vendredi 5 novembre 2021

Nhạc Trần Duy Đức: Buồn Như Khúc Đàn Tiền Kiếp

Trần Duy Đức trước tiên là một nghệ sĩ, một người sống lãng đãng, y hệt như không bám rễ vào mặt đất này. Đó là cảm nhận từ những ngày đầu tiên tôi biết Trần Duy Đức. Và suy nghĩ đó cũng vẫn giữ cả nhiều năm sau, khi tôi nghe nhạc của anh nhiều hơn, và cũng quen với rất nhiều những người bạn của anh -- ở địa cầu này, ở Quận Cam này, ở một cõi trần gian hoặc là không thể hiểu, hoặc là sẽ hiểu có thể rất là nhầm lẫn. 
Trần Duy Đức là một nhạc sĩ, một người sáng tác nhạc. Cũng như rất nhiều nhạc sĩ lưu vong trên cõi đời này, Trần Duy Đức không sống bằng nghề nhạc. Nhưng anh say mê nhạc, và gắn bó với âm nhạc theo kiểu riêng, một kiểu độc đáo rất riêng biệt. 
Mỗi người đều có một định mệnh. Hay nếu bạn muốn, theo một cách giải thích khác, thì gọi là nghiệp. Nhạc của Trần Duy Đức rất là buồn, một vẻ đẹp của nỗi buồn cổ kính, rất xưa cổ và rất quý tộc. Y hệt như người đứng ngoài thế giới nàỳ, hay đứng từ đỉnh núi chiêm ngắm cuộc đời, và rồi nhấc đàn lên, sáng tác. Bạn có thể thấy ở một đối nghịch khác: nhạc sĩ lưu vong Nguyễn Đức Quang cũng không sống bằng nghề nhạc, nhưng âm nhạc của người nhạc sĩ quá cố này rất mực gắn bó với cuộc đời, tới mức có thể gọi là dấn thân, cả lời và nhạc đều rất nồng nhiệt với đời sống. 
Bởi vậy, điều lạ là hai nhạc sĩ có hai dòng nhạc trái nghịch này là có giao tình thân thiết – họ là hai nhạc sĩ của hai thế hệ cách biệt, và của cả hai dòng nhạc rất là dị biệt, và họ đã từng thân thiết chia sẻ với nhau kinh nghiệm, thí dụ như việc sử dụng nhu liệu ghi nốt nhạc, và cũng đã chia sẻ các quan tâm với nhau. Có cách nào để có thể nói gọn một lời về nhạc Trần Duy Đức" Thực ra, không lời nào nói tóm gọn được, dù chúng ta có muốn viết theo kiểu lý lịch vài dòng. Bởi vì, mỗi ca khúc của Trần Duy Đức đều hiện diện kiểu độc đáo riêng.

Nhưng cảm xúc đầu tiên, và là một cảm xúc bạn có thể giữ hoài khi nghe nhạc Trần Duy Đức: đó là một nỗi buồn, rất là buồn, buồn như tiếng mưa rơi, buồn như tiếng nhạc cổ Nhật Bản (thí dụ, khi bạn nghe ca khúc Khúc Mưa Sầu), buồn như thương tiếc một người tình đã xa (ca khúc: Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời), buồn như khi chợt thấy mình cô đơn (ca khúc: Hoa Ơi Có Biết Lòng Ta Nhớ Người, buồn như lời nhắn gởi tới người (ca khúc: Nếu Có Yêu Tôi), buồn như mối tình rơi theo nắng tan nhanh (ca khúc: Tan Theo Ngày Nắng Vọi), kể cả buồn như một nhà thơ nhìn thấy mình sắp bước vào một cõi lạ thật xa (ca khúc: Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, phổ thơ Mai Thảo), và tương tự với tất cả các ca khúc khác...
Chúng ta không thấy bao nhiêu niềm vui trong nhạc Trần Duy Đức. Đúng ra, có thể nói rằng, niềm vui đó phải là niềm vui rất ẩn kín, một niềm vui khi “ngộ” ra tiếng nhạc lòng mình... và rồi nhạc sĩ chỉ ghi xuống giấy, chỉ vẽ lại những nốt nhạc lạ trong lòng mình.
Trần Duy Đức là như thế. Tiếng nhạc gầy và buồn như con người.
Trần Duy Đức đã phổ thơ của nhiều thi sĩ, trong đó có thơ Du Tử Lê, Mai Thảo, Ngô Tịnh Yên, Nguyễn Dũng Tiến... Nhưng một ca khúc thời thơ trẻ ở quê nhà của anh đã như dường ghi một dấu ấn tiền định cho nét nhạc sau này: Đó là bài Khúc Mưa Sầu, lời và nhạc của Trần Duy Đức. Bài này anh sáng tác khi đồn trú ở Pleiku năm 1971, lúc đó anh là một chiến binh trẻ.
Hãy nghe những dòng đầu của ca khúc này:
“Nằm nghe ngày tháng rơi đều
ngoài hiên mưa đọng bọt bèo
Tình nằm trong nấm mộ rêu
Trở mình nghe những quạnh hiu
Ôi nằm nghe ngoài hiên giọt rớt bên thềm
nằm yên ta gọi tình quên...”
Và rồi những dòng cuối ca khúc này:
“Cầm tay một cánh hoa tàn
Hồn xưa chưa trở về ngàn
Bàng hoàng nghe những giọt tan
Giọt hồn xa tiếng thở than
Ôi về đâu hồn xưa một cánh hoa tàn
Lặng yên ta gọi hồn hoang.”
Đó là những nốt nhạc nghe như tiếng mưa buồn giữa núi rừng Pleiku.
Và rồi những tiếng mưa đó đã đi theo tận cùng cuộc đời với anh. Trong rất nhiều ca khúc khác, chúng ta cũng thấy lại hình ảnh mưa buồn này, tuy là bối cảnh mới và cảm xúc mới.
Thí dụ, ca khúc Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương, với lời: “Ngoài trời vẫn còn mưa. Người nằm dưới mộ sâu. Ôi thiên thu phôi phai hình hài...”
Hay như, ca khúc Dòng Suối Trăm Năm, với lời: “Chẻ đôi sông núi đêm bưng mặt. Mưa quấn khăn vào sầu ấu thơ. Chẻ đôi thân thế mù tăm tích...”
Nhưng rồi, ngay cả hình ảnh nắng trong nhạc Trần Duy Đức cũng buồn thê thiết.
Thí dụ, ca khúc Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau, với lời: “...Ở chỗ nhân gian không thể hiểu. Em còn nắng gió tới mai sau. Thấy nhau mà lệ không sao chảy...”
Hay như, ca khúc Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt, với lời: “Hay em bỏ tôi đi trong một buổi chiều. Nắng ăn lốm đốm da em. Rồi em bỏ tôi đi. Anh ở lại như con sâu kèn...”

Hay như, ca khúc Tan Theo Ngày Nắng Vội, với lời: “Phải rồi, em cũng như sương. Phải rồi, em cũng như mây. Phải rồi, em cũng như mưa. Tan theo ngày nắng vội. Phải rồi, em cũng như ta...”
Hay như, ca khúc Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, với lời: “Hãy hỏi nắng đi rồi em sẽ hay. Tôi gầy như lá, lá như mây. Rừng khuya thổi suốt bao tâm...”
Một trong những người trân trọng nhạc Trần Duy Đức là nhà thơ Du Tử Lê.
Trong bài viết nhan đề “Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức” trên trang ttp://www.dutule.com, nhà thơ Du Tử Lê nhận xét:
“...Họ Trần muốn đi tới những chân trời mà, điểm gặp cũng là chỗ giao thao giữa thơ và âm nhạc. Họ Trần muốn đi tới phần ngọn nguồn tinh ròng hay thẳm cùng đáy sâu thử thách, nơi những rung động cảm thức không chia hai. Chỉ là một. Sự là-một, rốt ráo của thi ca vốn chưa từng phân, ly, chưa từng ngăn cách....
Chính tính bất khả phân kia, nơi đời kiếp âm nhạc mang tên Trần Duy Đức, đã làm thành một Trần Duy Đức, riêng. Rất riêng.”(hết trích)
Trong phong cách sáng tác nhạc, Trần Duy Đức vẫn là một người khó tính, bất kể rằng anh lãng đãng một trời thơ mộng, bất kể rằng anh đi lại trong cuộc đời thực với kiểu rất trầm, rất buồn và rất lặng lẽ.
Anh khó tính tới nỗi có khi “Đức nghiền ngẫm phổ nhạc một bài thơ lâu tới cả nửa năm hay một năm, khi đã có nhiều biến khúc khác nhau và rồi chọn được một biến khúc hài lòng nhất, thì Đức mới chịu thôi,” theo lời của nhà thơ Du Tử Lê.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Việt Báo, nhà thơ Du Tử Lê đã giải thích, “Đức còn một điểm lạ nữa, là phổ thơ tự do mà không cần đổi lời hay cắt ngắn gì. Như bài thơ tự do 'Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt' được Đức phổ nhạc xong, thì tôi rất mực kinh ngạc. Chỉ có vài nhạc sĩ Việt Nam tới chỗ như thế, ngoài khả năng biến thơ tự do thành nhạc, còn là một tấm lòng trân trọng với thơ và nhà thơ...”
Nhà thơ Du Tử Lê tâm sự về những cơ duyên quen với nhạc sĩ Trần Duy Đức.
Năm 1982, họ quen nhau tại quán cà phê Tay Trái của Du Tử Lê. Lúc đó, Đức mới ở Việt Nam qua. Khi các nhạc sĩ đã buông đàn xuống, Đức mới nói với Việt Dzũng là Đức muốn hát. Du Tử Lê mời Đức lên sân khấu. Đức cầm đàn, hát hai ca khúc Đức phổ thơ từ thơ Du Tử Lê, và một ca khúc Đức phổ từ thơ Cung Trầm Tưởng.
Khi Đức rời sân khấu, về chỗ ngồi, mọi người trong quán vẫn còn ngây ngất - anh đã đem những âm vực lạ đưa vào thơ, và khi anh ngưng tiếng hát, các nốt nhạc vẫn còn như lơ lửng giữa trời. Họ thân nhau từ đó. Đức giải thích là Đức đọc thơ Lê từ báo Văn, thời Đức đóng quân ở Pleiku. Sau đó, tuần nào, anh em cũng mời Đức tới dự chương trình.
Và rồi như thế, Trần Duy Đức đã xuất hiện một cách dị thường, cả trong cuộc đời và âm nhạc.
Trong một bài viết năm 2003, tôi đã ghi lại (đúng vậy, gần một thập niên trước, tôi đã viết một bài về nhạc Trần Duy Đức) một số hình ảnh như sau:
“...Có lẽ những nét lạ lẫm dị thường trong Đức là do ảnh hưởng từ một tiền kiếp nào đó, theo nhận xét của một số bằng hữu. Nhà văn Lê Hà Nam, trong bài viết "Trần Duy Đức, Con Chim Đến Từ Núi Lạ Ngứa Cổ Hót Chơi" hồi năm 1992, đã ghi nhận:
"Tiếng cổ cầm Koto của người Phù Tang thời dựng nước vuốt theo từng nốt nhạc Trần Duy Đức, như sóng bạc đầu trên âm hưởng quần đảo, nghìn xưa. Phạm Công Thiện, có lần kể, một đạo sĩ Mỹ, bạn anh, từ Tây Tạng trở về, gặp Trần Duy Đức, đã buột miệng tiết lộ với anh rằng tiền kiếp Trần Duy Đức vốn là đạo sĩ của dòng tu khổ hạnh ở Kyoto. Dòng tu lâu đời nhất của xứ Thần Mặt Trời, tới nay, vẫn còn trên những đỉnh núi tuyết..."
Một Thiền Sư Nhật Bản cổ thời" Dáng Đức gầy, đầu hói gần như đầu các sư, đôi mắt sâu thẳm và đôi tai tinh luyện, chụp bắt được những âm thanh lạ lùng... Có phải là do cơ duyên nhiều kiếp trước"”(hết trích)
Hiển nhiên, chuyện tiền kiếp không phải ai cũng biết. Các đạo sĩ có thể biết, nhưng người đời thường, kiểu như chúng ta là chịu thua. Chúng ta chỉ biết rằng, xuyên suốt các ca khúc của Trần Duy Đức vẫn là một nỗi buồn rất là thơ mộng, thê thiết, lãng đãng và như những giọt mưa rơi từ tiền kiếp.
Phan Tấn Hải, 2011
CHÚC THƯ CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH CHẾT GIÀ 
(Trần Duy Đức - Thơ Huy Phương) TẤN ĐẠT

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire