samedi 4 décembre 2021

“MƯA SÀI GÒN MƯA HÀ NỘI” – HOÀNG ANH TUẤN & PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn sinh ra tại Hà Nội, ngày 7 tháng 5, 1932 – mất ngày 1 tháng 9, 2006. Ông vừa là một nhà đạo diễn, vừa là một nhà văn. 
 Năm 17 tuổi ông du học sang Pháp đến năm 1958 thì về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh IDHEC (viết tắt từ tiếng Pháp: L’Institut des hautes études cinématographiques) ở Paris. 
Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản Đốc Đài Phát thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim có sự đóng góp của ông là: 
 “Ngàn Năm Mây Bay” (1963), dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn. 

 “Hai Chuyến Xe Hoa” (1961) dựa trên tiểu thuyết “Hai Chuyến Xe Hoa” của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được.

 “Nước Mắt Đêm Xuân” với các diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.

“Xa Lộ Không Đèn” (1972) với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông bị bắt đưa đi tù cải tạo. Sau khi ra tù đến năm 1979 thì ông và gia đình được phép xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ. Ông qua đời ở thành phố San Jose, bang California, ngày 1 tháng 9 năm 2006.

thành phố San Jose, bang California, ngày 1 tháng 9 năm 2006.

hoanganhtuan_ĐB

hoanganhtuan_muasaigonmuahanoi1


 

Thi khúc “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” (TS Hoàng Anh Tuấn & NS Phạm Đình Chương)
Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương mầu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà thành trước kia thường thường
Về cùng lối đường
Khi mưa buốt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước
Thơm phố phường
Mưa ngày nay
Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắc heo may
Sầu rơi ướt vai
Hồn quê tê tái
Mưa mùa thu
Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhoà trên dòng sông Hồng Hà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Đau lòng Tháp Rùa
Thê Húc bơ vơ
Thành đô xác xơ
Cô liêu trong nỗi u hoài
Lòng người sống lạc loài
Thê lương mềm vai gầy
Bao oan trái
Dâng tê tái
Cho kiếp người héo mòn tháng ngày
Mưa còn rơi
Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời
Vang trời tiếng cười
Ấm niềm tin hồn người
Mây trắng vui tươi
Tình quê ngút khơi
Tự do phơi phới
 
Túy Phượng (Theo Wikipedia)

Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội – Hợp ca – Ca sĩ Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao

*
*     *

Hoàng Anh tuấn, nhà thơ nghệ sĩ

(Nguyễn Mạnh Trinh)

(Trích)
Có người hỏi tình yêu của Hoàng Anh Tuấn khi tuổi trẻ hoặc lúc về già có gì khác biệt. Theo tôi thì cũng thế thôi. Một nòi tình. Tuổi trẻ khi đã yêu, ai mà không nhút nhát, không mơ mộng. Ai mà chẳng có lúc “mộng ngoài cửa lớp”? Ai mà chẳng có lúc nhớ về Em của:

“Em xõa tóc bước lên ngôi thần tượng.
Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm
Môi ướp mật ong, tóc đẫm hương rừng
Tà áo mỏng dệt bằng tơ dị thảo…”

Nhưng khi lớn tuổi, thì cũng thế. Người đọc thấy người thơ sao giông giống chính ý nghĩ mình. Từ ý tưởng, từ ngữ ngôn, là những dong tay dắt về nơi chốn tuy ngủ trong trí nhớ nhưng chưa yên trong hồi tưởng. Thơ đi về ngõ đường nào, có cơn mưa ấu thời, có rung động thanh xuân. Dù, Hoàng Anh Tuấn làm thơ cho Hà Nội, nhưng ai cấm độc giả tưởng tượng lại cho thành phố của mình. Như với tôi là Sài Gòn, là thánh địa của tuồi hoa niên, là cơn nắng chiều vàng hoe hiu hắt, là con lộ ven bờ kinh dẫn đến dốc cầu cao, là tà áo dài trắng phất phơ đầy mộng tưởng.

Thơ tuyệt vời như thế chắc được nhiều nhạc sĩ ngắm nghía để phổ nhạc? Đúng như vậy, Thơ Hoàng Anh Tuấn được rất nhiều nhạc sĩ chọn. Và có rất nhiều nhạc khúc bắt nguồn từ thơ ông. Như Hoài Khúc của nhạc sĩ Anh Việt. Như Soi Trong Lòng Mắt – Duyên Anh. Như Ngàn Năm Mây Bay – Nguyễn Hiền. Như Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội – Phạm Đình Chương. Như Viết Trên Tà Áo Em – Văn Phụng. Như Hát Tháng Tư Xanh – Phạm Duy. Như Gọi Người Yêu Dấu – Vũ Đức Nghiêm. Như Thầm Kín Song Ngọc. Như Em, Hà Nội – Phan Nguyên Anh. Như Giọng Hát Năm Xưa – Nguyễn Đức Nam. Như Mùa Hạ Huyền – Khổng Vĩnh Thành…

Trong lời tiễn đưa khi hạ huyệt thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhà văn Giao Chỉ phát biểu: ”trong số các bài thơ của Hoàng Anh Tuấn có hai bài phổ nhạc rất danh tiếng. Bài Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội đã làm khổ thi sĩ khi kẹt lại bị hành lên hành xuống trong tù Cộng sản. Tuy nhiên Bài Thơ Hà Nội chan chứa tình yêu với tên các con đường 36 phố phường thì cả cán bộ Bắc Kỳ đọc cũng phải ngẩn ngơ.

“Em Hà Nội, Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi sao thảo cỏ mờ phai
Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc…”

Tình Hà Nội đến như thế thì thôi !!!

Thơ tình Hà Nội không phải chỉ có thế. Tôi đọc “Bài Thơ Còn Lại”, để thấy như còn chút vấn vương, còn một nỗi niềm nào mơ hồ chưa ngỏ. Lời và ý thật tự nhiên, xuôi chảy theo dòng ngôn ngữ không một chút dụng công nhưng lại gây rung động. Trong cách diễn tả, có sự thiết tha của những lời dặn dò…

Không phải thi sĩ chỉ muốn dặn dò với người yêu, mà, còn muốn dặn dò với cả chính mình, hay cả vời vợi tâm tư của một tâm thức nào đã in sâu trong trí nhớ. Lời dặn tha thiết:

“Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
mắt vương tơ của những phút học bài
tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn…”

Thốt nhiên, tôi lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính, của cái xót xa khi thấy người yêu thay đổi “hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều,” như lời dặn dò đừng mặc áo quần theo mốt thành thị nhắc lại một thời xa xưa. Còn Hoàng Anh Tuấn thì nài nỉ. Hãy hồn nhiên, hãy ngây thơ, như thuở nào mới lớn. Đừng trang điểm, bởi son phấn sẽ làm thô nhám đi lớp da mượt mà, sẽ làm bớt đi cái hồn nhiên của những bình minh vừa rạng…

Tâm tư ấy, với tuổi học trò, ai mà quên được. Có lời ngỏ từ câu thơ phất phơ tà lụa. Hay là nỗi niềm thổn thức buổi chia xa. Thơ được hình tượng riêng từ hoa lá cỏ cây đến trời mây sông biển. Dòng thơ xuôi nguồn, những câu tám chữ phăng phăng rạch về biển lớn. Câu, chữ, là lóng lánh sương trong của một ngày tinh mơ, là ánh hoàng hôn của một chiều quá vãng. Thơ, mềm mại và nõn nhẹ như tơ:

“Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
như chưa lần nào em nói: yêu anh
như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
em có về ăn cưới những vì sao
để chân bước trên giòng sông loáng bạc
ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc…”

Những câu thơ mở ra một tấm lòng rất rộng, đầy trăng sao mơ mộng. Nhưng tuyệt cú là những câu cuối của bài thơ. Những câu thơ mà nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm đắc… Những câu cuối là những câu thơ của nỗi niềm hoài niệm, của những dặn dò cho thân ái ngày xa xưa:

“…Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn…”
(hết Trích)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire