vendredi 3 décembre 2021

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn - Nhà Thơ Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975 với các tác phẩm: Hình như là tình yêu, Cô bé treo mùng, Ở một nơi ai cũng quen nhau, Tôi và em…

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn 
Bích Huyền & Đan Thanh giới thiệu 
 *
*     *
 

 

   T.Vấn viết về nhà văn tài hoa Hoàng Ngọc Tuấn 
Bích Huyền giới thiệu 

▪ Từ đau đớn và truân chuyên, tôi gởi đến cho mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa.
( Hoàng Ngọc Tuấn )
1.
Năm 20 tuổi, tôi già nua theo năm tháng với nỗi ám ảnh của thứ triết lý thời thượng về một đời sống buồn bã. Mỗi ngày qua đi, tôi ngao ngán nhìn cuộc chiến khốc liệt trước mặt như con quái vật đang nhe răng gầm gừ sẵn sàng nuốt chửng lấy mình. Nỗi sợ hãi khiến tôi thu mình lại trong vỏ bọc một đời sống lơ lửng trên mây. Dầu vậy, tôi vẫn khao khát tình yêu ( trong mơ ) qua những trang văn Hoàng Ngọc Tuấn..
Năm 40 tuổi, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng đời sống là có thật sau bao bất trắc của chiến tranh, của tù đầy. Quái vật chiến tranh đã biến mất, nhưng để tồn tại trong một xã hội hòa bình mà đằng đằng sát khí ấy thật không dễ dàng gì. Cái buồn bã lúc này là sự buồn bã có thật, đến từ một đời sống có thật, chứ không phải từ những trang triết lý thời thượng ngày nào. Dẫu sao, tôi đã là kẻ sống sót, sau một cuộc chiến, sau một cuộc đổi đời. Và hơn lúc nào hết, tôi khao khát một tình yêu ( có thực, chứ không phải hình như ) để bắt đầu lại đời mình.
Năm 60 tuổi, tôi có cảm tưởng mình trẻ lại với tình yêu cuộc sống cứ ngày một mãnh liệt hơn. Và biết trân trọng những tình cờ ngọt ngào đến từ đời sống. Biết trân trọng những gặp gỡ, dẫu cho đó chỉ là những gặp gỡ trong một thế giới đầy ắp hòai niệm. Đời sống, đến bây giờ tôi mới hiểu được, đó là một nơi mà, ở đó, ai cũng quen nhau. Và yêu nhau. Sự hiểu biết muộn màng ấy, đến với tôi cũng thật tình cờ. Tình cờ như sự có mặt của chính mình trong đời sống này. Tình cờ như câu chuyện ngọt ngào đến với tôi trong những ngày cuối cùng của tháng Mười Một êm ái dịu dàng một cảm giác biết ơn vì tôi vẫn còn đủ đam mê nâng niu những con chữ ngập tràn hạnh phúc, thứ hạnh phúc thường làm chảy nước mắt, thứ hạnh phúc mà nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn gọi là hạnh phúc vững bền đến từ những đau đớn và truân chuyên.
Cũng từ nhà văn quá cố Hòang Ngọc Tuấn, tác giả Ở một nơi ai cũng quen nhau, mà tôi tình cờ biết đến một câu chuyện , được nhà thơ Hoàng Xuân Sơn – một người bạn thân của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn – gọi là như chuyện thần tiên.
*
*   * 
Nhà Thơ Hoàng Anh Tuấn



   Hà Nội Trong Thơ Hoàng Anh Tuấn  
Bích Huyền thực hiện

Những bài thơ của Hoàng Anh Tuấn viết về Hà Nội là cuộc hành trình trở về quê hương, với tuổi thơ, với mối tình đầu thơ dại bằng sự hoài vọng của một tâm thức trong sáng thiết tha đôn hậu. Dù ở chân trời góc bể nào, ông vẫn mang theo những hình ảnh, âm thanh, những mùi hương mà đời sống và tình yêu đã dâng tặng cho ông thuở nào.

Và trong chuyến đi rời xa Hà Nội, trong một khoảng thời gian lâu dài đến vậy, băng qua những kinh thành rực rỡ ánh đèn, hay qua những thủ đô náo nhiệt ngựa xe, qua những nơi chốn từng dung dưỡng ông dọc đời sống, ông vẫn không hề quên lãng góc cổ thành ngàn năm văn vật của riêng ông. Những đỉnh nhà chọc trời cao vút kia không che nổi một góc trời quê cũ. Năm tháng và sự xa cách quyện vào nhau, thành một thứ phù sa kỳ lạ bồi đắp mãi, thêm mãi vào tâm hồn ông những lớp dưỡng chất tình yêu mầu mỡ. Những ấn tượng thời mới lớn đã khắc ghi vào tâm hồn ông, hình ảnh một đất thánh huyền hoặc tạo thành những bối cảnh chính cho những thi ca của ông suốt đời.
 


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire