jeudi 13 octobre 2022

Chinh Phụ Ngâm Khúc

Chinh phụ ngâm (征婦吟, lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), còn có tên khác là Chinh phụ ngâm khúc (征婦吟曲) là tác phẩm văn vần của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng.
Đặng Trần Côn (鄧陳琨) là tác giả của Chinh phụ ngâm, kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Tiểu sử của Đặng Trần Côn cho đến nay biết được còn rất ít. Kể cả năm sinh năm mất cũng không biết chính xác. Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời vua Lê Chúa Trịnh.
Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng. Sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu.

Có một vài giai thoại về Đặng Trần Côn. Tương truyền lúc ấy chúa Trịnh Giang cấm nhân dân Thăng Long ban đêm không được đốt lửa, để đèn sáng, ông phải đào hầm dưới đất, thắp đèn mà học. Khi mới làm thơ, Đặng Trần Côn có đem đến cho bà Đoàn Thị Điểm xem, Đoàn Thị Điểm cười nói: "nên học thêm sẽ làm thơ." 

 

Chinh Phụ Ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Chinh Phụ Ngâm Khúc nói lên tâm sự của một người vợ có chồng đang dong ruổi nơi biên thùy trong thời loạn lạc. Cái hoài bão chờ chồng, cái cô đơn lạnh lẽo, cái lòng nhớ thương và mong chờ ngày trở về trong chiến thắng vinh quang được tác giả đưa vào một áng thơ làm rung động lòng người. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học chữ Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. 

Hiện nay, Chinh phụ ngâm có 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ lục bát (3 bản) hoặc song thất lục bát (4 bản) của các dịch giả Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên am Nguyễn và hai tác giả khuyết danh. Bản dịch thành công nhất và phổ biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản in chữ Nôm cũ hiện còn, ký hiệu 1902:AB.26) hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại Thư viện Paris) có người cho là Đoàn Thị Điểm, có người cho là của Phan Huy Ích và những phát hiện mới gần đây có xu hướng nghiêng về dịch giả Phan Huy Ích.

Toàn tập Chinh Phụ Ngâm - Hồng Vân diễn ngâm

 Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng niềm tây sá nào

Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng.

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền

Nước chẳng chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước dây dây lại dừng

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
Hà lương chia rẽ đường này
Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi

Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn đường này chăng?

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Chàng từ khi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay chiến địa nhường bao,
Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu.

Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn.
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh.

Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại,
Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua.
Hình khe thế núi gần xa,
Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao.

Sương đầu núi buổi chiều như gội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu.
Não người áo giáp bấy lâu,
Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây.

Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?
Tưởng chàng rong ruổi mấy niên,
Chẳng nơi hãn hải thì miền Tiêu Quan.

(wikipedia)
*
*     *

 
Chinh Phụ Ca Nhạc: Phạm Duy-Hà Thanh
*
*     *
 
Hòn Vọng Phu 1,2,3 -Lê Thương 
 Thái Thanh, Ánh Tuyết và Ban Ngàn Khơi
*
*     *
 
Buồn Tàn Thu (Chinh Phụ Khúc) - Văn Cao - Thái Thanh

*
*     *
Xa Vắng -   ý thơ: Đặng Trần Côn 
nhạc: Y Vân - tiếng hát: Bảo Yến  

Ngày anh xa vắng
Em không trang điểm đợi chờ
Những đêm gió lạnh đầu hè
Khuê phòng phủ kín tâm tư
Nhìn từng hạt mưa sa
Thương đời biển sầu bao la
Để cho cành hoa héo khô
Lỡ cung ái ân xuân thì
Ngày anh xa vắng
Phấn son xếp lại chẳng dùng
Trắng đêm đối ngọn đèn tàn
Trăng mờ lạnh giấc cô miên
Đợi chàng một hai năm
Hay là cả đời xuân xanh
Ngày nao đầu pha tuyết sương
Vẫn mong tái ngộ một lần
Chàng đi chinh chiến
Gieo neo rừng khuya
Là mong chiến thắng vai mang vòng hoa
Còn em khuya sớm chăm lo miền quê
Cho lúa lên ngôi hai mùa
Sống cho tình yêu thế hệ
Ngày anh xa vắng
Tóc buông giữ vẹn lời thề
Ước mong ngấn lệ ngày về
Thay dòng nước mắt chia ly
Vì trời làm phong ba
Nên đời hội ngộ chia ly
Lệ rơi nhiều hơn nước mưa
Dẫu cho bốn biển chẳng vừa.... 

VongNgayXanh (13/10/2022)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire