dimanche 2 septembre 2018

Tin vắn cuối tuần 1/9/2018 - Vũ Linh

JOHN McCAIN
Trong mấy ngày qua, TTDC và cả đảng DC xì xụp vái lạy và tung hô cố TNS John McCain như chưa bao giờ thấy. Những lời ca tụng ông này lên đến không phải 9 mà là 19 tầng mây.
Công bằng mà nói, ông McCain cũng đáng được ca tụng so với hầu hết các chính khách thời cơ hay tham nhũng của cả hai đảng. Riêng đối với dân VN như Diễn Đàn này đã viết nhiều lần, chúng ta không thể không nhớ ơn ông McCain, vừa trong tư thế một quân nhân đã chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam của chúng ta bất kể trong hoàn cảnh như thế nào hay vì lý do gì, vừa trong tư thế một thượng nghị sĩ uy quyền đã tranh đấu cho các cựu quân nhân của VNCH và gia đình được qua Mỹ định cư.


Cá nhân tôi rất tôn trọng và ghi ơn ông McCain trên hai vấn đề đó. Tôi có nhiều bạn được qua Mỹ nhờ ông McCain. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, tôi đã viết nhiều bài ủng hộ ông McCain và đã cực kỳ thất vọng khi thấy ông bị TNS Obama hạ.
Nhưng, những năm cuối đời của ông, ông đã khiến tôi thất vọng khi ông đã để cái ‘TÔI’ của ông che mờ những quyết định chính trị, nổi giận chống TT Trump, đả kích ông này hơn cả các ông bà trong đảng đối lập DC, và quan trọng hơn cả, đã để ý muốn trả thù cá nhân chi phối đến độ biểu quyết chống việc thu hồi Obamacare trong khi chính ông, trong lúc vận động tái tranh cử thượng nghị sĩ, năm 2016 đã khẳng định với cử tri sẽ chống Obamacare tuyệt đối và sẽ tìm mọi cách thu hồi nó, chưa kể khi ở Thượng Viện, ông đã nhiều lần biểu quyết thu hồi Obamacare. Chỉ vì thù ghét, muốn phá TT Trump, khi phải quyết định thực sự, lá phiếu cuối cùng của ông đã cứu sống Obamacare.
Một hành động ‘không đẹp’ khác: theo dặn dò của ông chồng trước khi qua đời, bà quả phụ Cindy McCain quyết định không cho mời bà Sarah Palin dự tang lễ. Mà cũng không mời luôn 3 phụ tá chính của ông trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, ông Steve Schmidt, giám đốc Ban Vận Động, ông John Weaver, cố vấn chiến lược, và bà Nicole Wallace, cố vấn. Trước đây, ông McCain đã công khai lên tiếng cho rằng đám phụ tá và nhất là bà Palin quá dở khiến ông thất bại, thua ông Obama.
Người hùng McCain đã thiếu can đảm để nhìn nhận hai chuyện:

  • Trước cũng như sau khi lựa chọn bà Palin, không ai tin ông McCain sẽ thắng. Khi đó, ông là người hùng thật, nhưng là người hùng của một cuộc chiến mà giới trẻ không biết đến và giới già muốn quên đi. Ông thua không phải lỗi của bà Palin hay các phụ tá.
  • Nếu bà Palin và đám phụ tá thật sự quá dở thì trách nhiệm là chính ông McCain khi đã chọn họ. Những quyết định quan trọng nhất của ông trước khi làm tổng thống đã là một chuỗi sai lầm thì khi ông làm tổng thống thật, ai biết được còn sai lầm lớn nào khác?
Nhỏ mọn hay không thì đó vẫn là những quyết định của ông McCain và gia đình, họ hoàn toàn có quyền. Ông McCain cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt, nhiều đức tính và công trạng, nhưng cũng không thiếu sai sót.
Điểm đáng bàn là thái độ giả dối thô bỉ của phe cấp tiến và TTDC. Tất cả những lời ca tụng ông McCain mà ta đang nghe hay đọc trên TTDC, những lời ca tụng đó ở đâu khi ông McCain tranh cử tổng thống chống lại ‘Đấng Tiên Tri’ năm 2008?
Khi đó, những báo lớn như Washington Post và New York Times, và nhất là đài CNN, đã không tiếc lời thoá mạ ông McCain như là ‘chó con’ –lapdog- của Bush, là kỳ thị chủng tộc, là thiên hữu cực đoan, là phát xít, là già lú (vì đã lựa bà Sarah Palin đứng cùng liên danh), là diều hâu hiếu chiến (vì muốn đánh mạnh Iraq và Afghanistan), là đầy thành kiến phe đảng, là tham nhũng có quan hệ mật thiết với các tài phiệt trong vụ án Keating Five (quý độc giả muốn biết thêm, có thể vào Google truy cứu), là ‘tù binh giả’ (“phony POW”) vì đã hợp tác với CSBV khi bị tù, là bất nghĩa khi bỏ bà vợ tàn phế đã chờ ông bao nhiêu năm để lấy bà vợ vừa giàu, vừa trẻ đẹp, vừa có nhiều quan hệ chính trị có thể giúp sự nghiệp chính trị của ông, là đủ thứ đáng khinh ghét.
Don Lemon, anh phóng viên da đen của CNN hiện nay suốt ngày mạt sát TT Trump, khi đó tố ông McCain là “người đã tạo ra một không khí kỳ thị và hận thù”. Bây giờ, thì cũng chính anh Lemon này suốt ngày thổi ông McCain lên mây.
Theo một nghiên cứu của trung tâm Pew Research, tin tức và bình luận khi đó có cảm tình với McCain chỉ là 14%, còn 86% đả kích hay bất lợi, chỉ hơn TT Trump hiện nay một chút.
Bây giờ cũng chính cái TTDC đó ca tụng ông McCain lên mây, tuyệt hảo hơn một ông Thánh, quên hết những sỉ vả trước đây.
Ca tụng là chuyện bình thường với người quá cố, nhưng trong trường hợp ông McCain, đã mang thêm ý nghĩa khác mà không ai không thấy: dùng ông McCain để đánh xéo Trump. Một cách ghi ơn không thật lòng mà chắc ông McCain sẽ buồn nhiều hơn vui.
FBI MÁNH MUNG
Một dân biểu CH, ông Mark Meadows đã cho biết một viên chức FBI, Jonathan Moffa trong cuộc điều trần trước Hạ Viện, đã nhìn nhận FBI dưới thời ông Comey đã xì tin mật ra cho báo chí, rồi dựa trên tin do báo đăng, xin trát tòa FISA để điều tra về ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Moffa cho biết khi đó, FBI xì tin mật cho báo chí là việc làm bình thường mỗi khi có nhu cầu.
Ông Moffa khi đó làm việc cùng với ông Strzock là nhân viên FBI mới bị sa thải, trong vụ điều tra về emails của bà Hillary rồi sau đó được chuyển qua điều tra về vụ Hồ Sơ Nga.
Một nguồn tin FBI đã cải chính tin này, cho rằng việc xì tin mà ông Moffa nói không liên hệ trực tiếp đến trát tòa FISA, và việc xì tin cũng không phải là việc thông dụng.
Ông Meadows không nói rõ FBI đã xì tin gì và lấy trát tòa điều tra ai. Điều này hiển nhiên các dân biểu trong Ủy Ban điều tra biết rõ hơn.
Trong vụ lộn xộn này, còn rất nhiều chuyện mà chúng ta không biết, trong khi TTDC tìm cách dấu dùm tội của đám Nhà Nước Ngầm khi đó tìm đủ cách hại ông Trump, giúp bà Hillary.
MỸ THỎA HIỆP VỚI MEXICO

Chính phủ Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mexico về việc hủy bỏ Hiệp Ước NAFTA để thay thế bằng một hiệp ước khác, công bằng hơn cho Mỹ.
Có vài chi tiết đã được công bố tuy còn nhiều điều khoản khác chưa bàn xong, trong đó có những chi tiết về thuế quan đánh trên thép và nhôm, có thể vì có liên quan nhiều đến Canada nên phải bàn tiếp với Canada. Đại cương thì
  • 75% trị giá các bộ phận xe ráp tại Mexico phải xuất phát từ Bắc Mỹ Châu (tức là từ Mỹ);
  • 40% đến 45% việc ráp xe phải được thực hiện bởi các nhân công lãnh lương tối thiểu 16 đô một giờ (tức là lương tương đương với lương Mỹ để tránh việc chuyển job từ Mỹ qua Mễ);
  • Không tăng thuế quan trên các sản phẩm canh nông trao đổi giữa Mỹ và Mễ.
Việc làm tới là Mỹ và Mễ đều phải có thỏa hiệp mới với Canada thì việc thay thế NAFTA mới được hoàn tất.
Việc thương lượng lại NAFTA do con rể của TT Trump, ông Jared Kushner âm thầm điều đình từ nhiều tháng nay. Nếu chuyện này thành công thì sẽ là một thắng lợi lớn của TT Trump trong kế hoạch tìm những thỏa ước thương mại quốc tế công bằng hơn cho Mỹ. Đây là loại chiến thắng sẽ bảo đảm TT Trump tiếp tục được hậu thuẫn mạnh của giới lao động Mỹ và sẽ là nhức đầu lớn cho đảng DC. TTDC dĩ nhiên đã đăng tin thỏa hiệp với Mexico một cách rắt ngắn gọn cho có thôi.
KINH TẾ MỸ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tại Atlanta đã tiên đoán tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lên tới 4,6% trong tam cá nguyệt 3 của năm nay. Mức tăng trưởng của các đầu tư vào máy móc kỹ nghệ được dự đoán sẽ lên tới mức kỷ lục 7,5%, là chỉ dấu việc các công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào khu vực kỹ nghệ.
Những mức tăng trưởng kỷ lục này không phải là không có mặt trái: Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kềm hãm nguy cơ lạm phát vì tăng trưởng quá nhanh.
Trong khi đó, một văn phòng nghiên cứu kinh tế đã cho biết ‘chỉ số tin tưởng vào tương lai’ của giới tiêu thụ đã leo lên mức cao nhất từ 18 năm nay. Chỉ số này được tính dựa trên nhiều yếu tố, trong đó ‘khả năng có thể tìm được việc làm dễ dàng’ là yếu tố chính, và ‘khả năng của giới tiêu thụ có thể mua các sản phẩm lớn’ [đắt như xe, tủ lạnh, máy lạnh,…] là yếu tố quan trọng khác.

Theo một thăm dò mới, 83% các doanh gia nhận định kinh doanh chưa khi nào tốt đẹp như hiện nay, trong khi 76% tin tưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Thị trường chứng khoán tiếp tục leo thang mạnh, với Dow Jones vượt qua mức 26.000 và Nasdaq qua khỏi mức 8.000 điểm. Cả hai đều là những kỷ lục chưa bao giờ thấy. Chứng minh các nhà đầu tư đã chẳng quan tâm một ly nào về những ‘đại họa’ và ‘tận thế’ của TT Trump mà TTDC đang hô hoán.
Việc này có lẽ giải thích rõ ràng một thăm dò mới của đài TV phe ta CBS. Theo một chuyên gia thăm dò của CBS, ông Anthony Salvanto, ‘cơn thủy triều xanh’ tràn ngập cuộc bầu quốc hội cuối năm nay [ý nói DC sẽ đại thắng] là điều khó có thể xẩy ra.
Nhớ lại TT Obama đã từng lớn tiếng tuyên bố “Thời đại của tăng trưởng kinh tế trên 2% đã qua rồi, nước Mỹ sẽ không bao giờ thấy được mức tăng tưởng này nữa”. Bây giờ thì trên 4% là chuyện bình thường. Thế mà không ít người vẫn nằng nặc cho rằng tăng trưởng kinh tế hiện nay là ‘thành quả lâu dài’ của chính sách kinh tế của Obama.
Ta thử tưởng tượng nếu kinh tế bây giờ bị trì trệ xem mấy vị này có dám nói đó là ‘thành quả lâu dài’ của Obama không? Tiêu chuẩn của họ: tốt là của Obama hết ráo, xấu là tại … một vạn lý do không dính dáng gì đến Obama hết.
PHỤ TÁ CỦA BÀ HILLARY VÀ MUELLER

Cuộc điều tra của công tố Mueller bị phe TT Trump chống trong khi phe cấp tiến hoan nghênh là điều dễ hiểu. Cái đáng nói là cuộc điều tra đã gây tranh cãi ngay trong đám cận thần và phụ tá của TT Clinton và bà Hillary.
Phe hợp tác hay hoan nghênh ông Mueller đáng nói nhất là LS Lanny Davis đang bênh vực LS Cohen của ông Trump. Ông Davis trước đây là luật sư biện hộ cho TT Clinton trong vụ công tố Kenneth Starr điều tra về vụ Whitewater và Monica, sau đó làm cố vấn trong ban vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary; bây giờ là LS biện hộ cho ông Cohen, tìm đủ cách giúp công tố Mueller đi vồ ông Trump, có vẻ như là hành động trả thủ dùm bà Hillary đã thất cử.
Các phụ tá của nhà Clinton bây giờ đả kích ông Mueller cũng không phải là những người nhẹ ký gì.

Đứng đầu là giáo sư luật của đại học Harvard, Alan Dershowitz, luôn luôn viết báo và lên TV đả kích ông Mueller đã lạm quyền, tố cáo TT Trump những chuyện vô lý, chẳng có gì là vi phạm luật lệ hết. Ông Dershowitz là DC kỳ cựu, cấp tiến nặng, rất thân cận với TT Clinton trước đây.
Thứ nhì là ông Mark Penn, trước đây là cố vấn chuyên làm thăm dò dư luận và thống kê cho ban vận động tranh cử của bà Hillary. Ông Penn cũng không tiếc lời đả kích công tố Mueller đã đi quá xa. Ông này cũng tố giác việc bắt các ông Manafort và Cohen rõ ràng là cách ông Mueller giăng bẫy để vồ Trump, chứ những tội của hai ông này chẳng liên hệ gì đến việc Trump ‘thông đồng’ với Nga hay cản trở công lý.
Ông thứ ba mới nhất là LS nặng ký Bob Bennett, là người đã biện hộ cho TT Clinton trong vụ bà Paula Jones thưa kiện vì xách nhiễu tình dục, đưa đến vụ điều tra cô Monica và đàn hặc. Ông Benneth còn đi xa hơn hai ông trên: ca tụng thẩm phán Kavanaugh hết lời.
TTDC TIẾP TỤC XUYÊN TẠC
Báo phe ta Washington Post đăng bài, chỉ trích việc một số ‘công dân Mỹ’ đi Mexico về bị chặn tại biên giới để truy cứu thông hành vì nghi là thông hành giả hay thông hành cấp dựa trên giấy khai sinh giả. Ý muốn tố TT Trump tìm cách trục xuất dân gốc Mễ dù là đã có quốc tịch Mỹ.
Việc chặn xét thông hành có nguyên nhân rõ rệt. Chính phủ Mỹ biết rất nhiều bác sĩ và nữ hộ sinh sống trong những vùng sát biên giới thường bán giấy khai sinh giả, chứng nhận đã sanh trên đất Mỹ để đứa trẻ tự động được quốc tịch Mỹ. Do đó, phải chặn xét để kiểm tra.
Điều WaPo không viết ra là việc tra xét này đã có từ hồi nào đến giờ, ít ra cũng từ thời TT Johnson chứ không phải là biện pháp do TT Trump mới chế ra. Trái lại, theo thống kê chính thức của bộ Ngoại Giao, con số di dân bị bắt vì thông hành giả hiện đang ở mức thấp nhất.
Cách đây ít năm, dưới thời TT Obama, WaPo cũng đã viết bài về vấn đề này và ca tụng việc chính quyền lùng bắt di dân lậu với thông hành và giấy khai sanh giả, cũng như việc lùng bắt bác sĩ và nữ hộ sinh.
Thế mới thấy cái gian trá một chiều của TTDC. Cùng một việc làm, dưới thời Obama thì được ca tụng, dưới thời Trump thì bị chỉ trích. Cụ nào giải thích được, kẻ này xin tình nguyện tiếp tay phổ biến cho thiên hạ biết.
WaPo cũng đã mở ra mục mới, chuyên kiểm tra dữ kiện –fact check- các quảng cáo chính trị của các ứng cử viên quốc hội của CH. Cũng là chuyện tốt, giảm được các quảng cáo phịa của các chính trị gia. Vấn đề là tại sao WaPo lại chỉ kiểm tra các ứng cử viên CH, mà lại không kiểm tra các ứng cử viên DC?
KINH TẾ KEYNESIAN VÀ OBAMA
Cách đây ít lâu, đã có bài viết về Kinh Tế Obama-Trump trên Diễn Đàn này hồi đầu tháng 8 vừa qua. Một vị nhân sĩ đã ‘phản ứng’ bằng cách chuyển lại một bài viết bằng tiếng Anh về “Kinh Tế của Keys”, Keynesian economics, được gọi là chính sách kinh tế mà TT Obama đã ‘ứng dụng’.

Phản ứng này thật ra hết sức quan trọng và hữu dụng để hiểu thêm vấn đề kinh tế rất phức tạp của Mỹ. Nhân dịp này, tôi xin bổ túc thật vắn tắt để quý độc giả của DĐTC hiểu rõ hơn.
Keynesian economics là kinh tế theo lý thuyết của John Maynard Keynes (không phải Keys). Ông Keynes là một đại lý thuyết gia kinh tế người Anh, có thể nói là tác giả của sự phục hồi kinh tế của Âu Châu ngay sau Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhì chấm dứt.
Khi đó dĩ nhiên có nhu cầu tái thiết. Vấn đề là cả Âu Châu là đống gạch vụn, chẳng còn ai có tiền, cũng chẳng còn bao nhiêu nhà máy hãng xưởng hoạt động ngoài hãng xưởng của Anh Quốc. Việc tái thiết chỉ có thể thực hiện được qua nỗ lực của Nhà Nước. Nhà Nước sẽ đứng ra lập hãng xưởng, tạo dự án để cung cấp việc làm cho cả nước. Chi phí sẽ do Nhà Nước gánh chịu bằng bội chi ngân sách và công nợ. Nhà Nước sẽ mắc nợ ngập đầu và ngân sách bị thâm thủng rất nặng. Nhưng ông Keynes biện giải tất cả chỉ là khó khăn nhất thời, vì sau đó, kinh tế sẽ sống lại, sẽ có tăng trưởng mạnh, Nhà Nước sẽ thu thuế lại để lấp bội chi cũng như trả nợ. Ông Keynes tính toán rất đúng và Âu Châu đã phục hồi, nhất là với sự trợ giúp của Kế Hoạch Marshall của Mỹ, bơm 100 tỷ đô (tính theo đối giá tương đương với năm 2106). Sách lược này được coi như là nền tảng của chính sách kinh tế Nhà Nước Vú Em của khối cấp tiến.
Sau này, chính sách này được cải sửa ít nhiều cho hợp với thế kỷ 21, được gọi là kinh tế neo-keynesian, hay là tân-keynesian.
TT Obama áp dụng chính sách kinh tế tân-keynesian này, và kết quả là đã thất bại.
Ông cho ra luật kích cầu kinh tế, dựa trên việc Nhà Nước tung ra khoảng 800 tỷ tiền các dự án đủ loại, nhằm giúp tạo công ăn việc làm. Vài tháng sau khi luật được ban hành, tỷ lệ thất nghiệp thay vì giảm mạnh như TT Obama hứa, đã vọt từ 6% lên tới 10% và khựng tại đây trong hơn 5 năm trời trước khi suy giảm. Kinh tế có phục hồi, nhưng là cuộc phục hồi yếu và chậm nhất lịch sử, theo CNN.
Tại sao thất bại? Vì nhiều lý do từ thực tế đến lý thuyết. Đại khái:
  • Việc xử dụng số tiền đó là một sai lầm vĩ đại, vì phần lớn bị xẻ nát ra phân tán cho 50 tiểu bang vì nhu cầu chính trị, một cách ‘hối lộ’ các dân biểu và nghị sĩ để họ biểu quyết thuận cho luật kích cầu. Đã vậy một số lớn được chi cho những dự án vớ vẩn mà phe cấp tiến coi trọng như… trồng hoa các nhà tù, các nghiên cứu khoa học cực kỳ tốn kém mà kết quả cụ thể chẳng bao nhiêu, và nhất là tài trợ các khoản trợ cấp xã hội và tiền thất nghiệp trong mục tiêu tái phân phối lợi tức (ưu tiên số một của TT Obama), không giúp gì cho tăng trưởng kinh tế hay tạo công ăn việc làm.
  • Kinh tế Mỹ cũng chẳng có gì để tiêu xài. Dự án lớn nhất có thể làm được là nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, nhà máy điện nước,… (là việc TT Trump đang muốn làm) thì tốn quá nhiều tiền, hơn xa mức được TT Obama cung cấp. TT Obama sau đó đã tuyên bố một câu để đời, đại khái là “chúng ta đã không tìm ra được những dự án sẵn sàng để dùng xẻng cuốc” (We couldn’t find enough shovel-ready projects).
  • Kinh tế Âu Châu sau Thế Chiến là con số không, chỉ có Nhà Nước, qua viện trợ ào ạt của Mỹ là có tiền và có phương tiện. Kinh tế Mỹ thập niên 2010 dù khủng hoảng, vẫn là nền kinh tế thị trường cực kỳ lớn và hùng mạnh. Tám trăm tỷ chỉ là muối bỏ biển, chẳng có một tác dụng nào hết, trong khi các tác nhân thực tế của kinh tế Mỹ là hàng triệu doanh gia chứ không phải là một ông Nhà Nước. Và các doanh gia này đều lo âu trước viễn tượng bị đóng thuế nặng hơn, nên lo gửi tiền ra ngoài nước chứ không đầu tư mở mang hãng xưởng. Ngay khi đó, rất nhiều kinh tế gia cấp tiến đã chỉ trích TT Obama rất nặng vì cho luật kích cầu đó chỉ là chuyện màu mè chính trị. Nếu muốn có kết quả thật phải chi ra cỡ năm bẩy lần số tiền đó và tập trung vào một số dự án lớn rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà TT Obama đã đánh giá sai: kinh tế Mỹ quá lớn để có thể áp dụng thuyết Keynesian một cách nhỏ giọt.
Kinh tế bảo thủ của TT Trump giảm thiểu vai trò Nhà Nước tối đa, chỉ lấy những biện pháp gián tiếp như ấn định thuế suất hay lãi suất, giảm thiểu các thủ tục luật lệ kinh doanh để ‘cởi trói’ cho các doanh gia. Nhà Nước không tung một xu nào ra để kích cầu kinh tế. Khác một trời một vực với kinh tế tân-keynesian. Những người nói kinh tế hiện hữu là thành quả lâu dài của kinh tế Obama là những người không biết gì về kinh tế, chỉ bàn góp theo tính phe đảng ngớ ngẩn.
(Trong phạm vi giới hạn của bản Tin Vắn, DĐ này không thể phân tích chi tiết hơn)
Vũ Linh, 1/9/2018
https://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-van-092018.html 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire