mardi 16 octobre 2018

Nhớ những người đã nằm xuống - T.Vấn

Nhớ những người đã nằm xuống
T.Vấn


clip_image001[5]Hỡi những người đã chết hôm qua,
Những người còn sống hôm nay,
Xin hãy hát với nhau lời nguyện cầu . . .

( Phạm Thế Mỹ )
1.
Một người bạn, sau chuyến đi thăm Tượng đài kỷ niệm chiến tranh Việt nam ( The Vietnam Veterans Memorial Wall ) ở Nghĩa trang quốc gia Arlington hồi cuối tháng 4 vừa qua, gởi đến tôi những bức hình chị chụp được trong thời gian ở D.C.. Mặc dù đã từng đến đó một lần mấy năm trước đây, nhưng khi xem những bức hình vừa nghệ thuật, vừa chứa đựng những ý tưởng của một con người đã từng sống qua những ngày gian khổ nhất của chiến tranh, tôi vẫn thấy lòng mình chùng xuống. Hơn 30 năm trôi qua, mà những ám ảnh của cuộc chiến vẫn không phai nhạt chút nào.
Nhớ Những Người Đã Nằm Xuống 
T.Vấn-ViệtNamQuêHươngTôi trình bày 

Kể cả ở một người phụ nữ chân yếu tay mềm, chưa từng phải xông pha trong lửa đạn, như chị bạn của tôi. Nhưng chị cũng đã có người yêu, có bạn bè anh em, đi vào cuộc chiến. Có người trở về trong chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ và hàng chữ tổ quốc ghi công, có người trở về thân thể không lành lặn. Và cũng có người , sau khi tiếng súng chấm dứt, đi vào những trại cải tạo và không bao giờ trở về. Là người chứng của lịch sử, chị mang trong lòng nỗi đau của tất cả những mất mát đó cộng lại.
Lặng lẽ xem đi xem lại những bức hình, tôi biết rằng hế hệ chúng tôi không bao giờ có thể rũ sạch được quá khứ để thanh thản sống cho ngày hôm nay. Quá khứ có mặt ngay ở trong góc cạnh mà những bức hình được chụp. Ở mỗi góc cạnh, tượng đài kỷ niệm chiến tranh ấy cho người xem một ý nghĩ khác nhau ( cho những người chưa từng trải qua chiến tranh ) , một hồi ức khác nhau ( cho những người đã hơn một lần nghe tiếng rít của bom đạn, nhìn thấy thây người ngã gục, ngửi thấy mùi thuốc súng khét nghẹt, mùi da thịt thối rữa, cảm thấy cái chết đang đứng ngay bên cạnh mình ).
Chúng tôi còn nợ một món nợ không thể trả được cho những người đã chết. Chúng tôi mang cái tội là kẻ sống sót sau một cuộc mê cuồng của lương tâm con người.
Hơn 58 ngàn người lính Mỹ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến tranh nơi mảnh đất xa lạ mà cho đến tận bây giờ, nhiều người dân nước họ vẫn không hiểu tại sao chiến tranh ấy xẩy ra, tại sao nước Mỹ lại dính líu đến, và nhất là tại sao con em họ lại phải trực tiếp chiến đấu trong cuộc chiến tranh ấy, để rồi hàng trăm ngàn người trở về mang thương tích trong hồn, trên người. Trong số đó, hơn 58 ngàn trở thành tử sĩ.
Dù vậy, họ còn có bức tường đá đen ghi tên từng người nằm xuống , mang hình thức một nấm mồ tập thể , một đài tưởng niệm chiếm một chỗ vinh dự trong nghĩa trang quốc gia. Và hiển nhiên, trong trái tim của những thế hệ mai sau của nước Mỹ.
Nhưng còn những đồng đội của tôi, những người đã nằm xuống cho những lý tưởng cao đẹp nhất mà thế hệ chúng tôi hằng ôm ấp, những người cũng can trường chiến đấu cho đất nước đồng bào, cho dân tộc ? Có một chỗ nào vinh dự như thế dành cho họ không ? Có một ngày nào trang trọng trong năm để mọi người tưởng nhớ đến họ không ? Những đồng đội của tôi, như bao người lính khác của các bên tham gia cuộc chiến, cũng đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh cuộc đời cho những ước vọng cao quý nhất mà sự hy sinh ấy phải được coi là xứng đáng , có bức tường nào ghi lại tên tuổi của họ hay không ? Những thế hệ Việt Nam mai sau, có ai còn nhớ đến họ không ?
Hỡi người chiến sĩ
Đã để lại
Cái nón sắt bên bờ lau sậy này
Bây giờ anh ở đâu ?
Bây giờ anh ở đâu ?
( Người tình không chân dung – Lời : Dạ Chung; Nhạc: Hòang Trọng )
2.
Tháng 5 mở đầu cho những ngày hè rộn rã, những chuyến du lịch xa gần của mọi gia đình sau khi những cánh cửa trường khép lại ngày cuối cùng của niên học. Tháng 5 cũng là thời điểm nước Mỹ nhớ đến những con em của họ đã nằm xuống cho sự tồn vong của đất nước. Sự tưởng nhớ ấy vừa là một truyền thống, vừa là một thứ đạo lý mà không một người dân nào được phép quên lãng.
Cũng như thường lệ hàng năm, ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5, tôi cùng với các con treo lên trước cửa nhà hai lá cờ : Mỹ và Việt. Một lá cờ ghi nhớ những đồng đội của tôi đã nằm xuống cho tôi được sống sót, để cho các con của tôi được chào đời. Một lá cờ ghi nhớ những người lính đã hy sinh để ngày hôm nay tồn tại một đất nước tự do dân chủ nhất thế giới để gia đình tôi có một mảnh đất gọi là quê hương thứ hai. Năm nay, hai đứa con của tôi đã đủ cao để chúng có thể mỗi đứa tự leo lên một bên nhà treo lên hai lá cờ . Và chúng đã đủ trí khôn để biết hỏi tại sao , để suy ngẫm những câu trả lời.
clip_image001
Thế hệ hôm nay đã may mắn không phải sống qua những năm tháng chiến tranh như thế hệ chúng tôi, nhưng họ không thể không biết đến , không có quyền không biết đến những gian khổ mà cha anh họ đã trải qua. Những giọt nước mắt của hôm qua , nếu biết trân trọng, sẽ làm cho nụ cuời hôm nay rạng rỡ hơn, ý nghĩa hơn. Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống. Nó được khám phá ra nhờ những đau khổ của người đi trược, sự hy sinh của người đã nằm xuống. Đó cũng là cái gía phải trả cho Tự Do.
Không một thế hệ nào được quyền mặc nhiên thừa hưởng những gì tiền nhân để lại. Dù người chết không bao giờ thức dậy đòi được trả ơn, nhưng thế hệ hôm nay cần phải nhớ đến cái ơn ấy, để biết rằng mình cũng phải góp phần của mình cho những thế hệ mai sau. Sợi dây đạo lý ấy xuyên suốt tòan bộ lịch sử nhân lọai, bất kể những khác biệt về tôn giáo, thế chế chính trị, hình thái xã hội của từng thời kỳ.
3.
Năm mươi năm . . .
Thật không năm mươi năm
Hồn cháy bỏng vết hằn tù nhân biệt xứ
Ngày đang hết chiều mờ bên quê cũ
Lóang đỏ nhừ đất lạ tiếp chân mây
Ta ở đây . . .
Lơ đãng những riêng tây
Nhịp thở nghẹn
Gợn hơi men Thống Khổ
Chuỗi Oan hận xuyên sâu tầng lịch sử
Người thiếp đau từng tấc dạ quê hương
Hòa Bình – Việt nam
Mất hút cuối con đường . . .
( Phan Nhật Nam )
Sống sót sau một cuộc chiến, sống sót sau những ngày tháng tù đày dài dằng dặc, người lính viết văn chua xót nhận ra một điều rõ nhất trong mảnh hồn cháy bỏng vết hằn tù nhân biệt xứ : Hòa Bình- Việt Nam đã mất hút cuối con đường.
Chúng tôi đã không giữ được quê hương. Chúng tôi không giữ được mảnh đất trên đó có nấm mồ chung tưởng niệm những đồng đội chúng tôi đã nằm xuống. Nhưng kẻ ra đi nào mà không mang theo chút hồn u uẩn của quê hương ( đã đánh mất ), huống chi những tù nhân biệt xứ .
Nhân ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong nơi mảnh quê hương thứ hai vừa tìm được, cùng với lá cờ thiêng liêng, tôi đốt lên nén hương lòng trước tượng đài đồng đội trong trái tim vụn vỡ, trên khuôn mặt trang trọng của bầy trẻ đang còn học bài học vỡ lòng về đất nước , trong cái bóng sừng sững của quê hương còn mang theo trong trí nhớ. Như một lời cầu nguyện cho nhau và gởi đến nhau. Như lời nhắc nhở gởi đến thế hệ mai sau.
Đừng bao giờ quên những cha anh nằm xuống cho sự hiện hữu cũa thế hệ hôm nay.
T.Vấn



Nhớ Những Người Đã Nằm Xuống-T.Vấn-ViệtNamQuêHươngTôi đọc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire