ riêng tư thì các anh vừa là cấp chỉ huy vừa là vai anh về mọi phương diện trong một gia đình. Tôi không ngờ đó là lần cuối củng chào anh! Chúng tôi gặp lại nhau sau 33 năm trên đất tạm dung nhân dịp đại hội TQLC 2008 tại Nam CẠ
Chúng tôi đến BTL.HQ vào lúc 12 giờ 15 và đã gặp ngay vi. Đ.U HQ (quên mất tên rồi), ông dẫn tôi đến địa điểm đã chỉ định sẵn, đó là một “bunker”, hầm nổi bằng bao cát 10m x 6m, nằm cách hầm TOC.HQ chừng 5m. Sau khi quan sát, tôi quyết định dựng antena trên nóc hầm. Sau hơn một giờ làm việc, tôi, TS Tân, HS Mạnh và cả TS Ngọc tài xế đã dựng xong antena, bắt đầu vào hệ thống liên lạc để thử từ QĐ, SĐ, các đơn vị bạn được 5.5, tôi gọi về báo cho Đ.U Đan bằng tần số riêng thì vẫn nhận được lệnh y như cũ, có nghĩa là “standby”, chờ lệnh mới.
Ngồi tựa vào tường cát của hầm trú ẩn để nghỉ cho bớt mệt, khi hăng say làm việc thì quên đói, giờ đây ngồi không, bao tử trống réo gọi! Đói cồn cào, từ sáng sớm đến giờ mới chỉ có nửa chén cơm nguội, nghĩ đến nửa chén còn bỏ dở mà vị chua tiết ra càng làm bao tử sót! Chính lúc này tôi lại nhớ đến cái đói của anh em trên bãi cát Thuận An mà cách nay 3 hôm mới chỉ nhận được 30 thùng gạo xấy cho hơn 3000 người, nếu chia đều, mỗi TQLC được 1 thìa café! Ê chề quá!
Mặt trời khuất bóng về hướng Tây, cái váng vàng úa của buổi chiều tàn phản chiếu lại lên bầu trời một mầu ảm đạm thê lương! Hay tại tôi “lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Màn đêm bắt đầu bao phủ cũng là lúc Tư Lệnh TQLC đến rồi lần lượt các vi. TL quân binh chủng khác đáp trực thăng về đây mở cuộc họp ngay tại TOC.HQ (Trung Tâm Hành Quân Hải Quân).
Ngồi ở cửa hầm TOC với Tr.Uy Tạ Hạnh, chúng tôi nhận diện được quý tướng lãnh vào họp trong TOC là Trung Tướng Tư Lệnh QĐ.1 Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Tư Lệnh Tiền Phương QĐ.1 Lâm Quang Thi, Thiếu Tướng TL.TQLC Bùi Thế Lân, Tướng Nguyễn Duy Hinh TL.SĐ.3.BB, Tướng TL.HQ Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi không biết rõ cấp bậc Hải Quân nên cứ gọi là ông Tướng cho chắc ăn, cùng khoảng năm sáu vị đại tá, trong đó có Đại Tá Nguyễn Thế Lương LĐT.LĐ.147, ông bị thương nên Th.Tá Phạm Cang TĐT.TĐ.7 được chỉ định xử lý LĐT.LĐ.147).
Cũng cần nói thêm là trong các vị tướng Tư Lệnh đến họp, tôi không thấy 2 vị tư lệnh “không quân”, (nói lại cho rõ là tôi không thấy chứ chưa hẳn là nhị vị này vắng mặt), Đó là Tướng “không quân” TL.SĐ.1.BB, đại đơn vị của ông đã bị cái “cầu phao” lừa, còn Tướng Khánh TL Không Quân vùng 1 chả nhẽ cũng “không quân” nên không cần đến dự? Có cũng như không chăng? Vì mấy ngày này chẳng thấy phản lực bỏ bom đâu cả mà bỏ đi đâu! Chằng thấy chuồn chuồn chuyển quân, tiếp tế, tải thương đâu cả! Chẳng lẽ “mắng mí phí táy, thiểm zường tú lọoc tài zi?”, có nghĩa là chuồn chuồn bay mất thì mưa ngập bờ ao!
Trong khi các vị tướng lãnh đang họp trong TOC thì CSBV bắt đầu pháo kích vào BTL.HQ, cường độ tăng dần, lúc đầu có những trái rớt ngoài vòng đai BTL.HQ nhưng rồi tiền sát viên của chúng nằm gần đâu đây để điều chỉnh dần vào mục tiêu, nhiều trái nổ gần chỗ chúng tôi, tài xế Ngọc báo cho biết xe jeep của Tư Lệnh bị pháo không còn sử dụng được nữa, môt số C&C bất khiển dụng.
Cuộc họp khoảng hơn một giờ thì chấm dứt, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đi ra trực thăng trước, Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC ngoắc tôi và bảo mang máy theo Trung Tướng TL.QĐ.1. A-lê-hấp, tôi quảy máy PRC25 lên lưng và tức tốc chạy theo, ra đến sân cờ, nơi trực thăng đậu, tôi còn đang chờ một vị thiếu tá lên trước rồi tôi mới lên. Ngồi trên trực thăng ngó xuống, thấy tôi Tr.Tướng hỏi:
– “Chú đi đâu đây?”
– “Thưa Trung Tướng, Th.Tướng TL tôi bảo tôi mang máy theo Tr.Tướng”.
Suy nghĩ trong giây lát rồi ông Tướng khoác tay bảo:
– “Thôi, không cần, chú trở lại với TL đi, cho tôi gửi lời cám ơn ông”.
Trở lại cửa TOC.HQ, Tr.Úy Tạ Hạnh vẫn còn ngồi đó, tôi trình bày tự sự nhưng cũng chẳng nghe TL hỏi han gì nữa. Rồi tất cả mọi người trong phòng họp lần lượt bước ra và rời BTL.Hải Quân, lúc đó vào khoảng gần 10 giờ đêm, VC vẫn còn pháo lai rai vào sân cờ.
Thiếu Tướng Tư Lệnh bước tới chỗ tôi và Tr.Úy Hạnh, gương mặt TL đăm chiêu, suy nghĩ, Tr.Úy Hạnh vội trình với Tư Lệnh:
– “Thưa Thiếu Tướng, mình phải bám theo Tư Lệnh HQ thôi, vì tất cả phương tiện không còn nữa, xe trúng pháo hư rồi, trực thăng cũng hư…”
Tư Lệnh suy nghĩ đôi phút rồi gật đầu, Tr.Úy Hạnh quay sang tôi:
– “Tiểu Cần, chạy sang gọi tất cả anh em lên đường”
Tôi vội chạy sang “bunker” gọi 2 ATV, TS Ngọc, HS Hương và vài người nữa rồi nối gót theo TL đi về hướng mà Tướng Thoại mới đi. Chúng tôi băng ngang sân cờ, vừa gần tới vọng gác thì có tiếng anh lính HQ la lớn:
– “Ê, đề-lô VC, bắn nó, bắn nó”.
Sau tiếng la là một tràng M16 vang lên rồi tiếng người lính HQ:
– “Đ.M. ông hạ được mày rồi, thằng khốn nạn”.
Đến chân núi thì chúng tôi bắt kịp toán của TL.HQ, mọi người nối tiếp từng bước thật khó khăn ven theo chân núi Sơn Chà, những tảng đá to nhỏ bám đầy rong biển, lại thêm sóng đánh vào nên tạo ra đoạn đường rất ư là trơn trượt, chỉ sơ xẩy một tí thôi là sẽ bị té nhào hay bàn chân bị kẹt vào giữa 2 tảng đá thì gẫy như chơi! Thỉnh thoảng tôi và Tr.Úy Hạnh phải kè hai bên TL để tiếp sức và giúp ông lấy lại thăng bằng. Lúc này mà gẫy chân thì cuộc đời coi như đi đứt, cũng may là đêm nay “trăng sáng quá em ơi” nên cũng giúp cho chúng tôi thật nhiều.
Đi vòng dưới chân núi Sơn Chà chừng 2 tiếng thì chúng tôi ngồi nghỉ, TL.HQ làm tín hiệu bằng đèn pin cho tàu vào rước, có lẽ đến hơn 30 phút sau mà cá lớn cá nhỏ vẫn lặn mất tiêu, không có tàu nào vào đón cả nên TL.HQ nhờ tôi liên lạc bằng hệ thống TT.
Trời đất! Một giới chức đứng đầu vùng I Duyên Hải mà không có một ATV hay hệ thống L.L TT đi theo? Cũng may là trưa nay, trong lúc rỗi rảnh chờ lệnh mới, và qua nhiều năm tháng trong nghề đã dạy cho tôi những kinh nghiệm và lanh lợi nên tôi đã xin được tần số nội bộ của HQ nên bây giờ tôi vô tình lại kiêm nhiệm thêm vai trò một ATV của TL.HQ nữa, một ATV, hai TL! Chuyện hi hữu như các tướng lãnh họp hành quân mà không có tướng KQ (Tướng Khánh), như TL.HQ mà phải hành quân bộ trong đêm bên bờ biển!
Sau khi liên lạc được với HQ, họ gửi vào 2 tàu chiến, loại trang bị chiến cụ, không phải để chở quân, hình như là giang tốc đỉnh. Vì có nhiều đá ngầm và sóng biển nên tàu chỉ đậu cách xa bờ chừng 10m nên chúng tôi phải bơi ra. Muốn giữ cho máy PRC25 khỏi ướt, nên tôi phải đội máy lên đầu, vì vậy chuyện bơi ra tàu khá vất vả và mệt nhọc, và TL cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng an vị trên boong tàu. Thiếu Tướng TL, Tr.Úy Hạnh và tôi ngồi trên boong, cuối đuôi tàu, bộ quân phục ướt sũng, gió thổi mạnh, hơi nước biển, sương đêm phủ trùm càng làm tăng thêm cái lạnh suốt một đêm dài, ba thầy trò bó gối nhìn nhau. Người ta thường nói “bụng đói cật rét” nhưng chúng tôi bụng đói thì có, nhưng không phải cật rét, rét bên ngoài mà là rét từ trong, tự đáy lòng. Hai hàm răng lập cập vào nhau, cố mím môi cắn lợi để kềm lại mà không được, vậy mà TL luôn nhắc tôi phải cố giữ liên lạc với Hải Quân, với HQ802, Tư Lệnh nói:
– “Tiểu Cần chú cố gắng giữ liên lạc với HQ802, không có tôi họ không vào bốc anh em mình đâu”.
Nhắc lại điều này chắc hẳn một số bạn lính biển không vui, nhưng sự thật nó là vậy mà. Điển hình là khi Phó Đề Đốc TL.HQ phải nói rõ tên thì “tầu trưởng” mới tin và cho tàu vào đón. Điển hình là sau khi họp xong, tại sao PĐ không đi ra hướng cầu tầu ngay trong BTL.HQ Sơn Chà mà lại phải đi bộ, mò mẫm trong đêm dưới chân núi Sơn Chà? Vì cầu thì có mà tàu thì không!
Theo lời yêu cầu của TL.TQLC, chiếc tàu chơ? TL và anh em chúng tôi cứ ngược xuôi ngoài khơi trước cửa bãi biển Non Nước. Mãi tới 8 giờ sáng ngày 29.3.75, sau khi được biết đã có 2 tàu vào đón TQLC tại bãi biển Non Nước thì giang tốc đỉnh mới chuyển chúng tôi sang tàu lớn HQ 802, đậu ở ngoài khơi để đón các TQLC chuyển đến. Tới xế chiều không còn thấy tàu thuyền nào từ trong bờ chuyển quân ra nữa thì HQ802 nhổ neo, trực chỉ hướng Nam, nối đuôi nhau vượt trùng dương! Vĩnh biệt vùng đất địa đầu giới tuyến! Vĩnh biệt anh em LĐ.147.TQLC nằm lại hay bị bắt trên bãi cát Thuận An!
Để chấm dứt ở đây bài viết ghi lại những gì tôi chứng kiến, những gì một quân nhân nói chung và một ATV cho Tư Lệnh nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin được mượn lời của Đại Tướng Cao Văn Viên khi được báo chí phỏng vấn:
– “Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, 100 chứng nhân có 100 sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch”.
Vì thế tôi đã hết sức cố gắng loại bớt những chi tiết không cần thiết để tránh suy diễn bàn cãi mất thì giờ, nhưng cũng sẽ không thể tránh được một số sự kiện khác với cái nhìn của người khác. Nhưng cái chính xác không thể phản bác được mà ai cũng phải công nhận là SĐ.1.BB đã bị tan hàng bất dắc dĩ một cách đau khổ bệnh tr.. LĐ.147.TQLC với hơn 3000 quân đã bị lùa vào bước đường cùng, đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Và cuộc lui binh này nếu dựa theo trục chính là QL1 thì hẳn sẽ tránh được những thảm họa và không có thảm họa tiếp theo ở Đà Nẵng.
Tiểu Cần tôi ước mong được đọc những sự thật về “Hell on Thuận An Beach” của Lâm Tướng Quân trước khi (tôi) nhắm mắt…
MX Tiểu Cần, 8.3.10
https://ongvove.wordpress.com/2010/03/24/30-4-75-thang-ba-bu%E1%BB%93n-hiu/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire