mercredi 26 janvier 2022

Trầm Tử Thiêng - Một đời ‘Tưởng Niệm’

Có một người nhạc sĩ mà gia tài âm nhạc ông để lại rất đa dạng và phong phú. Những sáng tác của ông là một mảng ghép giữa cuộc đời, tình yêu, và thân phận. Chúng ta sẽ thấy một Kinh khổ hoàn toàn không có tương quan với Mười năm yêu em. Hay một Mộng sầu sẽ hoàn toàn khác hẳn với Một đời áo mẹ áo em. Đó là cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả của những ca khúc bất hủ về tình yêu và chiến tranh. Cuối đời mình, ông đã cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ viết lên những bản hợp ca oai hùng nói về tình yêu quê hương, nhân loại.

Trầm Tử Thiêng để lại cho đời khoảng 200 ca khúc về tình yêu, thân phận, quê hương và chiến tranh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và của chính cuộc đời ông. Từng giai đoạn, từng biến cố của đất nước đều ảnh hưởng rất lớn đến ca khúc của họ Trầm. Cuộc đời sáng tác của Trầm Tử Thiêng có thể nhìn ở ba giai đoạn quan trọng, trước ngày 30 Tháng Tư năm 75, sau năm 1975 và thời gian ông lưu lạc ở quê người. Cả ba giai đoạn đều tồn tại một Trầm Tử Thiêng đau nỗi đau quê hương và một Trầm Tử Thiêng tôn thờ tình yêu thuỷ chung.

Ðó là Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ của thời đại với những nỗi buồn vui chung, không phải của riêng ai. “Ðưa Em Vào Hạ”, “Chuyện Một Chiếc Cầu Ðã Gãy”, “Hương Ca Vô Tận”, “Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim”… là những ca khúc của một thời chinh chiến mà những người như Trầm Tử Thiêng đã sống và cảm nhận, trang trải với những âm thanh làm xúc động lòng người.

Tháng 4 năm 1975, bản thân của Trầm Tử Thiêng hoà vào niềm đau chung của cả dân tộc, ông là một trong những người vượt biển, tù đày, bị lao động cưỡng bức trên nông trường. Ðây là giai đoạn ông viết “ Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển”, “Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt”, “Du Ca Trên Thành Phố Ðỏ”…Bối cảnh những cuộc vượt biển, chia ly, chết chóc thể hiện trong: “Gởi Em Hành Lý”, “Người Ở Lại Ðưa Ðò. “Mẹ Hậu Giang”, “Trại Tỵ Nạn Galang.”
Mười năm sau biến cố điêu linh của đất nước, Trầm Tử Thiêng đến được bến bờ của Tự Do, “Mười Năm Yêu Em” mang ẩn dụ mười năm khao khát được thấy ánh sáng ý nghĩa của cuộc đời nhưng đồng thời cũng cùng với những đắng cay của nó. Trầm Tử Thiêng đã sống qua thời thơ ấu trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh và người nhạc sĩ này đã đi theo nhịp bước của những con người Việt Nam bình thường, khoác áo trận, ngã nghiêng vì vận nước, tù đày, xót xa cùng thân phận chung của những người vượt biển, bỏ nước ra đi.
 

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và những ca khúc “Tình Ca Dọc Đường” 

Em. Em hãy can đảm nghe trọn vẹn những âm thanh và ngôn ngữ này. Những can đảm nhìn suốt về mình, về cuộc đời tình ái của mình. Rồi đây chưa hẳn em sẽ hài lòng về những bài ca của anh, những bài ca tình yêu không tươi sáng mấy. 

 Mà tươi sáng thế nào được!? Khi em bây giờ là như thế đó, khi anh bây giờ là như thế này. 
Hãy nghe đi em. Đó là cách giải thích của anh về tình yêu. Về sự băng rã đương nhiên của nó -sự băng rã đáng sợ. Biết thế! Nhưng làm sao tránh nổi? 
 Sự băng rã đáng sợ. Biết thế, nhưng ta cứ phải dấn thân vào đường đau. Như loài thiêu thân lao đời vào lửa, vào ánh sáng. 

Tình yêu rồi cũng cháy rụi dưới ánh mặt trời như loài thiêu thân chết thiêu trong lửa. Tình yêu bèo bọt là kiếp phù sinh đã cho ta ngơ ngác đời đời. Cuối cùng, đành miễn cưỡng nhận sự ngơ ngác làm lý thú, làm hương vị. 

Tình yêu lý tưởng không hề có đâu, nếu có cũng không hề gặp, nếu gặp cũng không hề hay biết, biết cũng không hề giữ nổi. Sự không hề đó đã chứng tỏ qua bao lần tình yêu bị tiêu pha phung phí, như sự phung phí vô căn của kẻ mới vừa giàu có. Sau cùng còn lại trong em một mớ tang thương, còn lại trong anh một mớ tang thương. 

 Đến giờ em vẫn cho rằng tâm hồn anh u ám quá. Thứ u ám của một kẻ không may đã chưa bao giờ có nổi một lời hạnh phúc tươi sáng, mà cứ mãi mê trong cung quãng u sầu. 

Em có biết không? Sự ngợi ca ầm ĩ vẫn hiện lên trong mỗi lần rên xiết đó. Là thứ sáng thâm trầm mượn sức nóng dữ dội từ lòng anh. Chỉ cần như thế! Em biết chưa!? 

Trầm Tử Thiêng 

*
*     *

Nhac sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác & Đời sống

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire