Bức tường Berlin sụp đổ 30 năm về trước, vào ngày 9/11/1989. Đó là một khoảnh khắc gây chấn động thế giới và đánh dấu sự khởi đầu của kết thúc Chiến tranh Lạnh – cực điểm là lật đổ chế độ độc tài Đông Đức, thống nhất nước Đức vào năm 1990 và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Nhưng câu chuyện về “Mauerfall” – cách mà người Đức nói đến Sự sụp đổ Bức tường Berlin – phức tạp và sâu sắc hơn nhiều so với sự hồi tưởng ngày nay.

Sơ lược lịch sử Đông Đức thời hậu chiến và Bức tường Berlin

Sau Thế Chiến II, Đức bị chia rẽ thành nhiều phần, mỗi phần do các cường quốc khác nhau chiếm đóng, bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Sau này Cộng hòa Dân chủ Đức (German Democratic Republic – viết tắt là GDR) kiểm soát toàn bộ miền Đông nước Đức. 
Thành phố thủ đô của Đức là Berlin, nằm sâu ở phía Đông. Thành phố này cũng bị chia thành nhiều phần do các đồng minh chiếm đóng, trong đó, Liên Xô cai quản phần phía Đông của thành phố. Bức tường Berlin đã chia nửa đường phố, dẫn đến những hình ảnh thương tâm về phụ nữ và trẻ em phải nhảy thoát từ cửa sổ phía sau vì đi ra cửa trước ngôi nhà sẽ khiến họ bị kẹt lại ở phía Đông.
Một nhóm lớn cư dân Đông Berlin đang chờ đợi để nhìn thấy người thân của họ ở phía Tây thành phố đứng phía sau Bức tường Berlin, tại Phố Bernauer. Từ ngày 13/8/1961, ngày bắt đầu xây dựng bức tường, cho đến ngày 9/11/1989, ngày bức tường sụp đổ, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) bị ngăn cách bởi Bức Màn sắt (ảnh: Dpa/picture alliance/ Getty Images).
Năm 1961, chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) đã dựng lên một bức tường để ngăn chặn công dân chạy trốn về phía Tây. Cộng hòa Dân chủ Đức gọi bức tường này là “thành lũy bảo vệ chống phát xít”, còn phần còn lại của thế giới gọi nó là Bức tường Berlin.
Người Đông Đức bị cấm rời khỏi đất nước trừ khi họ đi đến các quốc gia Đông Âu do Liên Xô thống trị. Thậm chí đi tới Tây Berlin hoặc Tây Đức là việc hiếm thấy đối với người Đông Đức. Nhiều gia đình đã tan vỡ, và vĩnh viễn chia cắt.

Bức tường Berlin thực sự là 2 bức tường, bao quanh Tây Berlin và cách nhau bởi một khoảng cách gọi là “dải tử thần”. Đúng như tên gọi của nó, những người Đông Đức cố gắng trốn thoát sẽ bị lính biên phòng của Cộng hòa Dân chủ Đức bắn chết. Có nhiều ước tính cho rằng hơn 300 người bị giết khi cố gắng trốn thoát khỏi Đông Đức.
Bộ An ninh của chính phủ Đông Đức, được gọi là Stasi, thông qua giám sát, đe dọa, tra tấn và giăng mắc một mạng lưới “người đưa tin” đã biến hàng xóm và gia đình là kẻ thù. Có một câu nói phổ biến ở Đông Đức với ngụ ý “Nếu có ba người trong một phòng, người thứ ba sẽ là kẻ mách lẻo”.
Một phần của Bức tường Berlin tại Cổng Brandenburgm, nhìn từ phía tây. Bức tường Berlin là một hàng rào do Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) xây dựng, cắt đứt Tây Berlin khỏi Đông Đức và Đông Berlin (ảnh: Colin McPherson/Corbis/ Getty Images).
Vào năm 1989, các cuộc cách mạng chống cộng sản, ủng hộ dân chủ đã hình thành mạnh mẽ ở rất nhiều các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw (Warsaw Pact) do Liên Xô thống trị như Ba Lan, Tiệp Khắc (Czechoslovakia), Hungary và Romania.
Đông Đức cũng không ngoại lệ. Các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chế độ đã đưa hàng chục ngàn người xuống đường phố Leipzig và Berlin vào tháng 10/1989. Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev đã thực hiện một loạt cải cách ở đất nước của ông, được gọi là “perestroika” và khuyến khích chế độ độc tài khối Đông Đức làm điều tương tự. Ông cũng làm rõ rằng, chính phủ Đông Đức nói riêng không nên phụ thuộc Liên Xô thêm nữa về trả nợ tài chính.

Những cuộc cách mạng quần chúng nổi lên ở các quốc gia phía sau Bức Màn sắt, và Đông Đức không phải là ngoại lệ

Bắt đầu vào mùa hè, người Đông Đức đã chạy trốn sang Tây Đức thông qua Hungary. Những người đồng hương của họ đã diễu hành ôn hòa và biểu tình ở Leipzig, Berlin và các thành phố khác. Áp lực lên chính quyền Đông Đức tăng dần.

Chính phủ Đông Đức họp báo năm 1989 (ảnh: Reuters).
Một số nhà quan sát đã cho rằng, giới lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ được khích lệ bởi cuộc đàn áp bạo lực của Trung Quốc đối với người biểu tình ở Thiên An Môn và có thể nhà chức trách sử dụng bạo lực chết người. Nhưng những người tuần hành đã mở rộng khi họ là cả gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái, trẻ em. Nếu chính phủ lệnh cho lực lượng vũ trang sử dụng bạo lực chết người chống lại họ thì sẽ khiến chính Cộng hòa Dân chủ Đức bị xé toạc. 

Cuộc họp báo ‘tẻ nhạt’ dẫn đến biến động lớn

Vào một chiều muộn ngày 9/11, Günter Schabowski quan chức của Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đức đã tổ chức một cuộc họp báo mà theo thông lệ được biết là màn tuyên truyền nhàm chán.
Alison Smale, Chánh văn phòng của hãng tin AP ở Vienna từ 1986 đến 1998 kể lại: Nó buồn tẻ đến nỗi dù tôi có một ghế trong hội trường họp báo, nhưng tôi đã rời đi và đến văn phòng của AP trong cùng tòa nhà – Trung tâm Báo chí dành cho giới truyền thông nước ngoài của Đông Đức – nơi tôi bông đùa với vài đồng nghiệp khi ông Schabowski đột nhiên bị các phóng viên hỏi rằng, giới lãnh đạo Đông Đức có phải đang cân nhắc cho phép công dân rời đi để đến Tây Đức thông qua các tuyến chỉ định, qua Berlin và qua biên giới Đông – Tây nước Đức.
Ông Schabowski hiểu rõ rằng vấn đề này đang được thảo luận – và có thể là diễn biến lớn – nhưng ông đã không hoàn toàn nhận thức được tình hình. Chỉ vài tháng và nhiều năm sau đó, thế giới mới biết rằng, ông Schabowski đã sao nhãng trong những thảo luận về việc thay đổi chính sách di cư, và ông không nhận ra rằng điều ông đang tìm cách trả lời thì nó có thể sớm xảy ra ngay sau đó –  ông đã nhìn vào những câu trả lời đã được biên soạn sẵn – vì vậy trong lúc ông lục lọi giấy tờ xem cái gì đó thì ông đã trả lời giới báo chí rằng: “ngay lập tức”.
Người Tây Berlin chào đón người Đông Berlin sau khi Bức tường Berlin sụp đổ (ảnh: Businessinsider/ Fabrizio Bensch).
Những gì bắt đầu trong một cuộc họp báo không tin tức, nhàm chán đã kết thúc thành một trong những câu chuyện lớn nhất, Alison Smale nói. Câu trả lời của ông Schabowski đã khiến các phóng viên có mặt khi đó sửng sốt “bán tín bán nghi”.

Robert McCartney, Chánh văn phòng Trung Âu của tờ Washington Post cho biết: Tất cả chúng tôi đều kinh ngạc và tự hỏi liệu nó thực sự có nghĩa là gì. Các phóng viên đã nghe đi nghe lại băng ghi âm lại điều mà ông Schabowski nói. Nhiều người Đông Đức trong phòng họp nói rằng, điều mà ông Schabowski vừa phát biểu không có nghĩa gì. Họ cho rằng có một lỗ hổng văn bản. Sau đó, tin tức đã được gửi tới vài nơi, truyền hình Tây Đức cũng truyền tin, các phóng viên nhanh chóng đến biên giới bên trong nước Đức và rải rác khắp Berlin và cửa khẩu Bornholmer Strasse nơi có đám đông lớn tụ tập ở đó.

Chiến tranh lạnh Đông – Tây và rạn nứt dân tộc kết thúc

Chỉ vài giờ sau cuộc họp báo của ông Schabowski, hàng ngàn người dân Đông Berlin đã đổ xô đến các cửa khẩu biên giới, trong đó có chốt kiểm soát Charlie. Nhưng lính biên phòng của Cộng hòa Dân chủ Đức chưa có thông tin gì về bất kỳ chính sách mới nào và chật vật liên hệ với chính phủ bằng điện thoại.
Sau nhiều giờ căng thẳng phải đối mặt với hàng ngàn người dân Đông Berlin – những người đã tin rằng họ đã có quyền được rời đi – sĩ quan biên phòng cấp cao của cửa khẩu Bornholmer Strasse, Harald Jäger đã quyết định rằng ông có hai lựa chọn: Lệnh cho lính nổ súng vào người dân hoặc mở cổng. Ông Harald Jäger chọn cách sau.
Các cửa khẩu biên giới đã sớm sụp đổ như quân cờ domino trên khắp Berlin.
Một người Tây Đức mời một người Đông Đức cốc champagne khi đi qua chốt kiểm soát Charlie (ảnh: David Turnley/Corbis/VCG, Getty Images).
Và cứ như vậy, bức tường chấm hết. Bức tường là cách mà Cộng hòa Dân chủ Đức duy trì quyền lực. Không có nó, ách thống trị của chế độ độc tài Đông Đức đã biến mất chỉ sau một đêm.

Với nhiều người, ngày 9/11/1989 là một buổi sớm mai 

Trang tin Businessinsider đã tổng hợp một số chia sẻ của những người Đức trải qua thời kỳ đất nước phân ly.
Michael Höppner, một giám đốc rạp hát: Tôi mới 9 tuổi vào năm 1989
Cha mẹ tôi nhìn chung chấp nhận Cộng hòa Dân chủ Đức cùng hệ thống của nó và hưởng lợi từ nó. Cả hai đều là học giả, cha tôi là bí thư đảng ủy. Cả hai đều bị sốc khi Bức tường sụp đổ. Tôi nghĩ vào thời đó họ thực sự hy vọng rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tồn tại thông qua cải cách, giống như cách Gorbachev đã thử ở Liên Xô. Những hy vọng đó chấm dứt cùng sự sụp đổ của Bức tường. 
Philipp Lengsfeld, nhà khoa học, cựu thành viên Quốc hội Liên bang Đức từ 2013 – 2017: Năm 1989, tôi 17 tuổi
Mẹ tôi là một nhà hoạt động đối lập. Vào mùa thu 1988, tôi bị đuổi khỏi trường trung học ở Đông Đức cùng với 3 học sinh khác. Tôi theo mẹ lưu vong ở Cambridge, Anh Quốc, và có đặc quyền học tập một năm trong một môi trường quốc tế mang tính học thuật cao trước khi bức tường sụp đổ. Mẹ tôi và gia đình tôi đã bị Stasi công khai theo dõi.
Sebastian Pflugbeil, nhà vật lý, nhà hoạt động dân quyền Đông Đức, cựu thành viên Nghị viện bang Berlin: Chị gái tôi sống ở phía Tây Berlin, bởi vì chị ấy không được phép học hành ở Đông Đức.
Năm 1961, chị gái tôi có kỳ nghỉ hè với gia đình chúng tôi ở Tây Đức trên đảo Hiddensee. Vài tuần sau, chị vượt biên trái phép để trở về Tây Berlin. Sau đó, chúng tôi không thể tới thăm nhau. Chỉ sau 13 năm, khi cha tôi mất năm 1974, chị tôi lần đầu tiên được phép tới Đông Đức dự tang cha. Còn tôi không thể đến tang lễ ông bà ở Tây Đức. Tôi đã nhiệt tình tham gia vào một chính sách năng lượng của chính phủ Đông Đức. Tất cả những hoạt động này đều không mong muốn… Chúng tôi sống trong đe dọa liên tục rằng chúng tôi có thể đi tù nhiều năm. Đó là một giai đoạn đầy rủi ro – chúng tôi có 4 đứa con.