vendredi 9 août 2019

Câu chuyện về “Vườn Tao Ngộ” nổi tiếng trong các bài hát Của Miền Nam

“Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ, em đến thăm anh
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi,
mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi…”

Đó là 2 câu mở đầu trong bài hát Vườn Tao Ngộ của nhạc sĩ Khánh Băng (viết với bút danh Nhật Hà). Đã có nhiều người thắc mắc: Vườn tao ngộ là vườn gì, ở đâu? Bài viết này sẽ nói về vườn tao ngộ trong trung tâm huấn luyện Quang Trung nổi tiếng một thời.
 Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại đường đến “Quang Trung nắng đổ” xưa kia:
“Từ ngã tư Võ Tánh – Chi Lăng (Ngã 4 Phú Nhuận này nay), cứ theo đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm) nối dài mà đi thẳng một lèo tới Ngã Ba Chú Ía (nay là vòng xoay Nguyễn Thái Sơn). Đi thẳng nữa thì tới Trường Sinh Ngữ Quân Đội, đối diện là Trung Tâm Tiếp Huyết, Tổng Y Viện Cộng Hòa (nay là bệnh viện 175), Trung Tâm Huấn Luyện Quân Khuyển.
Tới Ngã Năm Chuồng Chó, quẹo trái vô Đường Quang Trung, chạy hoài, qua khỏi nhà thờ Hạnh Thông Tây sẽ tới Nghĩa Trang Quân Đội Hạnh Thông Tây Gò vấp (gần Chợ Cầu). Đi nữa sẽ qua Hóc Môn, tới Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung nắng đổ xa xôi.”

 

Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung (hiện giờ là Công viên phần mềm Quang Trung) có một khoảnh đất trống giáp với Xa Lộ Đại Hàn (đoạn quốc lộ do công binh quân đội Đại Hàn Dân Quốc xây dựng năm 1969 – 1970 sau sự kiện Tết Mậu Thân). Vào Chủ Nhật hàng tuần, khoảng đất trống đó là nơi thân nhân và các khóa sinh, những cô gái và người yêu trong Trung Tâm Quang Trung được gặp mặt hàn huyên tâm sự, thỏa lòng mong nhớ sau bao ngày xa cách.





Giao Linh – Vườn Tao Ngộ

Nơi đây có bãi cỏ xanh xen lẫn những đóa hoa rưng rưng trong gió thật mát mẻ và thơ mộng. Cảnh vật được trang hoàng rất đẹp mắt và ấm cúng, là nơi lý tưởng để hẹn hò nên được đặt tên là “Vườn Tao Ngộ”, hoặc còn có tên gọi khác là “Vườn Cộng Hòa”.
Trung tâm huấn luyện Quang Trung có vai trò quan trọng trong quân lực miền Nam thời đó, vì nơi đây đào tạo và huấn luyện tới 80% các binh sĩ tình nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng. Thông thường các khóa sinh được huấn luyện trong thời gian là 3 tháng. Vì vậy nhạc sĩ Hoài Nam đã sáng tác bài hát nổi tiếng mang tên Ba Tháng Quân Trường:
Hỡi Quang Trung đôi ta cùng nhau
Nguyện dù đường đời mỗi đứa cách một nơi 
Trúc Ly - Ba Tháng Quân Trường (Hoài Nam)
*
*     *
6 Tháng Quân Trường (Nhật Hà) - Thanh Tuyền
*
*     *
9 tháng quân trường (Mạnh Quỳnh) 

 Ngoài ra, trung tâm huấn luyện này còn đi vào trong nhiều bài nhạc khác, đó là:
Từ giã Quang Trung, anh ra vùng hoa tuyến, tôi về miền cao nguyên.
Ba tháng trường quyến luyến, giờ sắp chia tay
Ta trao nhau gì đây? (bài Tình Bạn Quang Trung)
Phương Đại – Tình Bạn Quang Trung 

Em đứng chờ anh bên hàng bã đậu
Sáng chúa nhật vườn Cộng Hòa xôn xao
Mong anh nghe tin trống đổ liên hồi… (bài Bên Hàng Bã Đậu)
Huệ Phương – Bên Hàng Bã Đậu 

Bài hát này gọi vườn tao ngộ là “vườn cộng hòa”, là nơi có hàng cây bã đậu ngang lối, mỗi Chúa nhật sẽ có các cô gái e ấp đừng chờ người yêu nơi đây.

 

Về lịch sử hình thành trung tâm huấn luyện Quang Trung, nơi này được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1953 với danh xưng ban đầu là Trung tâm Huấn luyện Quán Tre. Trên danh nghĩa là Quân trường của Quân đội Quốc gia nhưng vẫn do Quân đội Pháp điều hành huấn luyện và Chỉ huy trưởng. Đến năm 1954 mới chuyển cho Quân đội Quốc gia điều hành và huấn luyện.

 

Ngày 1 tháng 6 năm 1955, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện số 1. Ngày 1 tháng 6 năm 1957, để kỷ niệm vị Anh Hùng Dân tộc vua Quang Trung, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra quyết định cải danh Trung tâm thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Sau đó con đường nối từ Ngã 5 Chuồng Chó đến trung tâm này cũng được đặt tên là Quang Trung. Cái tên này được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire