vendredi 12 octobre 2018

Doãn Quốc Sỹ kẻ sĩ thời đại chúng ta - Nguyễn Mạnh Trinh

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiqM3AMkWUawZ8-gow3AbjBIjcCcytTRlI2KQRPyIheeUXbtYu3BbKUvvepq6gniYhqfL1x18AK5KXhfWHEaJFrC8iUgIgKgSCADpf2F0nCKtqgu29IOps3irvY47D9ABaOdmFR_yizwUw/s1600/IMG_3837.jpgVới nhiều người bản xứ , hình như dư âm của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn nên văn chương và văn hóa Việt nam được đặc biệt chú ý.
Tôi có một người bạn cùng lớp Creating & Writing học viết văn người Mỹ gốc Ý rất thích thú với văn chương Việt Nam. Một bữa anh khoe với tôi tuyển tập “Việt Nam: A traveler’ s literary companion” do John Balaban và Nguyễn Quý Đức chủ biên và rất đặc biệt chú ý tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ với truyện ngắn “The Stranded Fish” ( Con cá mắc cạn). Anh còn khoe đã được dự một cuộc seminar với hai giáo sư Doãn Quốc Sỹ và Lê Hữu Mục tháng 6 năm 1999 tại University St Thomas ở Houston với đề tài “ Living Two Cultures: A conference for Vietnamese – Americans”. Và anh hỏi tôi một câu: Bạn nghĩ thế nào về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhà văn? Nhà giáo? Một người hoạt động chính trị? Hay một người yêu nước bị chế độ đương thời đầy ải khi ở trong nước? Và một nhà văn luôn hướng về tương lai ở hải ngoại …

Theo chân Nghệ Sĩ-Nhà văn Doãn Quốc Sỹ
Duy Trác (Đài VOVN)
Có một người đã làm thơ để dường như trả lời giùm cho cá nhân tôi. Những câu thơ gợi ý và lấy từ những nhan đề của tác phẩm mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết trong suốt hơn một nửa thế kỷ cầm bút:
“ Dòng sông định mệnh”, thiên thu
“ Sầu mây” còn đỉnh mịt mù dương gian
nước non mấy nẻo quan san
lốc quay thời thế gian nan một đời
Đến. Đi. Đi. Đến ngược xuôi
Quê hương. Đất lạ  chỗ ngồi bụi không.
“ Khu rừng lau” lửa mênh mông
“ U hoài” đâu tiếng bên sông gọi buồn.
Đường ranh lịch sử mỏi mòn
“ Ba sinh” còn tấc “lửa hương” chập chờn
ngã tư bước rẽ không hồn
lưu lạc nào để mất còn hoang mang
“ Đàm thoại, độc thoại”  từng trang
“ Tình yêu thánh hóa” trường giang mấy nguồn
biển khơi nào rã rêu rong
ai trăng lụn tưởng nến chong dặm ngoài
“ Giữ ngọc”  thôi cũng “gìn vàng”
xót thiên lương với ngỡ ngàng tâm tư
“ Vào thiền”  giây phút hoại hư
kiết già ngục tối mắt thù chăm chăm
trong tâm linh thoảng hương trầm
trong lênh đênh có lời thầm đinh ninh
Thì thôi, “Mình lại soi mình”
“Dấu chân cát xóa” bóng hình nổi trôi
“người vái tứ phương”, một đời
hoa thơm ngát để một trời mông mơ
kinh vạn quyển thiếu một tờ
chữ vô tự nẻo mịt mờ muôn năm
Tâm ai vằng vặc trăng rằm
Lời ca dao vẫn tiếng ngâm triệu đời”

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2016/05/doan-quoc-sy-02.jpg 
Bài thơ đầy những Dòng sông định mệnh, Sầu mây, U hoài, Vào thiền, Khu rừng lau, Ba sinh hương lửa, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại độc thoại, Gìn vàng giữ ngọc, Mình lại soi mình, Dấu chân cát xóa, Người vái tứ phương, Đi,… và cũng nêu được tính chất riêng của một kẻ sĩ phương đông. Luôn luôn chân thành và tin tưởng vào cuộc đời ở những khía cạnh nhân bản tốt…
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ra và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Như một câu ví von của ông: “Ba sinh hương lửa” thành nhan đề của một tập trong trường thiên Khu Rừng Lau. Các nhân vật đã sống trong thời đại Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt Minh, rồi đảng phái Quốc gia, rồi ở lại kháng chiến, rồi trở về thành phố mà thời ấy gọi là về Tề, bao nhiêu là biến chuyển, bao nhiêu là cảnh bể dâu. Rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, rồi chiến tranh tiếp diễn… Hình như, sống trong thời đại ấy, định mệnh đã đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau và cho đến bây giờ, hàng triệu người lưu lạc xứ người và cuộc chiến vừa qua tới bây giờ vẫn còn hậu quả. Cuộc đời đầy những chuyến ra đi, rời quê Bắc vào Nam, rồi lại phải ra đi lần nữa. Lịch sử toàn là những chia ly tan tác.
Thế mà, ông viết văn trong cái tâm thái ung dung, dù đang trong cảnh tù giam bức bối. Vẫn thái độ tin vào mình, tin vào người, tin ở những điều tốt đẹp của cuộc sống. Độc giả khó tìm thấy những lời hằn học, những tâm trạng phẫn nộ. Viết văn, với ông là một phương cách của “văn dĩ tải đạo”. Viết, như một cách để làm đời sống đẹp tươi thêm…
Những lúc thấy những cảnh tráo trở tàn nhẫn của người đời với nhau, tôi lại giở những “Gìn vàng Giữ Ngọc “ hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều” ra đọc. Những lúc buồn nhớ về quê hương, tưởng tượng ra những Hà Nội, những Saigon, tôi đọc “Dòng sông định mệnh” để thấy mình tìm lại cái rung động thuở nào khi đọc những câu thơ tả lại cảnh đạp xe theo một tà áo trắng những câu dễ thong “… Em nghèo ta có giầu đâu. Tịch liêu đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ. Hoe đôi mắt em vơ tà áo. Áo trắng bong ảo não hồn trinh. Lòng ta gợn gió ngây tình.Theo em nào biết chúng mình về đâu…”  Và khi nào thấy đời sống có một chút gì sương khói, tôi đọc “ Sầu mây”, “ Vào thiền”…
Có người nói rằng văn chương mà mang thời thế làm đề tài thường tuổi thọ không dài bằng những đề tài xoáy sâu vào chân dung con người muôn thuở. Viết về thời thế khó có tác phẩm lớn.
Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác. Không có đề tài nào giới hạn cho những tác phẩm lớn. Nếu có tài năng, nhà văn sẽ viết những tác phẩm bất tử bất kỳ đề tài nào. Huống chi, một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt nam nếu mô tả những cơn lốc thời cuộc sẽ có biết bao nhiêu chân dung con người điển hình cho những nhân vật tiểu thuyết tuyệt diệu…
Hình như, trong tiểu thuyết của Doãn Quốc Sỹ, thời thế đã đóng vai trò quan yếu và văn chương là những dấu hằn chẳng thể nào phai trong ký ức của dân tộc chúng ta.
Với “Khu rừng Lau”, những ngày kháng chiến chống Pháp được ghi chép lại với tất cả những nỗi niềm của người yêu nước nhưng bị lừa gạt bởi những ý thức hệ ngoại lai. Một tiểu thuyết trường thiên vẽ lại cả một thời kỳ hoành tráng của lịch sử mà trong đó con người bị cuốn vào những cơn lốc dữ dội.
Với những truyện ngắn như “Chiếc chiếu hoa cạp điều” , hay “ Gìn Vàng Giữ Ngọc”, chân dung những con người tốt đẹp vằng vặc như trăng đã khiến nhà văn Võ Phiến viết lên một nhận xét: “đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn…” Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khốn cùng đến đâu, cái chất nhân bản vẫn rõ nét.
Quả thật, văn chương của ông bình dị không lên mặt dậy đời mà lại có sức thuyết phục. Thường thường , văn chương cũng như âm nhạc phải theo luật cân phương, có nghĩa là phải thể hiện được đời sống ở nhiều mặt tốt xấu và tất cả phải quân bình cân đối. Nhà văn thời danh Milan Kundura đã ví von công việc viết tiểu thuyết như soạn hòa âm, nhạc đề cũng cần phải có những dạo khúc hoặc những chuyển khúc và cân bằng nó là cả một vấn đề kỹ thuật tinh tế.
Thế mà, ở Doãn Quốc Sỹ, hầu như những nhân vật dều ăm ắp chất thiện ở trong. Ngay những nhân vật ở tuyến ác, cũng có nét khiến độc giả có thể bao dung được và không thể ghét bỏ hoàn toàn. Văn của ông, chuyên chở một phần nào cuộc sống và ở đó, đời sống của người Việt Nam đã được phóng chiếu qua những cảnh ngộ đặc thù của một thời đại đặc biệt.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một khuôn mặt văn chương hàng đầu của hai mươi năm văn học miền Nam. Ông sinh năm 1923 tại ngoại ô Hà Nội lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, dạy học ở Hà Nội và Nam Định, rồ di cư vào Nam năm 1954. Nghề chính của ông là dậy học và đã sang Hoa Kỳ tu nghiệp giáo chức trong hai năm. Trên bình diện văn chương, ông là một cây bút chủ lực trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo và cũng là giám đốc nhà xuất bản cùng tên đã giới thiệu được nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều cây bút tài hoa có khả năng.
Tác phẩm của ông gồm bộ trường thiên “Khu Rừng Lau” có bốn cuốn: Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại, Độc thoại ; truyện dài Dòng sông định mệnh, Sầu mây, Đốt biên giới; truyện ngắn Gìn vàng giữ ngọc, Cánh tay nối dài, U hoài, Gánh xiếc; tùy bút Vào thiền; khảo luận Người Việt đáng yêu,…
Sau năm 1975 , ông bị chính quyền Cộng Sản bắt giam hai lần và sau những cuộc can thiệp của công luận thế giới ông được trả tự do và định cư ở Hoa kỳ với người con trai lớn ở Houston, Texas.
Trường thiên “Khu Rừng Lau” vẽ lại cả một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam. Đời sống của một lớp thanh niên tiểu tư sản được dựng lại trong cái phong cảnh hoành tráng của một đất nước không may trở thành nơi chốn đọ sức của những ý thức hệ quốc tế. Những nhân vật như Miên, Kha, Tân, Hiển, Hãng, Lăng, Khiết… từ lúc trưởng thành, tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trải qua những ngày cải cách ruộng đất, trở về thành rồi di cư vào Nam, tất cả những quặn mình của cả một thế hệ được nhà văn tạo thành tiêu biểu. Tuổi tác họ chênh lệch nhau nhưng cùng có chung một mẫu số yêu đất nước như yêu tự do và cùng mong ước cho một ngày đất nước hùng cường. Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công.
Dòng đời trôi, qua bao năm tháng, chiến tranh lại tiếp chiến tranh, hết độc tài Cộng sản đến độc tài gia đình trị, thế nước nghiêng ngửa như những cuộc đời ngả nghiêng theo. Bộ trường thiên này có lẽ là một phác họa lịch sử hoành tráng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam…
Nhưng đọc truyện ngắn của ông như “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc” mới thấy được cái Tâm vằng vặc của ông. Hoàn cảnh dù thế nào, con người dù ở trong cảnh ngộ nào, cái tình đối xử với nhau mới là quan trọng. Cái nghèo, cái khổ, cái đói không làm hạ giá trị được con người bằng sự tha hóa tâm hồn. Tình đời thường thay đổi cách ứng xử tùy theo giàu nghèo nhưng cũng có những trường hợp cá biệt như nhân vật xưng tôi trong “Gìn vàng giữ ngọc” hay “ Chiếc chiếu hoa cạp điều “ trời làm loạn lạc, gây nhiều thảm cảnh nhưng con người với cái tâm hiền vẫn vòi vọi đứng không quỵ ngã. Văn phong đôn hậu, chữ nghĩa thật thà đã có tác dụng ảnh hưởng đến người đọc. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi mỗi khi đọc lại những chuyện ngắn này thấy đời sống dù sao cũng còn nhiều người tốt và không phải chỉ toàn là lang sói và lừa lọc như những bi hài kịch thường diễn ra mỗi ngày của thực tế đời thường…
Những năm 1984.1985, nhà xuất bản Lá Bối ở hải ngoại có in một tác phẩm “Đi” với tác giả Hồ Khanh. Cuốn sách đã tạo ra dư luận xôn xao một thời lúc đó. Được in ở hải ngoại và chính ông là tác giả mang tên Hồ Khanh để ngụy trang. Câu chuyện kể lại một chuyến vượt biên ở vào thời điểm mà cây cột đèn đường ở Sài Gòn cũng muốn xuống ghe tìm tự do như lời người dân ví von. Có những đại gia đình mấy chục người vùi thân nơi Biển Đông sóng dữ và cũng không biết bao nhiêu người bị bắt giam tù tội cũng như biết bao nhiêu gia đình bị tan nát sống lang thang vỉa hè vì vượt biên không thoát. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã mang chính cuộc đời những con cháu mình để tạo thành một tác phẩm vẽ lại một thời kỳ cực kỳ đen tối của đất nước. Người dân bị đẩy vào những cảnh ngộ không lối thoát và đã mang chính sinh mạng của mình và gia đình mình đánh bạc với rủi may. Chính vì chất bi thảm nên động tới lương tâm nhân loại và rốt cuộc mới có những đợt thuyền nhân và bộ nhân tới định cư ở các nước tự do.
Riêng với tôi, tôi biết những chi tiết trong “Đi” thực tới một trăm phần trăm và hình như rất ít hư cấu. Tôi vượt biên cùng chuyến tàu với gia đình con cháu của nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên khi đọc lại những trang sách thấy mồn một rõ những nhân vật với cả những cá tính và cả hoàn cảnh nữa. Khi thường đi lại với người bạn cùng Không Quân là con rể của bác Doãn Quốc Sỹ ở căn nhà nơi con hẻm đường Thành Thái tôi đã thấy được đời sống tuy thanh bạch mà rất nghệ sĩ. Sau khi bác Sỹ mới được thả về lần thứ nhất và công an để ý, nhưng ở nhà các con vẫn tụ họp ca hát những ca khúc ngày xưa mỗi khi có bạn bè mặc kệ công an mặc kệ dò xét. Tôi nhớ có lần buổi tối ghé thăm thì thấy trước cửa con nít trong xóm bu đông lại xúm xít để nghe ca nhạc. Dù đời sống lúc đó khá thiếu thốn nhưng vẫn đầy tinh thần lạc quan. Trong hoàn cảnh căng thẳng như lúc ấy, không phải là dễ để có những phong cách như vậy.
https://tranthinguyetmai.files.wordpress.com/2014/03/dqs-ttt-nha-tho-duc-ba.jpg 
Doãn Quốc Sỹ - Thanh Tâm Tuyền trước Nhà Thờ Đức Bà - Sàigòn 1985

“Đi” đã mô tả rất thực hoàn cảnh gia đình nhà văn cũng như cuộc sửa soạn chuyến vượt biển và những ngày trên biển Đông nên có sự lôi cuốn từ người thực việc thực. Những lá thư của con cháu gửi về tả lại đời sống ở trại đảo cũng như ở xứ người biểu lộ tâm tư khá tiêu biểu của những người bị dồn vào thế phải bắt buộc xa quê hương. Ra đi mà vẫn ngoái nhìn về đất nước với những người thân còn ở lại. Riêng tôi, tôi có cảm nhận rằng tác phẩm được viết ra với một tấm lòng thương con thương cháu vô bờ. Người thường nếu có tâm tưởng như thế cũng có thể viết xuất sắc huống chi một nhà văn nổi tiếng là đôn hậu thì sự lôi cuốn độc giả sẽ lên đến mức nào!
Nhà văn Nguyên Vũ chủ trương nhà xuất bản Văn Hóa hình như đang tiến hành việc in lại toàn bộ Doãn Quốc Sỹ Toàn Tập. Công việc này quả thực rất hay và cần thiết nữa. Một nhà văn tư cách đức độ có những tác phẩm tiêu biểu nói lên tâm tư của một thế hệ có phải xứng đáng để chúng ta trân trọng thành những di sản cho những thế hệ sau này…
NMT
(Nguồn: Văn Tuyển)

http://baotreonline.com/doan-quoc-sy-ke-si-thoi-dai-chung-ta/

https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2011/09/doan_gia.jpg 
 Gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi7AfQY813oHsFHxdK8i8V9VnCYpNdTDcSNfz8yN4VAwvRFF6J9gx9WD6uD2mx_yc147qFKR5vcphUDq2QDgk_iyH2TFDV1OvvShHgIhEdqz57y98beWFYESMFcrjBwIvOkTLyRV1_dFVo/s1600/B.jpg 
 từ trái qua, các nhà văn Ngự Thuyết, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam và Phạm Phú Minh. Hình bên mặt, bà Viễn Phố,
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire