samedi 4 juin 2016

Trước Sau Chuyến Đi VN Của Tổng Thống Hoa Kỳ - Vĩnh Tường

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2016/05/24/18/20160524183324-o3.jpgThời thế nhiễu nhương; con người hầu như đã bị máy móc hoá, chính trị hoá hay có thể nói đời sống xã hội đã quá lệ thuộc vào cả khoa học kỹ thuật và các thể loại chế chính trị trong khi đeo đuổi mục tiêu duy nhất là mưu cầu hạnh phúc. Ít, nhiều, tuỳ lúc, tùy nơi, tương giao giữa con người ngày càng trở nên ngăn cách bỡi tình yêu khô cạn và sự lo sợ, hoài nghi phe phái. Ngay khi viết bài này, tác giả biết rằng câu hỏi đầu tiên của nhiều đọc giả trước khi nội dung được phơi bày sẽ có thể là ông, bà này thuộc bên nào, quốc gia hay cộng sản, cộng hoà hay dân chủ, có phải thế lực thù địch? … Xin thưa chỉ từ bài học đầu tiên khi được mẹ cha dắt đến trường, chứ không phải thế lực nào cả, đó là yêu thương, thật thà, chia xẻ buồn vui với người cho phải đạo, đạo làm người chứ không phải là đạo lý chính trị.
Thiên hạ đang xôn xao bàn luận về thành quả chuyến đi Việtnam của TT Obama, về sự đón tiếp của nhà cầm quyền Việt nam và của dân chúng, về việc cho cá ăn của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về việc bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, về sự kiện biển bị nhiễm độc… Người thì được tâng bốc đến tận mây, kẻ bị chê bai đủ điều; bên này chọi bên kia; không ít người hy vọng một tương lai rực rỡ đang đón chờ, và cũng có kẻ tin rằng mọi thứ rồi đâu cũng vào đấy. Nhân đây ta hãy đứng trên lề đừng vì thích hay không thích mà hãy nhìn kỹ xem có gì đáng ghi nhận diễn biến trung thực tự nhiên như chính sự kiện.
Nước Việt nam Cộng Hoà đã mất, nhà cầm quyền cộng sản đã chiếm trọn vẹn đất Việt nam hơn bốn thập niên. Ba đời Tổng Thống Hoa Kỳ lần lượt sang Việt nam sau khi bang giao dần hồi mở cấm vận nhằm tranh thủ quyền lợi của Hoa Kỳ ở Việt nam và trong vùng. Dân Việt nam, nhất là hầu hết dân Nam bộ ở độ tuổi sáu mươi trở lên đã từng trải nghiệm chế độ tự do dân chủ trước khi sống dưới chế độc đảng cộng sản, xã hội chủ nghĩa không phải tự mình chọn lấy, đang ôm ấp hy vọng đổi đời trở lại. Một niềm hy vọng chập chờn vào cơ hội mỏng manh chỉ nương vào những cuộc trao đổi giữa Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Việt nam, may ra có thể lấy lại những gì đã mất hơn 40 năm qua, đó là chế độ tự do, dân chủ và nhân quyền.

Các anh chị phái phản chiến ở Vn đã đóng góp phần không nhỏ chút nào trong việc đạp đổ chế độ ấy. Những ngày thật khó quên, tiêu biểu như Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Hội sinh viên miền Nam giật dây rất tài tình và thành công, lãnh đạo sinh viên học sinh xuống đường đòi giáo dục phi chính trị trong lúc triết lý giáo dục miền Nam là NHÂN BẢN (humanistic), DÂN TỘC (nationalistic) và KHAI PHÓNG (civilized), không hề vì phe đảng chính trị nào và bằng chứng cụ thể trắng đen là chính nhờ nhân quyền được tôn trọng mà Huỳnh Tấn Mẫm mới có cơ hội gia nhập tổ chức cộng sản, xách động SVHS xuống đường, chống chính quyền, làm rối loạn xã hội trong lúc quân, dân, cán, chính đang ra sức hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ đang bị đe doạ. Trịnh Công Sơn phản chiến rất khéo, rất tài tình qua âm nhạc mùi mẫn đến độ người ta nghe say mê quên đi cả sự thật trước mắt không phải là “Hai mươi năm NỘI CHIẾN từng ngày…” mà là miền nam Tự do bị quân đội Việt cộng từ nước ở phía bắc tràn qua biên giới đánh chiếm nước khác ở phía nam vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp của thế giới cộng sản như Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã công khai: ta đánh Mỹ Ngụy là đánh cho Liên Xô và Trung quốc. Cuộc chiến tranh ấy có nghĩa gì khi đã mang đến cuộc sống từng ngày bất an trong suốt hai mươi năm cho dân miền Nam vô tội trong khi họ đang hưởng tự do, an bình, ấm no, văn minh và thịnh vượng; có ý nghĩa gì khi hàng triệu đồng bào ở cả hai nước đã phải hy sinh oan uổng và riêng đất nước miền Nam đã bị tàn phá trong chiến tranh nhưng chưa đáng kể so với sự tàn phá nặng nề vì bị cắt xén, cái bán cái cho từ rừng, đất liền, đến biển đảo sau khi thống nhất dưới quyền cai trị của một đảng duy nhất, đảng cộng sản, và e rằng bản đồ Việt nam nay đã méo mó, vẹo lệch khác xưa rồi!

Lần này, đời Tổng Thống thứ ba sang thăm Việt nam sau khi nuưóc Việt nam Cộng Hòa mất vào tay cộng sản, thực sự mơ ước của những người phản chiến đã về tay trọn vẹn vì ngài bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ hiện nay đi cùng với Trổng Thống là vua phản chiến một thời ở Hoa Kỳ trong khi quân đội đồng minh đang giúp Việt Nam Cộng Hoà ngăn chặn cộng sản xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa. Phe phản chiến ở Hoa Kỳ đã chờ hơn bốn mươi năm để có được kết quả là cộng sản muốn xít lại với Hoa Kỳ và người dân Việt đa số ở miền bắc hiểu rõ và thân thiện với Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ không phải xâm lăng cướp nước, tàn ác như họ đã bị cộng sản tuyên truyền. Tuy thời gian lâu dài nhưng đối với họ không là vấn đề vì dù sao thì Việt nam cũng chỉ là một trong những vấn đề trong hàng trăm, hàng ngàn vấn đề khác khắp nơi trên thế giới được tính toán chu đáo, lâu dài hay ngắn hạn tùy quyền lợi kinh tế hay an ninh của riêng Hoa Kỳ. Còn con đường của các anh chị phản chiến Việt nam đã góp phần không nhỏ dẫn đến thành công là bứng đi một nền tự do dân chủ và mang lại quyền cai trị độc tôn của đảng cộng sản. Từ ấy cả dân tộc Việt nam chịu đựng lầm than điêu đứng, đất nước bị đào bới, cắt xén, bán giao tơi bời, xã hội toàn diện băng hoại và nạn ngoại xâm, đồng hoá, diệt chủng đang đe dọa từ phương bắc của các đồng chí anh em, đồng đảng cộng sản Việt nam cùng đứng chung dưới lá cờ đỏ búa liềm. Dân tộc Việt nam phải hy sinh như thế hơn bốn mươi năm để có được mấy tờ kiến nghị của các anh chị ấy gửi lên Tổng Thống Obama - vị Tổng Thống DÂN CỬ TỰ DO giống y hệt Tổng Thống dân cử tự do mà các anh chị ấy đả đảo ngày xưa! Hóa ra phải tốn hơn 40 năm dẫn dắt dân tộc Việt nam hy sinh oan uổng nếm trải đủ mùi đau thương mất mát, đất nước điêu linh, đi một vòng để rồi lại trở về điểm đầu tiên; điều đáng nói nhất là xem ra họ chẳng biết sám hối là gì! Và tiếc thay điểm đầu tiên ấy trước mắt chỉ là một cơn gió thoảng phảng phất mùi hương dân chủ, tự do nhân quyền mà Tổng Thống Hoa Kỳ mang đến, một chút hy vọng mong manh may ra có thể thay đổi tình thế đứng trước họa diệt vong!

Hơn 40 năm giáo dục cộng sản nhồi sọ người Việt từ tấm bé đến trưởng thành vừa đầu độc chính trị vừa phản dân tộc: “Bác hồ hơn mạ hơn cha…, Ông Lenin ở nước Nga. Mà em lại thấy rất là Việt nam…; … Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!...” (xin lỗi không kể hết được ở đây); đất nước lâm nguy, mất biển đảo, số phận ngư dân long đong, môi trường bị đầu độc, ô nhiễm ảnh hưởng lâu dài đến sự tồn vong của cả dân tộc. Đây hoàn toàn là sự thật dưới ánh mặt trời chứ không phải như chuyện dựng lên do phản chiến, cán bộ nằm vùng. Ấy thế mà ông Chủ tịch Tổng hội Sinh viên phản chiến oai hùng ngày nào cùng đám anh em phản chiến đâu không dẫn đầu bà con xuống đường để cứu nguy, thay đổi vận mệnh của dân tộc? Kiến nghị có ích gì khi mà đảng bảo “Thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt” (Tố Hữu) và chính Mao Trạch Đông đã cười bảo rằng “Trí thức không bằng cục phân”. Có cái lẽ thật nào rõ hơn chăng?

Than ôi, một dân tộc tiếng tăm oai hùng nghìn năm văn sử mà giờ đây chỉ được chút cơ hội nhìn trước ngó sau phòng khi công an theo dõi, đánh đập đàn áp, nhôn nhao mừng rỡ giơ tay đón chào như ngữa mặt hít thở hay từ dưới đáy vực đưa tay vói túm chút không khí tự do dân chủ tươi mát bên trên dù biết rằng chỉ có trong thoáng chốc! Trong thời điểm 80-90% người dân đã đang chết dần mòn với nỗi sợ hãi và ngao ngán cái bánh vẽ lý tưởng cộng sản, trong khuôn chủ nghĩa xã hội thì chuyện tự phát, quay lưng với nhà cầm quyền, dám tuôn ra đường hân hoan đón chào vị Tổng Thống DÂN CỬ TỰ DO là chuyện thường tình ắt có như một qui luật, không có gì là vĩ đại, ngạc nhiên cả. Và cũng chẳng lạ gì quan chức cộng sản cầm quyền có lẽ đang nghiến răng hậm hực nhìn đám dân được đúc nặn cho thành con người mới XHCN lại bất trung với đảng đến thế! Điều đáng quan tâm là dân tộc ấy đã tỏ rõ họ khát khao tự do dân chủ đến mức nào và rồi đây, sau khi vị Tổng Thống xứ Cờ Hoa ấy từ giã, nhà cầm quyền sẽ tiếp tục thay đổi cách trừng phạt họ ra sao. Lửa âm ỉ trong lòng dân như ý trời nay đã có thêm ngọn gió dân chủ tự do phảng phất từ chuyến viếng thăm ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài và khó bề dập tắt.

Nhà cầm quyền Việt cộng dùng lối tiếp đón lạnh nhạt có thể thứ nhất là vì sợ mất lòng quan thầy đồng chí anh Trung cộng và thứ hai, có thể để tỏ thái độ chính trị rẻ tiền, xem nhẹ Hoa Kỳ. Nếu tưởng rằng làm như thế sẽ giảm được uy thế của Hoa Kỳ thì thật là ngô nghê bỡi người Hoa Kỳ từ trong bụng mẹ đã được giáo dục nhân bản, độc lập, tự do; những chuyện vặt vãnh như thế chẳng ăn nhập vào đâu mà chính sự đối xử khiếm nhã sẽ làm cho chủ nhân của nó tự coi thường mình trước công chúng. Không trách gì, Tập Cận Bình được đón bằng hai mươi mốt tiếng đại bác và đi trên thảm đỏ với dàn chào cán bộ cộng sản Việt nam khom lưng cuối đầu chào đón trong khi người dân liều mạng xuống đường hô vang đòi đuổi cổ ra khỏi nước. Ngược lại, bất kể Tổng Thống Hoa Kỳ được đón tiếp thế nào, lần đầu tiên người dân dám tự phát, liều lĩnh, nô nức xông ra đường nhưng không phải để biểu tình phản đối mà là mong được đón chào, hân hoan, tha thiết mở lòng vang vang mời gọi: “Hello! Hello! Hello President!!! … Welcome! Welcome! Welcome to Vietnam!”. Tập Cận Bình nói chuyện với tổ chức cán bộ như ban ra những huấn thị; còn Tổng thống Hoa Kỳ nói chuyện thân thiện với thường dân. Đặc biệt là vị Tổng Thống từ nước tự do xa xôi, không liền sông núi mà trước đây Việt cộng gán cho lả kẻ xâm lược, là kẻ thù không đội trời chung lại có bài nói chuyện trực tiếp đầy ẩn ý, gây được cảm tình sâu sắc trong dân chúng qua vài nét đặc trưng văn hóa Việt nam như bài thơ khẳng định nền độc lập chủ quyền Việt nam của Lý Thường Kiệt, vài lời nhạc kêu gọi đoàn kết lại của Trịnh Công Sơn và có cả câu thơ Kiều để kết thúc buổi nói chuyện cũng là để mở đầu, đánh dấu sự tin tưởng lẫn nhau lâu dài.

Trong việc giới thiệu các di tích tiêu biểu lịch sử cộng sản, một vài chi tiết đúng ra chỉ là chuyện bên lề, không đáng kể trên đường đi nhưng bỗng nhiên trở thành đề tài lớn cho cộng đồng thông tin trên mạng khắp hoàn cầu bàn tán sôi nổi. Hình ảnh bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân mời Tổng Thống Obama cho cá ăn chắc chắn sẽ được đi vào lịch sử nhân loại chứ không như chuyện bình thường hàng ngày như - xe cán chó - bỡi trước ống kính truyền thông thế giới và hàng triệu người xem khắp hoàn cầu, sự tương phản quá rõ nét khi đặt chung hai đối tượng trong cùng một thời điểm và một hoàn cảnh. Hai nhân vật đã trở thành biểu tượng của hai con người trưởng thành trong hai nền giáo dục và thể chế chính trị, loại hình xã hội khác nhau đang làm bậc MẪU NGHI đại diện cho hai thế giới nghịch chiều.

Vấn đề cho chúng ta và cho con em chúng ta là tại sao lại có sự tương phản lớn lao như thế chứ không phải ở chỗ ai đáng khen hay đáng chê. Khách quan mà nói, khi chúng ta định giá, khen, chê ai hay cái gì thì mặc nhiên chúng ta đã có sẵn cái mẫu mực, tiêu chuẩn nào đó để so sánh tức là chúng ta đã nhìn sự vật xuyên qua một lăng kính. Bây giờ có thể nào chúng ta nhìn sự kiện trung thực như một hiện tượng xảy ra không dính dáng gì đến những tiêu chuẩn giá trị theo bất kỳ định kiến nào, nghĩa là không có “cái ta” trong đó và không cần có sự khen hay chê. Và như thế chúng ta sẽ thấy:

- Tổng thống Obama cũng như tất cả những ai từ trong bụng mẹ đến khi sinh ra, hoặc lớn lên trưởng thành trong thể chế tự do dân chủ, được hưởng một nền giáo dục tự do NHÂN BẢN – coi trọng con người về cả tinh thần và thể chất, lấy con người làm tiêu điểm, xem hạnh phúc của con người không phải chỉ có vật chất mà tinh thần là quan trọng, con người có linh hồn chứ không phải chỉ có thể chất. Ở hình thái xã hội này con người luôn hướng đến CHÂN, THIỆN, MỸ nhờ đó mà trong tương giao, xử thế tiếp vật trở nên cao đẹp hơn, hài hòa, đồng cảm cùng thiên nhiên và tạo vật. Tuy chỉ thoáng chốc nhưng ông Obama cũng thưởng thức cái đẹp của loài cá đang bơi lượn nhờ một vài mẫu thức ăn nhằm kích thích sinh hoạt. Video cho thấy ông còn đưa tay ra bộ: Tôi thấy có con to đẹp dài đến cỡ này… Con người trưởng thành phát triển toàn diện như thế sẽ có thể đối diện, hoà mình, thích nghi với bất cứ môi trường nào mà không ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ và hạnh phúc của cá nhân và tương giao nhân loại nhờ đó mà trở nên cao thượng, tốt đẹp hơn. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống có lẽ chúng ta đã rõ.

- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội sinh ra lớn lên, trưởng thành từ trong thể chế độc tài cộng sản, được GIÁO HUẤN, HUN ĐÚC, RÈN LUYỆN, THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG MARXISM-LENINISM, CHỦ NGHĨA DUY VẬT - xem vật chất là trên hết; được trồng thành CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA - mục tiêu giáo huấn duy nhất của xã hội ấy. Tức là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng như những ai sinh ra trong xã hội ấy phải trưởng thành theo khuôn mẫu xã hội định sẵn, phải là công cụ phục vụ xã hội, chỉ một xã hội duy nhất là XHCN mà thôi. Con người không được tiếp thu bất kỳ một lý thuyết nào khác hơn là duy vật biện chứng, chủ thuyết Marxism-Leninism. Đã như thế thì làm có tự do để phát triển toàn diện? Làm sao con người có thể thưởng thức được cái đẹp của muôn loài? Làm sao con người nhìn thấy những sự vật trái chiều? Sự vận hành của vũ trụ trong đó có muôn hình vạn trạng từ động, thực vật đến thiên nhiên … nhưng trí óc con người lại phải bị hạn chế gò bó vào một chủ thuyết quanh quẩn ở chỗ: Vắt hết khả năng để sản xuất vật chất tối đa và phân chia tối thiểu để sống còn như thế nào mà quên đi con người và đạo làm người là trọng yếu trước khi nói đến bất kỳ lý tưởng nào. Đã như thế thì trách chi xử thế tiếp vật khác với người có tư tưởng phóng khoáng tự do có thể ôm cả bầu trời.

- Bà được đảng ấy chọn là NGƯỜI MẪU XHCN ngày nay ở Việt nam. Điều này chắc chắn không sai chút nào, phải không? Video cho thấy dường như bà tưởng ông Obama không biết hốt thức ăn cho cá, bà có ý mời mấy lần, có lẽ là không biết tiếng Anh nên bà chỉ ra ni: thế này, thế này! Này! rồi bà hốt từng nắm quẳng xuống ào ạt. Ông Obama vẫn điềm nhiên nhúm một ít nhẹ nhàng vãi xuống và chú ý đến cá đang lội đến trong khi đó có lẽ bà nóng lòng tưởng rằng mất thời gian mà ông này vẫn chưa hiểu nên sẵn tay hắt đại nguyên ca thức ăn làm cho đàng cá tranh ăn ồ ạt làm nước tung lên tứ phía rồi bà ngoay ngoảy quay đi. Tổng thống Obama chỉ Ồ! một tiếng kinh ngạc rồi thong thả bước theo đoàn…

- Bà Chủ tịch, người mẫu XHCN - Kim Ngân cho cá ăn chỉ là cho cá ăn, là hành động nuôi súc vật, bà đã biễu diễn xuất sắc việc cho và xem súc vật ăn như thế nào. Nếu bà đang ở Hoa Kỳ hay các xứ tự do khác thì người ta sẽ ngạc nhiên và phê phán rằng bà có hành động thô lỗ, tục tằn, không có chút văn vẻ, tao nhã, lịch sự của người có ăn học. Nhưng không, ở đây không thể nói như thế được vì bà chủ tịch được tôi luyện thành danh trong khuôn mẫu một xã hội XHCH, một chủ thuyết nhất định - chủ thuyết duy vật - VẬT CHẤT TRÊN HẾT. Bà là con người hoàn chỉnh, xuất sắc, kết tinh của chủ nghĩa duy vật – thường được gọi là đỉnh cao trí tuệ, bà có đủ tác phong và giá trị của người mẫu - con người mới XHCH và được đảng chọn làm nhân vật tiêu biểu cho thành quả giáo huấn của chế độ cộng sản XHCN. Và thật là bất công khi đem so sánh bà với người ở xứ tự do, phát triển như cây mọc trên miền đất thênh thang, dưới bầu trời rộng mở, không hề bị bó buộc phải trui rèn, đúc nắn theo bất kỳ học thuyết hay khuôn mẫu nào.

- Tổng Thống Obama rõ khác, mấy phút ngắn ngủi đủ giúp ông nắm bắt ngay cơ hội thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên thu hẹp trong chốc lát qua đàn cá bơi lượn tìm mồi – không phải ở thức ăn cũng không phải con cá mà là cái đẹp của tạo vật! Cũng giống như bà Kim Ngân, ông thật là người hoàn thiện, nhưng hoàn thiện trong xã hội tự do, nhân bản có thể ôm hôn cả những gì đẹp đẽ nhất trong vũ trụnày một cách linh động không lệ thuộc bất kỳ môi trường và thời gian nào!

Vậy có thể đúc kết, một bên đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao là biểu diễn cách cho súc vật ăn, một bên là thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, tạo vật. Đừng chiều theo “cái ta” chọn phía bên này hay bên kia để khen hay chê, đánh giá để bị xem là xuyên tạc hay thù địch mà hãy nhìn sự kiện diễn ra như hiện tượng phát sinh từ bản chất khác nhau của nó.

Lại nữa, Tổng thống Obama được đưa đi thăm chùa Ngọc Hoàng khiến không ít người thắc mắc tại sao Tổng thống chọn ngôi chùa này mà không đi thăm các chùa bề thế nổi tiếng khác. Khi một chính khách quan trọng ngàn năm một thuở đến thăm nơi nào trong thời gian ngắn như thế dĩ nhiên có những lý do và mục đích gửi những thông điệp rất cô đọng, hàm súc nhất.

Trước hết về an ninh, rất có thể chùa này có kích cỡ và vị trí thuận lợi cho việc bảo vệ an ninh chắc chắn nhất cho Tổng Thống. Thứ hai, chúng ta cùng tìm hiểu thông điệp mà Tổng Thống Hoa Kỳ gửi đi là gì và thuộc chính trị, nhân văn hay tôn giáo. Dĩ nhiên mục tiêu và thông điệp chỉ có Tổng thống và Chính phủ HK mới có câu trả lời chính xác. Người dân, chúng ta chỉ có thể đoán đúng hay không đúng qua sự tìm hiểu một vài trọng điểm về mặt văn hoá tiêu biểu của dân tộc Việt nam có liên hệ gì đến chùa này và tình hình chung quanh trong thời điểm chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ.

Với từng đặc điểm của ngôi chùa cùng hiện tình an ninh, chính trị, xã hội trong vùng người ta có thể nhận định:

1. Ngôi chùa trước kia là điện thờ Ngọc Hoàng do một người Hoa lưu vong xây dựng, trên đất Việt, nay đã thuộc về Giáo Hội Phật giáo Việt nam. Ttự do tín ngưỡng vượt trên dân tộc, biên giới và thời gian.

? dựa vào đặc điểm nguồn gốc, người dân “có thể”nghĩ rằng qua chân lý rành rành tỉ như tự do tín ngưỡng vượt thời gian, không gian, con người có thể hội tụ. Ở đây có người Hoa trên đất Việt, người Việt và nay có người đại diện cho dân và chính phủ Hoa kỳ đến viếng. Rất cò thể Hoa Kỳ muốn nhắc rằng họ đang đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết khó khăn trong quan hệ tương tác giữa Mỹ, nhà cầm quyền cộng sản Việt nam và Trung cộng chứ không phải chỉ có Mỹ với Việt nam mà thôi. Đây là điểm hội tụ của cả ba bên, cứ như đang xem cuộc chơi bài ba lá, người dân nên chú ý theo dõi xem lá cơ đang nằm ở đâu. Dĩ nhiên quan tâm, giải quyết mối quan hệ phức tạp này như thế nào, đến đâu và kết quả lợi hại thuộc về ai hẳn còn quá sớm để có thể khẳng định

2. Người lập nên chùa là người bỏ nước ra đi ở xứ người, nuôi chí lật đổ nhà Thanh - phản Thanh phục Minh, ăn chay trường, lập điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (Theo vi.vickipedia.org)

? dựa vào đặc điểm này cũng có thể Tổng thống nhắc nhở rằng một khi sống dưới chế độ bạo tàn thì con người thà ở nhờ xứ lạ chứ không chịu khuất phục cho dù phải bỏ đời đi tu.

3. Chùa là đền thờ đa thần, không chỉ thờ Phật mà cả Ngọc Hoàng Thượng Đế đến các vị thánh và thần linh khác nhau. Đây có thể nói là nơi tiêu biểu cho tín ngưỡng có nhiều tồn tại lâu đời qua sự tương kính của dân tộc Việt nam.

? dựa vào đặc điểm này gần gũi hơn với hiện tình xã hội Việt nam, nhân quyền bị chà đạp, tự do tín ngưỡng bị đàn áp là vấn đề nhức đầu đang trực tiếp ngăn cản tiến trình dân chủ hoá của Việt nam một cách êm đẹp cũng như bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, giúp cho Hoa Kỳ đạt được mục tiêu ổn định chính trị, quân sự, kinh tế trong vùng và bảo vệ quyền lợi của họ một cách chắc chắn và lâu dài hơn. Rất có thể Hoa Kỳ đã có tính qua một điều mà rất ít ai nghĩ đến đó là cả hai nhà cầm quyền Trung quốc và Việt nam đều là cộng sản, cộng sản lấy chủ thuyết Duy Vật làm nền tức không trọng thần – không tin thần thánh tức vô thần. Nếu đã trọng thần thì không nên có cộng sản, và thông điệp RẤTcó thể nói rằng ông, một nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới, từ xa lặn lội đến đây để chiêm bái đủ cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến tự do tín ngưỡng của con người. Tín ngưỡng và tôn giáo có giá trị vượt thời gian, nơi chốn và dân tộc, đó là TỰ DO của cả nhân loại bỡi vậy, sự từ chối tự do tín ngưỡng và đàn áp tôn giáo cần phải giải quyết dứt khoát vì không thể nào kéo dãi mãi mãi được. Và đây là lúc nhà cầm quyền cộng sản nên bắt đầu thức tỉnh bỡi sự xung đột giữa nhà cầm quyền và dân chúng vì những đòi hỏi chính đáng về quyền con người sẽ không bao giờ chấm dứt như họ tưởng là họ có thể. Khác với thể chế cộng sản, tín ngưỡng là tự do vĩnh viễn bất khả diệt dù ở đâu và thời điểm nào! Một trong hai, chỉ có cộng sản với chủ thuyết vô thần phải thối lui, nhường bước mà thôi!

Những nhận định trên đây tuy dựa trên sự kiện như chính sự kiện và những đặc điểm bao quanh sau trước nhưng không khẳng định là hoàn toàn chân xác bỡi chỉ có Chính phủ Hoa Kỳ mới là nơi giữ bản chính thông điệp quan trọng qua chuyến đi này.

? Có nhận định đã nghe qua:

Nhân đây, xin nêu một nhận định có vẻ cả quyết đáng chú ý của tác giả Thích Thanh Thắng. Trước hết để tỏ lòng kính Tăng trọng đạo, xin kính xá quí Sư để được phép tìm hiểu thấu đáo hơn về thông điệp qua bài viết ““Tại Sao Tổng Thống Obama Chọn Chùa Ngọc Hoàng Của Lưu Dân Người Hoa Để Ghé Thăm”.

? Tác giả chỉ dựa vào một khía cạnh đơn thuần người Hoa lưu vong ở Việt nam để cho rằng đây là thông điệp của Tổng Thống Obama: (xin trích nguyên văn) “Người Việt có thể bao dung với những người Hoa vong quốc cũng như người Mỹ có thể bao dung những người Việt (VNCH) vong quốc. Người Việt dung được người Hoa mà lại không dung được người Việt với nhau ư?” Đây là một thông điệp chính trị đa chiều và thâm thuý mà Tổng thống Obam tinh tế, muốn nhấn mạnh thêm sự bao dung “người yêu người” như lời ông phát biểu ở Hà Nội, hơn là những khoảng cách chia rẽ của quốc gia biên giới lãnh thổ. (hết trích). Ngoại trừ trường hợp Tổng Thống phát biểu như trên bằng không thì chưa chắc vấn đề riêng của Việt nam được xem là nòng cốt trong nghị trình của Hoa Kỳ và e rằng tác giả đã gửi thông điệp riêng của mình bỡi thứ nhất, thu nhận người tị nạn là chính sách chung của chính phủ Hoa Kỳ tùy điều kiện, hoàn cảnh chính trị của cá nhân và việc nhận quân, cán chính VNCH và dân Việt nam tị nạn cộng sản hàng loạt không đơn thuần như việc người Hoa di cư sang Việt nam thời ấy cho nên nếu lấy đó gọi là sự bao dung không thôi làm nền tảng để so sánh và khẳng định rằng đó là thông điệp của Tổng Thống thì e rằng không ổn chút nào. Thứ hai, nếu không võ đoán thì cũng khiến người ta mơ hồ ngộ nhận khi nói “… người Việt không dung được người Việt với nhau ư?” vì không rõ lằn ranh DUNG ở đây là dung như thế nào? Ai làm chủ hành động dung và ai được dung? Người Việt quốc nội và ngoại quốc dung với nhau hay là nhà cầm quyền cộng sản lại làm chủ việc dung người Việt có quốc tịch nước ngoài vì tiếp tục cho rằng họ sai lầm? Hoặc người Việt không cộng sản ở nước ngoài dung nhà cầm quyền đảng cộng sản? Xin thưa rằng SỰ THẬT người Việt trong và ngoài nước xưa nay không hề có chuyện phân rẽ kỳ thị hay chiến tranh dân sự mặc dù cộng sản không ngừng tuyên truyền nhằm phân hoá khiến người trong nước khinh miệt người chạy ra nước ngoài là bọn ngụy, mê thèm bơ sữa hay thù địch. Điều này người Việt tự do được hưởng nền giáo dục có đầy tính nhân bản, có tình yêu và lương tri trong sáng, không bị ràng buộc, chỉ thị bỡi chủ thuyết nào nên từ lâu họ đã bỏ qua, không quan tâm tới. Vậy thì có gì gọi rằng DUNG hay HOÀ HỢP, HOÀ GIẢI giữa người Việt với người Việt ở hai nơi? Cả dân tộc Việt nam đang đòi lại một cuộc sống tự do, một thế chế dân chủ thật sự, nhân quyền được tôn trọng trong đó có cả quyền tự do tín ngưỡng bỡi đó là những gì họ đã bị tước mất hơn nửa thế kỷ qua dưới sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản. Còn nếu nói người Việt tị nạn cộng sản ở nước ngoài nên dung nhà cầm quyền cộng sản, nghĩa là đừng đá động gì đến họ, cứ để họ tiếp tục làm cho đất nước và dân tộc sớm đến ngày diệt vong? Xin thưa DUNG hay không và dung như thế nào nên hỏi người dân đang trực tiếp chịu sự cai trị của nhà cầm quyền trong nước; điều này không dính dáng gì với Hoa Kỳ; còn người Việt nước ngoài chỉ mong đất nước thoát khỏi lạch hậu lầm than và mau mau phát triển, người dân được hưởng tự do dân chủ và nhân quyền - quyền tạo hóa cho con người như những gì mình và dân tộc văn minh trên thế giới đang có; cũng là con người tại sao họ lại phải chịu cảnh mất mát bất công như thế! Điều này không cần đi tu cũng thấy không có gì là bất thiện cả! Phải chăng nhân cơ hội này, tác giả THAY Tổng Thống Hoa Kỳ gửi thông điệp của mình bảo rằng “Những người đã lìa quê hương, mồ mã tổ tiên, may ra sống sót trên đường tìm đời sống tự do và đã thành công ở xứ người hãy về đây và nhà cầm quyền cộng sản sẽ mở vòng tay ra bao dung?” Tác giả còn có ý bảo rằng Tổng Thống nhấn mạnh “người yêu người” như lời ông phát biểu ở Hà nội, hơn là khoảng cách chia rẽ của quốc gia, biên giới, lãnh thổ” trong khi đất nước Việt nam như trong dầu sôi lửa bỏng sợ e không còn tên trên bản đồ. Lẽ nào Hoa Kỳ lại mâu thuẫn như thế, một mặt tuyên bố bán vũ khí sát thương, mặt khác lại bảo hãy yêu người mà buông bỏ hết những đấu tranh giữ gìn biên cương lãnh thổ? Như thế chẳng khác nào nói rằng vũ khí ấy là đồ chơi bằng nhựa? Phải chăng tác giả đã quên, trong lời phát biểu của Tổng Thống có một số chi tiếc rất độc đáo làm nền tảng: thứ nhất là bài thơ của Lý Thường Kiệt khẳng định biên giới, chủ quyền bất khả xâm của Việt nam: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…” mà người yêu nước Việt nam ai cũng biết; và thứ hai để giữ gìn bờ cõi có lời kêu gọi đoàn kết qua mấy chữ “nối vòng lớn” mượn trong bài nhạc của Trịnh Công Sơn và hãy tin tưởng ở Hoa Kỳ khi được mở cấm vận qua câu thơ Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Dân tộc Việt nam đã quá đau thương, đất nước đang điêu linh, điều mà chúng ta cần để cứu nguy là SỰ THẬT, kẻ có tội thì nên mau sám hối, và người chưa làm nên tội thì hãy dừng! Có nên như thế không? Và sau cùng, câu trả lời xác đáng mọi bề xin để dành cho qúi đọc giả…

Cũng với tình yêu, thành thật xin lỗi nếu đã làm phật lòng tác giả. Xin chân thành kính bái!

Tóm lại, dân tộc Việt nam trải qua hơn bốn nghìn năm văn hiến. Chỉ có một phần ở miền Nam may mắn được hưởng tự do làm người vài mươi năm ngắn ngủi trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Và rồi sau đó những sai lầm, cuồng tín, ngộ nhận đã biến cả dân tộc cùng chung số phận mất cả những thứ thuộc về mình trong khi các dân tộc trên thế giới đua nhau tiếp nhận, khai mở nền tự do dân chủ và hưởng đầy đủ quyền tạo hoá cho con người vượt xa thú vật. Dân miền nam phải bỏ hơn 40 năm đi vòng để rồi trở về điểm đấu tiên, chỉ để được đón mừng người Tổng Thống Hoa Kỳ, chỉ như đón một luồn gió nhẹ có mùi hương dân chủ tự do y như những gì mà họ đã mất. Từ sau khi chấm dứt phong kiến đến nay hơn 70 năm người dân miền bắc mới thấy được người lãnh đạo nước tự do gần gũi chân tình, cỡi mở với dân chúng, khác với cán bộ cầm quyền cộng sản như thế nào. Trong mấy ngày ngắn ngủi, trong một thời điểm đặc biệt quan hệ tay ba Việt - Mỹ - Trung khó bề định vị, ma ma phật phật khó lường, Tổng Thống Hoa Kỳ ngoài việc tuyên bố bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương như nhà cầm quyền Việt nam mong đợi, đặc biệt chuyến đi còn đã để lại những ấn tượng sâu sắc về cái đẹp của tự do dân chủ đối với ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc của con người hoàn toàn khác với thiên đàng mà cộng sản hứa hẹn, nhất là trong lúc lòng dân đang chán ngán chính trị cộng sản và khao khát tự do, nhân quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tất cả những sự kiện xảy ra từ mẫu người tiêu biểu đến cách xử thế tiếp vật trong chuyến đi đều nói lên sự tương phản rất rõ nét về bản chất giữa hai thể chế tự do dân chủ và cộng sản XHCN. Bánh xe lịch sử tiếp tục lăn và đây có thể là bắt đầu của những thay đổi có lợi cho dân tộc Việt nam mà nhà cầm quyền cộng sản sẽ không thể nào chống chế hay ngăn chặn được…

Vĩnh Tường

https://vietbao.com/a253779/truoc-sau-chuyen-di-vn-cua-tong-thong-hoa-ky 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire