lundi 29 novembre 2021

THƯƠNG TIẾC MỘT CON ĐƯỜNG...

THƯƠNG TIẾC MỘT CON ĐƯỜNG... 
Chiều qua tôi đã ráng chạy một vòng qua con đường kỷ niệm suốt thời trung học của mình, dù biết sẽ rất đau lòng. Đau lòng, nhưng vẫn phải nhìn, kiểu như phải đi đám tang một người bạn thân vậy. Con đường mà suốt 7 năm trời, trừ Chủ nhựt và ngày lễ, ngày nào tôi cũng phải đi qua để đến trường. 
 Một con đường nhỏ nhưng mát rượi với hai hàng cây dầu và me cao, xanh mát. Tới mùa, những trái dầu thi nhau rụng sau từng cơn gió, quay tít trên không trước khi nhẹ nhàng đáp xuống đường. Có khi là vào những chiếc giỏ xe phía trước chiếc PC, Yamaha Dame của các cô bạn trường hàng xóm... làm các gương mặt con gái xinh đẹp càng sáng lên một niềm vui nhẹ nhàng. Vâng, tôi là học sinh trường nam trung học công lập Võ Trường Toản, bên cạnh trường nữ trung học công lập Trưng Vương. Và con đường hai ngôi trường này nằm trên chính là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một trong những con đường đẹp và xưa nhứt của Sài Gòn.
Thời Pháp thuộc, con đường chạy dọc rạch Thị Nghè này được mang số 2, đủ biết xưa cỡ nào (số 1 chắc đường Lê Duẩn bây giờ?). Từ ngày 2-6-1871, đường được đặt tên là đường Tây Ninh. Năm 1897, đổi là đường Rousseau. Ngày 21-4-1936, cắt đoạn đầu thành đường riêng và đặt tên đường Docteur Angier. Từ ngày 23-1-1943, hai đoạn nhập một và gọi chung là đường Angier. Ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau 1975, tên này may mắn được giữ luôn cho tới nay chớ không bị đổi thành Mai Thị Lựu, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Đậu, Bành Văn Trân... không ai biết là ai.


Con đường này, với đoạn nối từ Thống Nhứt (Lê Duẩn) đến Lê Thánh Tôn (Nguyễn Hữu Cảnh) có thể nói là con đường yên tĩnh, xanh mát bực nhứt của Sài Gòn. Đoạn đường này cũng đã góp nên lời nhạc cho ca khúc “Con đường tình ta đi” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương…”.
Hầu như anh nam sinh đệ nhị đệ nhứt (lớp 11,12) nào của VTT cũng phải mê một cô nữ sinh Trưng Vương nào đó, dù khả năng cua được cô làm bạn gái của mình khó như hái sao trời. Bởi các cô cùng cỡ lớp thì dễ gì để mắt tới đám con trai mới lớn mặt còn đầy mụn. Đoạn đường ấy giờ tan học còn tấp nập những Vespa, Lambretta, Honda S90 của các anh sinh viên y khoa, bách khoa, phi công, sĩ quan hải quân... lượn lờ đưa đón người yêu. Những cây si VTT chỉ biết đứng ở những gốc me gốc dầu giương mắt ngó và mơ. Có gan lắm thì đạp xe theo làm cái đuôi đưa nàng về nhà, cầu mong xe nàng sút sên hay bể bánh để có dịp làm người hùng. Có lần tôi đã kể, trong một lần đạp xe theo như vậy, tới ngã tư đèn đỏ, cô Bắc kỳ nho nhỏ đã quay đầu lại nói với tôi đủ cho 8 người chung quanh nghe: “Em còn nhỏ lắm, đua đòi chạy theo chị làm gì?”. Kệ, những gốc cây cao vẫn là nơi dựa lưng ngắm gái Trưng Vương của các chàng nam sinh mặt mụn. Lâu lâu cũng có chàng trúng số, quen được một em. Và NBK đã là “Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh...”.
Và hôm nay những gốc cây ấy đã bị đốn hạ! Cũng có lý do là trong cơn mưa chiều ngày 9-10 đã có một cây dầu bật gốc ngã vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm khoảng 3m tường sập và gây hư hỏng chuồng rái cá. Thế là lập tức người ta lên ngay kế hoạch chặt hàng loạt cây và bắt đầu từ ngày 26-11 vừa qua. Trong suốt hơn tháng rưỡi đó chẳng có thêm cây nào đổ.
Dẫu biết Saigon đã chết hơn 46 năm rồi, nhưng cứ mỗi lần thành phố này mất đi những gì đẹp đẽ quý báu lâu đời, những người Saigon cũ cứ thấy nhói đau trong lòng! 
Thương xá Tax, passage Eden người ta còn đập bỏ, lư hương Đức Thánh Trần người ta còn đem dẹp, hàng cây trên đường Cường Để người ta còn chặt sạch, thì có nghĩa lý gì mấy cây dầu!
Theo: Nguyễn Đông Thức
 
 


*
*     *

 CHẶT CÂY SÀI GÒN
 
Chỉ cần một cây cổ thụ cả trăm năm trốc gốc, người ta chặt hết cây của một con đường. Có lẽ trên thế giới, kể cả các nước lạc hậu, người ta cũng không bao giờ xử sự như thế. Đó là quan niệm không quản được thì diệt. Một lối tư duy kỳ lạ và hiếm thấy.
Đấy là trường hợp hàng cây lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị xử lý gây tiếc nuối trong lòng dân Sài Gòn. Nhất là những người có nhiều kỷ niệm với hàng cây trên con đường này. Đó là một trong mấy con đường đẹp của Sài Gòn còn sót lại sau những chiến dịch triệt hạ những cổ thụ của thành phố.
Một con đường Tôn Đức Thắng (Cường Để) đẹp như tranh mất hàng trăm năm mới có được đã từng bị chặt hạ, san phẳng. Và giờ đến đườngNguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường đã từng đi vào văn học, nghệ thuật với tà áo dài Trưng Vương, với khung trời nhiều kỷ niệm của những chàng học sinh trường Võ Trường Toản một thời. Khu này ngày xưa còn nổi tiếng với loài chim vành khuyên xanh, dân chơi chim gọi là khoen Ba Son, tiếng líu hay và vang xa nhất trong các loại vành khuyên. Giờ cũng chẳng còn chim khi không còn cây nữa. Khoen Ba Son tuyệt chủng luôn rồi.
Con đường chỉ dài một cây số với hai hàng cây cao vút giờ còn những cây chặt cụt đầu ngậm ngùi với khoảng trời xanh. Chỉ vì một cây bị bật gốc, người ta hạ luôn một con đường. Và từ nay khung trời kỷ niệm đó chỉ còn những gốc cây nham nhở và rồi năm tháng sẽ xoá nhoà đi. Cùng đợt này, nhiều cây lớn trong thành phố cũng sẽ bị đốn cụt như hàng cây ở đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Công xã Paris (quận 1); Võ Thị Sáu, Pasteur, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3); Mai Văn Thưởng (quận 6); Trường Sơn (quận 10); Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5).
Đến một lúc nào đó, thành phố sẽ chỉ là những khối bê tông sừng sững, khô cứng, lạnh lùng, sẽ không còn bóng cây xanh. Hồn của những con phố cũng không còn nữa, ký ức cũng bị đánh cắp và vẻ đẹp của thành phố này cũng chẳng còn. Phải mất gần cả thế kỷ, thành phố mới có được những hàng cây. Nhưng chỉ cần một nhát cưa, người ta sẽ xoá sạch. Vẫn biết cây cối trăm năm sẽ bị mối mọt, côn trùng tấn công làm gãy đổ.
Nhưng nhiệm vụ của những tổ chức liên quan là chăm sóc, là nuôi dưỡng cho nó tồn tại chứ không phải là chặt đầu nó khi có sự cố xảy ra. Quản lý như thế thì cần gì có chuyên môn nhỉ? Ở nước ngoài có những con đường với những cây cổ thụ mấy trăm năm, khoa học kỹ thuật bây giờ dư sức để bảo dưỡng và chăm sóc chúng tồn tại. Sao lại phải chặt đi? Nhìn những gốc cây bị đốn hạ, lõi cây còn quá đẹp chưa bị hư hỏng chút nào, nếu nuôi dưỡng đúng cách chúng sẽ vẫn tồn tại cả thế kỷ nữa.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh TP HCM, cho biết hiện trong tổng 14 cây xanh, đơn vị đã chặt và di dời 11, còn 3 cây trên đường Trần Hưng Đạo, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn Kim sắp xử lý. "Các cây sau khi đốn hạ được cắt thành từng lóng, sau đó kiểm đếm và đưa về bãi gỗ ở huyện Hóc Môn, chờ làm các thủ tục thẩm định để đấu giá".
Thử hỏi số tiền thu được khi bán cây được bao nhiêu mà phải đánh đổi những mảng xanh nhiều kỷ niệm của một thành phố? Đấu giá thu về mấy tiền mà phá nát hồn của những con đường?
Chỉ biết buồn và tiếc nuối cho những hàng cây và những con đường rợp bóng từ đây không còn thấy nữa.
fb Đỗ Duy Ngọc 
*
*     *
TP.HCM đốn hạ nhiều cây dầu lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - ảnh 1

 

 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire