vendredi 5 août 2022

Nhất Tuấn, Muôn Thuở “Truyện Chúng Mình”

Tình như tóc rối, xin đừng gỡ ra 
(“Tóc rối”, thơ Nhất Tuấn) 
Ngày ấy tuổi học trò 
sân trường đầy phượng đỏ… 
Câu thơ Nhất Tuấn và mầu phượng thắm sân trường luôn gợi lại trong mỗi chúng ta nỗi tiếc nhớ xa xôi về những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. 
Mầu hoa phượng trong thơ Nhất Tuấn còn gọi là mầu hoa học trò, mầu hoa thắm tươi và đẹp như mối tình đầu vụng dại của những cô cậu học trò. 
Tình đầu là nụ hoa vừa chớm nở, là những xao xuyến, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu. Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.
 
Nhất Tuấn, muôn thuở "Truyện Chúng Mình” 
 T/g: Lê Hữu - qua giọng đọc Bích Huyền

 Phượng Đỏ, Mimosa Vàng

Bây giờ còn nhớ hay không?
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa

(Hoa Học Trò)

“Ngày xưa”, hai tiếng ấy nghe sao êm đềm quá! Chuyện “ngày xưa” ấy chỉ còn lại những tấm ảnh cũ đã nhạt mầu và những cánh hoa ép khô của một mùa kỷ niệm nằm im lìm trong những trang thơ Truyện Chúng Mình một thuở.

Sân trường phượng vỹ, tiếng ve gọi hè, và mối tình đầu thuở học trò ấy, làm sao quên được!

Trong những giấc mộng nhỏ êm đềm đưa chúng ta về gặp lại một mùa nào “hoa bướm ngày xưa”, vẫn thấp thoáng những cánh phượng hồng và một sân trường kỷ niệm.

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
gửi vào đây một bài thơ cuối cùng

Bây giờ còn nhớ hay không
đến người em nhận làm chồng? Mà… thôi!

 (Hoa Học Trò)

“Mà… thôi!”  Hai chữ ấy trong câu thơ cuối của Nhất Tuấn như lời trách cứ nhẹ nhàng, như tiếng thở dài thật nhẹ, mà vẫn nghe lòng chùng xuống, vẫn nghe tim thắt lại.

Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ!
Hoa Học Trò - Thơ: Nhất Tuấn -Nhạc: Anh Bằng 
 Diễm Liên & Nguyên Khang 

 (Hoa Học Trò)

Tôi yêu hai chữ “rưng rưng” trong câu thơ ấy.  Câu thơ đọc nghe… rưng rưng.

Tôi cũng yêu hai chữ “khắc khoải” trong thơ Nhất Tuấn.

Đêm nay Noel đây
Chuông nhà thờ khắc khoải
Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối

(Mimosa Thôi Nở)

Câu thơ nghe một nỗi gì… khắc khoải, nghe một không gian lạnh và buồn.   

Câu thơ cũng mang một khí hậu rất Đà Lạt, thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù, và cũng gợi nhớ những năm dài “chinh chiến điêu linh”.  Rồi cuộc đời lính chiến, rồi “mấy dặm sơn khê”, rồi “mưa rừng gió núi”…, đã khiến cho những lứa đôi yêu nhau phải “người ở một phương nhớ một phương” vì những cách ngăn, chia lìa của một mùa ly loạn.

Lại một Noel nữa
mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
thương về một khung trời

(Niềm Tin)

Khung trời nào đây? Thành phố nào đây? Nếu không phải là “thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù” ấy, thành phố suốt đời mây bay ấy.  

Rừng Ái Ân vẫn đó
Hồ Than Thở còn đây
Thông im buồn đợi gió
Mây đồi xa còn bay

(Nhớ Về Đà Lạt)

Ðà Lạt như cô gái xuân thì, xinh tươi và mơ mộng.

Ðà Lạt, thành phố của những tên gọi khác nhau, thành phố ngàn thông, thành phố mù sương, thành phố của tình nhân.

Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, còn là thành phố của từng cụm mây trắng lững lờ, thành phố của những hồ, những thác, những thung lũng, những ngọn đồi, những con đường dốc, những hàng thông xanh và những cánh đồng ngút ngàn hoa mimosa vàng…

Mimosa nở vàng cành
Thông reo, gió đuổi mây xanh cuối trời

(Truyện Cành Hoa Mimosa)

Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, là “thành phố mimosa vàng”, thành phố của những câu thơ trữ tình nhuốm màu vàng tươi của sắc hoa.
Mimosa thôi nở (Nhất Tuấn - Đan Thọ - Duy Quang)  

Nhưng em không về nữa
đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
trong hồn anh đêm nay

(Mimosa Thôi Nở)

Trong mưa bay anh thờ thẫn ra về
Mimosa tràn ngập lối anh đi…
(Mưa Trong Kỷ Niệm)

Có từng sống ở thành phố của những cánh mimosa vàng rực ấy mới thấy được, mới cảm được và mới yêu được vẻ đẹp nên thơ của những cơn mưa phùn, mưa bụi ấy.  Những cơn mưa lất phất đánh thức những nhớ thương dịu dàng.  Những cơn mưa thật mỏng, thật nhẹ, những cơn mưa gọi là “chỉ-vừa-đủ-làm-ướt-tóc” của những đôi tình nhân.

Đà Lạt mờ sương khói
một mình anh lặng im…

Giá mình đừng gặp nhau
trên núi đồi Đà Lạt
Vì tình yêu ban đầu
đã tan theo sóng nhạc

(Bài Hát Đồi Sim)

Có vẻ như thành phố “mờ sương khói” ấy, thành phố của những ngày vui mơ hồ trong trí tưởng ấy, vẫn luôn ở một góc nào trong trái tim chàng thi sĩ, như còn ở mãi trong những trang thơ Truyện Chúng Mình, ngày nào chàng còn ở với cuộc sống.

Có phải vì lẽ ấy, trong chuỗi ngày ly hương và trong buổi hoàng hôn của đời người, nhà thơ của chúng ta đã chọn về định cư ở Seattle, “Thành phố mưa bay”, hay “Thành phố ‘xanh hoài ngàn năm’” giữa miền đồi núi chập chùng ở vùng trời tây bắc Hoa Kỳ, để tưởng vọng về thành phố quê hương đầy ắp những kỷ niệm mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại nơi chốn ấy.

Tình Một Thuở, Tình Muôn Thuở
 
 

Không rõ đã có sự đồng cảm, đồng điệu nào giữa thi sĩ Nguyễn Bính và tác giả Truyện Chúng Mình, chỉ biết rằng hai tiếng “chúng mình” được hai nhà thơ này đưa vào thi ca sớm nhất.

Hình như họ biết chúng mình… với nhau
(“Chờ nhau”, Nguyễn Bính)

Kể từ sau các thi tập Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, có khá nhiều “chúng mình” nở rộ trong thơ và nhạc, như “Ngày đó chúng mình” của Phạm Duy, như “Chuyện chúng mình” của Trúc Phương, như “Ngày mai chúng mình xa nhau rồi…” (“Mùa thu mây ngàn”, Từ Công Phụng), như “Chuyện chúng mình ngày xưa / anh ghi bằng nhiều thu vắng…” (“Nhìn những mùa thu đi”, Trịnh Công Sơn)…

“Chúng mình” nghe thân mật hơn, thắm thiết hơn và cũng tình tứ hơn những “đôi mình”, “đôi ta”, “hai ta”… hoặc  bất kỳ tên gọi nào khác của “hai người gọi chung một tên”.

“Truyện chúng mình” của Nhất Tuấn là những chuyện vui chuyện buồn, chuyện vu vơ nắng mưa, chuyện thầm thì to nhỏ, chuyện tâm tình và hò hẹn, chuyện nhớ nhung và đợi chờ, chuyện ghen tuông và hờn trách, chuyện gặp gỡ và chia phôi, chuyện thủy chung và phụ phàng, chuyện… ngàn lẻ một chuyện của những lứa đôi trên đời này.

Thơ Nhất Tuấn là những dòng thơ hồi tưởng. Hồi tưởng về những mùa vui, tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập thương yêu. Tâm hồn nhà thơ là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Tuổi đời càng chất chồng, tình quê càng đậm đà. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt.

Tóc mây Hà Nội năm nào
Em đem từng sợi buộc vào đời anh
Bây giờ tóc bạc, tóc xanh
Tình xưa anh vẫn quẩn quanh tìm hoài

(Tóc Rối)

Những câu lục bát ấy ở trong bài “Tóc rối”, một trong những bài tôi yêu thích nhất của tác giả Truyện Chúng Mình.  “Bắt” được những câu thơ hay trong một bài thơ hay luôn luôn là điều thú vị.  Những câu thơ hay tựa những bông hoa đẹp.  Những người khác có thể yêu thích những câu thơ khác trong những bài thơ khác của Nhất Tuấn, tựa như người ta yêu những bông hoa, những vẻ đẹp khác nhau vậy. Ðiều này cũng cho thấy, mỗi người đều có thể tìm được trong những trang thơ Nhất Tuấn những bài thơ, những câu thơ mình yêu thích.  

Tôi hiểu được vì sao nhiều người yêu thơ Nhất Tuấn đến độ thuộc nằm lòng, hoặc từng nắn nót chép lại và cất giữ cẩn thận những bài thơ trên trang báo cũ, hoặc muốn đi tìm lại những bài thơ “Truyện chúng mình” từng yêu thích một thời.  Thật dễ hiểu, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình, bắt gặp những câu chuyện lòng của mình trong những trang thơ ấy, và vẫn muốn tìm lại bài thơ cũ như tìm lại những “dấu chân kỷ niệm” của thuở ban đầu khó quên.

Bốn mươi năm, cuộc tình sầu
Bốn mươi năm, mối duyên đầu khó quên

(Tóc Rối)

“Tình một thuở” trong thơ Nhất Tuấn đã hóa thành “tình muôn thuở”.

Nhất Tuấn, ông từng có một thời để yêu và một đời để ngồi kể lại “Truyện chúng mình”.

Nhất Tuấn, ông đã viết hộ những đôi tình nhân những trang nhật ký tình yêu thắm thiết.             

Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, tưởng rằng chỉ là “chuyện hai người”, tưởng rằng chỉ có “hai người” biết với nhau thôi, vậy mà đã hóa thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu là lứa đôi.

 Nhất Tuấn, ông đã nhận được bao nhiêu lời cám ơn của bao nhiêu là lứa đôi nên vợ thành chồng nhờ vào mối duyên tơ đến từ những bài thơ “Truyện chúng mình” ấy?    

Những bài thơ tình không-bao-giờ-cũ của chàng thi sĩ ấy, ở bất cứ tuổi nào, bất cứ thời nào, đọc lên nghe cũng rưng rưng cảm xúc, vì là những bài thơ tình muôn thuở, kể về những câu chuyện chúng mình muôn thuở, muôn-đời-muôn-kiếp-không-phai.

Lê Hữu

* “Nhất Tuấn, muôn thuở Truyện Chúng Mình” trong Chương Trình Thơ Nhạc

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), qua giọng đọc Bích Huyền

*
*     *
Tiếng hát đồi sim - thơ Nhất Tuấn, nhạc Hoàng Lang, ca sĩ Quỳnh Giao
*
*     *


Niềm tin- Nhất Tuấn- Anh Linh- Thanh Lan thu âm trước 1975 

NIỀM TIN 
Nhất Tuấn
Lại một Noël nữa
Mấy mùa Giáng sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời.
Chắc Đàlạt vui lắm
Mimosa... nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian.
Mấy mùa Giáng sinh trước
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về được
Hồi hộp đợi tin ai.
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi... mưa núi
Đã làm anh vui nhiều.
Ở đây anh chờ sẵn
Đón thánh lễ truyền thanh
Xin Chúa ban ơn xuống
Cho em và cho anh.
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng sinh.
*
*     *
Buồn trong kỷ niệm - thơ Nhất Tuấn, giọng ngâm Hoàng Oanh
*
*     *
Chuyện Cành Hoa Mimosa - Julie Quang thu âm trước 1975
*
*     *
Thanh Lan hát Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời trước 1975
Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời (nhạc sĩ Phạm Duy) 
Ca khúc Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Nhất Tuấn đã nói lên nỗi ưu tư của chàng trai nghèo về số kiếp bọt bèo của mình, không thể thổ lộ cùng ai cho vơi bớt đi tâm sự, chỉ biết giãi bày và cầu nguyện với Chúa… 
Con quỳ lạy Chúa trên trời 
Sao cho con lấy được người con yêu 
Ðời con đau khổ đã nhiều 
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
*
*     *
Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không | Ánh Minh & Justin Nguyễn
*
*     *
 
Chân dung Nhất Tuấn - Trương Đình Uyên

T I Ễ N   M Ộ T   N G U Ờ I
Thơ Nhất-Tuấn 
(Gửi theo Thanh Nam -1985)
Hôm nay Trời cũng thương ai khóc
Đất khách… ta say tiễn một người
Nước mất, nhà tan… đời tủi nhục
Lò thiêu, huyệt lạnh… thế là thôi!!
Đinh Hùng đang đợi miền tiên cảnh
Kìa… Vũ Hoàng Chương đón bạn rồi
Tao Đàn… thơ lộng tầng mây ấy
Có nhớ Huy Quang khóc sụt sùi? 
Có thương anh em, bè bạn cũ:
Đứa ngày lao động nghiến răng cười,
Đứa đêm khắc khoải nơi tù ngục
Mẹ già, vợ dại… con thơ… ôi!!
Nợ trần trả sớm người đi sớm
Phủi tay, thanh thản như mây trôi 
Đêm xưa lệ nhỏ trên ly rượu
Khóc hận cười đau tiếng bạc đời
Bẻ kiếm bên trời… tàn sự nghiệp
Đối ẩm nhìn nhau… mình nghẹn lời
Bây giờ kẻ ở, người đi biệt
Như thuyền đuổi sóng vút ra khơi
Như chim quyên trắng… bay mê mải…
Theo ánh sao băng lóe cuối trời! 
Mình ta lạc giữa cơn trường mộng
Rượu rót tràn ly thiếu bạn mời
Nhác quanh rặt những trò vân cẩu
Nâng chén trên tay uống ngậm ngùi
Bài thơ lần chót, cho tri kỷ
Gửi gió bay theo tám hướng trời
Mười năm thương nước khô dòng lệ
Trời Đất thay ta khóc một người 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire