lundi 13 décembre 2021

NHẠC SĨ HUỲNH ANH VÀ THUỞ ẤY CÓ EM

Thuở ấy có em anh chưa từng sầu 
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu 
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng 
Hỡi em, em về đâu? 
Cho đời mình thương nhớ nhau… 
(Bài Thuở Ấy Có Em – Huỳnh Anh) 

 Nhìn hình ảnh nhạc sĩ Huỳnh Anh tay cầm micro, tay kia cầm ly rượu, nét mặt u ẩn niềm đau xót, phong thái diễn tả khập khửng, lừng khừng giữa tỉnh say, hát bài “Thuở Ấy Có Em” của chính tác giả thì lời ca như đi thẳng vào lòng người. Đừng bao giờ yêu cầu Huỳnh Anh hát khi anh chưa “thấm rượu,” khi rượu chưa hòa vào máu, thấm vào tim. Truyền thuyết “Võ Tòng Đả Hổ” trong truyện Tàu “Thủy Hử” của Thị Nại Am tiên sinh cho biết Võ Tòng phải uống tới 18 chén rượu Thấu Bình Hương mới đủ uy lực vượt đồi Cảnh Dương để đánh chết cọp dữ đem lại bình yên cho huyện Dương Cốc. Truyện Tàu cũng kể, uy lực của nhân vật Trình Giảo Kim chỉ cử có ba búa thôi là “hết phép,” còn Huỳnh Anh cần ba “cồng” (consommation) rượu mới hát hay.


Trong thực tế, điều đó được chứng nghiệm. Và “gu” (gout) rượu Tây của Anh Ba là Martell VSOP nhãn đỏ, kiểu chai “nước mắm” theo tiếng lóng dân rượu. Nhân đây, người viết xin mượn vài dòng văn chương thơ rượu nói về thú lưu linh kim cổ để gởi tác giả “Thuở Ấy Có Em” và những người “yêu em” lẫn “yêu rượu” ngang ngửa và nồng nàn như nhau. Sách Hán Thư của người Trung Hoa cho rằng rượu là lộc hậu của trời ban. Bậc đế vương dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc cúng tế để cầu phước. Rượu còn giúp người khí huyết suy vi, điều dưỡng kẻ có bệnh tật… Nhà văn Nguyễn Tuân triết lý về cái hay, cái dở của say, của rượu. Ông mượn hai câu thơ Đường (Đão phá sầu thành thi thị tướng / Trường truy cùng tặc tửu vi binh), coi thơ như tướng hạ được thành sầu, coi rượu như chiến sĩ đuổi được giặc hèn. Cũng biết nợ rượu nặng không thua nợ nần hay nợ tình!

…Nợ men gấp mấy nợ tình

Cõi trần ướm hỏi lưu linh mấy chàng?

Ai muốn lấp sầu thiên vạn cổ

Cùng ta hãy cạn một hồ đầy

Đão phá sầu thành thi thị tướng

Trường truy cùng tặc tửu vi binh

Rượu ngà say quên lẫn cả mình

Khi túy lúy thoát hình ngoài cõi tục

Mặc ai đàm tiếu, ai trong đục

Tỉnh mà chi cho nhọc chẳng khề khà

Nợ nần gỡ mãi không ra!
(Say – 1931)

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy có bài “Ngẫu Hứng Về Rượu” lại hết mực ca tụng “thú uống rượu.” Theo ý nhà thơ, phải chăng đối với những người biết uống rượu đúng điệu, tốt nết, rượu là tiên tửu, thánh tửu giúp con người thăng hoa, đời bớt ô trọc?

Giả dụ ta có kiêng rượu
Chắc gì đã giàu có hơn?
Trộm nghe khúc “Tương Tiến Tửu”
Chắc chi cảm được ra hồn?…

Rượu, gây nên nhiều phiền lụy
Chỉ dành cho đám phàm phu
Rượu, ta chuốc lời hoa mỹ
Lâng lâng sương khói trầm tư…

Rượu, ta cần chi chén ngọc
Khi kẻ dối lòng tay nâng
Xin là ly sành, chén đất
Mến thương từng giọt tràn đầy

Hứng chí gặp người đối ẩm
Cụng ly chạm vỡ nỗi buồn
Giữa cõi trần gian bụi bặm
Nghĩa tình ngấm rượu cay ngon! 




Thuở Ấy Có Em - Ðan Nguyên | Nhạc sĩ: Huỳnh Anh

Đối với Huỳnh Anh, rượu gần như môi giới, trung gian giữa âm nhạc và tình yêu, giữa viết nhạc và ca hát. Có người ví tình yêu mong manh như sợi tơ, và rượu mông lung như cơn mộng mị. Hai thứ đó không có gì tương khắc nhau mà nhiều khi còn tương hợp nữa. Tình yêu, thơ, nhạc và rượu lắm khi quyện vào nhau như hình bóng, như ánh sáng và bóng tối, tương phùng rồi ly biệt, yêu nhau rồi xa nhau.

Mời nghe thêm khúc hợp tấu “Tình, Nhạc và Rượu” qua những dòng thơ tự do, bình dị ca tụng âm nhạc và tình ca của một nhà thơ tài tử Hoa Kỳ:

The wine of love is music
…And the feast of love is song
And when love its down to the banquet
…Love sits along

Sits along and arises drunken’
But not with the feast and the wine
(James Thomson)

Rượu của tình yêu là âm nhạc
…Và yến tiệc của tình yêu là bài ca
Và một khi tình yêu ngồi xuống bàn tiệc
…Thì tình cũng ngồi lê miệt mài
Ngồi miệt mài và đứng dậy cùng say
Nhưng không say vì yến tiệc và rượu nồng

Nhưng rồi thường tình không trọn, duyên không thành. Tình yêu không ra đi chớp nhoáng, mà ra đi từ từ lặng lẽ, chia ly từng bước thì mới là khổ day dưa, mới là đau ray rứt:

Em dần… xa mãi
Ngày đi buồn không nói
Dù một câu cho vơi nhớ

Hay là chua xót nên em nghẹn lời?
Như mái lầu kia thiếu trăng
Như cõi lòng anh thiếu em


Người thất tình hứng chịu nỗi đau buốt từ con tim trống vắng khi “cõi lòng anh thiếu em” như cảnh “mái lầu kia thiếu trăng.” Với giọng ca không quá khàn đục, vì không còn khóc thành tiếng được nữa như giọng ca sĩ Ray Charles, cũng không quá thống thiết, nghẹn ngào như nam danh ca Paul Anka, Huỳnh Anh diễn đạt phần điệp khúc (Em dần… xa mãi / Ngày đi buồn không nói / Dù một câu cho vơi nhớ…) rất chua xót, như tiếng nấc nghẹn của những người quáđau khổ không nói lên lời. Phải vươn tới những lúc đủ độ men say, để cất lên tiếng túy ca, Huỳnh Anh mới xuất thần để hát hay thực sự.

“Em dần… xa mãi” cũng nhắc nhớ lại những dòng thơ tình yêu như “nước chảy qua cầu” trong bài Le Pont Mirabeau của thi sĩ Pháp Apollinaire:

Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure…
L’amour s’en va comme cette eau courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente…

Đêm về, chuông đổ
Ngày đi, tôi ở
Tình yêu bỏ đi như nước xuôi dòng
Tình yêu bỏ đi
Đời sao quá chậm…

(Bùi Giáng dịch)

Bài tình ca “Thuở Ấy Có Em” của nhạc sĩ Huỳnh Anh là bài ca hoài niệm, tưởng nhớ tình xưa, người xưa. Một mộ khúc tình yêu – bản nhạc chiều của một cuộc tình.

Còn đâu người tình có “đôi mắt xanh, bàn tay ngà, làn má thắm, tóc buông lả lơi…” của Thuở Ấy Có Em.
Thuở ấy có em. Đời như hoa mộng. Giờ không còn em. Một đời cô liêu. Đó là hai hình ảnh, hai nhịp tim đập của một cuộc đời – Huỳnh Anh thuở tuổi xanh và Huỳnh Anh lúc tuổi vàng – vừa là kiếp người, vừa là nghệ sĩ.

Lời bạt: Lẽ ra sau khi nhạc sĩ Huỳnh Anh giã biệt cõi đời (ngày 13.12.2013), tôi có một bài viết hoặc ai điếu viết lên những gì muốn nói để trải tình với Huỳnh Anh và những người bạn chung. Nhưng nỗi buồn đóng băng lại nên tôi không viết được.
Do đó, tôi đã chọn bài viết Thuở Ấy Có Em (viết cách nay khá lâu), cảm hứng sau buổi văn nghệ tại nhà hàng Thành Được mùa hè năm 2003. Điều hi hữu, buổi đó qui tụ được cả ba danh tài nghệ sĩ Huỳnh Anh, Thành Được và Lam Phương cùng đứng chung trên một sân khấu. Gặp lại nhạc sĩ Lam Phương trong tình trạng đi đứng, nói năng khó khăn, Huỳnh Anh đã ôm chầm người bạn mình bật khóc, nước mắt ràn rụa và nói lớn: “Lam Phương ơi, tao thấy tội nghiệp mày quá, tao thương mày quá Lam Phương ơi…” Đêm văn nghệ đó, đặc biệt Huỳnh Anh cũng xuất thần qua ca khúc Thuở Ấy Có Em theo thể điệu ca diễn loại nhạc blues,  và được cử tọa yêu cầu hát lại thêm một lần nữa qua những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt.
Thuở Ấy Có Em là bài tình ca đẹp đã để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp về nhạc sĩ Huỳnh Anh.

LÝ MINH HÀO
*
*     *
Nhạc sĩ & Tay trống Huỳnh Anh-Những tình khúc để đời

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire