lundi 26 avril 2021

Duyên Anh

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội. 

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo. 
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...
 

Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành.
Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4 năm 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc. 

 

Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
Năm 1984 khi vừa đặt chân đến Pháp một năm, Duyên Anh đã cho xuất bản tập thơ đầu tay ở nước ngoài, có tựa EM TÔI SÀI GÒN VÀ PARIS. Một tập thơ có bảy bài sáng tác trước 30-4-1975, ba bài sáng tác ở Sàigòn khi tác giả vừa ra khỏi nhà tù, còn lại đều được sáng tác tại Paris từ cuối năm 1983. Tiếp tục sau đó từ 1985 đến năm 1987 là thời gian Duyên Anh sáng tác nhiều thơ nhất.
Sử gia Pierre Chaunu, giáo sư đại họcSorbonne, nhà tư tưởng, nhà văn lỗi lạc nước Pháp, đã vinh tôn Duyên Anh như một thi sĩ lớn, một vinh quang của quốc gia (ungrand poète, un gloire natianlae) trước công chúng trí thức Paris, người yêu thơ sẽ tìm thấy một tài năng thi ca đính thực của Duyên Anh.
Từ tập thơ “Em tôi SG và Paris” nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn hai bài thơ gồm “Ai Tín” để phổ nhạc thành ca khúc với tựa “EM, ANH ĐÃ TỚI PARIS” và bài Có Bao Giờ Em Hỏi. Lần lượt Kyphan sẽ giới thiệu cả hai bài phổ này, đầu tiên là bài “Em, anh đã tới Paris” phổ từ ý bài thơ “Ai Tín” gắn điệu Blues, sáng tác năm 1984. 
Có bao giờ Em hỏi ? - Thơ Duyên Anh - Nhạc Phạm Duy - Tiếng hát Hạt Sương Khuya 
 
Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu.
Có bao giờ em nói
Câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau!
[ĐK1:]
Mùi hương nào gợi nhớ
Vừơn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió
Gởi nhạc sáo lên cao.
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào.
[ĐK2:]
Em, bao giờ em khóc
Có Bao Giờ Em Hỏi
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê Tam Cúc
Xuân hồng đã trôi mau.
Chưa kịp hôn môi tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu
Em đã chết từ lâu.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Mùi hương nào gợi nhớ vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió gợi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa tiểu thuyết trên lụa đào.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Em bao giờ em khóc, ngơ ngác chuyện chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi Tết, tháng Giêng son phấn sầu
Bây giờ em đã biết, em đã chết từ lâu.
Chết từ lâu .....
 
Hình như giữa hai con người có sự đồng cảm về số phận lưu vong, về nỗi nhớ quê hương, thân phận cô đơn trên xứ người với những nỗi lòng đầy trắc ẩn.
Phạm Duy đã nằm sâu trong lòng đất Mẹ còn Duyên Anh ? - 'Em, Anh đã tới Paris'. Anh nằm đó lẻ loi, đơn độc, lặng lẽ .. Rồi bay đi rồi tan đi rồi chìm vào trong lãng quên. Như xác lá trong bao xác lá nơi xứ người, xác lá Duyên Anh, anh sớm hòa tan vào mọi thứ bụi bặm cõi trần, cả thương yêu lẫn hận thù, cả bao dung và ngộ nhận. Tất cả đã chôn vùi theo một con người. Nhưng còn đó trong chúng ta, thời thanh niên, thời “của những tháng năm đẹp nhất đời người”.
Chúng ta hãy cùng đọc bài thơ Ai Tín và ca từ bài nhạc phổ "Em, anh đã tới Paris" để so sánh và cảm nhận vẹn điều tác giả gửi gấm dòng tâm sự cùng nỗi niềm qua tác phẩm .. 
 
 
 
AI TÍN
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Như lòng anh buồn bã thuyền nhân
Sài gòn tuy xa nhưng vẫn rất gần
Paris trước mắt mà trăm năm hiu quạnh
Cái gì lửng lơ trên miếng đời mỏng dính
Đó hồn anh giá lạnh quê người
Anh đi giữa trưa thương nhớ mặt trời
Anh đi giữa đường tương tư cơn gió
Mặt trời ấm vừa, má em hây đó
Cơn gió hiền đủ sợi toc em bay
Anh đi giữa đường thương nhớ ai đây
Anh đi giữa đời cát mù sa mạc
Anh đi tội tình lưu vong ngơ ngác
Anh đi dại khờ trẻ lạc quê hương
Anh đi không nhớ phố nhớ phường
Anh đi chẳng cần giờ cần giấc
Anh đi nghe đìu hiu lau lách
Với tuổi anh hạnh phúc tiếng rên dài
Khi cúi xuống nhìn dấu giầy lữ thứ
Còn trong anh một hồi chuông quá khứ
Chưa kịp rung đã cáo phó tương lai
Anh đi ngẩn ngơ quên tháng quên ngày
Anh đi hững hờ quên trời quên đất
Anh đi miệt mài xác xơ hành khất
Mà thiên đường thiếu phép lạ thi ân
Thượng đế kiêu căng, Thượng đế nghèo nàn
Không thể bố thí cho anh tổ quốc
cái gì rét run lặng câm đau buốt
Đó hồn anh lìa nước bơ vơ
Tổ quốc anh đâu, tổ quốc nghìn xưa
Tiếng anh gọi đã sương mù vĩnh quyết
Tiếng anh gọi đã nghĩa trang đào huyệt
Nghĩa là anh đã mất hết tự đêm nào
Giòng sông đưa anh ra biển ngập sao
Giòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh.
PARIS, 11-02- 1984
Tiếng hát: Văn Tấn Phát 
 
EM, ANH ĐÃ TỚI PARIS .. (PD)
1. Em, anh đã đến Paris. Mùa thu như lòng anh buồn bã thuyền nhân
Sài Gòn tuy xa nhưng rất gần. Paris trước mắt nhưng hiu quạnh, nhưng hiu quạnh buồn.
Em, anh đã đến Paris Hồn anh lửng lơ trong trời đất mỏng manh
Đi trong thương nhớ mặt trời tương tư. Cơn gió hiền hoà làm má em tươi làm tóc em bay.
2. Anh đi giữa trưa thương nhớ ai đây Anh đi giữa đời cát mù sa mạc
Anh đi tội tình lưu vong ngơ ngác Anh đi dại khờ trẻ lạc quê hương
Anh đi không nhớ phố phường. Anh đi chẳng cần giờ giấc.
Anh đi anh nghe đìu hiu lau lách Anh đi, anh đi giữa trời Pari.
ĐK:
Với tuổi anh hạnh phúc quá tầm tay Với tuổi anh mộng ước tiếng rên rỉ
Khi cúi xuống dấu giầy lữ thứ Còn trong anh hồi chuông quá khứ
Chưa kịp rung đã cáo phó tương lai. Anh đi giữa đời thương nhớ ai đây ..
Anh đi ngẩn ngơ quên tháng quên ngày Anh đi hững hờ quên trời quên đất
Anh đi mệt mài xác xơ hành khất. Nhưng thiên đường không phép lạ thi ân
Thượng đế kiêu căng, thượng đế nghèo nàn Tổ quốc anh đâu ?
Sương mù vĩnh ký, Tổ quốc anh đâu nghĩa trang đào huyệt ..
3. Em, anh đã đến Paris, mùa thu rơi đầy lá
Xác lá Pari, xác lá riêng anh.
Em, Anh đã đến Paris. Mùa thu đầy xác lá
Xác lá Duyên Anh, xác lá Paris ..
Tri ân, tôn vinh hai bậc tài hoa nước Việt Duyên Anh – Phạm Duy cùng bài thơ và bài nhạc phổ vào năm 1984. Mời các bạn vào đọc bài viết tổng hợp của Kyphan, cùng nghe bài tâm ca buồn Em, Anh Đã Tới Paris để hoài nhớ về những kỉ niệm, cùng tiếc nhớ hai nghệ sỹ tài danh PD – DA .. 
 
theo fb Pham Duy & sưu tâp VongNgayXanh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire