Kể lại chuyện tình của hai nhân vật trong truyện đã được đổi tên. Nếu có sự trùng hợp nào là ngoài ý muốn của người viết.
***** Thanh Như:
Tôi vốn sinh ra ở miền Tây, lớn lên ở Sài Gòn nhưng Đà
Lạt đối với tôi không xa lạ. Lúc tôi lên mười tuổi, tôi đã biết Đà Lạt
vì tôi có dịp lên thăm đồn điền của dì tôi, cũng không xa nơi này lắm.
Dượng tôi cứ mỗi cuối tuần từ Sài Gòn lái xe lên đây thường đem tôi theo
làm bạn đường. Tôi là một đứa trẻ khỏe mạnh và mập mạp, da dẻ lúc nào
cũng hồng hào, nên luôn cảm thấy rất dễ chịu trong không khí mát lạnh
của Đà Lạt vào mùa hè. Tôi hay thức dậy đòi theo dì, dượng từ tờ mờ sáng
tinh sương để đi ra vườn trong khi mọi người còn an giấc điệp. Khi trời
gần sáng, như mộ ngày tiếng chuông công phu của chùa Linh Sơn lại ngân vang đánh thức thế gian bắt đầu một ngày mới
Con Đường Lá Đã Chọn -
Tealan Minh Tuyết
Kiều Loan và Đoàn Trọng Hiếu thực hiện
Audio Đơn Vị Cũ Chiến Trường Xưa
Kỷ niệm cứ chồng chất nhau theo với thời gian, Đà Lạt
đối với tôi đáng yêu, đáng nhớ. Vì thế, tôi đã mơ ước chọn nơi này để
làm nơi sinh sống.
Một buổi sáng vào tuần lễ cuối của năm 1969, tôi đã
đáp máy bay xuống phi trường Liên Khương để gia nhập khóa 26 trường Võ
Bị tại Đà Lạt. Nơi đây, sương mù đang bao phủ cả thành phố vào buổi
sáng. Buổi trưa có nắng lạnh, có hoa dã quỳ, loại hoa báo đông nở vàng
rực hai bên đường. Cũng như tôi, khi lần đầu tiên tôi bước vào cổng
trường, lòng tôi tràn ngập những cánh hoa vàng rực rỡ.
Những ngày tháng đầu huấn nhục thật vất vả. Khi mặt
trời chưa lên, thành phố chưa thức giấc là lúc chúng tôi bắt đầu một
ngày tập luyện mới. Là một trong những tân khoá sinh bị phạt nhiều nhất,
đêm về tôi còn liên tục bị phạt dã chiến đừ người. Vậy mà tôi không
nản, không bỏ cuộc. Tôi đã quyết chí. Đây là con đường tôi chọn. Tôi sẽ
là một sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia. Đó là tương lai tôi
đang hướng tới.
Vào năm thứ hai, tôi có dịp quen vợ chồng anh chị Tâm.
Mỗi cuối tuần, tôi thường đến thăm anh chị ấy ở khu Nha Địa Dư. Tình
cờ, tôi được gặp và quen hai cô gái xinh xắn và dễ mến. Họ là chị em, cô
chị có nét dịu dàng tên Hạnh Đan, cô em trẻ trung liến thoắng là Hạnh
Tú. Nghe hai cô dùng giọng Đà Lat nói chuyện với nhau, tôi nghe như
tiếng chim kêu ríu rít bên đường. Từ sau dịp quen nhau đó, mỗi lần đi
trên đường tới khu Nha Địa Dư, tôi không thể nén được những nhịp đập hân
hoan của trái tim.
Tôi đến nhà Đan hai lần. Ba mẹ nàng khi gặp tôi thường
tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Nghe nói, Ba Má của Đan không thích Sinh Viên Sĩ
Quan Võ Bị, và cấm các con gái rất ngặt không cho quen biết hay giao du
với họ. Thành kiến đó đã làm trở ngại, khó khăn cho hai đứa tôi khi
muốn hẹn hò gặp nhau.
Vì tình yêu của Đan dành cho tôi quá tha thiết nên Đan
nhiều lần tìm cách lẻn ra khỏi nhà gặp tôi mỗi chủ nhật. Khi gặp, tôi
thấy được tình cảm của nàng hiện ra trong đôi mắt. Những lần cùng sánh
bước bên nhau lên đồi thông mà hai đứa tôi gọi là “đi lên trời”, mùi
hương của thông quyện vào mùi tóc của Đan theo tôi trở về trường, khiến
tôi nhớ Đan quay quắt.
Chúng tôi đã yêu nhau được 2 năm nhưng chẳng ai dám
ước hẹn hay thề non hẹn biển. Chỉ có cà phê Tùng, những đồi gần quanh
đây với rừng thông bạt ngàn, hoặc đồi Cù chứng giám cho cuộc tình của
chúng tôi.
Đầu năm 1974, ngày tôi mãn khóa ra trường cũng là ngày
tôi và Đan chia tay nhau. Vào buổi dạ tiệc cuối cùng, không có người
thân nào bên cạnh tôi, vì má của tôi ở Sài Gòn không lên được, và Đan
không được phép đi. Tôi ngồi giữa mọi người đang vui vẻ nói cười trong
tiếng đàn, tiếng nhạc mà lạ lùng sao nỗi cô đơn lạc lõng đang chiếm lấy
tôi.
Ngày hôm sau, tôi và Đan lại gặp nhau bên trong tiệm cà phê Tùng. Minh Rù, bạn cùng khóa ngồi bàn bên cạnh nói vói qua,
– ”Để tao tặng mày một bản nhạc trước khi lên đường.”
Cái thằng quỉ quái thiệt. Bản nhạc “Tình Yêu Như Bóng
Mây” đã làm Đan khóc thật nhiều. Tôi yêu Đan, tôi mong sẽ cưới Đan làm
vợ, nhưng tôi không thể cưới nàng ngay được. Khi ra trường, tôi đã tình
nguyện chọn Lôi Hổ, vì thế tương lai của tôi sẽ được đặt trên nòng súng.
Thật bấp bênh, tôi không biết mạng sống mình rồi sẽ ra sao. Tôi đang đi
trên con đường đầy nguy hiểm nên không thể nói lời ước hẹn. Không biết
Đan có hiểu cho tôi không?
Đan đã khóc và tự nguyện đi theo tôi, làm vợ tôi dù ở
bất cứ nơi đâu. Đan đã bảo tôi không phải lo lắng nhiều vì nàng là cô
giáo nên sẽ dễ kiếm việc làm.
Tôi đã trưởng thành sau bốn năm học ở trường. Tôi đã
yêu Đan thật sự, và muốn cùng nàng xây đắp mái ấm gia đình, nhưng tôi
chưa thể quyết định ngay được. Đột ngột đưa Đan về với gia đình tôi là
một chuyện tôi chưa hề nghĩ tới. Sau ngày mãn khóa, tôi cần về nhà, thăm
Má, anh và các em tôi một mình. Làm sao tôi có thể đưa Đan về như vậy
được! Tôi thật bối rối, chỉ biết nói:
– Không được đâu em. Em đi về theo anh như vậy Má của anh không chịu đâu!!!
Lời từ chối của tôi làm Đan đau lòng. Tôi không có ý
định gặp Đan như một chàng lãng tử, chỉ đến rồi đi. Tôi tự hẹn với lòng,
tôi sẽ trở lại thành phố Đà Lạt này trong một tương lai gần, để trở về
thăm trường Mẹ và nàng. Tôi sẽ là chồng của người tôi yêu, là Hạnh Đan.
Tôi về Sài Gòn trình diện đơn vị mà tôi đã chọn và được làm việc tại Nha Kỹ Thuật. Đại Tá Chỉ Huy Trưởng nói,
– Các anh ở đây một thời gian, để học thêm kinh nghiệm chiến trường. Tôi không muốn đưa các anh ra đơn vị sớm quá.
Vì thế, ngoài việc đi thả toán hay thỉnh thoảng đi công tác ở Pleiku, tôi chưa thật sự tham dự các trận đánh.
Vì còn trong thời gian thực tập nên tôi khá rảnh rỗi
nên tôi hay nhớ về về Trường Mẹ. Nhớ trường. Nhớ vô cùng, bốn năm ở đó
để lại lòng tôi quá nhiều kỷ niệm. Tôi biết… khi tôi chết đi, hồn tôi sẽ
về với mái trường xưa.
Tôi cũng nhớ Đan tha thiết nên tôi cứ hay gọi thầm tên
nàng. Tôi có kể cho má của tôi biết về mối tình của tôi ở Đà Lạt. Má
tôi do dự,
– Con chưa biết chắc con sẽ đi đâu. Con đi lính gì má
thấy ghê quá. Cưới vợ sớm càng làm má lo. Con mới ra trường mà, để từ từ
má tính.
Tôi biết, má tôi nhìn thấy tương lai bất định của tôi
nên lo sợ các con của tôi cũng có thể bị mồ côi. Chúng nó có thể sẽ
giống như tôi, vì cha tôi mất lúc tôi vừa được hơn mười hai tháng tuổi.
Chưa đầy sáu tháng sau, tôi xin được phép nghỉ ba ngày
trở về Đà Lạt để tìm lại những gì mà lòng tôi nhung nhớ. Không thể chờ
đợi chuyến bay, tôi liều theo đường bộ, bằng xe đò Minh Trung. Tôi đã
lén vào trường bằng con đường riêng, con đường mà tôi vẫn hay đi mỗi lần
trốn phố. Không ngờ đó là lần cuối tôi vào thăm trường cũ, trước khi nó
bị đổi chủ, thay người, khác tên.
Khi chưa gặp nàng, tôi đã dệt mộng mong gặp lại người
mình yêu. Đan đã thấy tình yêu tha thiêt của tôi dành cho nàng. Nhưng.
Hình như tiết trời đang mùa Hạ ở Đà Lạt mà sao hoa không đua nở, đồi
thông buồn không reo, có phải vì không có hai đứa tôi đi “lên trời”!
Buổi sáng sớm hôm sau, tôi trở về Sài Gòn, lần này
không có người tiễn đưa, chỉ thấy có loài “hoa tim vỡ”, đang lung linh
theo gió nhẹ, như vẫy chào.
Chiến sự ở miền Trung trở nên nặng. Thay vì được ở Bộ
Chỉ Huy một năm để học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi được lệnh ra đơn vị
chỉ sau sáu tháng. Tôi chọn về Sở Liên Lạc, căn cứ nằm đối diện với Bộ
Tổng Tham Mưu. Sau đó, tôi nhận lệnh thuyên chuyển lên Pleiku. Tôi đã
biên thư cho Đan mà không nhận được thư hồi âm.
Tháng ba năm 75, các đơn vị của quân đội miền Nam
lùi dần về Nha Trang. Đà Lạt chưa mất mà dân ở Đà Lạt đã chạy trước về
đây trốn giặc. Tôi đi lẫn vào đám người hốt hoảng nhốn nháo đó để tìm
gia đình của hai chị em Đan. Tôi biết Đan có một người chị đang sống ở
Nha Trang, nhưng tôi không biết điạ chỉ. Nếu biết, chắc là tôi đã gặp
lại Đan. Sau này được nghe kể lại… cùng lúc đó hai chị em Đan và Tú đã
đi tìm kiếm tôi khắp nơi, nhất là dọc theo bãi biển. Nếu hai đứa tôi gặp
lại nhau trong hoàn cảnh ngỡ ngàng, chiến tranh, loạn lạc, chẳng biết
tôi sẽ xử sự ra sao. Tôi và Đan đang còn rất yêu nhau, tình cảm của
chúng tôi đang còn nồng nàn, gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, có
lẽ chúng tôi sẽ bất chấp để vượt qua tất cả trở ngại. Biết đâu, tôi và
Đan sẽ cùng đưa nhau về một phương trời nào đó.
Đơn vị tôi được lệnh trở về Sài Gòn để chặn VC đang
tràn vào cố chiếm cho được thủ đô. Chúng đang tấn công vào Bộ Tổng Tham
Mưu. Chúng tôi, những người lính Lôi Hổ cùng với các đơn vị bạn như Biệt
Kích 81, Nhảy Dù, Thiết Giáp,… đã anh dũng chiến đấu tới cùng, bắn cháy
được năm chiếc xe tăng, và nhiều xác địch nằm ngổn ngang trước cổng.
Trong các xe tăng T54 bị cháy, còn có xác của những tên VC tội nghiệp,
đã bị xiềng chân vào xe để đánh cho đến chết! Đó gọi là anh hùng ư?
Anh hùng là những gương sáng để mọi người tình nguyện
noi theo, không phải là nguyên tắc hay luật lệ để bắt mọi người phải
thực hiện. Trong trận đánh, chúng tôi, những người lính dũng cảm của
miền Nam không bị ai bắt buộc mà là tự nguyện chiến đấu.
Rồi chuyện gì sẽ đến phải đến như có sự sắp đặt của
trời già oan nghiệt. Tướng Minh ra lệnh đầu hàng. Chúng tôi, những người
lính Lôi Hổ cuối cùng đành buông súng.
Tôi đã nghiến chặt răng vì không thể hét thật to trách
cứ đất trời, nhưng những giọt nước mắt vẫn từ từ chảy xuống. Người đàn
ông chỉ khóc khi uất ức vì bất lực, vì phải bó tay!!!
Chúng tôi như những chiếc lá đang còn xanh phải bị lìa
cành trong cơn bão táp. Lá không đi theo được đường lá chọn, lá sẽ bị
cơn gió cuốn đi không biết tới phương nào.
Tháng sáu, tôi đành đi “trình diện học tập cải tạo”.
Buổi chiều hôm đó, má tôi từ sở làm đạp xe đến gặp tôi, dúi vào tay tôi
một chiếc nhẫn vàng bảo để dành phòng thân. Tôi chỉ nhận một ít tiền
mặt, thêm quần áo ấm, dầu gió và một số thuốc men. Má tôi cho biết, tại
sở, vài người biết chuyện đã thố lộ riêng với nhau, là đi kỳ này sẽ lâu
chớ không phải 10 ngày đâu. Má tôi buồn lắm, cố tránh không để rơi nước
mắt, vòng tay gầy của má ôm lấy tôi, hôn vào trán, vào mặt tôi,
– Con ráng giữ gìn sức khỏe, chừng nào con về má con mình đi Đà Lạt. Má sẽ cưới vợ cho con!
Nghe những lời của má dặn dò mà lòng tôi nghe sao chua xót quá.
Chúng đưa chúng tôi đến trại giam trên đảo Phú Quốc.
Đêm đầu tiên, tôi nằm kế bên một anh trước đóng ở miền Trung. Chúng tôi
nói chuyện, hỏi thăm nhau sau trận cuồng phong của thế kỷ. Biết tôi có ở
Đà Lạt bốn năm, vô tình anh kể,
– Ở Đà Lạt bốn năm, vậy anh có biết hai chị em Đan và
Tú không? Có một ông Trung Úy Võ Bị ở cùng đơn vị với tôi về Đà Lạt cưới
cô Đan. Anh này được người anh của cô ấy dẫn về giới thiệu.
Câu chuyện thật tình cờ. Đúng là tên người yêu của tôi
ở Đà Lạt rồi. Phải chăng trời xui khiến, hay có một đấng vô hình nào đó
thấy tôi đã chịu đủ khổ sở trong cảnh tù tội, nên đem tin báo cho tôi
biết để đừng mơ tưởng, hay thương nhớ đến người mình yêu? Tất cả chỉ là
hảo huyền mà thôi!
Tôi đã mất tất cả, cuộc đời, tình yêu, và cả tương
lai, cả con đường mình chọn. Lâm vào cảnh cá chậu chim lồng, cuộc đời
tôi chỉ còn lại con số không. Lồng ngực tôi đau nhói! Hình như có tiếng
thở dài của ai đó quanh đây! Khuya rồi. Im lặng quá. Có ai ngủ được
không? Còn tôi thì… nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Cổng Nam
Quan… Niên Trưởng… Niên Đệ… đêm lễ gắn Alpha… Vũ Đình Trường… đuốc lửa
bập bùng…
o O o
***** Hạnh Đan:
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt trong một gia
đình mà ba má của tôi là người Huế lưu lạc vào đây đã nhiều năm. Ba tôi
là một công chức thường, nhà thanh bạch, và đông con. Trên tôi có vài
anh chị lớn đã lập gia đình, trong đó có một người anh đi lính đang ở
miền Trung. Dưới tôi có em gái út là Hạnh Tú. Có lẽ vì sinh ra kế nhau
nên tôi và Tú rất gần gũi. Vì thế, hai chị em tôi hay cùng nhau chia sẻ
những tâm tư vui buồn của thời hoa mộng.
Đối với đám con gái trong nhà, Ba Má tôi kiểm soát
rất chặt chẽ, cũng như cấm đoán nhiều điều mà chị em tôi cho là quá
nghiêm khắc. Có một thời gian ba tôi mướn người lái taxi đưa chị em tôi
từ nhà đến trường, và từ trường học về nhà. Mỗi lần chị em tôi trốn nhà
đi chơi với bạn bè, ba tôi biết được là chúng tôi bị ba tôi dùng roi vọt
đánh đòn.
Năm nay tôi đã trên 20 tuổi, không còn phải có người
đưa rước nữa nhưng vẫn còn bị kiểm soát rất gắt gao. Ba má tôi lo sợ
nhất là chị em tôi quen với các sinh viên Võ Bị, vì sợ chúng tôi yêu
những những chàng này. Tôi không nghĩ ba má tôi không thích họ, mà là
không muốn chúng tôi vướng vào đau khổ trọn đời khi bị tình phụ. Đơn
giản, ba má tôi nghĩ, họ chỉ yêu trong thời gian còn học ở trường. Sau
khi tốt nghiệp, rời Đà Lạt là họ rời bỏ, hết tình, hết yêu. Họ phụ rẫy,
rồi đi cưới người khác. Ba tôi hay đem chuyện tình của cô này, cô gái
kia, hay của cô Thảo ra, như những tấm gương, để răn dạy chị em tôi.
Ba má tôi thường cho chị em tôi biết ý là… nếu có
chàng nào đến hỏi cưới thì ba má sẳn sàng gả. Chớ còn cái thứ yêu đương,
cặp bồ, đào kép thì cấm ngặt à nghen! Con gái ở Đà Lạt thấy mấy chàng
trai trẻ, mặc quân phục với màu alpha đỏ trên vai, rồi muốn được quen
chỉ là ý thích nhất thời, rồi tự chuốc lấy khổ cho mình. Con gái ở đây
đã cặp bồ với sinh viên Võ Bị rồi thì người ta biết, sau này không ai
thèm cưới, là kể như ở giá luôn. Đừng tưởng lính Võ Bị đi ra trận không
bị chết. Do đó, ba má tôi muốn có con rể là dân sự.
Vì thế, một anh chàng Giáo Sư Đệ Nhị Cấp mới vừa quen
với Hạnh Tú chưa được bao lâu, đã tự ý đến nhà hỏi cưới nó. Ba má tôi
sung sướng nhận lời, không cần hỏi ý con mình có thật tình yêu và muốn
làm vợ anh chàng giáo sư đó không! Còn Tú, không phản đối gì hết. Tôi có
nghe nó tâm sự là yêu anh chàng này đâu. Phải chăng nó nhận lời làm vợ
để thoát khỏi cảnh làm con trong một gia đình quá nghiêm khắc?
Tôi bất hạnh hơn Tú, người tôi yêu không là giáo sư,
mà là một sinh viên của trường Võ Bị. Lần đầu tiên gặp anh, tim tôi rộn
ràng đập lỗi nhịp. Anh có dáng dấp của một người khỏe mạnh, bờ vai rộng,
tiếng nói sang sảng quyền uy, có vẻ hào sảng, và dĩ nhiên có một chút
ngang tàng, khí khái của một người lính.
Linh cảm của người con gái đủ trí khôn cho tôi biết
Như cũng yêu tôi tha thiết. Tôi thường tìm cách ra khỏi nhà để gặp
chàng, nhưng lại sợ cha mẹ bắt gặp đi trên phố nên chúng tôi thường vào
cà phê Tùng ngồi. Đối với tôi, nhìn nhau cũng đủ để thương, để nhớ, và
để yêu.
Trường Võ Bị dặn dò sinh viên đừng nên đi xa hay lên
những chỗ đồi quá vắng vẻ vì những nơi này bị mất an ninh. Do đó, chúng
tôi chỉ cùng lên đồi Cù nhìn nắng reo vui dưới thung lũng, hoặc vài đồi
thông không xa lắm để ngồi bên sườn đồi im lặng bên nhau cả giờ đồng hồ,
nghe tiếng thông reo mà hai đưa tôi gọi là đi “lên trờì”.
Một lần ra phố, anh đã tỏ tình với tôi:
– Anh biêt em yêu anh, quá cả mức độ anh mong ước. Anh yêu em nhiều lắm.
Tôi sung sướng hạnh phúc nghe lời nói yêu thương ngọt
ngào. Tôi tin rằng không có một cản trở nào có thể ngăn cách tình yêu
của tôi với chàng. Tôi sung sướng, hãnh diện tự ví mình là cặp đôi đẹp
nhất. Có gì đẹp hơn chúng tôi: Trai Võ Bị, gái Giáo Sinh.
Chúng tôi đã yêu nhau được 2 năm. Tôi nhận thấy anh
luôn hãnh diện là sinh viên của trường Võ Bị. Anh có niềm kiêu hãnh, đặt
niềm tin nhiều về sự đào tạo của trường. Nơi đây, theo anh, đã cho anh ý
chí, dũng cảm, và cái trí của cấp chỉ huy. Tôi thấy anh liêm khiết và
lý tưởng quá. Anh đã đặt hết niềm tin tương lai của mình vào đời binh
nghiệp. Tôi biết niềm tự hào xuất thân từ trường Võ Bị của anh không ai
có thể xóa bỏ được.
Tôi biết, anh không thể cưới tôi trong lúc đang theo
học vì đó là qui luật của trường. Nhưng sau khi ra trường thì sao? Tôi
không nghe Như nói đến. Chàng đã không cho tôi một lời hứa hẹn chắc
chắn. Tôi cảm thấy vô vọng.
Ngày anh mãn khóa, cũng là ngày chúng tôi tạm biệt
nhau không một lời hướng đến tương lai. Tôi đã nói với anh rằng tôi sẵn
sàng đi theo anh đến bất cứ phương trời nào. Có phải vì giây phút bốc
đồng của người con gái đang yêu? Tôi không rõ. Anh làm tôi thất vọng!
Ngày tháng trôi qua, tình yêu đối với tôi vẫn như ngày
nào, nhưng thời gian cũng làm những giấc mơ tàn phai. Tôi biết, giấc mơ
của tôi đang dần dần phai tàn.
Ngày anh được phép trở lại Đà Lạt thăm tôi trong bộ
quần áo lính Thủy Quân Lục Chiến trên người, tôi thấy anh đẹp và oai
hùng quá. Binh chủng của anh được phép mặc quân phục của vài binh chủng
khác. Bộ quần áo lính này là bộ anh thích nhất. Gặp lại anh, tôi vui
mừng khôn tả, tim tôi rộn ràng nhưng tôi cố nén lòng không để lộ ra. Anh
hồn nhiên quá, anh vô tư quá, anh không nghĩ ra là tôi đang phụ
anh. Anh thật thà quá, anh không nghi ngờ gì nên anh không hỏi. Hay là
anh không muốn nghe sự thật phũ phàng? Tôi muốn báo cho anh biết mà
không nói nên lời.
Anh đâu biết rằng, sau hai năm chúng ta yêu nhau, chỉ
rời xa nhau ba tháng là tôi đã quen một người đàn ông khác! Người đó, do
anh tôi, một người cùng đơn vị, cùng chiến đấu với anh tôi, dẫn về giới
thiệu với gia đình mà mục đích chính là bắc cầu duyên cho tôi.
Nhiều lần đứng trước gương tôi thấy mình có chút
nhan sắc. Rồi tôi sẽ già. Hai năm hay ba năm nữa, tôi sẽ già thêm chừng
ấy nữa. Chẳng lẽ tôi cứ ngồi chờ anh đến hỏi cưới tôi.
Sau một thời gian ngắn quen biết, Quang nói đã yêu
tôi. Tôi cũng thấy Quang đáng yêu. Tôi cảm mến Quang ngay từ phút đầu.
Anh hiện là người lính bộ binh của một sư đoàn nổi danh khắp miền Trung.
Anh cũng là sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị, thuộc khóa đàn anh của
Như, cũng oai phong, cũng với dáng dấp quyền uy, và cùng có niềm tự hào
của người lính Võ Bị.
Ba Má tôi nhận lời cầu hôn của Quang. Khi Quang về
trong lần phép tới, chúng tôi sẽ làm đám cưới. Phải chịu gả thôi, thời
chiến tranh đàn ông con trai làm lính nhiều, dân ít; con gái chỉ có một
thời, có chọn hoài được đâu.
Tôi nhận lời lấy Quang làm chồng mà tim tôi không rung
động. Tôi lại mâu thuẫn với tôi nữa rồi. Tôi vừa mới cho Quang là người
tốt kia mà. Tôi mới nói Quang là người đáng yêu kia mà. Sao trong tim
tôi cứ nhớ hoài về Như? Mà thôi, Như ơi! Em đã phụ anh rồi đó! Ta đã mất
nhau rồi, anh có biết?
Bốn mùa ở Đà Lạt, mùa nào cũng buồn, với thông hát
trên cao, với hoa nở đầy lũng thấp. Có mùa nào vui để chọn làm lễ cưới.
Anh chị Tâm không dấu vẻ ngạc nhiên khi nhận thiệp mời có tên chú rể
không phải là Như, lộ vẻ như buồn trách tôi. Còn Hạnh Tú cứ thắc mắc
hỏi,
– Chị có yêu anh Quang không mà chị nhận lời lấy ảnh?!
– Có chớ. Có yêu chớ! Tôi nói.
Lễ cưới của tôi và Quang tổ chức đơn giản, cũng giống
như những đám cưới khác trong thời chiến tranh. Ngày vu qui nào cũng
vậy, cũng tràn đầy màu hồng, màu đỏ. Lòng tôi lại man mác tím có lẽ vì
phải xa rời đời người con gái, hay có gì trong tim tôi còn vương vấn?
Tôi vẫn ở Đà Lạt dạy học chớ không xin đổi đi theo
chồng. Nhớ hồi thuở yêu nhau tôi cứ mơ khi làm vợ Như tôi sẽ theo anh dù
bất cứ nơi nào. Bây giờ thì “…Người tôi yêu đã đi xa. Người yêu tôi lại
ở nhà. Buồn không…?” Nhiều lúc tôi thầm thì gởi lời theo gió…
Tiếng đồn lan ra là Việt Cộng đang tấn công Đà Lạt!
Cả nhà Ba Má và chị em tôi cùng di tản về nhà người chị ở Nha Trang để
trốn giặc. Chỉ có những người không có nhà, hoặc người thân quen ở Nha
Trang mới tụ tập nhốn nháo ở khu bờ biển.
Tôi muốn gặp lại Như, nên đã rủ Tú cùng đi tìm anh
trong đám người đang tìm cách đi lên tàu di tản về một nơi nào đó. Tôi
mỏi mắt nhìn từng người lính đi trên bãi biển mong tìm thấy anh nhưng vô
vọng. Nỗi nhớ thiết tha về tình yêu đã qua khiến tôi khao khát tìm gặp
một người. Tôi sẽ gặp Như. Tôi sẽ cùng đi với Như đến một nơi thật xa.
Tâm trạng tôi rối bời, nửa như mong gặp lại, nửa chừng không muốn thấy
lại người tình đã yêu. Gặp lại nhau chi chỉ để đau lòng nhau thêm, hở
Như. Thôi. Thôi, thì thôi vậy!
Chồng của tôi đang chiến đấu cách đây không xa lắm,
cầu xin cho anh được bình yên. Tôi chưa từng bao giờ mong nhớ chồng tôi
như lúc này. Có phải tình yêu của tôi đến với chồng từ lúc nào rồi mà
tôi không hay biết. Đi trong đám người vội vã tìm kiếm, trốn chạy, tôi
bỗng thấy mình cô đơn quá. Có phải tôi cũng đang tìm kiếm ai kia, có
phải không? Hay là tôi mong gặp chồng tôi trong lúc này để ngả vào vòng
tay của anh? Tôi sẽ được anh kéo đầu tôi tựa vào bờ vai anh, cứng cỏi mà
sao êm ả quá. Tôi còn may mắn có anh để không nghĩ tôi là con người bất
hạnh.
Cái bào thai trong bụng tôi đang chuyển động. Một cái
thúc đá vào bụng đau nhói như nhắc nhở tôi trở về thực tại. Tôi đưa tay
vỗ nhẹ như để trấn an nó. Tôi muốn trở về nhà chị tôi ngay để mong ngóng
tin tức về chồng tôi.
Con tàu chở đầy những chiếc lá xanh từ từ rời bến. Xa
dần. Xa dần. Buổi chiều chầm chậm xuống, biển không còn màu xanh biếc,
biển đổi sang màu tím thẩm theo màn đêm. Mà sao tôi vẫn còn đứng đây
tiễn đưa người ra khơi, thì thầm gởi theo gió lời chào từ giã của tôi
với mối tình năm cũ.
https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2014/11/16/tealan-minh-tuyet-con-duong-la-da-chon/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire