samedi 17 avril 2021

"Một Ngày Sau Chiến Tranh"

Résultat de recherche d'images pour "Nguyễn Đình Toàn"Nguyễn Ðình Toàn đã viết lên những ca khúc của chính ông, đầy chất thơ và miên man tình tự, ghi lại dấu vết những cuộc tình không may, nổi trôi giữa cơn gió định mệnh khắc nghiệt, trên một quê hương tan nát vì khói lửa đạn bom. "Một Ngày Sau Chiến Tranh" là một trong những ca khúc ấy, vẽ lên hình ảnh quê hương như trong giấc mơ, những người trai trẻ ra đi ngày nào khi trở lại thấy mình già, nhưng "dẫu sao lòng anh vẫn đầy bao nỗi vui, đóa xương rồng sắc tươi hồng trong bó gai, ôi gió mát trời xanh ơi, sông sâu chôn những hồn ai, cây cao đã héo bao nhiêu nụ đời..."
Một ngày sau chiến tranh.
Đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn (Phần 1)

1-Nước Mắt Cho Sài Gòn (Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên)
2-Chiều Trong Tù
3-Một Ngày Sau Chiến Tranh
4-Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn
5-Yêu em bỏ tuổi thơ ngây
6-Mai Tôi Đi
7-Quê Hương Thu Nhỏ
8-Căn Nhà Xưa
9-Một Cánh Hoa Rơi
10-Nếu Mai Ngày
*
*     *
Một ngày sau chiến tranh.
Đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn (Phần 2)

1-Tôi Muốn Nói Với Em
2-Nhìn Lại Em Đi Anh!
3-Đường Đưa Buớc Em Đi
4-Dạ Khúc
5-Tuổi Xanh Như Ngày Nắng
6-Có Bao Giờ
7-Nụ Vàng
8-Đời Còn Dành Cho Ta
9-Em Còn Yêu Anh
10-Kinh Cầu Cho Tuổi Trẻ

Tiếc thay chiến tranh không tàn như trong một giấc mơ. Chiến tranh đã kết thúc bằng một cơn ác mộng, và ngay cả những viễn ảnh đen tối nhất vẽ nên bởi một đầu óc bi quan nhất cũng không thể so sánh nổi với thực tại về mức độ kinh hoàng. Cuộc chiến nửa thế kỷ chỉ kết thúc để mở đầu cho một thảm kịch mới, để biển Ðông trở thành mồ chôn cả triệu xác người, mảnh đất quê hương biến thành trại tù vĩ đại, và người ta bám víu vào mỗi cuộc chia ly như một niềm hy vọng đau xót. Trong những năm tháng nhọc nhằn cùng khổ, đầy bất trắc ấy, giữa một thành phố yêu dấu đã bị mất tên, có những người bạn thầm thì với nhau "Nước Mắt Cho Sài Gòn", để nhớ... Rồi cơn sóng thời gian lại cuốn đi, hết thập niên 70, rồi hết thập niên 80, cuộc bể dâu tiếp tục vùi dập từng mảnh đời, chia xa những thân tình, thử thách những số mệnh, như âm vang của một lời tiên tri nhẹ nhàng nhưng đau đớn:

"Này đường xưa tôi đi
Khóm cây bao lần thay lá nhớ
Dòng đời trôi quanh co
Có khi xui người lỗi hẹn hò..."

Dường như mỗi bài hát mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết và mang theo khi ông rời xa quê hương là dấu vết còn sót lại của một thời mà người ta cùng nghe với nhau và hát cho nhau nghe những bản tình ca. Những bài hát ấy rất buồn, mỗi lời hát có thể như một tiếng thở dài chua xót, nhưng đó là ngôn ngữ của tình ca, của hạnh phúc và khổ ải quyện lẫn với nhau thành tặng phẩm của trần gian. Như ai đã nói: "Chẳng có gì khác biệt giữa những giọt lệ khóc thương và những giọt lệ mừng vui", biết đâu mỗi kỷ niệm đắng cay âm thầm chứa đựng một phút giây hạnh phúc?

Và nếu Sài Gòn - như lời hát viết cho một người tình đã mất tên - chính là chiếc hộp oan nghiệt mà Pandora đã mở ra, thì người ta cũng có thể nhắc nhở nhau rằng chiếc hộp ấy đã được đóng lại sau khi tất cả những thống khổ và bất hạnh đã tràn ngập không gian, và nơi đáy hộp vẫn còn sót lại một tặng vật cuối cùng, mang tên hy vọng, để Sài Gòn sẽ không mãi mãi chỉ là một "Quê Hương Thu Nhỏ" trong lòng người viễn xứ.

Đào Trường Phúc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire