mardi 10 septembre 2019

“Những Đóm Mắt Hỏa Châu” và hình ảnh của ‘hỏa châu’ ở thành đô Saigon ngày xưa

“Những Đóm Mắt Hỏa Châu” là một trong những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hàn Châu, và cũng là một trong những bài nhạc thời chinh chiến được công chúng yêu thích nhất. Bài viết này sẽ tìm hiểu về hình ảnh “hỏa châu” và hoàn cảnh sáng tác của bài hát bất hủ này.
Trong tờ nhạc bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu phát hành trước năm 1975, nhạc sĩ Hàn Châu ghi lời đề tựa như sau: Mượn tựa một bài thơ của thi sĩ Tường Linh.
Người viết đã tìm mọi cách để tìm hiểu đó bài thơ đó của thi sĩ Tường Linh là bài thơ như thế nào, nhưng chịu thua không tìm thấy được. Khi gặp nhạc sĩ Hàn Châu, tôi hỏi ông về bài thơ đó của Tường Linh, thật bất ngờ là ông cũng nói rằng chưa từng thấy mặt mũi bài thơ đó ra sao cả.
Kể về hoàn cảnh sáng tác của bài hát này, nhạc sĩ Hàn Châu cho biết trong một buổi tối năm 1968, khi nghe đài phát thanh công bố giải của một cuộc thi thơ, có một bài thơ mang tên Những Đóm Mắt Hỏa Châu của thi sĩ Tường Linh được giải nhất. Nhạc sĩ Hàn Châu đã mượn tựa đề bài thơ đó để viết thành bài hát mà sau đó đã trở thành bất hủ. Như vậy là nhạc sĩ chỉ nghe tựa đề thôi chứ cũng chưa được đọc nội dung bài thơ như thế nào.

 
Băng Châu – Những Đóm Mắt Hỏa Châu


 

Năm 1968, nhạc sĩ Hàn Châu vừa tròn 21 tuổi để đi vào quân ngũ, những tác phẩm đầu tay của ông đều là nhạc về người lính: Ngõ Hồn Qua Đêm, Thành Phố Sau Lưng, Ngày Mai Tôi Về, Tình Người Đầu Non, Lời Trần Tình, Viết Trên Cao… và đặc biệt là Những Đóm Mắt Hỏa Châu. Thời điểm đó ở ngoại ô Sài Gòn, nhìn về phía Củ Chi, Hóc Môn thường sáng rực những đèn hỏa châu trong đêm tối. Người dân ở thành đô đã quen thuộc với những ánh đèn đó. Nhân lúc nghe được tên bài thơ Những Đóm Mắt Hỏa Châu, nhạc sĩ Hàn Châu đã cảm tác mà viết nên một câu chuyện tình đẹp thời chiến:
Dưới ánh châu hồng anh ngồi gọi thầm tên em
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về…

Nhìn ánh hỏa châu đỏ rực, là hình ảnh tiêu biểu cho những năm tháng chinh chiến hãi hùng, nhưng nhạc sĩ vẫn liên tưởng hỏa châu là ánh mắt người yêu, rồi trở thành hoa đăng ngày cưới khi một mai chiến chinh kết thúc.

Phương Dung – Những Đóm Mắt Hỏa Châu

Giới trẻ ngày nay thường nghe tới “hỏa châu” trong thơ và nhạc ngày xưa, nhưng có lẽ chưa bao giờ được thấy tận mắt những đóm hỏa châu.
Hỏa châu, hay còn được gọi tên khác là pháo sáng, bao gồm có 2 loại, đó là Pháo Thắp Sáng và Pháo Tín Hiệu (signal).
Pháo thắp sáng là để soi rọi cả 1 vùng để phục vụ cho việc tác chiến, còn pháo tín hiệu là để ra hiệu cho một đơn vị khi phát hiện có tình hình đặc biệt, hoặc là đánh tín hiệu cấp cứu.

 

Những trái sáng hỏa châu được bung dù trên không, khi tắt và rơi xuống đất thì còn lại miếng dù có đường kính có thể lên đến 4m, dân chúng lượm lấy dù rồi cột túm 4 góc làm mùng để giăng tránh muỗi.

 

Có 3 cách bắn hỏa châu:
Thứ nhất là loại cầm tay phóng từ dưới đất. Loại này có kim hỏa, khi thụt tay, dọng xuống đất làm cho hạt nổ phát lửa và quả pháo bay lên trời nhờ liều phóng, cách thức giống như phóng tên lửa. Dù của loại pháo sáng này có đường kính chỉ khoảng 0.4m.

 

Cách phóng thứ 2 là bắn bằng súng cối, sáng được lâu hơn. Có 3 loại súng cối bắn hỏa châu là 60mm, 81mm và 106mm. Loại pháo sáng bắn bằng súng 60mm có dù to chỉ bằng chiếc thúng, loại bắn bằng súng 81mm có dù nhỏ hơn cái nia (đường kính khoảng 1m); loại bắn bằng súng 106mm có dù đường kính khoảng 1.5m.

 

Cách thứ 3 là hỏa châu được máy bay thả dù xuống, sáng được cả một vùng rộng lớn. Loại pháo này có thân bằng nhôm, đường kính khoảng 12cm, dài khoảng 1,2m, khối thuốc dài cỡ 60cm nên thời gian chiếu sáng rất lâu. Dù của pháo có màu trắng đường kính lên đến 4m.

Những Đóm Mắt Hỏa Châu - Hoàng Oanh & Trung Chỉnh 

Bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu trước năm 1975 được ca sĩ Hoàng Oanh thu âm đầu tiên trong đĩa nhựa, sau đó được Phương Dung và Băng Châu hát lại trong băng cối và cũng rất được yêu thích.
Đông Kha
(nguồn nhacxua.vn)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire