dimanche 1 septembre 2019

Ca khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị” và những mối tình học trò khó quên

Giới trẻ (và ngay cả giới già) ngày trước chắc không mấy ai không biết đến 2 bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc tuyệt vời là bài Động Hoa Vàng và Ngày Xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư.
Người thi sĩ đã vẽ nên trong tâm tưởng chúng tôi ngày ấy cả một động hoa vàng rực rỡ, có cô Hoàng Thị Ngọ đội nón lá mặc áo dài trắng, vẫn đẹp ngây thơ như chưa hề có hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.

 Và dĩ nhiên có cả hình ảnh của anh học trò đệ tam Phạm Kim Long (tên thật của thi sĩ Phạm Thiên Thư) kiên trì “em tan trường về anh theo Ngọ về” suốt cả một năm học. Thời đó các nam sinh Trung học theo các nữ sinh bằng một khoảng cách rất xa, cả hai, ba chục thước. Thảng nhiên hoặc vô tình hay cố ý, nàng quay lại nhìn, chàng bối rối cúi xuống giả vờ cột dây giày hay giả vờ cúi xuống lượm sách vở tránh ánh mắt ngây thơ có pha chút tò mò, tinh nghịch của nàng. Và như vậy tình yêu dù đơn phương hay song phương, nếu không có duyên nợ vợ chồng, thì suốt đời vẫn là một tình yêu trong trắng tinh khôi.

 

Theo lời thi sĩ thì bởi vì không có cơ hội liên lạc với người xưa (bà Hoàng Thị Ngọ đã định cư tại Orange County, California) nên hình ảnh cô Ngọ xinh tươi ở tuổi đẹp nhất đời người mãi mãi còn nguyên vẹn trong ông.
Cũng giống như chị em Thúy Kiều, Thúy Vân “mười phân vẹn mười” trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, cô Hoàng Thị Ngọ có cô em gái tên Hoàng Thị Thân, kém chị 2 tuổi, cũng đẹp như chị nhưng anh thanh niên Phạm Kim Long không dám “thả mồi bắt bóng” nên cho đến bây giờ và mãi mãi chỉ có mỗi một bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” được Phạm Duy phổ nhạc với câu hát nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thuộc nằm lòng: “em tan trường về anh theo Ngọ về”.

 
Thái Thanh – Ngày Xưa Hoàng Thị

Năm tháng trôi qua rất nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi đi ra khỏi cuộc đời, con số thanh niên mới lớn theo chân người trong mộng chắc phải là cấp số nhân của cả hai bàn tay lẫn hai bàn chân cộng lại, nhưng chỉ có mỗi một Phạm Thiên Thư, mỗi một Hoàng Thị Ngọ, nên chưa và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có “Ngày xưa Ngô Thị “, “Ngày xưa Bùi Thị”, “Ngày xưa Nguyễn Thị”… với “anh theo Thủy về, anh theo Loan về, hay anh theo Trân về…”, mặc dù thế hệ hậu bối của ông còn si tình hơn, lì lợm hơn theo gót các bóng hồng còn “dữ” hơn ông…
Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm một buổi chiều đang chờ nàng ở trường Trưng Vương thì bỗng có ai đó vỗ vai, quay qua thì thấy bộ mặt nham nhở của thằng bạn học cũng vác cây si đến đó. Lần đó, tôi may mắn hơn hắn là tôi đến để đi cùng nàng, còn hắn chỉ mới ở “first step” là “đi theo” thôi. Đầu thập niên 80, tình cờ gặp lại hắn khi đang đạp cyclo, hai thằng kéo ra ra quán hàn huyên chuyện cũ thì mới biết hắn đi chậm nhưng đến đích trước tôi, người con gái hắn đi theo ngày xưa giờ là hiền thê của hắn đã sinh cho hắn 2 đứa con dễ thương như mẹ.
Cũng qua vợ chồng hắn tôi mới biết nàng của tôi đã vượt biên và… mất tích năm 79! Những cuộc tình thời học trò thường dễ tàn phai, nàng và tôi đã xa nhau chỉ sau hơn năm quen biết, thế nhưng nghe tin ấy tôi không khỏi bàng hoàng…
Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

  
Em Lễ Chùa Này - Lệ Thu

(Bài thơ Em Lễ Chùa Này của Phạm Thiên Thư – cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc)
Chúng tôi cũng hay lên chùa, lễ Phật thì ít mà kiếm chỗ yên tĩnh âu yếm nhau thì nhiều (nam mô a di đà phật). Nhưng người con gái trong bài hát còn có nấm mộ, còn em thì không có chỗ an nghỉ nào để tôi đến thắp một nén hương lòng tưởng nhớ mối tình xưa…
Hai bài thơ “Động Hoa Vàng” và “Ngày Xưa Hoàng Thị” được phổ nhạc bởi Pham Duy. Cả thi sĩ và nhạc sĩ đều rung động khi sáng tác, đều gởi cả tim óc và tấm lòng vào tác phẩm nên không ai ngạc nhiên khi bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” thuộc loại bài hát “sống lâu” và có thể là “bất diệt”, được rất nhiều ca sĩ hát. Nhưng thi sĩ cho biết ông nghĩ là Thái Thanh diễn tả hay nhất, nói lên được mối tình si của ông với cô Hoàng Thị Ngọ. Có lẽ vì Thái Thanh cũng trạc tuổi với Phạm Thiên Thư. Khi người ta sống cùng thời, cùng vị trí địa lý, thì người ta thông cảm nhau hơn. Và biết đâu khi diễn tả “Ngày xưa Hoàng Thị”, Thái Thanh không chỉ hát vì nghề nghiệp mà bà còn thả hồn về thời mới lớn của chính mình, về những cây si đã theo bà đến mòn cả giày dép?
Và vì vậy trong bầy con tinh thần khá đông của Phạm Thiên Thư, từ thơ, văn, đến biên khảo, từ tình yêu đến tôn giáo, thế hệ hậu sinh chúng tôi vẫn thích tập thơ Động Hoa Vàng và bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị nhất.

Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say






Đưa em tìm động hoa vàng - Duy Quang
Và vì chúng tôi muốn thời mới lớn đẹp nhất đời người luôn còn lại trong chúng tôi như lời nhạc phổ từ thơ :

Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
Ðời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người
Chân người tìm nhau tìm nhau
Ôi con đường về
Ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp
Lòng sao thấm mệt
Ngắt vội hoa này
Nhớ người thuở xưa thuở xưa

Đâu có cần phài giống nhau về quan điểm chính trị, tôn giáo, hay nhân sinh quan để cùng ngồi nói chuyện với nhau về một sáng tác có giá trị được rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ biết đến. Xin ngàn lần cảm tạ thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy, một thi sĩ và một nhạc sĩ đã góp vào thi ca và âm nhạc Việt Nam 2 bông hoa rực rỡ không tàn “Ngày Xưa Hoàng Thị” và “Động Hoa Vàng”.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các học sinh mới lớn ngâm nga “em tan trường về anh theo Ngọ về” như chúng tôi ở một thời đẹp nhất đời người đã xa, xa mù tít tắp…

Nguồn: tác giả felix.nguyen
VongNgayXanh sưu tập hình ảnh và video


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire