mardi 21 juin 2022

Collège de Nhatrang

Trân trọng cảm ơn BS Bùi Thiều 
và các tác giả có bài viết được trích dẫn 
 
Chuyện xưa kể rằng, cách đây hơn nửa thế kỷ ở một thành phố ven biển miền Trung có một ngôi trường với những vị giáo sư đã để lại những ấn tượng tuyệt đẹp, không thể nào phai mờ trong trí nhớ của những ai đã từng theo học. Một ngôi trường trung học mà cả thầy lẫn trò đều phải nương tựa vào cơ sở vật chất của một trường tiểu học nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy và học tập của mình và từ mái trường này biết bao học sinh đã trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Đó là Collège de Nhatrang, trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. 

 Chúng ta hãy cùng nghe lại câu chuyện về ngôi trường ngày xưa qua ký ức của một số cựu học sinh đã một thời thọ giáo với những vị thầy tài hoa và uyên bác ở đây.

Chúng ta hãy cùng nghe lại câu chuyện về ngôi trường ngày xưa qua ký ức của một số cựu học sinh đã một thời thọ giáo với những vị thầy tài hoa và uyên bác ở đây.

Về việc giáo dục ở tỉnh Khánh Hòa, nhà nghiên cứu Quách Tấn (1910-1992) đã viết: “Từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, là thời kỳ Hán học được phục hưng, ở Khánh hòa, học sinh trường Tỉnh vẫn thưa thớt. Trường Tỉnh lập từ đời Minh Mạng, vì ít học sinh, phải bãi bỏ gần 40 năm. Đến triều Tự Đức thứ 19 mới mở trở lại. Và từ khi có trường học, trong tỉnh đỗ đạt không được bao lăm và tuyệt nhiên không có người đỗ đại khoa. Cũng không có người cuồng chữ nổi tiếng. Rồi chữ Hán cáo chung, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, cảnh học giới Khánh Hòa cũng không lấy gì làm rực rỡ. Ngót 60 năm Pháp đóng chiếm Khánh Hòa (1885-1945), và gần 30 năm chữ Quốc Ngữ lên thay thế chữ Hán (1918-1945), Khánh Hòa chỉ có được 6 trường tiểu học dạy đến lớp nhất!” [1]

Năm 1947, Collège de Nhatrang được thành lập do thầy Trương Văn Như làm Hiệu trưởng. Nhờ có trường này, “Đến năm 1951, người Khánh Hòa mới được thi bằng Trung Học tại Nha Trang. Từ ấy việc học ở Khánh Hòa càng ngày càng thạnh”. [1] Điều ấy đã được một trong những học sinh thời bấy giờ xác nhận: “Cuối năm Đệ tứ (1951), chúng tôi nộp đơn thi bằng Brevet Elementaire và bằng Trung học Đệ nhất cấp lần đầu tiên tổ chức tại Nha Trang.” [2] Lúc này học sinh được học theo chương trình Pháp-Việt và tiếng Pháp được dùng làm chuyển ngữ. Thủa ban sơ trường chỉ có một lớp Première Année (Đệ Thất) với khoảng 23 học sinh. Mãi đến năm học 1950-51 trường mới mở đến lớp Quatrième Année (Đệ Tứ) và trở thành một trường Trung học Đệ nhất cấp đúng nghĩa.

Cho đến năm 1950, thành phần ban giảng huấn của trường gồm có các thầy cô Trương Văn Như (Toán), Đặng Văn Tế (Việt sử và Việt văn), Thái Văn Cư (Việt văn), Lê Văn Đào (Anh văn), Cung Giũ Nguyên (Việt văn và Pháp văn), Nguyễn Hữu Dưỡng (Lý, Hóa và Âm nhạc [thầy đánh đàn violon rất hay và chuyên dạy nhạc cụ này]), Võ Thành Điểm (Hội họa), Bửu Cân (Vạn vật), Courtat (Pháp văn, Anh văn và Địa lý), Samarcelli (Pháp văn và Sử-Địa), Trần Bá Lộc (dạy thổi sáo, về sau làm quận trưởng Diên Khánh), Nguyễn Xuân Yến (Học vụ)…

Nhớ lại tại Việt Nam trước đây “Hệ thống trường Trung học (Collège hoặc Lycée) thời Pháp thuộc được chia thành 2 cấp: Cấp Cao đẳng Tiểu học (như Trung học Đệ nhất cấp sau này) gồm các lớp Năm Thứ nhất (Première Année), Năm Thứ hai (Deuxième Année), Năm Thứ ba (Troisième Année) và Năm Thứ tư (Quatrième Année) rồi thi bằng Thành Chung hay Cao Đẳng Tiểu học - DEPSI (Diplôme d’Etudes Primaire Supérieures Complémentaire Indochinoises). Ban Tú tài gồm các lớp Seconde (như Đệ Tam), lớp Première (như Đệ Nhị). Học xong lớp Première sẽ thi Tú tài I, nếu đậu thì vào lớp Terminale (như Đệ Nhất) rồi thi Tú tài II. Đậu tú tài II mới vào đại học.” [3]

Là một trong những người có mặt trong hình, cựu học sinh Collège de Nhatrang khóa đầu tiên Bùi Thiều đã kể lại một cách khá chi tiết về chương trình học và hệ thống thi cử thời bấy giờ:
“Collège de Nhatrang với một lớp đầu tiên được mở vào năm 1947. Cả thầy và trò đều dạy và học tạm tại trường Nam Tiểu học Nha Trang. Năm học đầu tiên được gọi là Première année. Các môn học được dạy bằng tiếng Pháp. Trong khi hệ thống “Lycée” gọi năm đầu tiên là Classe de 6è và học đến Classe de 3è sẽ thi BEPC (Brevet d'Etude du Premier Cycle du second degrée = Trung học Đệ nhất cấp) thì với hệ thống “Collège”, trường Collège de Nhatrang gọi năm cuối là 4è de année (cuối năm đệ tứ trung học, hồi đó tính là nhứt- nhị- tam- tứ chớ không phải thất- lục- ngũ- tứ như sau này). Vì lớp chúng tôi là khóa đầu tiên nên khi nào học trò được lên lớp thì nhà trường mới mở thêm lớp cao hơn. Đầu tiên, trường mở lớp 1ère année. Lúc học hết năm thứ nhứt, nghỉ hè xong, trường mở lớp 2ème année. Cứ thế tuần tự cho đến năm cuối. Khi chúng tôi lên lớp cao hơn thì trường nhận học sinh ghi tên vào lớp dưới v.v... Lúc chúng tôi xong năm cuối thì nhà trường mở cuộc thi cho chúng tôi. Thành ra thú thật chúng tôi lúc bấy giờ trong bụng cũng hãnh diện…vì không có lớp nào hơn mình. Tôi cũng được biết là bài thi BEPC năm đó cũng là đề thi cho toàn quốc do Sở Học chánh Pháp (ở Nam Việt Nam) gởi tới. Được biết là bài thi ở Saigonhay Dalat (Lycée Yersin) cũng vậy mà thôi. Tỷ số đậu của lớp chúng tôi năm đó cũng khá cao (dĩ nhiên cũng có người rớt). Điều này chứng tỏ là sự đào tạo do các thầy trường Collegede Nhatrang bấy giờ có phẩm chất cao. Ngay như có bạn nào còn kể lại là học sinh trường này được dạy về thơ Lamartine, Victor Hugovà cả văn chuơng của Guy de Maupassant nữa. Cuộc thi BEPC đầu tiên được tổ chức tại Nhatrang cuối niên học 4è année. Đây là khóa được đào tạo đầu tiên để lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp bằng tiếng Pháp tại Nhatrang vào đầu mùa hè năm 1951. Sau đó các học sinh khóa này phải đi xa Nhatrang (Sàigòn, Huế hoặc Dalat) để học tiếp vì Collège de Nhatrang không mở thêm các lớp Seconde, Première và “Terminale” (Philo, Sciences Exp., Math). Khi lớp chúng tôi đi rồi thì trường được đổi tên là Trung học Nhatrang và đến năm 1952 trường được dời qua đường Bá Đa Lộc, lấy tên là Trung học Võ Tánh.”

Còn cựu học sinh Lê Tùng Nguyễn thì đã nhẹ nhàng buông trí nhớ của mình trở về miền thùy dương cát trắng: “Tôi còn nhớ mãi ngôi trường ấy, ngôi trường thân yêu đã che mát suốt cả một quãng đời niên thiếu của đời tôi. Ngôi trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa, luôn cả miền Nam Trung Phần, bắt đầu từ những lớp mượn tạm của trường Nam Tiểu học Nha Trang. Tên trường đầu tiên là Collège de Nhatrang.


…Vào cuối thập niên bốn mươi và đầu thập niên năm mươi, Nha Trang còn là một thành phố nhỏ, êm đềm, dễ thương. Con đường chạy dài dọc theo bãi biển ẩn mình dưới những cây bàng tàng lá sum suê, những cây dương liễu bốn mùa rì rào, xanh ngắt, trên bầu trời trong xanh, bãi biển chưa có quán cóc, chưa có quán nhậu, chưa bị lót đá vì có một mùa đông sóng biển đã phá vỡ một đoạn dài bãi biển và cả con đường từ suốt tòa tỉnh đến quá viện Pasteur. Dân tình Nha Trang còn hiền hòa, nhút nhát nhất là học sinh trung học thì thôi, cậu nào cậu nấy như những ông cụ non, nghiêm trang, đạo mạo. Trường lúc ấy dạy theo chương trình thành chung, dạy bằng tiếng Pháp và đôi môn dạy bằng tiếng Việt. Trường đón nhận học sinh từ Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang và Phan Thiết. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Trương Văn Như, người miền nam, khổ người tầm thước, tính tình bộc trực, hiền lành, gần như xuề xòa…” [2]

 

Cô con gái út của thầy cô Trương Văn Như, đã viết về người cha thân yêu của mình: “Năm 1932, khi Việt Nambị ảnh hưởng của nạn khủng hoảng kinh tế lan tràn trên thế giới, ba tôi đã hồi hương. Ông đã từng dạy học ở trường Hồng Bàng Hà Nội, và ở Huế một thời gian. Khi đến Nhatrang, thành phố biển êm đềm và thơ mộng đó thêm với nhan sắc của má tôi đã giữ chân ba tôi ở lại lập nghiệp cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.” [4]

Một số học sinh Nha Trang đã viết về phong cách giản dị, chân tình và thân mật của thầy hiệu trưởng:
“Thầy Trương Văn Như du học và tốt nghiệp ở Pháp nhưng thầy rất bình dị, đối xử với học sinh rất thân tình. Mỗi lần có học sinh cũ về thăm, thầy rất vui Thầy ân cần hỏi thăm về việc học hành và cuộc sống.” [5]

“Thầy Trương Văn Như vốn là học sinh du học, đậu Tú Tài bên Pháp nhưng lại là một thầy giáo hoàn toàn có tư tưởng Việt Nam, có phong cách của một nhà giáo Việt Nam. Ngồi hầu chuyện với thầy, người đối diện không thể ngờ rằng thầy đã từng du học nước ngoài vì từ giọng nói, cách diễn đạt tư tưởng và nhất là nội dung câu chuyện không hề pha lẫn những gì có tính cách ngoại lai. Thầy đã kể lại những sự việc của các trường ở nước ngoài như cách dạy, cách học tự do và khoa học của sinh viên nước ngoài song thầy đã đem hoàn cảnh của nước nhà, trình độ của xã hội mà kết luận rằng chế độ giáo dục của ta khi ấy không thể bắt chước như các nước văn minh mà chỉ lấy đó làm mục tiêu để chúng ta hướng đến.

Tôi chưa bao giờ nghe thầy la mắng học sinh dù là một tiếng nói nặng. Dáng đi của thầy khoan thai, nét mặt luôn luôn tươi tỉnh, tuy vậy chúng tôi luôn kính sợ thầy…
Ngày Tết chúng tôi đến thăm thầy, thầy tiếp và nói chuyện cùng chúng tôi thân thương như con cháu trong nhà. Tuyệt đối không bao giờ tôi nghe thầy phê bình một học sinh nào có tính xấu hay bê bối trong việc học. Tất cả thầy đều thương yêu như nhau, trong câu chuyện, trong cách bắt tay tiễn khách ra về.” [6]

Nhắc đến những ngày thi tuyển, thời gian học dưới mái trường này cùng những ấn tượng về thầy hiệu trưởng, cựu học sinh Trần Đăng Nhơn đã viết:
“Năm 1950, tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ) trường Trung học Nhatrang. Cũng trong năm này, trường Collège de Nhatrang được đổi tên là trường Trung học Nhatrang và bắt dạy chương trình Việt của Bộ Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên khi dự kỳ thi tuyển, tôi phải thi môn Rédaction (luận văn) và viết một bài Dictée (chính tả) bằng tiếng Pháp do một bà Đầm đọc. Trường vẫn còn tá túc ở dãy nhà bên phải của trường Nam Tiểu học Nha Trang. Hiệu trưởng là Thầy Trương Văn Như mà chúng tôi thường gọi bằng “Thầy Đốc Như”. Collège de Nhatrang được thành lập từ năm 1947. Lớp đàn anh cao nhất của trường chúng tôi lúc bấy giờ là lớp đệ Tứ niên (tức lớp 9 bây giờ). Tôi còn nhớ tên một anh cựu học sinh lớp đó là BS Bùi Thiều người làng Quang Thạnh (Xã Diên Hòa, Diên Khánh) hiện nay ở Texas. Thầy Hiệu trưởng Trương Văn Như dạy môn toán ở lớp cao hơn lớp tôi, do đó chúng tôi không được học với Thầy. Chúng tôi chỉ thấy thầy ra vào văn phòng hiệu trưởng ở đầu dãy nhà trường. Thầy thường đi xe đạp, mặc quần short trắng, tay cầm vợt mỗi khi bước vào sân tennis phía trước trường. Chúng tôi cũng ít khi được tiếp xúc với thầy. Do đó chúng tôi có rất ít kỷ niệm với thầy. Tuy vậy vì thấy chữ ký cuả thầy Như đẹp nên tôi đã bắt chước để ký tên cuả mình trong suốt những năm học tại trường Võ Tánh.”…“Thầy Hiệu trưởng Trương Văn Như có công lớn trong việc hình thành trường Collège de Nhatrang, Trung học Nhatrang để sau này trở thành trường Trung học Võ Tánh Nha Trang.” [7]

Nhắc đến một thầy dạy hội họa kiêm tổng giám thị gốc người miền Nam“tính tình bộc trực, ăn to nói lớn”, có dáng người “mặt tròn vạnh, đeo kính trắng gọng sừng đen” cùng “chiếc răng vàng sáng chói”, một cựu học sinh Collège de Nhatrang đã kể lại:
“Có một buổi chiều, trong giờ học vẽ, thầy Võ Thành Điểm ra đứng dưới mái hiên, nghếch cổ đăm chiêu nhìn lên tàng cây bàng giữa sân trường rồi gọi chúng tôi ra:
- Ê, tụi bây có thấy cây bàng đó không? Cây bàng thứ hai sát cạnh nhà chơi đó.
- Dạ thấy thầy, ngày nào tụi con lại không thấy thầy.
- Tụi bây có thấy cái nhánh bàng suông đuộc, mọc thẳng đứng lên trời kia không?
- Dạ, nhánh nào cũng như nhánh nấy thầy.
- Tao nói thấy đây là thấy dưới con mắt họa sĩ, dưới cái nhìn của một nghệ nhân như tao. Tụi bây mà vẽ cây bàng với cái nhánh thẳng băng, suông đuộc kia mà nộp cho tao, chỉ có nước lãnh zêrô. Tranh tao mà vẽ có nhánh bàng kia thì chẳng có khách ma nào hỏi mua đâu. Bông hoa thì phải có nụ xanh, nụ đỏ. Cành cây thì cũng phải uốn lượn nhịp nhàng chớ đâu mà thẳng đứng, ngay đơ như vậy. Không được, phải chặt. Phải chặt bỏ đi mới được.
Sáng thứ hai, khi làm lễ chào cờ, tôi chăm chú nhìn theo lá cờ phất phơ trên đỉnh cột cờ, tôi không còn nhìn thấy nhánh bàng thẳng đơ, suông đuộc kia đâu nữa! Và sau này, trên khắp mọi nẻo đường đất nước… tôi không còn tìm thấy đâu những cây bàng tàng lá sum suê. Tôi cũng không còn tìm thấy đâu cây bàng với nhánh bàng thẳng đơ, suông đuộc. Chỉ còn thấy chăng là hình ảnh bộc trực, thân yêu của thầy Tổng giám thị của ngôi trường. Tất cả rồi cũng xóa nhòa… chỉ còn lại những kỷ niệm (Tout passé, tout s’efface… seuls les souvenirs restent).” [2]

Một cựu học sinh đã từng được học với thầy đã viết: “Là học sinh Võ Tánh, không mấy ai không có ít nhiều kỷ niệm với thầy Điểm.” Thầy sinh trưởng ở Sađéc, người bản tính hiền hòa “nhưng ở chức vụ giám thị thầy phải làm bộ nạt nộ ra oai. Thầy là một họa sĩ có tài; tôi mê tài vẽ của thầy, nhưng tôi không bao giờ được tới điểm trung bình cho môn hội họa do thầy dạy. Thầy có một trí nhớ độc đáo, thầy nhớ tên mấy trăm học trò nguyên trường thời đó. Ngạc nhiên hơn nữa, trong một lần đến thăm thầy sau mấy năm rời trường thầy vẫn còn nhớ tên tôi. Thầy rất hãnh diện với đám học trò đã ra trường. Mặc dầu chỉ làm giám thị và dạy môn hội họa thầy vẫn thường khoe là ông tướng này, ông tá nọ là học trò của thầy.” [8]

Đặc biệt, có học sinh tuy không có dịp học với thầy nhưng cũng đã ưu ái dành cho thầy những tình cảm vô cùng trân trọng: “Còn thầy Điểm, cả Nha Trang ai mà không biết đến thầy. Thầy thật bình dị, vui tính nhưng cũng oai ra phết với cái bụng bự, đôi mắt kiếng trắng và cái ống píp luôn luôn ngậm ở miệng. Ai mới gặp thầy cũng sợ thầy lắm, tưởng thầy nghiêm khắc với cái roi tre trong tay, nhưng sống gần thầy lâu mới biết rằng thầy có tâm tính nhân hậu, thương học trò như thương con. Thầy còn là một họa sĩ nổi danh, có tiệm vẽ tranh và chân dung ở đường Quốc lộ 1, gần Ty Thông tin. Tôi không hề học với thầy, và cũng chẳng biết thầy có dạy lớp nào không, nhưng ai cũng thương kính thầy.” [9]

Về một hoạt động ngoại khóa của trường, một cựu học sinh nhớ lại: “Suốt bốn năm học, trường không có môn thể dục, thể thao, có lẽ vì thiếu thầy phụ trách. Nhưng bù lại, chúng tôi được học về môn kiếm thuật tây phương do các sĩ quan quân đội Pháp hướng dẫn. Chúng tôi mặc y phục kiếm sĩ, đội nón an toàn. Thanh kiếm mảnh và dài. Kiếm nhọn nhưng có gắn một cục nhựa tròn ở đầu và từng cặp, chúng tôi đấu kiếm với nhau như trong cảnh Ba chàng ngự lâm pháo thủ!” [2]

Nhắc đến những kỷ niệm với các vị giáo sư, một cựu học sinh kể lại: “Môn Pháp văn là một trong những môn chính, chứ không phải là một ngoại ngữ, do bà Courtat, phu nhân của ông Courtat, giám đốc Nha Học chánh Trung phần phụ trách. Đó là một bà đầm chính cống, mắt màu hạt dẻ, mũi cao hơi to, mái tóc vàng nâu dài, phủ cả đôi vai. Bà dịu dàng, hiền hòa, rất gần gũi với đám học sinh Việt Nam. Bà rất thông cảm với cách nói, giọng nói tiếng Pháp của chúng tôi, những người lần đầu tiên nói tiếng Pháp, đọc lecture (bài tập đọc), đọc récitacion (bài học thuộc lòng) cho người Pháp nghe và viết luận văn bằng tiếng Pháp cho một người Pháp đọc. Bà đã ghi lại trong tâm hồn chúng tôi “Buổi học đầu tiên” của Guy de Maupassant, Bão biển (Oceano nox) của Victor Hugo, “Bên hồ” (Le lac) của Lamartine…

Năm chúng tôi lên Đệ Ngũ, có thêm một bà giáo người Pháp nữa phụ trách Pháp văn hai lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ, đó là bà Samarcelli, phu nhân của ông Chánh án Tòa án Nha Trang. Bà còn trẻ, gương mặt trong sáng, dáng nhanh nhẹn, tóc quăn nâu sậm, xách chiếc cặp da to so với khổ người của bà ta. Một hôm bà dạy một bài thơ Pháp thuộc thể loại anh hùng ca, bài La Chanson de Roland. Bài này đã được phổ nhạc nên bà hát cho cả lớp nghe thật cảm động, thật hùng tráng, nhất là đoạn kèn đồng rộn rã thổi thúc giục các chiến sĩ xung trận… Ta hô…! Ta hô…! Rồi giọng kèn trầm xuống từng tiếng, từng tiếng… để chào vĩnh biệt người anh hùng đã bỏ mình vì nước. Giờ đây, giọng hát của bà giáo vẫn còn vẳng lên mồn một trong tâm tư tôi, kéo tôi về một quãng thời niên thiếu thật êm đềm.

Đến năm Đệ Tứ (chương trình học được chuyển hẳn qua chương trình Việt) chúng tôi mới được học với thầy Cung Giũ Nguyên. Dưới mắt chúng tôi thầy là một học giả, có nhiều tư tuởng uyên thâm tiến bộ, thường nhìn đời dưới cặp mắt triết nhân, mang một tâm hồn nghệ sĩ thật hào phóng. Trán cao, tóc chải ngược, đeo cặp kính trắng, gọng vàng, làn da trắng nhợt, môi hơi thâm tái. Nghe thầy nói thầy có viết nhiều chuyện dài Pháp văn. Trong đó tôi có đọc quyển “Le Fils de la Baleine” (Con trai cá Ông, nói về phong tục dân đánh cá miền Trung) đã được xuất bản tại Pháp.” [2]

Peut être une illustration de une personne ou plus et texte

Một cựu học sinh đã kể một phần về sự nghiệp văn học nghệ thuật giảng dạy của thầy: “Riêng thầy Cung Giũ Nguyên thì phải nói là bất cứ học sinh nào học ông cũng đều giữ lại trong đầu hình ảnh của một người thầy tài hoa, uyên bác. Ông có sức thu hút lạ kỳ. Khi ông giảng bài, học sinh lắng nghe say mê nhất là lúc ông giảng về “Cách cấu trúc một câu văn Pháp” cho thấy ông là một người thấu hiểu một cách sâu sắc và nhuần nhuyễn loại ngôn ngữ này. Ông là một nhà văn viết tiểu thuyết vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Pháp. Ông cũng còn cộng tác cho nhiều tờ báo viết bằng tiếng Pháp. Ông đã là chủ bút nhật báo Le Soir d’Asie (1940-42) và chủ bút tuần báo La Presse d’Extreme-Orient (1954). Một trong những cuốn viết bằng tiếng Pháp của ông, cuốn Le Fils de la Baleine, xuất bản ở Pháp 1956, được dịch ra tiếng Đức năm 1957.” (Bản dịch: Der Sohn das Walfischs, Genf & Frankfurt, 1957, Kẻ thừa tự của ông Nam Hải, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1995) “Cuốn sách đó đã được 30 tờ báo nước ngoài nói đến và chỉ trong vòng một năm đã tái bản đến lần thứ 10. Nước Pháp coi ông như là một “nhà văn di cư” cống hiến cho nền văn hóa Pháp những đóng góp đáng kể. Năm 1980, một tác phẩm lạ lùng đầy triết lý viết bằng tiếng Pháp dày 700 trang của ông, cuốn Le Boujoum, đã xuất bản tại Pháp và được các giới văn học Pháp hoan nghênh.” (Thái Huyền, Nxb Đại Nam, Glendale, Hoa Kỳ, 1995) “Tôi vẫn nghĩ rằng được học Pháp văn với thầy Nguyên là một điều may mắn nếu không muốn nói là hạnh phúc. Ông đã nhào nặn tâm hồn các học sinh học ông không những bằng tài năng mà còn vì những câu chuyện kể khôi hài, châm biếm rất sâu sắc và dí dỏm.” [9]

Một cựu học sinh Võ Tánh đã viết:
“Nhatrang và Cung Giũ Nguyên. Ngôi nhà nằm trên một con đường vắng đầy bóng tối, tôi không biết tên. Mảng sân hẹp nhiều cây. Nhà kiến trúc kiểu xưa, đã cũ lắm, phòng khách nhỏ. Thầy đã già. Nhưng người học trò năm xưa giờ cũng đâu còn trẻ. Thầy hỏi: Anh về bao giờ? Tôi nắm tay Thầy. Ánh sáng của ngọn điện yếu không soi rõ khuôn mặt Thầy. Thầy bảo: Anh vào đây! Tôi bước theo Thầy. Phòng làm việc của nhà văn Cung Giữ Nguyên nhỏ, ngăn nắp, nhiều sách báo. Thầy hỏi: Anh đã có cuốn này chưa? Le Fils de la Baleine. Bản tiếng Việt: Kẻ Thừa Tự Của Ông Nam Hải. Thầy nói đây là bản dịch của ông Nguyễn Thành Thống, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in cách đây sáu năm”… “Nguyên bản cuốn tiểu thuyết của Thầy do nhà xuất bản Arthème Fayard, Paris-France in năm 1956. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản ở Tây Đức và Canada. Thầy mở trang đầu cuốn sách, cúi xuống viết lời đề tặng cho cậu học trò ngày xưa. Chữ ký bị nhòe một giọt nước. Thầy tôi vẫn viết bằng loại viết có chứa nước mực. Dưới chữ ký là một đường vạch cong và mạnh. Tôi đang có trong tay một cuốn tiểu thuyết mà số phận của nó trong gần nửa thế kỷ qua nổi trôi như cuộc đời một con người. Một cuốn sách đi đường vòng. Chào đời tại Pháp [bằng tiếng Pháp, tất nhiên] năm 1956, và chính thức trở về Việt Nam bằng ngôn ngữ mẹ đẻ vào năm 1995, cuốn sách đã có một hành trình 39 năm lưu lạc quê người. Ở Đức năm 1957. Ở Canadanăm 1978. Và tôi mang trở lại Hoa Kỳ cuốn sách của Thầy tôi năm 2001.”… “Ở cái tuổi khi tôi chỉ mới biết những bài quốc văn giáo khoa thư, Thầy Cung Giũ Nguyên của chúng tôi đã là một nhà văn và là một nhà văn nổi tiếng viết tiếng Pháp. Tôi rời xa Nhatrang khi qua trung học đệ nhất cấp, vào trung học đệ nhị cấp ở Sàigòn, lấy Tú tài Toán, học lớp PCB ở Đại học Khoa học, tôi gần như quên đi cái thế giới văn chương mà có lúc tôi từng yêu thích. Thế nhưng, tôi không quên Thầy tôi, nhà văn Cung Giũ Nguyên, người đã một thời là hình ảnh mà tôi mơ ước được là như thế.” [10]

Nói về lĩnh vực thể thao ở Collège de Nhatrang thì không thể nào không nhắc đến anh Nguyễn Đức Khánh, cựu học sinh khóa đầu tiên, trung phong xuất sắc của đội tuyển Nha Trang lúc bấy giờ. Nhớ lại một ngày vào mùa hè năm 1951, sau khi thi vấn đáp bằng Brevet, anh đã vội vã ôm cặp chạy nhanh ra sân vận động, thay đồ ngay phía sau khán đài để kịp ra sân đấu với đội tuyển Dalat. Sự hăng hái và nhiệt tình của anh đã thể hiện một tinh thần ham mê thể thao tột độ. Khi sang Pháp học trường sĩ quan Không quân, anh từng đá ở vị trí trung phong cho đội Salon Không quân. Sau này khi đã trở thành Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân tại Đà Nẵng, khi có điều kiện thời gian anh vẫn mang giày ra sân tập luyện cùng đồng đội.

Peut être une image de 12 personnes, personnes debout et plein air

Cũng là những học sinh khóa đầu tiên, anh Hà Xuân Du đã có mặt trong đội tuyển Nha Trang lúc bấy giờ. Khi vào Saigon, anh đã từng đá cho hội CSS (Cercle Sportif de Saigon hay Cercle Sportif Saigonais), trụ sở đặt tại vườn Tao Đàn, do ông Albert dìu dắt. Đây là một hội thể thao do người Pháp tài trợ và hầu như chỉ có những cầu thủ là sinh viên hay học sinh xuất sắc mới được thu nhận. Hàng tháng mỗi cầu thủ trẻ này được trợ cấp 1.000 đồng để phụ thêm tiền ăn học. Sau mỗi buổi tập dượt vào các tối thứ ba và thứ năm hàng tuần, cả đội bóng được đưa ra Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi ăn đồ Tây và sau mỗi trận đấu vào chiều thứ bảy hoặc Chúa nhật thì được đưa đi ăn ở nhà hàng hoặc tại nhà “bầu” Albert. Tại hội Cercle này các cầu thủ có dịp theo dõi tin tức bóng tròn thế giới qua các báo Le Monde, Le Figaro, FranceFootball Magazine nên cũng được biết thêm ít nhiều về tên tuổi các danh tài trên thế giới. Một vài cựu học sinh trung học Nhatrang cũng đã có mặt ở đội bóng tròn này.

Cựu học sinh Collège de Nhatrang Hà Xuân Du quả thật là một người đa tài và đa năng. Anh đá banh rất hay và có đầu óc. Về môn tennis, anh đánh rất sách vở, trình độ ngang ngữa với những danh thủ Sáu và Hùng (vô địch Quân khu 2) của Phan Thiết. Về bóng bàn thì trình độ như Nguyễn Văn Sự (VT-57), vô địch đơn nam bóng bàn toàn tỉnh Khánh Hòa (1958 và 60), vô địch giải đồng đội Trung nguyên Trung phần (1959), “Đệ nhị hào kiệt” HS-SV toàn quốc, vô địch Quân khu 2, vô địch đôi nam học sinh toàn quốc. Ngoài ra, bác sĩ Hà Xuân Du còn chơi billard rất bay bướm, nhảy đầm hết xảy và đánh bạc thì tài tình. Có lẽ ít có một vị bác sĩ nào tài hoa đến như vậy!

Ngược dòng thời gian, chúng ta vừa để cho dòng chảy ký ức của mình trở về miền quê hương cát trắng. Ở đó chúng ta đã có dịp thăm lại mái trường xưa, đã thấy bóng dáng của những Thầy Cô cũ, đã gặp lại những khuôn mặt bạn bè thân quen, đã thấy đâu đó thấp thoáng hình dáng của chính mình, và đặc biệt, đã sống lại một vài khoảnh khắc của những tháng ngày đẹp nhất của một đời người.
Hồ Văn Tâm-VT73

Tài liệu tham khảo:
1) Quách Tấn (1969). Xứ Trầm Hương (tr. 20-229). NXB Lá Bối, Saigon.
2) Lê Tùng Nguyễn (1998). Trường tôi. Giai phẩm Hè 1998 - Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang, tr. 85-94.
3) Vinh Hồ (2007). Việc học hành thi cử ngày xưa. Đặc san Hội ngộ VT&NTH Hè 2007,
tr. 460-77.
4) Trương Đỗ Minh Ánh (2000). Gia đình tôi. Giai phẩm VT&NTH Nha Trang 2000,
tr. 46-52.
5) Phạm Hữu Đạo (2007). Hoài niệm về thầy Trương Văn Như. Đặc san Hội ngộ VT&NTH Hè 2007, tr. 265-66.
6) Quách Giao (2007). Nhớ về thầy Trương Văn Như. Đặc san Hội ngộ VT&NTH Hè 2007, tr. 263-64.
7) Trần Đăng Nhơn (2008). Thầy Trương Văn Như, cựu Hiệu Trưởng trường College de
Nhatrang, Trung Học Nhatrang (tiền thân của trường Trung học Võ Tánh). Bản tin số 7, Quỹ Học bổng Nha Trang-Khánh Hòa.
😎 Trần Đăng Hồng (2004). Những ngày vui đẹp xa xưa.. Đặc san Hội ngộ Hè 2004 - Võ Tánh &Nữ Trung Học Nha Trang, San Jose, California, tr. 37-45.
9) Huỳnh Văn Phú (1998). Quỷ, Ma và Học Trò. Giai phẩm Hè 1998 - Võ Tánh & Nữ Trung Học Nha Trang, tr. 96-102.
10) Nguyễn Xuân Hoàng (2001). Thầy tôi, Nhà văn Cung Giũ Nguyên. Việt Tribune. 

Chuyễn về từ NHỚ TRƯỜNG XƯA - TRUNG HỌC VÕ TÁNH NHA TRANG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire