dimanche 23 septembre 2018

Vũ Linh: Tin Vắn SEPTEMBER 22 – 2018

KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC BAY BỔNG
Résultat de recherche d'images pour "KINH TẾ TRUMP TIẾP TỤC BAY Bá»”NG"Từ Tháng Ba vừa qua cho đến nay, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã tăng xấp xỉ 3.500 điểm, hiện nay đang ở ngưỡng cửa 27.000 điểm, cao nhất lịch sử. Tháng Ba đó là lúc Dow Jones tuột dốc vì lo ngại cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung Cộng sẽ gây thiệt hại nặng cho kinh tế Mỹ như TTDC và phe cấp tiến la hoảng. Nhưng ngay sau đó, giới kinh tế tài chánh Mỹ đã cân nhắc vấn đề và sự lạc quan đã trở lại.
So với ngày bầu cử tổng thống đầu tháng 11 năm 2016, khi Dow Jones ở mức dưới 18.000, đã tăng gần 9.000 điểm hay 50% trong 22 tháng, chưa tới hai năm.
Trong hai năm cuối của TT Obama, từ 11/2014 đến 11/2016, Dow Jones đã tăng từ 17.500 lên tới 18.000, tăng 500 điểm hay 3% trong hai năm.
Nhìn vào hai tỷ lệ trên mà vẫn có người gân cổ biện giải kinh tế hiện hữu là ‘kinh tế Obama’ thì… không thể nào mang tính chất phe đảng mù quáng hơn.
Thật ra, Dow Jones không phải là chỉ số biểu tượng cho tình trạng kinh tế hiện hữu, mà chỉ phản ảnh cách nhìn vào tương lai của giới kinh doanh. Đây chính là lý do tại sao các chuyên gia tài chánh thường dùng ngày bầu cử làm mốc để nghiên cứu chính sách kinh tế của các tổng thống, chứ không dùng ngày tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, vì có tổng thống mới là biết sẽ có chính sách kinh tế mới. Chỉ trong một tháng sau khi ông Trump đắc cử, Dow Jones đã vọt ngay lên hơn 1.000 điểm, bằng hai lần gia tăng trong hai năm cuối của Obama. Hiểu theo cách này thì ta thấy ngay tại sao trong hai năm cuối của TT Obama, Dow Jones èo uột như vậy. Khi đó, cả thế giới chờ đợi sự đắc cử của bà Hillary để bà tiếp tục chính sách kinh tế ‘tái phân phối lợi tức’ của TT Obama và phe cấp tiến.
Đó là loại kinh tế chú trọng vào cái gọi là ‘công bằng xã hội’, không đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm cho thiên hạ. Không có công ăn việc làm, người dân sẽ bị lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà Nước DC, tức là sẽ trở thành nô lệ của DC, sẽ bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC. Lý luận này coi thường tính tự trọng của người dân Mỹ muốn có việc làm chứ không muốn chià tay xin trợ cấp suốt đời, đưa đến chiến thắng của ông Trump và đảng CH, là đảng chủ trương ‘tự lực cánh sinh’.
Sách lược kinh tế của TT Trump mang lại lạc quan trong giới kinh doanh, chẳng những nhờ những biện pháp thân thiện với tăng trưởng kinh tế như giảm thuế suất trên lợi nhuận công ty, giảm thuế suất trên lợi tức cá nhân, thu hồi hàng ngàn luật lệ, thủ tục hành chánh rườm rà trong kinh doanh, mà kết quả đã thể hiện ngay trước mắt, khi tỷ lệ tăng trưởng GDP đã ở mức trên 4% trong 2 tam cá nguyệt liền.
Viễn tượng một cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng, Mễ, Canada và cả Âu Châu đã không lay chuyển được tính lạc quan của giới kinh doanh Mỹ. Họ tin rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh, và việc tăng thuế quan sẽ không ảnh hưởng gì nhiều khi kinh tế Mỹ nói chung lệ thuộc rất ít vào hàng nhập cảng hay xuất cảng. Nước Mỹ dư thừa khả năng sống một mình, không cần thế giới.
CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG
TT Trump quyết định tăng thuế quan trên một số mặt hàng Trung Cộng trị giá tổng cộng 200 tỷ đô. Ngay bây giờ, thuế quan tăng lên tới mức 10%, đến tháng Giêng tới, sẽ tăng lên tới 25%. Đây là đợt tăng thuế quan lần thứ nhì, sau đợt đầu tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 50 tỷ đô.
TT Trump đe dọa nếu TC trả đũa, tăng thuế quan hàng nông nghiệp Mỹ, ông sẽ thi hành đợt ba, tăng thuế quan trên hàng TC trị giá 267 tỷ. Dù vậy, TC vì thể diện, đã tăng thuế quan trên hàng nhập từ Mỹ trị giá 60 tỷ để phản đòn.
Cuộc chiến không cân đối này sẽ gây thiệt hại nặng cho TC, vì hầu như tất cả hàng nhập cảng từ Mỹ đã bị tăng thuế quan rồi, không còn tăng gì nữa.
Ông Jack Ma, chủ đại tập đoàn Alibaba của TC –giống như Amazon, chuyên bán hàng qua trang mạng- đã viện cớ cuộc chiến của TT Trump để rút lại đề nghị mở cơ sở kinh doanh tại Mỹ giúp tạo một triệu việc làm tại Mỹ. Đề nghị này ngay từ đầu đã chỉ là màn phù phép tiếp thị -marketing- của ông Ma thôi, chứ ít ai nghĩ ông này sẽ có khả năng tạo tới một triệu việc làm tại Mỹ. Giá cổ phiếu của Alibaba đã rớt 25% trong thời gian gần đây. Nói chung, thị trường chứng khoán TC, từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đến Thẩm Quyến, đã rớt như sung rụng. Các công ty TC đã mất cỡ 5.000 tỷ đô trị giá từ ngày TT Trump ‘khai chiến’.
Chẳng những vậy, nhiều công ty TC đã ‘di tản chiến thuật’ bỏ TC chạy qua Đài Loan. Ngay cả vài đại tập đoàn Âu Châu cũng bắt đầu chạy loạn, trở về Âu Châu lại hay tìm xứ đang phát triển nào khác. Những diễn biến tai hại này đi xa hơn cuộc chiến hàng xuất nhập cảng và đe dọa đến cả nền tảng của kinh tế TC, khiến các lãnh đạo TC đang bối rối tìm biện pháp đỡ đạn. Quan trọng hơn nữa, những biện pháp của TT Trump đe dọa giết kế hoạch kinh tế dài hạn của Tập Cận Bình trong trứng nước.
Từ trước đến giờ, các chính quyền Mỹ nhất là dưới thời TT Obama, vẫn gờm con rồng ngủ TC, bây giờ TT Trump coi TC như con ruồi ngủ.
Như đã bàn ở trên, cuộc chiến mậu dịch Mỹ -TC mới đầu đã reo nghi ngờ và sợ hãi cho giới kinh doanh. TTDC đã không bỏ lỡ cơ hội nêu ra ít trường hợp thiệt hại cho kinh tế Mỹ, hay chính xác hơn, cho vài ngành kỹ nghệ, đặc biệt là giới nông nghiệp. Sau khi điều nghiên vấn đề, các chuyên gia đều nhận thấy hậu quả bất lợi dĩ nhiên khó tránh, nhưng tương đối rất nhỏ, không phải là mối nguy lâu dài lớn cho Mỹ.
Việt Nam đáng lẽ ra phải là ‘ngư ông thủ lợi’ trong cuộc chiến Mỹ-TC này, có thể hy vọng các nhà đầu tư Mỹ và Âu Châu chuyển một số kinh doanh từ TC qua VN như đang làm với Đài Loan. Nhưng vì cái ngu của các lãnh đạo đại tài của CHXHCNVN khi họ ra luật “An Toàn Mạng” kèm theo tình trạng tham nhũng toàn diện, cũng như những màn biểu diễn tài lệ thuộc TC qua các đặc khu kinh tế, Việt Nam đã không được coi như nơi lý tưởng để làm ăn kinh doanh, chẳng ai thèm dòm ngó tới.
Bài viết dưới đây của chuyên gia Gordon Chang rất đáng đọc để hiểu thêm về hậu quả của cuộc chiến mậu dịch tai hại như thế nào cho TC.
TT TRUMP KÝ LUẬT BẦU CỬ
TT Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt mọi can dự của ngoại quốc vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Sắc lệnh có tính cách chung chung, không nhắm và bất cứ một xứ cụ thể nào.
Theo ông Dan Coats, giám đốc An Ninh Quốc Gia, ngoài Nga ra, các xứ khác như Trung Cộng, Iran, và Bắc Hàn đều có thể đang tìm cách can dự vào chính trị nội bộ Mỹ.
Ngay sau đó, vài thượng nghị sĩ bảo thủ CH đã than phiền sắc lệnh tương đối hơi yếu, và việc can thiệp phải bị trừng trị nặng nề hơn.
MANAFORT HỢP TÁC VỚI MUELLER
Cựu giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump, ông Manafort đã chấp nhận một số tội và hợp tác với công tố Mueller.
Trên nguyên tắc, chỉ là hợp tác trong việc truy tố ông Manafort về các tội nhận tiền của Ukraine, trốn thuế, rửa tiền của ông Manafort cách đây cả chục năm. Tất cả đều là những chuyện chẳng dính dáng xa gần gì đến việc thông đồng với Nga, hay liên quan đến ông Trump hay gia đình ông. Trên thực tế, ai cũng hiểu là muốn tránh tội, ông Manafort cần phải thỏa mãn ông Mueller, tố giác vài chuyện nào đó của ông Trump, giúp ông Mueller vồ TT Trump, hay ít nhất là mấy đứa con hay phụ tá của tổng thống.
Một trong những ‘khúc mắc’ lớn nhất liên quan đến chuyện ‘thông đồng’ với Nga là cuộc họp mặt giữa một bên là con trai, con rể của ông Trump và ông Manafort, và bên kia là bà luật sư Nga. Ông Mueller hy vọng ông Manafort sẽ tiết lộ tin tức động trời về cuộc họp đó.
Ông Manafort cũng có quan hệ rất chặt chẽ với một số quan chức Ukraine rất thân cận với Nga. Ông Mueller đang đi ‘mò cua’, muốn tìm hiểu ông Manafort có thể có móc nối gì với Nga qua những đường giây này không.
Tin buồn cho các cụ tỵ nạn: khoan mừng rỡ về việc ông Manafort hợp tác với công tố Mueller. Nhà báo Woodward, tác giả cuốn sách chống Trump nổi đình nổi đám mới nhất, đã lên tiếng về vụ ‘thông đồng’ với Nga. Theo ông ta, không có chuyện thông đồng gì hết. Ông đã điều tra hai năm trời liền mà không thấy dấu vết gì. Chuyện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Công tố Mueller điều tra gần 2 năm mà vẫn chưa tìm ra gì.
Chính vì vậy mà công tố Mueller, trong nỗ lực vồ TT Trump, đang rượt theo hai ông Manafort và Cohen để tìm tội khác, đặc biệt là những tội liên quan đến kinh doanh, hay trốn thuế của gia đình Trump cách đây ... 300 năm nếu cần.
Đây mới chính là chủ đích của công tố Mueller cũng như là lo ngại chính của TT Trump. Hai ông Manafort và Cohen đang hợp tác với công tố Mueller chỉ là việc ‘thành thật khai báo’ những tội của chính họ để có hy vọng giảm tội. Những điều họ khai về việc kinh doanh của ông Trump mới là quan trọng.
TT TRUMP VÀ FISA
TT Trump đã ra lệnh cho bộ Tư Pháp công bố một phần lớn hồ sơ liên quan đến việc FBI dùng ‘Hồ Sơ Nga’ xin trát tòa FISA để theo dõi ông Carter Page, một cố vấn trong Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump.
Ngay sau khi tin này được tung ra, phe DC, nhất là các cựu viên chức của FBI, CIA, NSA của TT Obama đã nhao nhao phản đối việc công khai hoá tài liệu điều tra của bộ Tư Pháp và các cơ quan an ninh. Làm như thể đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ công khai hóa một hồ sơ điều tra nào đó. Việc công bố này thuộc phạm vi quyền hành của tổng thống và đã được áp dụng dưới tất cả các tổng thống trước đây, kể cả các tổng thống DC như Clinton và Obama. Có tật giật mình sao?
Dù vậy, TT Trump mới đây đã tạm rút lại lệnh này và chỉ định Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp truy xét lại toàn bộ vấn đề. TT Trump đưa lý do việc công bố này có thể cản trở cuộc điều tra của công tố Mueller, và cũng có thể liên quan đến vài quốc gia khác (Nga và Anh), bất lợi trên phương diện quan hệ ngoại giao.
TTDC như thông lệ, lại có dịp đả kích TT Trump bất nhất. Vấn đề là TT Trump thật sự ‘bất nhất’ hay đó vẫn chỉ là mô thức hành động tiêu biểu của ông ta. Chuyên môn ‘hét giá’ cho to, rồi điều đình, trả giá (công khai hay trong hậu trường), rồi giảm giá.
NAM HÀN - BẮC HÀN TIẾP TỤC NÓI CHUYỆN
TT Nam Hàn, Moon Jay In đã đi Bình Nhưỡng nói chuyện với chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong Un trong ba ngày liền. Ông đã được đón rước như một quốc khách, trọn vẹn vớn những ‘màn xiếc’ như trẻ con tặng hoa, phụ nữ BH ăn mặc sặc sỡ đứng vẫy tay hai bên đường,… Cả bà vợ và bà em của Cậu Ấm đều ra tận phi trường đón TT Nam Hàn và phu nhân.
Quan trọng hơn dĩ nhiên là những thỏa thuận.
Hai bên đã đồng ý nhất quyết không dùng chiến tranh để giải quyết những xung khắc.
Cậu Ấm Ủn đã tuyên bố sẽ phá hủy toàn diện căn cứ thử nghiệm hỏa tiễn nguyên tử chính, với sự giám sát quốc tế. Ông cũng cho biết sau đó có thể hủy luôn can cứ thử nghiệm bom nguyên tử chính. Trên căn bản là sẽ dựa trên việc thảo luận với Mỹ để xem Mỹ đáp ứng như thế nào. Hai bên cũng ký thỏa ước chấm dứt mọi cuộc tập trận trong vùng biên giới cũng như phá bỏ 11 căn cứ quân sự của hai bên trong vùng biên giới này.
Cậu Ấm xác nhận có thể sẽ đi Hán Thành đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thảo với NH, có thể trong năm nay. Đây sẽ là việc chưa từng xẩy ra từ ngày chia cắt xứ này.
Trước khi tổng thống NH đi BH, TT Trump đã ra lệnh cho ngoại trưởng Pompeo hủy chuyến đi BH của ông này, lấy lý do đã không có những tiến bộ xứng đáng với nỗ lực của Mỹ. Cũng chỉ là một chiêu trong mô thức điều đình của TT Trump.
JOHN KERRY NÓI CHUYỆN VỚI IRAN
Cựu ngoại trưởng John Kerry đang bị tố cáo tiếp tục liên lạc với quan chức Iran. Không ai biết ông này đã nói những chuyện gì, làm những gì với Iran. Hiển nhiên là ông đang cố cứu vãn thỏa ước bán chính thức Mỹ-Iran mà ông đã điều đình khi còn làm ngoại trưởng dưới thời TT Obama. Vấn đề là ông không còn quyền hành gì nữa thì có thể làm được gì?
 Theo cựu phát ngôn viên của TT Bush, Ari Fleisher, ông Kerry đang làm ‘cố vấn’ cho Iran, giúp họ cách chống quyết định của TT Trump thu hồi thỏa ước và tái lập cấm vận và các biện pháp trừng phạt Iran.
Trong câu chuyện này, câu hỏi lớn là ông Kerry có đang vi phạm luật pháp Mỹ hay không
Luật Mỹ có cái gọi là Luật Logan –Logan Act- cấm mọi công dân Mỹ không có trách nhiệm không được can thiệp vào chính sách đối ngoại của chính phủ. Đây là một luật đã có từ rất lâu, nhưng chẳng ai để ý hay mang ra thi hành, cho đến khi công tố Mueller cáo buộc tướng Flynn đã có liên lạc vứi Nga khi ông Trump chưa đắc cử tổng thống và ông Flynn còn là công dân thường, chưa là cố vấn An Ninh của TT Trump.
TNS Marco Rubio của Florida đã lên tiếng kêu gọi điều tra xem ông Kerry đang làm trò trống gì và có vi phạm luật Logan hay không.
FAKE NEWS
Báo New York Times viết bài đả kích bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc,  vì tội tiêu xài vung vít trong khi sa thải nhân viên. Theo NYT, bà đã chi tới hơn 57.000 đô thay thế dàn màn cửa sổ tại tư dinh của bà.
Trong một quốc gia mà ngân sách, tức là chi tiêu của Nhà Nước, lên tới bạc ngàn tỷ, khui ra một chi tiêu vài chục ngàn chỉ chứng tỏ tính tiểu nhân nhỏ mọn của tờ báo lớn nhất Mỹ. Chỉ vì muốn tìm mọi cách đánh TT Trump.
Nhưng quan trọng hơn nữa, là tính ‘fake news’ của mẫu tin trên. Căn nhà bà Nikki Haley ở là tư dinh chính thức của Bộ Ngoại Giao dành cho đại sứ Mỹ tại LHQ. Quyết định thay thế dàn màn cửa –hay thay thế bất cứ đồ đạc gì khác- là quyết định của bộ Ngoại Giao. Riêng chuyện thay thế màn cửa, đó là quyết định của cựu ngoại trưởng John Kerry theo yêu cầu của bà Samantha Powers, tiền nhiệm của bà Haley, chẳng liên quan gì đến bà Haley hết.
Bị bắt quả tang không chối cãi được, báo NYT sau đó viết một câu ngắn gọn, đính chính là đây là quyết định đã có trước khi bà Haley nhậm chức. Không một lời xin lỗi bà Haley hay độc giả.
Thêm một bài học cho các cụ tỵ nạn nào còn coi NYT như kinh thánh.
https://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-van-092018.html 
*
*     *

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire