mercredi 8 septembre 2021

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và ca khúc “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”

Ca khúc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, tên đúng là Nước Mắt Cho Sài Gòn, là bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn trong dòng nhạc lưu vong sáng tác sau thời điểm 1975. 
Ca khúc này được ca sĩ Jeannie Mai hát lần đầu, nhưng được biết đến rộng rãi là qua tiếng hát Khánh Ly trong trong băng nhạc Người Di Tản Buồn phát hành năm 1979.
Ca khúc này ngay lập tức gây chấn động lòng người Việt hải ngoại phương xa, mang lại nỗi nhớ tha thiết về một thành phố đã chỉ còn trong ký ức.
Khánh Ly hát lần đầu năm 1979

Hai năm sau đó trong băng nhạc Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa hồi 1981, Khánh Ly đã thu âm ca khúc này lần thứ 2. Mời bạn nghe bên dưới đây:
Khánh Ly hát năm 1981

Điểm khác biệt giữa 2 phiên bản này của cùng tiếng hát Khánh Ly là ở câu hát:
-“ Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Ở lần đầu năm 1979, Khánh Ly hát là: “Đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh”, nhưng trong bản sau đó, năm 1981, cô đổi lại là “Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly”.
Chi tiết này đã làm cho nhiều khán giả thắc mắc, không biết lời chính xác của nhạc sĩ đã sáng tác là gì. Trong chương trình Jimmy Show gần đây, Khánh Ly cho biết lời nhạc ban đầu khi cô nhận được là “Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly”, tuy nhiên cô ngại phải hát 1 câu có nhắc đến tên của mình, nên tự ý đổi thành “Đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh”, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ của cô đối với danh ca Thái Thanh. 
Tuy nhiên sau đó, khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (vẫn còn ở Việt Nam) đã nghe được phiên bản này qua làn sóng điện của đài BBC và nhận thấy Khánh Ly hát sai lời nên đã biên thư nói với cô nên hát đúng lời gốc. Vì vậy đến năm 1981, Khánh Ly hát lại bài này, với đúng lời gốc: Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly…
Hơn 10 năm sau, chương trình Asia 9, ca sĩ Khánh Ly hát lại Nước Mắt Cho Sài Gòn và cũng hát đúng như lời gốc, mời các bạn xem lại sau đây:
Khánh Ly hát năm 1996

Ngoài ra, ký giả Jimmy Nhựt Hà cũng liên hệ trực tiếp với chính nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, và được ông xác nhận lời gốc đúng là nhắc đến tiếng hát Khánh Ly, vì theo ông nói, ca sĩ Khánh Ly là bạn của ông từ những ngày trước năm 1975. Khánh Ly đã rời Sài Gòn từ ngày 29/4 năm 1975, nên người ở lại mới nhớ người ra đi, còn danh ca Thái Thanh thời điểm từ 1975-1985 vẫn còn ở lại Việt Nam.
Hơn nữa, khi xem lại lời nhạc, thì chữ “Khánh Ly” sẽ vần với “mưa mùa khoác áo đi” và “nói nhỏ câu gì” ở đoạn trước đó. Nếu hát thành chữ “Thái Thanh” thì sẽ không có vần:
 Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Những quầy hoa quán nhạc đêm về
Còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly…
Ca khúc này được nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết khi ông ở trong trại tù ở trong nước, và bài hát đã được theo chân những người trốn trại vượt biển, rồi tới tay ông Võ Văn Ái của báo Quê Mẹ. Ông Ái đã tự thêm mấy câu ở sau cùng rồi đưa cho Jeannie Mai hát. Sau đây là lời nhạc được chép theo tiếng hát Khánh Ly vào năm 1981:
Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
ta nhủ thầm em có nhớ không
Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày khi thành phố xôn xao
trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
nay còn gì đâu…
Ai đã xa nhớ hàng me già,
thu công viên hoa vàng tượng đá
thôi hết rồi mộng ước phôi pha
theo giòng đời qua.
Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Sài Gòn ơi!
Thôi hết rồi những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu…
 Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
mất từng con phố đổi tên đường
khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
ôi tình buồn như đã sống thêm
Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
mất trường xưa mất tuổi thiên thần
hy vọng xa hay mộng ước gần
Còn gì đâu…
Ai ra đi nhớ hoài câu thề
Nơi quê hương muôn ngời muôn người chờ ngóng
Ta tiếc thời âu yếm xa xưa
Thôi rồi tình thơ…
Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mắt trời trong dáng nhỏ dịu hiền
Đã ngậm sầu trên môi lắng im
Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất liền.
Còn gì đâu…

Tiếng gọi “Sài Gòn Ơi” được nhắc đến nhiều lần trong bài hát, như tiếng kêu thảng thốt cúa sự tuyệt vọng và mất mát. Ngoài mất tên gọi, Sài Gòn còn bị mất những ngày xôn xao hè phố, mất cả những giọng hát, tiếng ca quen thuộc:
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Sài Gòn ơi! 
Thôi hết rồi những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu…
Ngoài ra, người Sài Gòn còn bị mất những tên con phố, làm cho tình nhân bị lạc lối tìm mỗi khi hẹn hò ở những nẻo đường xưa:
Sài Gòn ơi!
Ta mất người như người đã mất tên
mất từng con phố đổi tên đường…

Năm 2001, trung tâm Asia thực hiện lại bài hát này trong cuốn số 32 và đưa Lệ Thu hát. Mời các bạn nghe lại:
Lệ Thu hát


Nghe lại một phiên bản khác của ca sĩ Nguyên Khang qua phần hoà âm của Trúc Hồ:
Nguyên Khang hát


Nghe lại 1 phiên bản rất hay của ca sĩ Kiều Nga hát:
Kiều Nga hát


Một phiên bản khác của ca sĩ Ngọc Lan:
Ngọc Lan hát


Có một phiên bản rất khác lạ của ca sĩ Huyền Châu, cô hát lời thứ 2 hoàn toàn khác với lời gốc như sau:
-“ Sài Gòn ơi!
Xa cách rồi con đường cũ em đi
Sân trường xưa áo lụa hoa vàng
Mưa chiều rơi cuối hành lang buồn
Bên giảng đường em có lắng nghe.
Sài Gòn ơi!
Ta nhớ hoài con đường ướt mưa đêm
Ta dìu nhau dưới trời mưa buồn
Con tàu xưa đã bỏ đất liền
Ôi còn gì đâu…
Mời các bạn nghe lại:
Huyền Châu hát

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com
*
*     *

 
Saigon Niềm Nhớ Không Tên-Tiếng hát: Lưu Hồng

*
*     *

 
Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire