dimanche 23 janvier 2022

“Cho Người Vào Cuộc Chiến” (Mặc Thế Nhân & Nhật Ngân) – “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…”

Đầu thập niên 1970, hai nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và Nhật Ngân chơi thân với nhau và cùng sáng tác những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng với bút danh Phan Trần, đầu tiên là Cho Vừa Lòng Em, sau đó là Một Lần Dang Dở. Dù cả 2 ca khúc này đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt, nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là những bài hát tình cảm yêu đương thường tình, khác với ca khúc thứ 3 của họ, nội dung mang tính thời đại hơn: Cho Người Vào Cuộc Chiến. 

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cho biết ca khúc này được viết vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi những tang thương, mất mát từ chiến trường liên tiếp được loan tin về thành đô. Lúc đó ca khúc Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy đang rất nổi tiếng, với lời nhạc vô cùng bi thiết làm chấn động lòng người, tạo thành cảm hứng cho Mặc Thế Nhân sáng tác “Cho Người Vào Cuộc Chiến”. Viết xong bài hát, ông đưa qua cho nhạc sĩ Nhật Ngân sửa lại đôi chút rồi phát hành với bút danh Phan Trần:

Thanh Thúy – Cho Người Vào Cuộc Chiến – Thu Âm Trước 1975

Anh bỏ trường xưa,
bỏ áo thư sinh
theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi, anh quên thân mình.

Thời gian đó, lệnh tổng động viên đã được đưa ra, từng lớp người trai ra chiến trận, nhiều chàng thư sinh phải bỏ lại áo học trò còn vương mùi mực tím, quên thân mình để gánh vác giang san, bỏ lại tình yêu còn dang dở với những nàng nữ sinh chốn thị thành.

 

Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng anh đi…

Dù có tha thiết với tình yêu ban đầu bao nhiêu chăng nữa, người con gái cũng đành gạt nước mắt phân ly để người yêu vững lòng ra đi.

Trong bài trường thi Chinh Phụ Ngâm khúc có đoạn sau đã từng được nhạc sĩ Y Vân đưa vào trong 2 bài hát Xa Vắng Tình Chàng Ý Thiếp:

Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
Biếng trang điểm, lòng người sầu tủi

Khi một đôi người yêu nhau tha thiết trong một cuộc tình si thuở ban đầu, dường như họ chỉ có đắm chìm trong thế giới riêng của nhau mà thôi. Nên khi chàng đã xa vắng về nơi gió cát mịt mùng, cũng là lúc nàng vắng đi những chiều hẹn hò, cùng sóng bước dập dìu bên nhau trên những nẻo đường thành đô. Không chỉ vậy, nàng còn trở nên biếng lười điểm trang, tóc cũng chẳng cần lược cài mà chỉ bới qua loa, vì vắng chàng thì điểm phấn trang hồng với ai?

 

 

Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
em nhớ người phương trời
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai
Đơn sơ em ghi đôi dòng:

Mong người đi giữa súnɡ đạɴ chập chùng
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng
Thương anh suốt đời anh ơi.

Mai kia anh trở về, anh trở về
Dẫu rằng dẫu rằng không còn vẹn như xưa

Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ
Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn
Hoặc anh trở về bằng chiến công đầy
Tình em vẫn chẳng đổi thay.

Đoạn nhạc thứ 2 này là một nỗi ngậm ngùi, là tiếng lòng chung cho hàng triệu người con gái hậu phương thời ly loạn, có khác nào người chinh phụ năm xưa:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên…

Phận nữ nhi ở chốn thị thành, trong bao đêm trường cô đơn với bao niềm tâm sự không có ai cùng ngỏ, chỉ có thể biên thư gửi người yêu để chàng được vững lòng ở chốn xa, nói rằng dù thế nào thì cũng sẽ thương anh suốt đời. Cho dù anh có trở về không toàn vẹn, trở về với nạng gỗ xe lăn, hay là về bằng chiến công rực rỡ thì cũng chẳng khác gì nhau, vì tình em vẫn chỉ có một lòng mà thôi. (Chỉ xin một điều là anh đừng về bằng hòm gỗ cài hoa phủ màu cờ).

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân thừa nhận rằng ông sáng tác ca khúc này với sự ảnh hưởng sâu sắc từ nhạc sĩ Phạm Duy và ca khúc Kỷ Vật Cho Em đang rất nổi tiếng trong thời gian đó:

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã…

Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân.

(Kỷ Vật Cho Em – Linh Phương & Phạm Duy)

Ca khúc Cho Người Vào Cuộc Chiến nổi tiếng qua giọng hát liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy cả trước và sau 1975. Giọng hát nức nở và tha thiết của cô đã thể hiện được trọn vẹn nỗi lòng của một chinh phụ thời đại, canh thâu dựa tường hoa và lệ ướt vì nhớ thương người chinh nhân nơi sa trường. Xin mời các bạn nghe lại sau đây:

Thanh Thúy – Cho Người Vào Cuộc Chiến

Sau năm 1975, ca sĩ Thanh Thúy ghép 2 ca khúc Tấm Thẻ Bài Cho Người Vào Cuộc Chiến để hát thành 1 hợp khúc:

Tấm Thẻ Bài - Cho Người Vào Cuộc Chiến

Năm 1975, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện băng nhạc Sơn Ca riêng thứ 2 cho ca sĩ Phương trong trong băng Sơn Ca số 11, có đưa bài hát này vào, nhưng băng nhạc chưa kịp phát hành thì sự kiện tháng 4 năm 1975 ập tới.

May mắn là bản master của băng Sơn Ca 11 này vẫn còn được giữ lại mà không bị mất đi, nên chúng ta có thể nghe được bản thu âm ca khúc này sau đây:

Phương Dung – Cho Người Vào Cuộc Chiến – Thu Âm Trước 1975

Bài: Yên Linh
Nguồn: nhacvangbolero.com

 

 

 

 

 

 

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire