lundi 6 juin 2022

HƯƠNG XƯA LƯU LUYẾN TIẾNG NGUYỆT CẨM - Nguyễn Hoàng Dũng

HƯƠNG XƯA LƯU LUYẾN TIẾNG NGUYỆT CẨM 

Đã mấy Thu Vàng nhân cố mơ? 
Hương Xưa, Mắt Biếc nhớ Đôi Bờ 
Cô Tô, Lệ Đá Xanh Hoài Cảm 
Tấu khúc ngư trầm Nguyệt Cầm tơ 
 
Bảy ca khúc có tên trong bài tứ tuyệt trên chưa phải là trọn vẹn gia tài âm nhạc của Cung Tiến, tuy nhiên, chúng phải được kể là những nhạc phẩm đặc sắc nhất mà ông để lại cho đời, nhất là những tuyệt phẩm mang âm hưởng bán cổ điển độc đáo, sang trọng, quý phái như “Hương Xưa”, “Nguyệt Cầm”, “Lệ Đá Xanh”. 

Nhờ chúng, tên tuổi ông được đưa lên ngang hàng với các nhạc sĩ đàn anh thành danh như Dương Thiệu Tước, Vũ Thành… Đặc biệt hơn, có rất ít nhạc sĩ nổi tiếng ngay ở bài hát đầu tay như ông, nhất là khi tác giả lúc ấy mới 15 tuổi! Đó là trường hợp bản “Thu Vàng” của Cung Tiến (sáng tác năm 1953). Những “tơ vàng vương vương”, “trời nhiều mây vương” và “bao nhiêu là hương”… là các hình ảnh, sắc màu kỷ niệm của mùa Thu Kinh Bắc êm đềm, tươi đẹp thời chưa có chiến tranh, loạn lạc, được Cung Tiến tinh tế phác họa trở lại qua nhạc phẩm, mà nhiều thế hệ người Bắc di cư vô Nam đến nay vẫn chưa thể tìm lại được.

THU VÀNG (Cung Tiến) - Thanh Lan (Pre 75)

Dù bản “Thu Vàng” thật hay, nó vẫn còn thua nhiều ca khúc mô tả về mùa thu khác như: “Thu Quyến Rũ” (Đoàn Chuẩn), “Mùa Thu Cho Em” (Ngô Thụy Miên), “Giọt Mưa Thu” (Đặng Thế Phong) hay “Mùa Thu Chết” (Phạm Duy) và nhất là “Buồn Tàn Thu” (Văn Cao). Tuy nhiên, với bản “Hoài Cảm”, sáng tác một năm sau bản “Thu Vàng” (1954), dấu ấn nhạc và lời của Cung Tiến đã trở nên riêng biệt, sắc nét, khó lẫn và hay hơn rất nhiều. Chỉ cần nghe 2 dòng ca từ đầu tiên của bản này thôi, lòng thế nhân đã chùng sâu xuống, trầm tư mặc tưởng mất rồi: “Chiều buồn len lén tâm tư - Mơ hồ nghe lá thu mưa”. Chiều buồn “lẻn” đi vào hồn sầu hay lời ca sầu “lén” xâm chiếm hồn buồn để rồi lòng người ta bị một trời thu lá úa ập về? Nghe thêm 2 câu nữa, “Dạt dào tựa những âm xưa  - Thiết tha ngân lên lời xưa”, dù lòng ai đang phơi phới xuân xanh, cũng đành phải “Hoài Cảm” vàng thu tức thời, bởi ký ức đã trở về ngập hồn lúc nào không hay. Tài tình là ở chỗ đó.

Hoài Cảm - Nhạc: Cung Tiến-Hạtsươngkhuya

Đã có một thời, nơi vùng thôn quê heo hút của “Xứ Trầm Hương” nọ, lúc bóng hoàng hôn ngả xuống sau dãy núi xa xa, những “mục tử” bất đắc dĩ muôn năm cũ thời VNCH kẹt lại sau biến cố 1975 ấy, không thể nào không nghe hoặc không nghĩ đến “Hoài Cảm” của Cung Tiến để mà ngậm ngùi nhớ cố nhân thất lạc. Cũng vậy, những khi ánh tà huy chìm xuống sau Đầm Thuỷ Triều Bãi Dài, bao “ngư ông” bất đắc chí do thời cuộc, còn ở Việt Nam sau “Giải Phóng”, hầu như đều hát thầm hay liên tưởng đến “Thuyền Viễn Xứ” của Phạm Duy để mà nhớ bạn bè ly hương và ôm mộng viễn dương. Đó là 2 trong nhiều bản tình ca, buồn sầu nhưng trang trọng, ru hồn khán thính giả bần lao hữu tình của nền tân nhạc VNCH. Tông điệu và lời ca của nhạc khúc “Hoài Cảm” cứ như chất gây nghiện, thấm dần, thấm dần vào tâm hồn, máu huyết của người nghe lúc nào không hay, để rồi khi bất cứ ai đó chợt nhớ lại ký ức xưa, hoặc buồn chuyện “nhân tình thế thái”, hay đơn giản chỉ là trong khoảnh khắc ngắm tà dương rơi, họ đều muốn nghe ca khúc này để thêm phần xúc cảm.

Tuy nhiên, người ta nói, và ngay chính Cung Tiến cũng thừa nhận, những ca khúc bán cổ điển sáng tác sau này như “Hương Xưa” (sáng tác năm 17 tuổi, 1955), “Nguyệt Cầm”(sáng tác năm 18 tuổi, 1956) và “Lệ Đá Xanh” (sáng tác năm 19 tuổi, 1957) mới là những tác phẩm có giá trị được ông ưng ý nhất. Thiệt sự mà nói, “Lệ Đá Xanh” và “Nguyệt Cầm” là những bản nhạc kén cả người hát lẫn người nghe. Theo đó, khán thính giả thẩm âm của “Lệ Đá Xanh”, qua giọng ca quý phái của ca sĩ Quỳnh Giao,
Lệ đá xanh Cung Tiến-Thanh Tâm Tuyền-Quỳnh Giao 

và “Nguyệt Cầm”, qua tiếng hát sang trọng của danh ca Thái Thanh, phải “cảm” được lời thơ của Thanh Tâm Tuyền và Xuân Diệu một chút, nghĩa là phải có một chút Hiện Sinh của Nietzsche, một chút Tâm Phân Học của Freud, rồi một chút triết lý của Heidergger về hữu thể, thêm một chút Đường Thi “Tỳ Bà Hành”, cùng một chút hận tình Trương Chi - Mỵ Nương và cả một chút hoà hợp trong thuyết giao ứng của Baudelaire nữa… để làm vốn liếng bước đầu cần thiết mà nghe hai ca khúc này cho trọn vẹn.
Nếu nỗi cô đơn tuyệt đối phận người trong “Lệ Đá Xanh” có thể khiến những giọt lệ kia chảy ngược vào tim mà hoá đá xanh kéo người ta xuống tận đáy sâu Địa Ngục thế nào, niềm giao cảm tột cùng giữa hương sắc và thanh âm, giữa đất trời và cỏ cây, giữa vũ trụ và con người, giữa trần gian và âm cảnh trong “Nguyệt Cầm” lại nâng hồn người lên cao đến cõi Thiên Thai như vậy. Nghe hai nhạc phẩm này mà hồn lòng nhiều khi phải giằng xé, lên xuống, thăng trầm không ngớt. Ngay cả trong mỗi bài hát, tâm trạng người nghe cũng diễn ra tương tự như thế. Có khi hồn mình thăng hoa bay bổng như Lý Bạch phiêu diêu thoát tục, nhưng có lúc lòng lại trầm buồn trĩu nặng như Đỗ Phủ lặn hụp, luỵ trần. Lại có đoạn mình thấy mình là Lão - Trang vô vi xuất thế, ung dung tự tại, ngao du tứ hải, để rồi một lát sau thôi, ta đã thấy ta trở thành Khổng - Mạnh, hữu vi nhập thế, vướng ngại trùng trùng, bó gối chồn chân. Nghe nhạc như vậy có dễ chút nào đâu, dù chúng hay không chê vào chỗ nào được.
Nguyệt cầm - Nhạc: Cung Tiến-Thơ: Xuân Diệu-Anh Ngoc

Do vậy, nếu được phép chọn, vẫn thích nghe bản “Hương Xưa” nhất, vì cả nhạc điệu lẫn ca từ của nhạc phẩm này đều tuyệt hay, vừa du dương bay bổng, vừa da diết trầm buồn, vừa dân ca tình tự vừa bác học hàn lâm, vừa Việt Nam thơ phú vừa Trung Hoa Đường thi… xen lẫn, hài hoà với nhau nên một chỉnh thể ngây ngất lòng người. Không dễ có một bản tình ca nổi tiếng nào trong nền tân nhạc Việt Nam vừa tôn vinh vẻ đẹp của lòng chung thuỷ qua mối tình lãng mạn, bi thương lịch sử giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt – Nguyễn sơ, vừa bày tỏ lòng cảm thông hết mực cho những mối tình tay ba éo le thuộc về điển tích như “Phạm Lãi - Tây Thi - Phù Sai” và “Kim Trọng - Thuý Kiều - Từ Hải”. Thế là, sau khi đã đưa cả 3 loại nhạc cụ, Đàn Nhị, Hồ Cầm và Nguyệt Cầm, vào nhạc điệu nhằm tăng tiết tấu đa dạng cho nó và “gói” tiếp 3 mỹ nhân sắc nước hương trời, Tây Thi, Thúy Kiều và Quỳnh Như, vô ca từ để phủ thêm vẻ đẹp lên chúng mà thấy chưa đủ, Cung Tiến còn “nhét” thêm “tứ đại tình lang” là “Phạm Lãi - Phù Sai” và “Kim Trọng - Từ Hải” vào luôn ca khúc cho nó đa dạng sắc thái tình đời. Biểu sao “Hương Xưa” không hay cho được?
Hương Xưa - Tác giả: Cung Tiến - Duy Trác trình bày

Nói cho gọn hơn để thay lời kết, tiến trình thẩm nhạc của ông chính là những nghiền ngẫm về sự tương phản nghiệt ngã giữa một thế giới hoa mộng nhân bản đã bị đánh mất, bên cạnh một thế giới cô độc hóa đá đang thành hình trong mỗi một người. Nhạc khúc ông sáng tác đâu chỉ tràn trề cảm xúc bộc phát trái tim, mà còn phong phú hàm lượng suy tư trí tuệ, rất đáng nghe đi nghe lại nhiều lần. Nay, sau 84 năm rong chơi rất mực tử tế trong cõi đời vô thường ô trược, ông đã rời cõi tạm này đi xa một chuyến, theo bóng cố nhân xưa ở Cô Tô Đài, sông Tiền Đường và vùng Kinh Bắc quê ông. Như vậy, những người yêu nhạc tình thực sự vừa mới mất đi một bóng đại thụ, người đã suốt đời trung thành giữ gìn hồn cốt cái đẹp trong âm nhạc, cả giai điệu lẫn ca từ, để hậu nhân hữu tình còn có cơ hội thưởng thức những tuyệt phẩm này mà Hoài Cảm Hương Xưa:
  Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
  Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
  Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn
  đợi chờ mơ hồ
  Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó

Lami NGUYỄN HOÀNG DŨNG
 
video clip vongngayxanh 
*
*     *
 
 
Nhớ Cung Tiến
“Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...”
Khúc “Nguyệt Cầm” đã tắt
Còn luyến chút “Hương Xưa”
Để “Thu Vàng” nỗi nhớ
“Lệ Đá Xanh” như mưa
“Có hàng mây trắng về đâu?”
Ông không là “Kẻ Ở”
Đã chìm trong bóng “Đêm”
Không còn “Mùa Hoa Nở”
“Thuở Làm Thơ Yêu Em”
“Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa”
Giữa “Đôi Bờ” sinh tử
Hạc vàng nay về đâu
Một bay … bay bay vút
Còn riêng “Hoàng Hạc Lâu”
“Dù có bao giờ lắng men đợi chờ”
Tiếc thương ông! Cung Tiến
“Hoài Cảm”  những âm xưa
Ôi “Vết Chim Bay” mờ khuất
“Chờ hoài nhau trong mơ”
“Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa”
Mai Ngoc Cuong
 *
*     *
Bích Huyền: Những Ca khúc Cung Tiến

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire