mardi 30 juillet 2019

‘Khúc Thụy Du’ – Đừng bao giờ em hỏi vì sao ta yêu nhau

Khúc Thụy Du là ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê. Đây được coi là một trong những tuyệt khúc mà hình ảnh, ca từ cũng như giai điệu đẹp vô cùng, mang theo những nỗi buồn, những trăn trở và cả những tiếc nuối với tình yêu dang dở…

Nói về Khúc Thụy Du, có rất nhiều người đưa ra những lý giải khác nhau về tên của ca khúc. Vậy tên Thụy Du có ý nghĩa gì mà ngày nay người ta cứ mãi tranh luận như thế?
Nhà thơ Du Tử Lê đã chia sẻ: ‘‘Bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ”. 

 
Bài thơ gốc của ông không chỉ buồn, mà con rất khắc nghiệt do bởi bối cảnh chiến tranh, nên ông đã nói: “Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ’’.
Dường như câu trả lời đó chưa đủ làm thỏa mãn những người yêu mến ca khúc này. Bởi vì, ý tứ của bài hát đã được làm cho nhẹ đi rất nhiều so với bài thơ gốc. Nên rất nhiều ý kiến cho rằng, cái tên Thụy Du còn mang một nét ý nghĩa khác, phải chăng nó là khúc du ca mơ về một cuộc đời, một chuyến đi thực hư, hư thực, mê mê tỉnh tỉnh. Ở đây, tâm hồn của người nhạc sĩ đã bay bổng, vượt lên nỗi ám ảnh của chiến tranh.
 

KHÚC THỤY DU (Nhạc Anh Bằng, thơ Du Tử Lê) - Tuấn Ngọc 

Khúc Thụy Du của nhạc sĩ Anh Bằng là những hình ảnh chọn lọc đẹp nhất từ bài thơ gốc
Trong bài thơ gốc, tác giả phản ánh những cảnh tượng tàn khốc tang thương mà chiến tranh gây ra. Những hình ảnh trong bài thơ khắc họa trong tâm tư người đọc sự thực về một thảm cảnh đầy ghê rợn. Trong những khoảnh khắc bom rơi, đạn lạc, ông thấy sự sống và cái chết trở lên sao mong manh tới vậy. Nhưng trong cái mong manh ấy vẫn còn có những tình yêu. Nhưng tình yêu đó cũng không thoát khỏi nghịch cảnh, mang theo nó những nỗi buồn của sự chia ly.

Nhạc sĩ Anh Bằng và bài hát Khúc thụy du
Tiếng hát Bảo Yến

Thoát khỏi nỗi ám ảnh đó, nhạc sĩ Anh Bằng đã lựa chọn trong bài thơ những hình ảnh và ca từ mà ông coi là đẹp nhất để phổ nhạc. Những suy ngẫm về cuộc đời, những trăn trở và cả những gì đẹp đẽ của tình yêu thời chiến loạn. Bản nhạc của ông có sức sống trường tồn, bởi những suy tư, những triết lí về cuộc đời không chỉ là ở thời chiến đó nữa mà vươn lên thành những câu hỏi về cuộc đời và số phận, mà con người luôn đi tìm lời giải đáp, trong một nền giai điệu chậm rãi, mượt mà, sâu lắng.
Phút trải nghiệm về cuộc đời, về những được mất thế gian: Sẽ mang được những gì về bên kia thế giới?
Sống giữa cuộc đời với những gian truân, bước chân lê theo những gánh nặng trên vai. Vì cuộc sống mưu sinh, nhọc nhằn những giọt mồ hôi mặn đắng vẫn cứ chảy mãi thành dòng. Thân xác như rã rời, mệt mỏi. Tâm tư trĩu nặng những nỗi muộn phiền thật khó có thể thổ lộ. Bài hát như muốn khuyên con người sống chậm lại một chút để suy ngẫm về hành trình của một đời người.
Lao tâm khổ tứ, tâm thân gồng gánh những truy cầu dục vọng. Có khi là những mong muốn được giàu sang nhung lụa, khi là danh vọng quyền lực hay những mảnh tình ngọt ngào đắm say. Ta cứ miệt mài trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được những gì mà một đời mong mỏi.
Thoáng chốc, thời gian cuộc đời đã trôi qua, tóc đã ngả hai màu sương nắng, ngoảnh lại nhìn đã quá nửa đời người, nhìn tới tương lai đâu còn lại gì cho riêng ta, ngoài sự cô đơn, trống vắng hãi hùng:
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi !
Nếu như có một loài chim bói cá chỉ biết lao thật nhanh xuống mặt hồ để bắt mồi, thì con người ta cũng như chú chim ấy, lao vào đời như thiêu thân, để rồi khi ra đi, nói lời vĩnh biệt cuộc đời để về bên kia thế giới thì cũng chỉ còn hai bàn tay trắng. Hơn nữa, do một đời đã tranh đấu triền miên nên trên vai lại gánh thêm biết bao nghiệp lực mà đi tiếp trên con đường trường của sinh mệnh.
Rất nhiều người cho rằng, tiếng gọi ‘‘Thụy ơi và tình ơi’’ lúc này được cất lên như tiếng gọi của một người đã thức tỉnh nhưng còn đang nhức nhối sau những cơn mê dài. Thụy lúc này mang ý nghĩa là mộng, là mê, cái tình kia cũng chẳng mang theo được, đắm say kia cũng chỉ là trống vắng, mình ta với nỗi buồn khó mà trải lòng thấu tỏ.
Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi, và tình ơi!

Trình bày: Y Phương

Một hình ảnh được cho là đẹp nhất trong Khúc Thụy Du có lẽ là hình ảnh ‘‘Loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm’’. Hình ảnh gợi cho ta sự chông chênh, mong manh trong lộ trình của cuộc đời. Chim bói cá với sắc màu rực rỡ xinh đẹp, nhưng chỉ biết suốt ngày nhìn xuống mặt hồ với đôi mắt của kẻ săn mồi; tựa như con người, không biết được giá trị chân thật của bản thân mình, mà luôn trong sự mê mải kiếm tìm cho mình những vật chất và xúc cảm có ở trên đời.
Nhưng hỡi ôi, nếu cuộc đời chỉ như một vũng nước thì con người cũng chỉ như một hạt bụi nhỏ nhoi. Trong chính những đau khổ, những mất mát mới lao đao bước chân đi tìm lại những gì mình đánh mất, có lẽ lúc này là khi ta mới chợt tỉnh cơn mê mộng, để kiếm tìm những điều quý giá mà những năm tháng sống trên đời đã lãng quên.
Thụy ơi, và tình ơi ! Phải chăng tiếng gọi kia thốt lên một lần nữa càng làm cho sự khắc khoải hay nỗi buồn trong ta trở lên mạnh mẽ.
Cuộc đời là những câu hỏi lớn mà đến cuối chặng đường ta vẫn không tìm được lời giải đáp
Trong chuyến đi ngắn ngủi của một kiếp người, bất quả chỉ tới trăm năm, biết bao nhiêu điều ta không tìm được câu trả lời. Bởi đôi mắt kia ta nhìn chỉ vẻn vẹn trong cái ‘‘vũng nước cuộc đời’’.
Có những sự thật tồn tại mà không có lời nào để lí giải, nó giống như lời em ngây thơ hỏi:
Vì sao ta yêu nhau?
Vì sao môi anh nóng?
Vì sao tay anh lạnh?
Vì sao thân anh rung?
Vì sao chân không vững?
Vì sao, và vì sao!
Có những điều không thể tìm được câu trả lời, nên ta cho rằng những điều ấy là hiển nhiên tồn tại mà không đi tìm nguyên nhân sâu xa của nó. Chính vì vậy mà người ta mới coi đời là cõi mê. Trong cơn mê ấy, bước chân ta như vô định trong bóng tối.
Tôi là chim bói cá, em là bóng trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ mà muôn trùng chia xa
Đây được coi là một hình ảnh thi vị và đẹp tuyệt vời trong ca từ của Khúc Thụy Du.
Như một sự chia li cách biệt, hai cuộc đời chẳng thể tìm được nhau nữa. Ánh trăng mặt hồ như sự mong manh vỡ vụn; khi một làn sóng động mặt hồ cũng mang theo sự tan vỡ của một ánh trăng ngà dịu dàng kia. Có lẽ hình ảnh đó khiến con người ta cứ mãi nâng niu và gìn giữ bởi nó có thể biến mất trong một khoảnh khắc bất kì.
Lúc này đây, hình ảnh của Thụy lại hiện lên như một cô gái với những yêu thương, mà nỗi nhớ đong đầy bởi sự chia li kia lại phũ phàng mang đi theo cả những hi vọng, những tin yêu, để rồi người ở lại âm thầm gặm nhấm nỗi đau của riêng mình:
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu
Trớ trêu thay, cái mà ta bấu víu kiếm tìm lại là một ảo ảnh mà những ngọt ngào, êm ái chỉ là phút chốc thoảng qua. Tình yêu với những đắm say qua đi rồi, còn lại chỉ là những đau đớn, khắc khoải nhớ mong. Trái tim kia như một lần bị nguội lạnh. Để rồi sau cuộc kiếm tìm mê mỏi, lại choáng váng, chệnh choạng bước đi trong sự day dứt đến tuyệt vọng: ‘‘Thụy bây giờ về đâu?”

 

Với Khúc Thụy Du của nhạc sĩ Anh Bằng, ta thấy được trăn trở, suy tư, kiếm tìm về những hoài niệm, những gì mà đời người đã đánh mất. Đâu đó lại có cả những cảm xúc của sự xót xa, nỗi buồn dâng trào của bước chân phiêu đãng trong cõi thực của trần gian mà mong mỏi giải đáp được những câu hỏi trong một kiếp người.
Với giọng hát đầy sâu lắng, trầm ấm và đượm buồn, nam danh ca Tuấn Ngọc đã truyền tải tuyệt vời nhất những cung bậc cảm xúc của tác giả. Giọng hát như ru ta vào trong mộng nhưng rồi lại giật mình tỉnh giấc và chợt hỏi: ta là ai trong cuộc đời này? ta đã đánh mất những gì? ta sẽ đi đâu để tìm được ánh sáng trong cơn mê dài của kiếp nhân sinh? Đời là mộng hay đời là tỉnh mà sao ta cứ u mê trong sự da diết để rồi cứ mãi khắc khoải đợi chờ điều chi.
Nhưng dẫu cho người đời vẫn cứ miệt mài đi tìm câu trả lời rạch ròi cho câu hỏi: Thụy Du là ai? là người hay là mộng? thì có lẽ ta cũng chẳng cần phải phân biệt rõ ràng như vậy nữa, bởi chỉ cần khẽ nhắm mắt lại và thả hồn theo từng nốt nhạc, giai điệu và những ca từ tuyệt đẹp của Khúc Thụy Du, chúng ta có lẽ sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Theo Đức Tâm (Đại Kỷ Nguyên)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire