dimanche 19 décembre 2021

Nguyễn Trần Diệu Hương - XIN CHIA TAY MỘT CHÚT QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG

Nhạc sĩ Việt Dzũng (Ảnh: Dân Huỳnh/Người Việt)Đầu thập niên 80, lần đầu tiên tôi được nghe tên ca nhạc sĩ Việt Dzũng là lúc tôi ôm cái radio cũ mèm vặn volume "vừa đủ nghe…” để nghe bài "Một chút quà cho quê hương" được phát từ chương trình nhạc của đài phát thanh. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ, là học trò trung học ở Việt Nam, không biết gì về Việt Dzũng, nhưng cả bọn chúng tôi đều không cầm được nước mắt khi nghe tiếng hát của anh:  

Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Xin chút yên lành trong giấc ngủ da vàng


Hoặc:

Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Một chút quà cho quê hương - Việt Dzũng 


Con thuyền mong manh, vẫy tay từ biệt
Gạt lệ ra đi, xin làm thân lữ thứ

Tình Ca Cho Nguyễn Thị Saigon (Việt Dzũng) 
 
Còn nhớ anh Trịnh, một người bạn cùng trại, phụ trách môn Toán của một lớp thiện nguyện ở trường học Pulau Bidong. Có lần, anh Trịnh nói với chúng tôi, giọng nghiêm trang: Sau này nếu anh có con, dù là con trai hay con gái, anh sẽ đặt tên cho nó là Hy Vọng và sẽ nói với nó là bác Việt Dzũng đặt tên cho nó.
Tưởng là anh chỉ nói vì xúc động khi nghe tiếng hát Việt Dzũng, qua các ca khúc về người tỵ nạn, nhưng hơn hai mươi năm sau, chúng tôi có dịp gặp con gái anh, cô bé tên Huỳnh Thị Hy Vọng, năm nay em sắp tốt nghiệp Đại học, biết hát bài "Tình ca cho Nguyễn Thị Saigon" rất rõ ràng, mặc dù em nói tiếng Việt chưa sõi, với âm hưởng chưa chuẩn xác. Phần chúng tôi, những ngày đầu sống đời lưu vong, vừa đi học, vừa đi làm, không có thời gian để nhớ nhà, để...buồn, nhưng cứ mỗi lần nghe "Một chút quà cho quê hương" nhất là câu:
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình

là mắt chúng tôi nhạt nhòa, đường xá xe cộ bỗng dưng mờ ảo qua màn nước mắt.

Từ khi có Google chúng tôi biết nhiều về ca nhạc sĩ Việt Dzũng và bầy con tinh thần rất đông đảo của anh (hơn 450 nhạc phẩm), nhưng chúng tôi vẫn thích nhất "Một chút quà cho quê hương", và "Tình ca cho Nguyễn Thị Saigon".


Âm nhạc Việt Nam có rất nhiều nhạc sĩ, có cả trăm nhạc phẩm đi vào lòng người nghe thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thời đại. Lịch sử thuyền nhân Việt Nam với "bầy chim bỏ xứ" có nhiều chuyện lấy được nước mắt của những người cứng rắn nhất nhưng chắc là không có một nhạc sĩ nào - ở tuổi trên dưới hai mươi - viết được:

Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng

Hay

Ru em giòng lệ quê hương
Chảy xuôi trăm ngả trùng dương chia lìa.

Với chúng tôi, Việt Dzũng là người có toàn bộ "điều kiện cần và đủ" cho ước mơ mà anh theo đuổi: tài năng và tấm lòng với quê nhà. Do vậy, bây giờ hay mãi mãi về sau nhắc đến dòng nhạc lưu vong, người ta sẽ không bao giờ quên anh.

Nguyễn Trần Diệu Hương
Đầu Đông 2013

https://ngo-quyen.org/a3274/nguyen-tran-dieu-huong-xin-chia-tay-mot-chut-qua-cho-que-huong 

*
*     *
Một Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Đêm, Tình Ca Cho Nguyễn Thị Saigon, Mời Em Về
*
*     *

Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn
Mẹ đặt tên em, Nguyễn Thị Sài Gòn
Em sinh ra đời, một ngày cuối tháng Tư
Con thuyền mong manh, vẫy tay từ biệt
Gạt lệ ra đi, xin làm thân lữ thứ

Mẹ đặt tên em, Lý Thị Tỵ Nạn
Cha đang giam cầm, vùng Việt Bắc xót xa
Gió buồn đưa nôi, ru lời nguyện cầu
Con sóng bạc đầu, đưa con vào đời lưu vong

Mẹ đặt tên em, Vũ Thị Nhục Nhằn
Nuôi con nuôi bằng, giọt lệ ôi đắng môi
Thương đời gian nan, thân phận tủi nhục
Hồn lạnh căm căm, mong tìm một lẽ sống

Mẹ đặt tên con, Lê Thị Hy Vọng
Con yêu của mẹ, là niềm tin thiết tha
Cho dù đau thương, cho dù đoạn trường
Sẽ có một ngày, con đưa mẹ về quê hương

Mẹ đặt tên em, Trần Thị Thương Nhớ
Nhớ quá quê xưa, bao nhiêu năm rồi đó
Đêm mẹ ru con, bao giờ khôn lớn
Trở về phố xưa, tìm nấm đất bên đường

Trong lòng quê hương, Mẹ đặt nơi đó
Biết mấy yêu thương, khi cha con còn sống
Con là tương lai, con là gió mới
Hãy nhớ đường mẹ, về lại nơi cuối trời
*
*     *
Ca khúc lưu vong của Việt Dzũng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire