vendredi 30 août 2019

Âm nhạc hải ngoại sau năm 1975 được hình thành như thế nào?

Trước khi làng âm nhạc hải ngoại bắt đầu phát triển vào những năm đầu thập niên 1980 với sự xuất hiện của nhiều trung tâm băng nhạc lớn, thì tất cả mọi sinh hoạt của người Việt hải ngoại thế hệ đầu tiên ngay sau năm 1975 đều ở tình trạng thủ công nghệ sơ khai tại gia.
Thời điểm sau năm 1975, trong tình cảnh thất thổ, lạc lõng nơi xứ người, âm nhạc dường như là điểm tựa tinh thần mạnh mẽ và duy nhất của những người thình lình trở thành những kẻ mất gốc.
Biến cố năm 75 xảy ra quá nhanh, không ai kịp chuẩn bị cho mình điều gì khác hơn tiền bạc, quần áo và nhiều thiết yếu khác. Một số người tình cờ mang theo được những băng nhạc cassette đã thậm thụt sang lại cho nhau, giữ làm “vốn liếng” những ngày còn ở trong các trại tạm trú.
Tuy nhiên, số người có được thứ vốn liếng tinh thần quý báu này không nhiều. Vì thế, khi ra trại, rất nhiều người muốn có nhạc Việt để nghe cho nguôi ngoai (hay tăng thêm) phần nhớ nhà.
Đứng trước nhu cầu tinh thần cấp bách này, một vài người đã nghĩ tới chuyện làm cách nào để thỏa mãn như cầu tinh thần lớn lao đó.
Bang Nhạc Thanh Lan 26

 Khởi tự đó, có hai “trung tâm” sang băng cassette tương đối lớn ra đời. Một là trung tâm Bốn Phương của ông Lâm (không phải ban nhạc và cũng là trung tâm nhạc Mây Bốn Phương sau này), và hai là trung tâm băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm Asia) của nhạc sĩ Anh Bằng với sự giúp sức tích cực của người cháu là Trần Thăng. Cả hai “trung tâm” này đều có trụ sở miền nam Cali, vốn chỉ là những chiếc garage để xe, hoặc để chưa vật dụng, được cải biến thành những “xưởng” hoặc phòng thu… “dã chiến” như thế.
Hiện nay, ít ai có thể hình dung được giai đoạn gần như “vô vọng” này; trước khi họ quen nước, quen cái, hùng dũng “tiến quân” khỏi những chiếc garage trong những căn appartment chật hẹp, trở thành thương hiệu lớn, hoạt động quy mô hơn.
Như đã nói, cả hai “trung tâm” Bốn Phương và Dạ Lan thời đó đều dùng “cơ sở” có sẵn của họ là những chiếc garage, với một ít máy cassette sang qua sang lại, số băng nhạc ít ỏi có trong tay, hầu cung ứng cho thị trường.

Thời đó, vì không có những cơ sở giống như đại lý, cho nên ông Lâm Bốn Phương phải lái chiếc xe van của mình đi bất cứ nơi nào cần “hàng” của ông.
Những người biết ông Lâm kể, ông có thể đi bất cứ nơi nào trên đất Mỹ với tấm bản đồ của mình. Những chuyến đi của ông Lâm-Bốn-Phương (tên gọi thân ái), không chỉ với mục đích bán băng nhạc mà, còn là mua (theo giá người có ấn định), hoặc mượn những người có băng nhạc và ông sẽ đền ơn bằng số băng mà họ muốn sau đó, sang được, tùy theo “bản gốc” là cassette hay băng “reel to reel”. Để nghe được lại băng nhựa lớn này, dân chơi thời trước tháng 4-1975, phải có máy Akai thì mới nghe được. Vì tính tốn kém cũng như cồng kềnh của băng gốc loại “reel to reel” này, dường như nó không được dân mới sang hải ngoại mang theo bao nhiêu.
Sau những chuyến chu du, thu nhặt các băng trước năm 75 đó, trung tâm Bốn Phương phát hành lại rất nhiều băng nhạc đã thực hiện trước 75, với hình thức băng cassette, thí dụ như cuốn băng tiếng hát Hương Lan này:

 
Băng nhạc Bốn Phương - Từ Tháng Tư Buồn

Riêng “trung tâm” Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng và Trần Thăng, vì là dân thứ thiệt, có nghề, nên thị trường của Dạ Lan ở ngay miền Nam Cali và Dạ Lan cũng mau chóng thu những những băng cassette “xào nấu” mới bằng một studio dã chiến, thiết lập ngay tại garage hay trong phòng khách nơi căn appartment của họ ở.
Nhạc sĩ Anh Bằng kể, những ngày khởi đầu của Dạ Lan (cũng là những ngày chập chững hình thành kỹ nghệ sản xuất băng nhạc sau này) rất khổ cực. Nếu không thật yêu nghề, không tha thiết muốn gửi tới mọi gia đình Việt tâm tình, đúng nhất là tâm hồn, hơi thở, sự sống Việt qua âm nhạc thì không thể làm được. Vì ông và người cháu cũng như những đứa con phải “sáng tạo” vật liệu cách âm bằng bất cứ vật dụng nào có được. Thí dụ màn cửa, chăn, mền, nệm, gối…

UserPostedImage


Bù lại, trời cũng không phụ lòng người, sau bao nhiêu khó khăn, dò dẫm thất bại liên tiếp trước khi thành công, cuốn cassette “Dạ Lan 1” của trung tâm Dạ Lan ra đời đã có một tiếng vang lớn. Khắp nơi hỏi mua, không chỉ những người có điều kiện phân phối mà rất nhiều cá nhân hỏi mua chỉ để cho nhu cầu tinh thần của riêng mình mà thôi.

UserPostedImage 
Băng Dạ Lan 1, với hình bìa chính là cô Thy Vân, con gái của nhạc sĩ Anh Bằng và là giám đốc trung tâm Asia sau này
Sự phát triển của trung tâm Dạ Lan nhanh tới mức chỉ trong một thời gian ngắn, nhạc sĩ Anh Bằng và Trần Thăng cùng những người con, cũng là các nhạc sĩ, đã mau chóng giã từ “chiến khu băng nhạc” trong garage của căn nhà riêng nơi họ ở, để đi tới “vùng ánh sáng chói lòa” với những phương tiện ngày một tân tiến hơn, thích hợp hơn cho kỹ nghệ thu âm, sản xuất băng nhạc, vốn là một loại kỹ nghệ đòi hỏi nhiều chuyên môn, kỹ thuật.
Từ mơ ước ban đầu khiêm tốn: Giải quyết nhu cầu tinh thần cần có âm nhạc của đồng bào hải ngoại, trung tâm Dạ Lan còn bước xa hơn một bước nữa là tham vọng thực hiện những cuốn video đầu tiên cho người thưởng ngoạn ở lãnh vực này.
Băng Nhạc Dạ Lan 1 - Như Một Nụ Hồng 

Theo lời kể của nhạc sĩ Anh Bằng thì đây cũng là thời gian vào sâu sân chơi của nhạc sĩ Trúc Hồ, sau khi đã là một thành viên của ban nhạc Dạ Lan.
Không biết có phải do sự phát triển quá nhanh đã khiến Dạ Lan phải tách làm đôi để “khống chế” thị trường? Hay vì một lý do nào khác, ít năm sau, giữa lúc đang trên đỉnh thành công thì hai chú cháu Anh Bằng – Trần Thăng đã làm một cuộc chia tay êm đềm. Để rồi mỗi người trấn giữ một ngọn núi.
Nhạc sĩ Anh Bằng nhường cho cháu mình bảng hiệu ăn khách Dạ Lan, để lập ra trung tâm Asia. Nhạc sĩ Trúc Hồ chính thức có cổ phần trong Asia kể từ thời điểm này.

UserPostedImage

UserPostedImage
CHƯƠNG TRÌNH DẠ LAN 19 - DÁNG XƯA 

Riêng với trung tâm băng nhạc Bốn Phương của ông Lâm thì không ai rõ lắm. Con đường phát triển của Bốn Phương ở bề ngoài người ta chỉ được biết số băng cassette của ông Lâm Bốn Phương cũng tăng mau theo thời gian. Sự kiện đó, cũng tỷ lệ thuận với những chuyến đi xuyên bang một mình một ngựa, không mệt mỏi của ông…
Nhưng kể từ đầu thập niên 1990, bóng dáng ông Lâm Bốn Phương đậm người, cần cù thưa vắng dần trên các nẻo đường; trước khi không còn ai có cơ hội được gặp hoặc thấy ông nữa.
Sự lặng lẽ chìm vào quên lãng của trung tâm Bốn Phương sau những ngày tung hoành ở lãnh vực sản xuất băng nhạc của ông Lâm Bốn Phương, cũng tiêu biểu cho sự biến mất của rất nhiều tên tuổi từng khuấy động cộng đồng người Việt nhỏ bé, ở nhiều lãnh vực khác nơi bước khỏi đầu!
Nhưng dù sao đi nữa thì tất cả những người kẻ đóng vai “khai sơn phá thạch” đó, dù thành hay bại, dù ở bất cứ lãnh vực nào của cộng đồng, nếu không có họ thì e rằng đã không thể có được những sinh hoạt âm nhạc hải ngoại phồn thịnh như thời gian sau đó. Họ không chỉ là những viên gạch lót đường mà còn là những con én lẻ loi, dù trong hoàn cảnh nào thì mùa Xuân rồi cũng sẽ tới.
Theo Du Tử Lê (Nguoi-Viet)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire