dimanche 28 juillet 2019

Câu chuyện có thật trong bài hát “Từ Đó Em Buồn” của Trần Thiện Thanh

Từ Đó Em Buồn là bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được biết đến qua tiếng hát Thanh Lan trước năm 1975. Tuy nhiên hoàn cảnh sáng tác bài hát này là câu chuyện có thực ít người biết và có những điều thú vị đằng sau đó.
Trước 1975, có 2 ca sĩ hát bài Từ Đó Em Buồn là Thanh Lan và Phương Dung. Riêng Thanh Lan có đến ba bản thu âm khác nhau, với phần lời được hát khác nhau ở 1 câu mà ít người để ý tới.
Về hoàn cảnh sáng tác bài này, sinh thời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có kể lại như sau: Hồi xưa, ông học Trung học ở Phan Thiết. Ông có cô bạn cùng lớp. Cô này có bà chị rất xinh đẹp. Giai nhân thành phố biển có người yêu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Chàng hứa hẹn hai năm sau sẽ về cưới nàng làm vợ. Nàng chờ đợi người tình suốt 10 năm, nhưng bóng hình người yêu vẫn biệt vô âm tín. Một hôm, nàng nhận được tin khủng khiếp, anh ta đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm. Tin tức như sét đánh bên tai, nàng đau khổ vô cùng. Bao năm qua, người đẹp thương yêu, nhung nhớ, đợi chờ người tình hồi hương. Trong phút chốc, hy vọng, mong đợi mòn mỏi của má hồng đã trở thành mây khói…
Khi kể xong câu chuyện, Trần Thiện Thanh cảm thán: Liệu tình yêu trai gái kia, liệu nỗi buồn của người đẹp, liệu sự chờ đợi của giai nhân với anh chàng tập kết kia, có đặt đúng chỗ hay không?
Xưa nay ai cũng nghe câu nói quen thuộc là “tình yêu là mù quáng”. Có những thứ thuộc về phạm trù tình yêu không thể giải nghĩa một cách rõ ràng. Có lẽ là một khi con tim đã rung động thì người trong cuộc khó mà tỉnh táo để suy nghĩ được xem là có đặt đúng chỗ hay không được.
Theo câu chuyện kể của tác giả Trần Thiện Thanh, người trai trong bài hát là một người đi tập kết. Trong lời bài hát có một câu mà Trần Thiện Thanh viết thành 2 lời khác nhau, với hai nghĩa khác nhau hoàn toàn (xem hình bên dưới):

 

Lời 1: “tin anh gục c.h.ế.t giữa chốn nông trường xa, cho tơ duyên bẽ bàng”.
“Nông trường” là từ ngữ đặc trưng của vùng miền Bắc trước 75 chứ hoàn toàn không có ở miền Nam trước 75. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và kiểm soát hoàn toàn miền Bắc từ tay Pháp, chính phủ VNDCCH đã tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác các vùng đất hoang vào mục đích nông nghiệp. Vì vậy Trần Thiện Thanh viết: tin anh gục c.h.ế.t giữa nông trường xa, nghĩa là người trai đã gục ngã trên xứ người.
Lời 2: tin anh gục c.h.ế.t giữa lúc băng dòng sông vô đây xây ân tình.
Với lời nhạc này, ai cũng hiểu là anh đã băng dòng sông Bến Hải để xây lại ân tình, tương tự một câu hát của nhạc sĩ Xuân Tiên trong bài hát “Khúc Hát Ân Tình”: Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài tìm đến phương này một nhà thân ái.
Phương Dung - Khúc Hát Ân Tình 

Như vậy, ý nghĩa của hai câu hát này, theo tác giả, là người trai trong bài hát đã từ giã người yêu ở miền Nam để tập kết ra Bắc, nhưng có thể sau đó anh thấy mình có chọn lựa sai lầm nên đã trốn quay lại phương nam bằng cách vượt sông Bến Hải, về “xây lại ân tình”, nhưng rồi anh đã ngã xuống ở nơi đó.
Trường hợp này trùng khớp với cuộc đời của nhà thơ Vũ Anh Khanh (tác giả của bài thơ Tha La Xóm Đạo
Hoàng Oanh | Tha La Xóm Đạo | Dzũng Chinh 

đã được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng). Vũ Anh Khanh quê ở Phan Thiết (cùng quê với Trần Thiện Thanh), tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi tập kết ra Bắc. Tuy nhiên sau đó ông nhanh chóng đổi ý, nên quay trở lại băng qua dòng Bến Hải để rồi bỏ mạng oan uổng nơi đó.
Từ những dữ kiện chắp nối này, người viết suy đoán, rất có thể người trai trong bài hát này chính là nhà thơ sáng tác nên Tha La Xóm Đạo là Vũ Anh Khanh, với sự trùng lắp dữ kiện một cách đáng ngạc nhiên như sau:
  • Vũ Anh Khanh và người con gái trong bài hát đều là người ở Phan Thiết
  • Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954
  • Theo lời bài hát, người trai hứa là: “đếm tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề…” Theo tiểu sử của nhà thơ Vũ Anh Khanh, thì cũng đúng 2 năm sau khi ra đi, đến năm 1956, ông đã tìm cách quay lại miền Nam nhưng thất bại.
  • Mười năm sau đó (Đông qua hè tới thấm thoát đã mười thu không tin thư đưa về...), người con gái ở quê nhà Phan Thiết mới nhận được tin người yêu đã không còn nữa. Hoàn cảnh đất nước lúc đó là hai nơi, có khi mười năm hoặc thậm chí cả đời cũng không nhận được tin về nhau. Có nhiều người con gái thời đó, cả ở Nam lẫn Bắc, mỏi mòn xuân xanh để chờ tin người yêu, hoặc tin chồng để rồi mãi mãi không thể gặp lại.
Việc cho rằng người con trai trong bài Từ Đó Em Buồn là Vũ Anh Khanh chỉ là sự võ đoán của người viết, hoàn toàn có thể không phải. Tuy nhiên NẾU người trai trong bài hát không phải là Vũ Anh Khanh, thì chắc chắn là Trần Thiện Thanh cũng đã lấy cảm hứng thêm câu chuyện về cuộc đời Vũ Anh Khanh để đưa vào bài hát. Vì hai người là đồng hương, có quen biết nhau, nên có thể Trần Thiện Thanh đã lồng câu chuyện về người giai nhân đất Phan cùng câu chuyện đời bi kịch của Vũ Anh Khanh để viết thành một ca khúc bất hủ.
Nói trở lại về các bản thu âm trước 1975 của Thanh Lan hát bài Từ Đó Em Buồn, trong 3 bản thu âm, chỉ có 1 bản (thu trong băng nhạc “Thanh Thúy đặc biệt”) là ca sĩ Thanh Lan hát lời 1:
Thanh Lan – Từ Đó Em Buồn 

Ở bản thu âm này (trong băng nhạc “Thanh Thúy 4”), Thanh Lan hát lời 2:
Thanh Lan – Từ Đó Em Buồn 

Bản thu âm của ca sĩ Phương Dung trong băng Sóng Nhạc cũng hát theo lời 1:
Phương Dung – Từ Đó Em Buồn

Từ biệt nhau đi giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời
Trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi, nước mắt chia đôi đời
Bóng anh khuất sau đồi, lúc mây tím giăng trời
Lúc giông tố tơi bời, lúc đường đời ngăn đôi
Tình mình chia phôi nhưng tình đầu làm sao với
Nên từ đó em buồn
Tạ từ anh hứa đếm tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề
Xuân qua hè tới, thấm thoát đã mười thu không tin thư đưa về
Nhớ anh, nhớ vô vàn, nhớ anh nhớ muôn ngàn
Nhớ anh đã bao lần mắt nhòe lệ đêm mơ
Lệ nhòa đêm mơ, trông đợi người về lau khô
Nên từ đó em buồn
Từ đó đâu còn nữa, đêm hẹn xưa tha thiết gọi tên nhau
Từ đó đâu còn nữa, trăng ngày xưa lưu luyến soi đôi đầu
Gương xưa còn đó nhưng bóng người nào thấy đâu
Áo xưa còn đó nhưng mùi hương phai nhạt rồi
Từ đó, nghe trong lòng, nghe trong lòng mưa gió từng đêm
Vào một đêm sương có người trai hồi hương, báo một tin thật buồn
Tin anh gục c.h.ết giữa chốn nông trường xa cho tơ duyên bẽ bàng
Phút giây cuối trong đời, vẫn không nói nên lời
Vẫn xa cách phương trời, uất hờn nghẹn tim côi
Trọn đời ngăn đôi để một người sầu lên môi
Nên từ đó em buồn

 

 

 

Đông Kha

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire