Con ngựa khởi đầu trong ký ức của tôi rất hiền. Trong lớp ê a “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ“, ngoài đời là tiếng xe thổ mộ lóc cóc mà thỉnh thoảng tôi vẫn được đi theo mẹ trên những đoạn đường đâu đó gần ngã tư Bảy Hiền. Ngồi ở cuối xe, thòng chân đong đưa, lắc lư người theo nhịp ngựa chậm rãi, con nít đứa nào chẳng khoái. Tới bến xe, có khi tôi còn vòng ra phía trước, mon men rờ bờm ngựa… Ngựa thật hiền lành. Tôi chưa bao giờ bị ngựa đá.
Ngựa chỉ trở thành “phi mã” khi tôi đọc Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, tới đoạn Vi Tiểu Bảo cá độ đua ngựa với phò mã Ngô Ứng Hùng. Đua ngựa xem ra cũng lắm điều hấp dẫn.
Trường đua Phú Thọ cũng chẳng xa xôi gì, cuối tuần rủ bè bạn đạp xe vào xem đua ngựa chơi. Nhìn mấy chú nài ngựa nhỏ con, khom lưng, nhấc mông, ra roi, phóng đi vun vút… thấy đã con mắt. Hóng chuyện cũng biết thêm lắm điều bổ ích, nào là phi nước kiệu, phi nước đại, coi giò cẳng, cá độ…
Tên ngựa đẹp như tên ca sĩ. Ngựa được chia ra nhiều loại tùy theo tuổi tác và chiều cao. Nài ngựa càng nhẹ cân càng tốt. Ngựa hay chấp ngựa dở ở chỗ buộc thêm chì cho nặng hơn, chấp chi ly từng kí lô chì. Ngựa hay mà nài yếu chưa chắc đã thắng. Ngựa hay thường đốc chứng. Nài giỏi khiển ngựa điệu nghệ là yếu tố hàng đầu để thắng cuộc đua. Ngựa thắng, chủ ngựa và nài ngựa đều có thưởng.
Bàn cá ngựa cũng ồn ào hăng tiết vịt như bàn đề, nhưng căng thẳng hơn khi ngựa trên đường đua nước rút. Tiền thắng cược bỏ túi không cố định mà tùy thuộc số người đặt cược vào ngựa thắng, cùng chia nhau số tiền trúng giải. Ngựa về ngược (ít người đặt cược) nhiều khi thắng đậm là vậy.
Đó là cờ bạc hợp pháp, thắng quang minh mà thua cũng lỗi lạc, vì đã đóng thuế cho nhà nước. Nhưng có ai dám chắc không có móc ngoặc cá độ trong đua ngựa? Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề là vậy!
Vi Tiểu Bảo có con ngựa quý, Đại Uyển Lương Câu vùng Cam Túc, chạy rất nhanh. Ngô Ứng Hùng có ngựa giống Vân Nam, vó ngắn nhưng dai sức. Vi Tiểu Bảo cao hứng cá độ, nhưng sau đó biết mình hớ, sai bộ hạ “thuốc” bã đậu ngựa đối phương. Cuộc đua dù không thành vì Ngô Ứng Hùng cỡi ngựa bỏ trốn khỏi kinh thành, nhưng dọc đường bị bắt vì ngựa “vó ngắn sức dai” ăn phải bã đậu.
Cờ gian bạc lận kiểu Vi Tiểu Bảo coi vậy chứ còn quá yếu. Chơi bã đậu hay doping, thử nước đái ngựa là ra ngay. Thời nay, mua chủ ngựa, mua nài ngựa, nếu cần, mua đứt luôn trọng tài, thì có trời biết. Số tiền cá độ ngoài luồng này lớn lắm, không kém gì doanh số mua ticket. Dĩ nhiên thuế má đâu rớ tới được. Xem ngựa phi kiểu này đâu khác gì xem đá banh bán độ.
Hồi trước, trường đua Phú Thọ có nhiều giai thoại về móc ngoặc cá ngựa lắm. Giữa tháng chín năm 75, tôi bị “gom” về đấy, bên trong cấm ra, bên ngoài bộ đội gác. Mấy ngày sau mới biết là đi công tác đổi tiền. Trong thời gian “an dưỡng” ở trường đua, lúc đó đã ngưng hoạt động, tôi nghe kể lại nhiều chuyện treo cổ tự tử ngay tại đây vì thua độ cá ngựa. Ban đêm đi lại qua những hành lang mái vòm kiểu thời trung cổ, âm u, cũng thấy ớn.
Còn đua ngựa bây giờ? Xổ số quốc gia còn bị số đề ăn theo thì đua ngựa liệu có thoát không?
Năm 1989, trường đua hoạt động lại. Ngựa (giống) mới, nài mới. Ngựa trở lại đường đua, người đua nhau nuôi ngựa. Nhiều trang thiết bị mới được đưa vào, mắt thần hồng ngoại xem ngựa cán mức, thông tin giò cẳng ngựa, kết quả đua được nhấp nháy trên bảng điện tử cho tiện bề cá cược.
Trở lại trường đua cũ nhưng hiện đại, tôi không còn hào hứng như thuở ban đầu. Nhầm lẫn do giác quan của con người thường gây ra lắm chuyện bi hài. Mắt thần chính xác, nhưng trọng tài ngó lộn đích đến vẫn hấp dẫn hơn, cũng như mấy ông vua sân cỏ thổi nhầm quả penalty vậy thôi.
Ngựa giống mới, nhập từ Úc từ Anh về sải vó dữ dằn lắm, làm tôi nhớ đến con ngựa Đích Lư của Lưu Bị. Ngựa này có tướng hại chủ, nhưng lại xuất thần nhảy vọt qua suối Đàn Khê cứu chủ đang bị truy đuổi. Nhờ đó mà sau này Lưu Bị xưng vương, xưng đế ở phương Nam. Mệnh trời, rút cuộc rồi cũng bị nhà Ngụy từ phương Bắc đánh bại.
Trong văn thơ người ta hay nói đến ngựa hồng. Một bản nhạc của Trịnh Công Sơn có câu Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương… Tôi chưa thấy ngựa hồng bao giờ, có thể đó là ngựa có lông màu nâu đỏ chăng? Có người nói ngựa hồng là loại ngựa hay, phi nhanh lắm.
Năm 2011, trường đua Phú Thọ biến thành Trung tâm Huấn luyện Thể thao và Thi đấu. Ngựa để lại đường đua cho người.
Người nuôi thất nghiệp, ngựa đua nhau vào lò (mổ). Hơn bốn mươi hecta đất nội thành chỉ đem lại hai mươi bốn tỉ lợi nhuận mỗi năm thì hơi bèo. Cái tên “Trường đua Phú Thọ” đành phải biến mất để đi vào lịch sử, dành đất cho phát triển kinh tế xã hội gì gì đó.
Nghề chơi nào lại chẳng công phu. Đua ngựa cũng thế. Chọn giống ngựa đã đành, lại phải nuôi ngựa, luyện ngựa, luyện nài… Ngựa trên đường đua, người giải trí cuối tuần, rủng rỉnh đồng ra đồng vào, miễn là đừng cờ gian bạc lận. Nghe nói một trường đua khác sẽ được làm đâu đó ở Củ Chi hay Madagui.
Ngựa rời trường đua buồn hiu. Buồn nhất là phải lên thớt xẻ thịt lóc xương nấu cao. Nghe nói có cả hơn hai ngàn ngựa đua nằm trong số phận như thế. Mấy chú nài cũng buồn, nhưng tám trăm nhà nuôi ngựa chắc là buồn hơn. Vuốt ve ngựa hàng ngày mà nay phải nhìn lái ngựa đến chuồng dắt ngựa về… lò (mổ) thì chủ ngựa nào cầm lòng cho đặng. Nuôi ngựa chắc là cái nghiệp quá.
Có câu ca dao này, hiểu chệch đi một chút, viết ra để ngậm ngùi với người và ngựa:
Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ.(*)
Chờ cái gì đây? Đôi khi tôi nhớ tiếng xe thổ mộ lóc cóc, nhớ ngựa Đích Lư vượt Đàn Khê, và cảm khái cho mấy con ngựa đua mệt mỏi vì chờ đợi… Tôi không ghiền cá cược, nhưng ngày nào đó, tôi sẽ trở lại trường đua để xem ngựa hý và tung vó. Dù sao cũng là chút ký ức của đời người. Quên sao được! Nhưng biết đến khi nào? Ngựa mỏi vó và người mỏi chân cả rồi!
Vũ Thế Thành
(trích “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ“, tái bản 2022)
*
* *
* *
Trường đua ngựa Phú Thọ – Địa điểm tụ họp của giới thượng lưu
Trường đua ngựa Phú Thọ được xây dựng vào năm 1932. Trong thời điểm đó, đây là trường đua lớn nhất nhì Châu Á. Địa điểm ăn chơi này thường xuyên được giới thượng lưu tại khu vực phía Nam lui tới để giải trí.
Lịch sử bộ môn đua ngựa thế giới tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 1893. Một nhóm người Pháp đã quyết định thành lập Hội đua ngựa Sài Gòn. Tên trường đua là Vườn Bà Lớn. Tại đây, vào cuối tuần, các nhóm binh lính Pháp thường tổ chức tập dượt mã quân rầm rộ.
Khi chơi đua ngựa người chơi cần mang mũ bảo hiểm đua ngựa
Khi chơi đua ngựa người chơi cần mang mũ bảo hiểm đua ngựa
Mặc dù có câu lạc bộ từ sớm nhưng mãi đến năm 1906 Việt Nam mới chính thức xuất hiện bộ môn đua ngựa. Người khởi đầu cho bộ môn này là một thương gia người Pháp tên là Jean Duclos. Ông đã mang sang Việt Nam 8 con ngựa giống Ả Rập. Với những chú ngựa cao lớn, những cuộc đua ngựa được diễn ra rầm rộ hơn. Chỉ trong vòng nửa năm đã có đến gần 200 cuộc đua được tổ chức. Lợi nhuận thu được từ bộ môn này là vô cùng khổng lồ.
Sau khoảng thời gian tạm ngưng trong Thế chiến thứ Nhất, năm 1932, Trường đua ngựa Phú Thọ ra đời. Diện tích ban đầu của trường đua là 44 hecta. Trường đua tọa lạc tại khu vực Phú Thọ (thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày nay). Ban đầu, đây là khu đất nghĩa địa. Những chủ thầu đã thực hiện di dời bốc hài cốt và cải táng để xây trường đua. Tổng thời gian xây dựng địa điểm đua ngựa Phú Thọ lên đến 4 năm.
Khung cảnh tấp nập của trường đua ngựa Phú Thọ đã được tái hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Một trong số đó là truyện ngắn của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ông viết: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.
Sự thăng trầm của trường đua ngựa Phú Thọ – Nơi tập hợp giới thượng lưu
Trường đua Phú Thọ - Giờ Thy Lan-Trở Lại Ngày Tháng Cũ
*
* *
* *
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire