mardi 6 août 2019

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và bản nhạc cuối đời: Tóc Xưa

toc-xoa%cc%832Tôi vốn là người “mê” mái tóc của phụ nữ. Có điều hơi khó tính, phải là tóc dài, thi vị hơn chút nữa là mái tóc đó tung bay theo gió. Kho tàng nhạc Việt đã có khá nhiều bài hát ca tụng những mái tóc. Thời còn thanh niên, bản nhạc “Tóc Mây” của Phạm Thế Mỹ là một trong số những bài hát tôi thích nhất, cả về ca từ lẫn âm điệu [*]:
                           
“Theo gió heo may đêm đêm gợi tình
Một trời áo tím trong mắt trên môi
Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành
Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui…”

“Tóc Mây” của Phạm Thế Mỹ không chỉ đơn thuần là… tóc mây. Theo tuần hoàn của vũ trụ, tóc mây có màu hồng trong “mùa hè vui đôi chân chắp cánh”, biến thành “tóc mây dài” vào mùa đông “môi em thắp sáng”, qua đến mùa xuân “cây thay áo mới” lại là “tóc mây vàng” và cuối cùng là “tóc mây buồn” vào mùa thu “xôn xao lá úa”:
“Mùa hè vui đôi chân chấp cánh
Tóc mây hồng cho mắt long lanh
Trời mùa đông môi em thắp nắng
Tóc mây dài, chân vui đường vắng
Rồi mùa xuân cây thay áo mới
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi
Rồi mùa thu xôn xao lá úa  
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi…”

tocthe 

Gần đây có một bài hát về tóc mà ít người biết đến qua một cái tên rất lạ: “Tóc Xưa” của Ngô Thụy Miên. “Lạ” vì bài này được sáng tác tại hải ngoại năm 2014 khi nhạc sĩ bước vào những năm tháng cuối đời. “Lạ” hơn nữa là bài “Tóc Xưa” có xuất xứ từ một bài thơ của một bác sĩ người Việt xa quê, sinh sống tại Anh Quốc.
Câu chuyện về “Tóc Xưa” có liên quan đến 3 người: 2 bác sĩ và một nhạc sĩ. Trước hết là anh Dương Văn Thiệt, nghề chính là bác sĩ nhưng lại nột nhà thơ “tay ngang”. Vợ anh Thiệt, chị Thọ Chí, chẳng may lìa đời. Anh Thiệt rất thương vợ, sau khi chị mất anh tình cờ thấy được một sợi tóc của người quá cố vẫn còn vương trên gối. Trong cơn xúc động, anh viết một bài lục bát lấy tên là… “Tóc Xưa”:
“Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng
Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa
Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng
Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau
Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”
DVT (2013)
soi-guong-chai-toc 

Một người bạn của anh Thiệt, anh Lê Văn Thu, cũng là bác sĩ, vốn trân trọng tình cảm của anh Thiệt đối với người vợ quá cố và cũng rất cảm động về những lời thơ ray rứt nên đã mạo muội viết một bức thư cho nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Thư anh Thu, đề ngày 18/2/2014, có đoạn viết:
“Tôi có một người bạn cùng lớp y khoa, hiện ở bên Anh, mới mất vợ cách đây gần 2 năm. Anh ấy rất thương vợ và đã làm rất nhiều thơ. Khi chị ấy mất, anh đã chôn hết thơ theo vợ; nhưng mới đây, trong một lần thấy được sợi tóc của vợ sót lại bên gối, anh đã viết được một bài thơ mà chúng tôi khi đọc đều thấy xúc động.

“Biết anh là một nhạc sĩ có tài phổ nhạc – chính những bản nhạc phổ thơ của anh mà mọi người, nhất là giới sinh viên thuở trước, mới biết đến Nguyên Sa – tôi xin mạn phép gởi anh bài thơ “Tóc Xưa” để anh xem. Nếu như bài thơ gợi cho anh chút cảm hứng thì xin anh phổ nhạc giùm. Anh Thiệt không nhờ tôi, nhưng tôi vốn rất thương anh ấy qua tư cách và tình cảm của anh ấy, và đồng thời rất quí trọng Thiệt, mặc dù mới quen – thấy anh chị rất hiền hòa, đôn hậu, khiêm nhượng – nên muốn được làm trung gian để giới thiệu bài thơ đó với anh.”
Đến ngày 5/8/2014 anh Thu nhận được email của Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên với nội dung sau:
“Dear anh Thu,
Viết vội gửi anh bản chép tay Tóc Xưa tôi phổ từ bài thơ của anh Dương Văn Thiệt. Tiếc là sáng nay mới biết software Encore viết nhạc của tôi bị bịnh, nên không thể gửi bản máy computer viết đẹp hơn nhiều!
Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ… Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của 2 anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy.
Thân,
Bình”

ngô thụy miên 

Ngô Quang Bình là tên thật của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, người đã một thời nổi tiếng với những bản nhạc trữ tình mang phong cách nhạc cổ điển. Thanh niên, thiếu nữ thời đó thuộc nằm lòng những lời ca “kinh điển” như…“nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông” hay “áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”…
Tất cả những ca từ đó có nguồn gốc từ thơ Nguyên Sa, giáo sư Triết, tên thật là Trần Bích Lan. Có thể nói, chính Ngô Thụy Miên đã chắp cánh cho những lời thơ Nguyên Sa để biến ông thành một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950 với những tác phẩm nổi danh như “Áo lụa Hà Đông”, “Tuổi mười ba”, “Tháng Sáu trời mưa”…
Theo Ngô Thụy Miên, bản nhạc ông ưa thích nhất lại là “Paris Có Gì Lạ Không Em”. Ông giải thích:
“Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình? Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu”.
Từ bài thơ đó, Ngô Thụy Miên đi tìm một điệu nhạc để chuyên chở ý thơ hay phải đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc. Ông tâm sự: “Paris Có Gì Lạ Không Em” khi đọc lên, tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971”.
Mở đầu bài hát là cung Ðô trưởng:
“Paris có gì lạ không em
Mai anh về, em có còn ngoan”.

Thế rồi đến câu “Là áo sương mù hay áo em…” từ cung Ðô trưởng lại chuyển qua La thứ để vào phần điệp khúc:
“Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây”.

Như đã nói ở trên, Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển Tây Phương và đôi khi nhạc của ông lại mang phần nào âm hưởng của thánh ca như trong bài “Từ giọng hát em”. Bài hát này và bài “Mắt Biếc” đều được viết theo âm giai trưởng. Ngay tình khúc duy nhất Ngô Thụy Miên viết tại Sài Gòn sau năm 1975, “Em Còn Nhớ Mùa Xuân” cũng được viết theo tông trưởng. 
Trở lại chuyện “Tóc Xưa”, Ngô Thụy Miên đã gửi cho người bạn đồng môn trường Nguyễn Trãi, Lê Văn Thu, không chỉ một mà là hai bản phổ nhạc theo cung trưởng và thứ với lời giải thích:
“Hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ “Xưa” như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,… để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào? Có phải “Xưa” đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống?
Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta , “Xưa” cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình”.
Trước nhất là bản viết tay phổ nhạc theo “Tóc Xưa” viết theo âm giai trưởng. Điều đặc biệt là lời thơ được giữ nguyên văn, không sửa một chữ. Thông thường, khi nhạc sĩ phổ một bài thơ thường phải sửa đổi một số câu chữ cho hợp với âm điệu của bài hát. Nhưng Ngô Thụy Miên đã không làm như vậy.
“Tóc Xưa” viết theo cung trưởng qua tiếng hát Đinh Thanh Tuyền

Tóc xưa (Version 1a)

Tc+xa

Một tuần sau, anh Thu lại nhận được bản “Tóc Xưa” thứ hai do Ngô Thụy Miên viết theo cung thứ. Khi chuyển lại cho tác giả bài thơ, anh Thiệt quá xúc động, anh nói sẽ đóng khung bản nhạc và để bên cạnh di ảnh của vợ với hy vọng chị sẽ được an ủi về món quà đầy ý nghĩa này.
Sau này, trong thư trao đổi giữa Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và Nhà thơ Dương Văn Thiệt, Ngô Thụy Miên viết:
“Mong rằng khi anh vui hãy nghe version 2, và khi buồn thì nghe version 1. Đó là để cân bằng tâm hồn mình với một kỷ niệm sống mãi với thời gian và không gian…”


Tc+xa+1

suối tóc1 

Toc xua 2A 

 Cả hai bản “Tóc Xưa”, âm giai trưởng và thứ, đã được ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên (tức con gái thứ của cố nghệ sĩ Đoàn Châu Mậu), soạn hoà âm, đệm đàn và hát. Đoàn Thanh Tuyền là người đã cùng Đức Huy xuất hiện chung ở Saigon thập niên ‘70 trong hai vai trò, nhạc sĩ và ca sĩ chính, của ban nhạc trẻ Đức Huy.
Giọng hát Đoàn Thanh Tuyền vẫn mượt mà và “Tóc Xưa” với phong cách quý phái, cổ điển đã đưa người nghe vào không gian mộng mị của một cặp vợ chồng chung quanh những sợi tóc. Đoạn kết buồn khi người vợ ra đi về bên kia thế giới để lại trên gối một sợi tóc lẻ loi…
“… tóc xưa giờ đã xa bay, sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”.

saigon8
Tóc Xưa - Tiếng hát: Minh Châu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire