Nhạc sĩ hòa âm phối khí số 1
Nói đến Văn Phụng thì người Việt mình đều nghe tiếng, ông nổi danh là nhạc sĩ hòa âm phối khí số 1 của Việt Nam suốt thời gian từ 1945 đến biến cố tháng Tư 1975.
Tiểu sử của ông được đăng trên hầu hết các trang web về âm nhạc. Trong mục này, Thy Nga cũng đã từng viết về nhạc sĩ Văn Phụng. Thuở nhỏ, Văn Phụng là học sinh xuất sắc nhưng lại mê nhạc. Năm 15 tuổi, Văn Phụng đoạt giải nhất độc tấu dương cầm tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Năm 16 tuổi, được Linh mục Mai Xuân Đình chỉ dạy thêm về âm nhạc. Đến năm 18 tuổi thì được nhạc trưởng Schmetzer người Pháp gốc Đức chỉ dẫn về hòa âm. Cùng trong năm 1948 đó, Văn Phụng sáng tác nhạc bản đầu tay, là bài “Ô mê ly”. Tiết tấu sôi động của bài này làm cho người nào nghe cũng thích nên được cả các ban nhạc nước ngoài đàn lên mà không biết tác giả là ai, như lời người vợ tâm đầu ý hợp của ông là Châu Hà từng thuật lại.
“Ô mê ly” hợp ca ...
Suối tóc
Trường hợp hai người gặp nhau như thế nào, Thy Nga hỏi chuyện Châu Hà và được chị kể lại:
“Cô hỏi tôi cái chuyện này thì nó xa lắm rồi, nó đã đi vào dĩ vãng nhưng mà dầu sao thì nó cũng sống ở trong tim với lại tâm hồn tôi rất rõ ràng.
Ngày xưa đó thì ở Hải Phòng, ba của anh Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm, anh Phụng đến thăm ông cụ. Lúc đó, tôi ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Anh ấy nghe thấy tiếng đàn Piano ở trên lầu, mới tò mò bước lên cầu thang, và đứng ở ngưỡng cửa.
Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn.
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói “suối tóc”! Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh ấy đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952.”
“Tiếng dương cầm” do Thái Thanh trình bày ...
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói “suối tóc”!
Ca sĩ Châu Hà
Ngay từ phút đầu gặp gỡ, hai người đã bị tiếng sét ái tình, nhưng bố của Văn Phụng không chấp thuận, thành ra Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng để vào Nam, xa hẳn kỷ niệm.
Một thời gian sau, Văn Phụng cũng được bố mẹ cưới vợ. Rồi gia đình di cư vào Nam ... Trong không khí rộn ràng “Nắng đẹp miền Nam” Văn Phụng thành lập ban tam ca nam đầu tiên ở Việt Nam, và say sưa sáng tác tuy nhiên, trong lòng vẫn nhớ đến “Suối tóc”.
Châu Hà:
“Bẵng đi ... đến năm 54, một hôm ở đài phát thanh, anh ấy trông thấy tôi, anh ấy sững sờ. Anh ấy lại buột miệng, nói lần thứ hai “suối tóc”. Đó là cái sự tích của bài “Suối tóc” như vậy.”
“Suối tóc” mời quý vị nghe Văn Phụng đệm dương cầm cho Châu Hà hát sau này ...
Trong Nam, Châu Hà trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng. Văn Phụng thì trở nên Nhạc trưởng của đài Phát Thanh Quân đội, và đảm trách chương trình ca nhạc trên đài Phát Thanh Saigon. Và một điều mà ít người biết là Văn Phụng cũng viết nhạc cho các đoạn phim thời sự Việt Nam chiếu trong rạp trước khi vào phim chính thời đó.Hai người vẫn yêu thương nhau nhưng làm sao đây? Còn gia đình ràng buộc, rồi những dị nghị xung quanh. Trong lúc tâm tư buồn bã nhất, Văn Phụng viết nhạc khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” (vào năm 1962).
Tưởng đâu mọi sự đã an bài nhưng rốt cuộc, họ tái hợp từ năm 63 để sống bên nhau cho tới khi chứng bệnh cướp đi đời sống của Văn Phụng. Ông mất vào ngày 17 tháng 12, 1999 tức là tuần này, gia đình sẽ làm giỗ thứ 10.
Châu Hà:
“Cảm tưởng sau 10 năm anh Văn Phụng mất, là tôi tiếc kinh khủng lắm. Tôi tiếc cái tài của anh ấy phải chôn vùi đi bởi cái bệnh và chết. Nhưng mà cái chết, không ai thoát được cả ... thì tôi cũng đành tiếc nuối anh ấy thôi.”
Phương Loan, người con gái lớn nhất của Văn Phụng, nói là tuy bố có tình yêu mới nhưng ông vẫn chu toàn bổn phận với con cái nên các con vẫn luôn kính yêu bố. Loan thuật lại kỷ niệm nhớ nhất về Bố:
“Cái kỷ niệm mà ngây thơ nhất, Loan còn nhớ mãi, muốn để viết vào trong truyện, là sự hãnh diện vì có người cha nổi tiếng như vậy.
Có một hôm, Bố chở đi chơi, Bố vừa mới mua được cái xe hơi hiệu Versailles. Saigon đâu mấy ai có cái xe đẹp lộng lẫy như thế. Mình đi thì thấy ai cũng ngó. Mình còn nhỏ, không hiểu rằng đó là vì cái xe đẹp, mà mình lại nghĩ là “Ô! tại vì Bố mình đi đâu, người ta cũng biết là ông Văn Phụng.”
Loan nhìn lên trên trời thì thấy ánh trăng đi theo. Mình lại nghĩ bụng “Bố mình nổi tiếng đến nỗi ông Trăng ở trên trời cũng biết đây là nhạc sĩ Văn Phụng và đi theo nữa”. Về sau, mình mới biết ra là mình quá ngây thơ như thế.”
“Hình ảnh một đêm trăng” do con trai Văn Phụng Hoàng đàn.
Cảm nghĩ của Loan khi sắp đến giỗ Bố, đặc biệt năm thứ 10 là mốc thời gian đáng kể.
Loan:
“Dạ thưa Cô thì cả tháng này là trong tâm hồn của Loan và mọi người trong gia đình đ ều chuẩn bị hết.
Ý nguyện của Loan muốn làm trong dịp kỷ niệm năm thứ 10 này là vợ chồng Loan sẽ về ăn Tết ở Việt Nam - lần đầu tiên sau năm 75 - để rồi đi thăm tất cả những nơi mà ngày xưa Bố đã đi chơi nhạc. Loan muốn đến để tìm lại xem: thứ nhất có còn những cái đó không? Nếu không còn thì bây giờ, nó là cái gì? Mình quay phim, chụp ảnh. Nói lên “Con về để ghi chép lại tất cả những công trình âm nhạc của Bố.”
Công trình âm nhạc
Văn Phụng để lại cho đời khoảng sáu mươi nhạc bản, từ những bài “Ô mê ly”, “Tiếng vọng chiều vàng”, “Trăng sơn cước” với các tiết tấu lạ tai vào thời đó, những ca khúc sống động vui tươi, các bài hát Xuân, các tình ca; đến các nhạc khúc mang âm điệu cổ điển Tây phương như “Tiếng dương cầm”, “Mưa trên phím ngà”, ... tới các bài chứa chất tình cảm quê hương như “Nhớ bến Đà giang”, “Trở về Huế”, “Ghé bến Saigon”, “Bức họa đồng quê”; các bài đậm tình dân tộc như “Trăng sáng vườn chè” phổ ý thơ Nguyễn Bính; và trong bối cảnh chiến tranh, có những bài “Các anh đi”, “Bóng người đi”, “Lời nhi nữ”, “Chung thủy”, “Nhắn người lạc lối”, ...
Khi cảm hứng đến, là ông sáng tác ngay.
Tới nay, những nhạc bản của Văn Phụng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Các nét nhạc độc đáo và công trình của ông thật là quý báu cho kho âm nhạc nước nhà.
Chương trình về cố nhạc sĩ Văn Phụng xin kết thúc nơi đây. Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/MusicForWeekend/Late-composer-musician-van-phung-interviews-with-his-wife-and-daughter-tnga-12192009080945.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire