dimanche 19 juin 2016

Tạp bút của Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thuỷ

https://donghuongkontum.files.wordpress.com/2016/06/pho.jpg?w=526&h=852Nhân chuyện “đồng chí Ô Bá Mà ” viếng thăm VN vừa qua
Đọc
Về cuộc viếng thăm của hai tên TT ,sen đầm quốc tế Bút (George W Bush)và Biu(Bill Clinton)

Trong một bài Viết ở Rừng Phong mới đây tôi kể chuyện trong chuyến ghé Sài Gòn năm 2007, Tổng Thống Bush và bà vợ đến ăn cơm tối trong Tiệm Cơm của cô em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi ông Tổng Mỹ ra về, cô chủ tiệm họ Trịnh ôm ông ta. Lẽ ra Cô Chủ Tiệm phải ôm bà Bush, nhưng cô ta đã ôm ông Bush. Tôi tiếc đã không giữ tấm ảnh ấy nên không có ảnh đăng theo bài.


Vài hôm sau bài viết được đăng, một bạn đọc gửi cho tôi tấm ảnh “Um Hun Mít Ðọt”kèm theo mấy bài tường thuật đăng trên vài tờ báo ở Sài Gòn ngày ấy.  Mời quí vị xem ảnh và đọc qua rồi bỏ:
Trích báo Sài Gòn, bài tường thuật thứ nhất:
Cuộc viếng thăm Sài Gòn ngắn ngủi của Tổng thống Bush đã để lại dấu ấn bất ngờ thú vị cho một số người dân và luôn cả cho vị khách đặc biệt, ít ra về mặt ẩm thực.
Ông Bush và bà Laura đã không dùng cơm tối tại khách sạn nơi ông bà tạm trú, mà đến ăn cơm Việt tại một nhà hàng chuyên bán thức ăn Huế. Cùng đến ăn với ông bà Bush, có ông John Howard, Thủ tướng nước Úc và phu nhân.
Họ đã đến nhà hàng TIB, là quán ăn của Trịnh Công Sơn, ở đường Hai Bà Trưng, Quận Nhất Sài Gòn.
Nhân dịp này, chị Trịnh Vĩnh Tâm, em ruột cố nhạc sĩ họ Tṛinh, nay là chủ nhân nhà TIB  cho biết cảm tưởng của chị khi Ông Vua nước Hoa Kỳ và Hoàng hậu Laura cùng với Tể tướng nước Úc và phu nhân, cùng đến tiệm ăn của chị để ăn các món Huế.
Chị Tâm cho biết ông bà Bush đã biết về thức ăn Việt Nam nên ông đã chọn món chả giò và càng cua bách hoa, chủ quán giới thiệu món gỏi mít và món súp hạt sen trình bày trong một trái dừa. Chị Tâm cho biết các thực khách đều dùng đũa chứ không dùng dao và nĩa.
Chị cho biết món đầu tiên họ ăn là món càng cua, và món thứ nhì là món chả giò. Khi bà Laura vừa nhai xong miếng chả giò đầu tiên, bà quay sang nhân viên phục vụ, tỏ dấu hiệu rất dễ thương để tán thưởng và nói :
Wonderful,”
Sau bữa ăn, tùy viên của Tổng thống Bush đã xin tờ thực đơn của nhà hàng TIB để đem về Tòa Bạch Ốc.
Về thức uống, bốn vị thực khách đặc biệt này dùng nước suối và một chai rượu Chablis của Pháp. Ông Bush có dùng thêm một chai bia do nhân viên an ninh Mỹ đem đến cho ông.
Chị Tâm cho biết chị sẽ trưng bày ở quán của chi chai bia này.
Tổng thống Bush đã hoàn toàn chinh phục được cảm tình của các khách ăn khác của quán TIB đêm hôm đó, khi ông đi từng bàn để bắt tay và hỏi han họ, đồng thời cũng để cho họ chụp hình kỷ niệm.
Thực đơn của Tiệm TIB:
  • Càng cua bách hoa
  • Chả giò
  • Gỏi mít
  • Súp hạt sen
Ðây là bài tường thuật thứ hai của Lê Thanh Phong, phóng viên Ðài BBC:
Sau khi Tổng thống Mỹ G. Bush cùng Thủ tướng Úc John Howard đến ăn tối ở nhà hàng TIB, phóng viên của BBC gọi điện phỏng vấn chị Trịnh Vĩnh Tâm, chủ nhà hàng, với câu hỏi thứ nhất:
“Bà có hạnh phúc không?”
Chị Tâm trả lời  rất thật:
“Tôi không biết phải nói sao nữa.”
Chị nói với tôi rằng, đến lúc này chị vẫn chưa nguôi xúc động  về những ông bà khách ấy.
9 giờ sáng ngày 19.11.2007, chị Trịnh Vĩnh Tâm – chủ nhà hàng TIB – đang ở nghĩa trang thăm mộ ông anh  là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì được người nhà đến báo có nhân viên an ninh đến “thăm” nhà hàng. Trở về tiệm TIB, chị được nhân viên an ninh yêu cầu nộp lý lịch và chứng minh nhân dân của tất cả nhân viên nhà hàng. Tiếp theo là một lệnh: từ trưa cho đến tối hôm ấy tiệm không được nhận khách ăn. Không may cho chị Tâm, chị có hẹn mời mười mấy người khách quen đến ăn cơm tối. Chị phải gọi điện xin lỗi các bạn. Chị hỏi mấy anh an ninh cho biết khách tới là ai nhưng các anh không nói.
https://donghuongkontum.files.wordpress.com/2016/06/bushtriet.jpg?w=707&h=448
Sau 12 giờ trưa, chị Tâm thấy nhiều người Mỹ và người Australia vào tiệm, chị đoán họ là nhân viên an ninh Mỹ, Úc. Các ông bự con này có máy liên lạc điện thoại với cái ống nghe, ống nói nhỏ síu gắn trên cổ áo, trong vành tai. Họ liên lạc với ai đó, chị nghe được và biết họ là nhân viên của Nhà Trắng Mỹ. Họ đặt một phòng ăn cho 4 người. Chị Tâm cho người đi mua quà để tặng khách quý. Quà tặng khách không đượv để trong hộp hay gói trước.
Ðến 6 giờ chiều, nhà hàng mới biết có vợ chồng Tổng thống Mỹ và vợ chồng Thủ tướng Australia đến ăn tối. Nhân viên an ninh Mỹ cho biết  ông Bush muốn ăn ở một quán ăn Sài Gòn bình thường, không cần sắp đặt, và ông muốn có nhiều thực khách  trong nhà hàng. Thế là chị Tâm lại vội vàng gọi điện cho một số bạn đến để được ăn cơm cùng Tổng thống Mỹ, tuy không được ngồi chung bàn.
8 giờ tối, ông Bush và phu nhân đi thẳng từ phi trường Tân Sơn Nhất đến nhà hàng TIB. Ông vui vẻ bắt tay hỏi thăm mọi người, sau đó ông bà vào phòng ăn riêng. Ông Bush xem thực đơn và gọi hai món: chả giò và càng cua bách hoa. Ông đề nghị nhà hàng chọn giúp thêm món ăn cho ông.
Chị Tâm không có nhiều thì giờ để suy nghĩ, chị chọn món gỏi mít, súp hạt sen trong trái dừa (súp Tib), bánh lá chả tôm và món tráng miệng là chè hạt sen bọc nhãn. Ông Bush có đem theo loại nước uống riêng. Khi người nhà bếp làm món ăn, nhân viên an ninh Nhà Trắng đứng ngay trong bếp theo dõi và kiểm tra từng món.
9 giờ, ông Bush ra khỏi phòng ăn, đi đến từng bàn hỏi thăm mọi người. Ông và phu nhân tỏ ra rất thân thiện. Tại một bàn có nhiều thanh niên Việt kiều, ông hỏi họ về Việt Nam để làm gì và họ sống có vui không. Họ trả lời họ về Việt Nam làm việc. Ông Bush nói:
“Nếu tôi bằng tuổi các bạn, tôi cũng về đây.”
Thấy ông vui vẻ, mọi người đến vây quanh ông để chụp ảnh, ai cũng muốn gần ông hơn để có được tấm ảnh kỷ niệm.
Chị Tâm tâm sự, sau khi khách đi rồi, tối đó chị không ngủ được, chị cứ ngơ ngẩn như vừa qua một giấc mơ đầy cảm xúc. (!!)
Người viết Lê Thanh Phong
Ðây là bài tường thuật thứ ba của người ký tên là Lê Chân Nhân:
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – chủ Hàng Ăn Trịnh là em ruột  bà Trịnh Vĩnh Tâm, chủ Hàng Ăn TIB, Ca sĩ Trinh tham gia việc phục vụ bữa ăn tối vợ chồng Tổng thống Mỹ G. Bush và vợ chồng Thủ tướng Australia John Howard – bà Trinh nói:
“Hôm ấy chị Tâm gọi điện bảo tôi đến nhà hàng TIB ngay, có chuyện quan trọng. Tôi đến cùng lo công việc với chị Tâm. Mọi người trong tiệm bị mất thoải mái vì nhân viên an ninh của Việt Nam và nhân viên an ninh Mỹ, Úc kiểm tra quá gắt. Tôi thấy họ đưa đến tiệm TIB cả mấy con chó nghiệp vụ và  chuyên viên kiểm tra thực phẩm. Nhân viên an ninh ra lệnh cho nhà hàng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”làm cho mọi người bị áp lực nặng, chúng tôi bị căng thẳng thần kinh quá đỗi.
“Khi Thủ tướng Australia đến, mọi người trong tiệm đứng lên chào và vỗ tay, cảnh trợng nhà hàng lúc đó thật vui, mọi người đều thoải mái. Ông Thủ tướng đến bàn của một đám thanh thiếu niên, bắt tay nói chuyện, các anh em xúm xít quanh ông. Nhưng đáng tiếc là ngay sau đó nhân viên  an ninh Mỹ ra lệnh khi Tổng thống Bush đến không ai được phép đứng lên cũng không ai được phép vỗ tay. Tất cả phải ngồi yên tại chỗ.
“Tôi nghĩ vì lý do an ninh, nhân viên an ninh Mỹ  không muốn có tiếng vỗ tay ồn ào, khó kiểm soát những tiếng động khác. Lúc vợ chồng ông Bush vào tiệm , ông tươi cười bước đến phía bàn của các khách ăn trẻ tuổi và tỏ ra rất tự nhiên, vui vẻ. Nhưng đám khách trẻ vì bị nhân viên an ninh Mỹ dặn trước nên tất cả ngồi yên, không chào, không nhúc nhích, không vỗ tay. Ông Bush hơi bị khựng lại một chút rồi ông bước đi. Tôi rất buồn và thấy tội nghiệp cho số thanh thiếu niên Việt có mặt trong nhà hàng lúc ấy. Các thanh niên vì bị bắt buộc, đã tỏ ra không thân thiện với ông Bush. Không biết ông Bush có hiểu cho họ  không?”
Tôi hỏi:
“Vì sao các chị chọn cho ông Bush những món ăn đó??
Chị Trinh trả lời:
“Chúng tôi suy tính, phải giới thiệu món ăn lạ và đặc biệt của dân tộc mình, của Huế. Họ có thể ăn nhiều món cao lương mỹ vị nhưng chắc chắn họ chưa ăn món gỏi mít, súp hạt sen, bánh lá chả tôm. Những món này rất riêng của Huế, hương vị đậm đà. Dễ nhớ và nhớ lâu.”
“Xin cho biết việc ông Bush đến ăn ở nhà hàng TIB có liên quan gì đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hay chỉ là sự tình cờ?”
Chị Trinh trả lời:
“Tôi nghĩ không liên quan gì đến anh Sơn mà cũng không phải tình cờ. Theo chị Tâm nhớ lại, mấy tháng nay, có một số nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ đến ăn ở đây. Trong đó có vài người Mỹ dường như mới đến Sài Gòn lần đầu. Sau đó nhớ lại chúng tôi mới biết họ là nhân viên an ninh của Nhà Trắng đến Sài Gòn và đến TIB trước để xem xét và chuẩn bị bữa ăn cho Tổng thống của họ. Có thể họ đã đến nhiều nhà hàng ở Sài Gòn. Việc TIB lọt vào mắt của những người tuyển chọn có thể vì nhà hàng có nhiều món ăn thuần tuý Việt Nam, nhà hàng bài trí theo phong cách Việt Nam.”
Người viết Lê Chân Nhân
CTHÐ: Trong hai bài tường thuật trên có hai sự kiên khác nhau: Bài 1 kể TT. Bush đi đến mấy bàn khách ăn người Việt, bắt tay, nói chuyện, cho chụp ảnh. Bài 2 kể nhân viên an ninh Mỹ ra lệnh cho đám khách Việt: Khi TT Mỹ đến không được đứng lêm không được vỗ tay, phải ngồi yên chỗ. Vì vậy, khi TT Bush đi đến bàn, đám khách Việt ngồi ngay đơ như phỗng đất. Thấy mọi người lạnh nhạt với mình. TT Bush sượng ngắc, quay vào phòng ăn riêng.
Tình trạng ông TT Bush đến ăn ở một hàng ăn Sài Gòn mà nhân viên an ninh Mỹ làm những việc bảo vệ ông quá chặt làm tôi nhớ lại chuyện ông TT Clinton đến Hà Nội, Sài Gòn năm 2000.
 
 
TT Clinton là ông Tổng Thống Mỹ thứ nhất đến Việt Nam sau Tháng Tư 1975. Khác hẳn TT Bush, TT Clinton, sau mấy ngày ở Hà Nội, cùng bà vợ và cô con vào Sài Gòn. Buổi sáng ông bà và cô Chelsea  từ Khách Sạn ở đường Lê Lai đi bộ đến chợ Bến Thành, vào ăn phở ở hàng Phở 2000, rồi ông bà và cô con đến ăn cơm Việt Nam ở Nhà Hàng Phố Xưa của cô Như Loan, người là diễn viên điện ảnh từng đóng vai chính trong phim “Ðời Chưa Trang Ðiểm.” Phim làm theo tiểu thuyết cùng tên của Nhà Văn Văn Quang. Nữ diễn viên Như Loan chạy được sang Mỹ trước Ngày 30 Tháng Tư 1975; năm  1995 cô trở về Sài Gòn mở hàng ăn Phố Xưa. TT Clinton ung dung đi chơi trong phố. Tất nhiên ông cũng có nhân viên an ninh Mỹ theo bảo vệ nhưng không chặt và quan trọng quá đáng như TT. Bush.
Tháng Bẩy 2007, tôi – CTHÐ – đã có bài Viết ở Rừng Phong về cuộc đến Sài Gòn của TT. Bush.
Viết ở Rừng Phong. Trích:
Nhật báo The Washington Post, Ngày 23 Tháng Bẩy, 2007:
Thượng Nghị sĩ Henri M. Reid, Democrat, Nevada, Trưởng Khối Ða Số Thượng Viện Mỹ, nói:
When I have dealings with people, and they tell me one thing and do something else, they’re not telling the truth. What else do you have to call them?”
Thượng Nghị sĩ Reid nói câu trên trong cuộc phỏng vấn ông do Thông Tấn CBS thực hiện, TNS Reid gọi Tổng Thống Bush là “liar: kẻ nói láo.” Có nghị sĩ đồng viện đề nghị ông rút lời kết tội ấy lại, Tns Reid không chịu. Ông nói:
Khi tôi phải giao tiếp với những kẻ nói thế này mà làm thế khác, họ không nói thật. Ta phải gọi họ bằng cái tên gì?”
TNS Reid vẫn gọi Tổng Thống Bush là “liar: kẻ nói láo.”
Ngưng trích The Washington Post.
Nữ Chủ Hàng Ăn TIB ôm ông khách Mỹ:”Chả giò lộn, mít đọt thiu. Um nhau thắm thít ra chìu lả lơi.”
CTHàÐông: Ở Hà Nội, TT Bush đến đứng dưới Tượng Hồ chí Minh, ông ca ngợi những thành quả kinh tế của Việt Nam, ông tỉnh queo, ông không nói nửa lời về tình trạng Nhân Quyền tàn tệ ở Việt Nam, về chuyện bọn Cộng Ðầu Xỏ Ðàn Áp, Bắt Tù những Người Việt Tranh Ðấu Ôn Hòa cho Dân Quyền. Họp APEC xong ở Hà Nội, TT Bush bay vào Sài Gòn. Ông cũng không làm gì cả ở thành phố một thời là Thủ Ðô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, thành phố từng có Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ lớn nhất Ðông Nam Á, thành phố từng nhuốm máu những chiến binh Mỹ. Ông vừa bay đi khỏi Sài Gòn, bọn Ðầu Xỏ VC Triết, Dũng lập tức xuống tay “đánh” những người Việt tranh đấu cho Dân Quyền.
Chúng đánh thẳng tay, đánh không khoan nhượng, đánh không nể ngại, đánh ngạo ngược, đánh hung hăng con bọ xít, đánh cho dân Việt và nhân dân thế giới thấy chúng có toàn quyền muốn làm gì thì làm, chúng đàn áp dân mà chúng không chút e ngại hay nể sợ dư luận quốc tế – hình ảnh Thô Bạo nhất trong lịch sử Cộng Sản đàn áp Người Dân là cảnh tên Công An Việt Cộng dùng bàn tay nhớp nhúa bịt miệng Người Tù Nguyễn Văn Lý khi ông tù này bị chúng đưa ra tòa ở Huế chỉ vài ngày sau khi Hội Nghi APEC họp xong. Rõ hơn: Vài ngày sau khi ông TT Bush bay về Mỹ.
Một Sở Thông Tấn Tây Âu có nhân viên ở Sài Gòn, mở cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ về việc TT Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Hòa Thượng Quảng Ðộ nói ngay:
– Ông Bush nói một đằng, làm một nẻo. Ông Bush đã phản bội chúng tôi.”
Chó Mỹ đếm Tiệm Ăn TIB.
Làm chính trị là phải có “phản ứng nhanh, sắc, đúng” như Hòa Thượng Quảng Ðộ. Việc TT. Bush, PTT Cheney, sau khi bọn Cộng Việt phóng tay đàn áp tàn nhẫn các nhà Dân Chủ Việt Nam, mời một số nhân vật Việt Nam tranh đấu cho Nhân Quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ, đến Nhà Trắng, trong cuộc nói chuyên tầm phơ, tầm phất có câu TT Bush hỏi:
– Các ông muốn chúng tôi làm gì?
Hỏi thế rồi thôi, không hứa hẹn cũng không làm gì cả, tôi cho đó là trò vuốt đuôi nhạt nhẽo, trơ trẽn.
Nếu tôi được ông Tổng Bush hỏi:
– Ông muốn chúng tôi làm gì để giúp đồng bào ông?
Tôi sẽ trả lời:
– Tổng Thống còn phải hỏi tôi câu ấy ư? Trước khi ông đến Hà Nội, chúng tôi đã nhiều lần thưa với ông chúng tôi mong ông làm những gì ở nước chúng tôi. Chúng tôi thật không mong ông làm nhiều, chỉ mong khi ông đến Hà Nội, Sài Gòn, nếu ông không mời một vài nhà tranh đấu cho Nhân Quyền, Dân Chủ, Tự Do nào của chúng tôi đến gặp ông, nếu ông không đến gặp các ông ấy, xin ông nói đến họ, ông nói cho vài câu thôi. Chúng tôi mong nếu ông không làm việc ấy, bà Ngoại Trưởng Rice sẽ làm. 
Nói như thế là hờn dzỗi. Mần chính trị mà hờn dzỗi thì chỉ vỡ mặt. Vì hay hờn dzỗi nên tôi không thể mần chính trị. Nhưng, nếu được hỏi và phải trả lời, tôi sẽ nói theo lời Hòa Thượng Quảng Ðộ:
– Ông nói một đằng, ông làm một nẻo. Ông đã phản bội chúng tôi.
Chuyện tôi thấy kỳ cục, nếu không gọi là nham nhở, là việc ông Tổng Mỹ Bush đến Việt Nam mà không nói nửa câu về tình trạng nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam, về tình trạng bị bắt giam, cô lập, vu cáo  của những người Việt bất đồng chính kiến với người cầm quyền, rồi ngay sau khi họ đàn áp những người Việt bất đồng chính kiến làm người thế giới phẫn nộ, TT Bush đến Hội Nghị Prague, lên diễn đàn khoe thành tích giúp thành lập những thể chế Dân Chủ trên thế giới, không chút ngượng mồm, ông tự nhân ông là “Tổng Thống của Những Người Bất Ðồng Chính Kiến.” I am The President of The Dissidents.”
Ngày tháng ấy năm 2007, TT Bush đang rối trí vì chiến tranh Irak, ông còn tinh thần đâu mà lo đến tình trạng Nhân Quyền Rách Hơn Cái Váy Nát của Bà Cả Ðọi Việt Nam, bíết thế nhưng tôi vẫn phải viết sự thật về ông:
– TT Bush nói một đằng, làm một nẻo!
Và tôi nói riêng với ông TT Bush:
“Ông làm tôi đau lắm!”
o O o
Quí vị vừa đọc một đoạn trong một bài Viết ở Rừng Phong Tháng Bẩy năm 2007.
Chuyện tưởng như xẩy ra hôm qua, nhưng dzậïy mà đã qua hơn 3 năm. Hôm nay, một ngày Tháng Hai năm 2011, tôi viết thêm:
“Tháng Bẩy năm 2007, trước khi TT Bush đến Việt Nam, công đồng người Việt ở Mỹ có đăng một Thư Ngỏ – Open Letter – gửi TT Bush trên Nhật báo The Washington Post.Nghe nói giá tiền trang báo ấy là 50.000 đô-la Mỹ. Thư Ngỏ xin ông Tổng Mỹ đến Việt Nam nói vài lời đến tình trạng Nhân Quyền tàn tệ ở Việt Nam,
Tiền mất toi, Lời Xin vô ích. Ông Tổng Bush dường như không đoc Open Letter của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Ông Bush về Mỹ, nhà nước VN đàn áp dân Việt nặng hơn. Nhưng ngày tháng ấy không một ông người Việt làm chính trị nào, ở nước ngoài như ở trong nước, nói, dám nói một câu trách oán hay than thở.
Chỉ có một mình Hoà Thương Quảng Ðộ nói:
“Ông Bush nói một đằng, làm một nẻo.”
“Ông Bush đã phản bội chúng tôi.”
o O o
Thứ “Gỏi Mít” Tiệm Cơm TIB cho TT. Mỹ ăn là thứ gỏi làm bằng “Ðọt Mít” – hay “Mít Ðọt” – là thứ mít lấy từ trái mít non, chưa thành múi Mít. Tăng ni ở Thưà Thiên thường dùng đọt mít đem kho để ăn.
Chó nghiệp vụ” là thứ chó chuyên viên có biệt tài ngửi mà tìm ra ma túy, thuốc nổ. Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội chắc không nuôi sẵn loại chó nghiệp vụ này. Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn lại càng không nuôi sẵn thứ chó đó. Chó Mỹ đếm Tiệm TIB chắc phải là một cặp chó, đến Việt Nam từ Hoa Kỳ trên phi cơ Air Force One.
Người thứ nhất đọc bài Viết ở  Rừng Phong của tôi là anh Hoàng Hải Cải Lương. Ðọc xong bài này, anh hỏi tôi:
“Ông Tổng Mỹ đến tiệm cơm Việt ăn cơm, ông cho chó bẹc-dzê Mỹ đến tiệm cơm làm chi?”
Thấy anh hỏi ngớ ngẩn, chán quá, tôi trả lời:
“Cho chó đến ngửi .. ..chị em họ Trịnh chứ còn làm gì nữa!”
Người viết Phạm (Chợ Lớn), September 15, 2010:
Tôi không đọc hết những gì ông HHT viết. Nhưng có đọc bài ông tôi cũng không rỏ một giọt nước mắt nào. Nước mắt tôi chẩy vào tim tôi. Bởi đó là một trong muôn triệu giọt nước mắt, dù không chẩy ra,  trong biển khổ trầm luân của người Việt.
Tôi vốn người Việt gốc Trois bâteaux – nhưng tôi hãnh diện  tôi là người Việt gốc Hoa. Tôi đã từng một thời là người lính chiến  của Quân Lực VNCH.
Tôi góp vô đây một truyện thật ngắn. Truyện thật ngắn nhưng có hậu của tôi như sau :
Tôi là học sinh trường Nam Trung học Vỏ Trứng Thối (VTT), trường rất gần với trường Nữ Trung học Trứng Vịt (TV), hai trường cùng ở trên một con đường đầy thơ mộng của thành phố Sài Gòn, đuờng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tôi yêu nàng từ khi tôi học lớp đệ nhị,  nàng học lớp đệ tứ Trường TVù. Một tình yêu âm thầm và đơn phương, nhẹ nhàng mà sâu kín, cô đơn và lãng mạn. Một thứ tình câm lặng. Từ lúc yêu nàng,  tôi biết yêu thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Sa v.v … Và nhất là thơ của Vũ Thành “Buồn mắt tím”:
Ðôi guốc tím với hàng gạch tím.
Từ dạo trót yêu em thầm kín,
Nên hay buồn toàn những chuyện không đâu,
Em thoáng quay đi cũng đủ để anh sầu,
Em không khóc như hồi  thơ ấu nữa.
Một buổi chiều mình đi dạo phố,
Họ thì thầm xinh đến thế thì thôi.
Và họ nhìn em xanh biếc một trời.
Mắt thiên nga trời ơi … em đẹp nhất !
Thi xong Tú tài II. Tôi nhất quyết, và lấy hết can đảm, nói lời yêu thương với nàng … Tôi được đáp trả bằng nụ cười từ chối tuy hiền dịu nhưng làm tôi đau đớn.
Thất tình, tôi đăng Lính – Khóa 23 Thủ Ðức. Rồi chiến trận làm tôi bị thương mấy lần. Tôi là lính bị thương được về nghỉ phép ở thành phố, tôi gặp Nàng, Nàng ngoảnh mặt làm ngơ. Không một ánh mắt sót xa, thương hại. Tôi biết tại sao.
Chỉ bởi vì tôi nói tiếng Việt không được sõi. Bởi vì tôi là người Việt gốc Hoa.
1982 tôi đi tù khổ sai về, tình cờ tôi gặp nàng trên phố cũ … Nàng bồng một em bé khoảng 2 tuổi. Dò hỏi, tôi được biết nàng đã có chồng nhưng nàng mới ly dị chồng vì chồng nàng là thằng “Ba Chục Tháng Tư.”
Sợi dây tình do Ông Tơ, Bà Nguyệt đã giăng  đã buộc, nay đến hồi kết. Một là duyên. Hai thời là phận. Sợi xích thằng ai gỡ cho ra. Tôi ngỏ lời yêu nàng lần thứ hai trong đời, lần này nàng không từ chối.
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, với những sinh kế muôn vàn khó khăn của cuộc đời mà bọn Cộng Nô đày đoạ nhân dân miền Nam, chúng tôi chung sống vợ chồng, chúng tôi yêu thương nhau.  Nay tôi và nàng có một con làm bác sĩ, một con  làm kỹ sư.
Nay tôi nói tiếng Việt  còn chút lơ lớ. Chỉ những ai tinh tế lắm nghe tiếng tôi nói mới nghi tôi là người Việt gốc Hoa. Hai đứa tôi vợ chồng tình ái bên nhau ở giữa  đám con cháu chúng tôi.
o O o
CTHàÐông: Chuyện Tình thật Ðẹp. Chỉ có một sự kiện thiếu trong truyện là Ông  Cựu Học sinh Trường Võ Trường Toản kiêm Ông Cựu  Sĩ Quan Phạm không viết cho biết ông có đưa bà đi HO sang Mỹ không? Ông bà và gia đình sống ở Mỹ hay vẫn sống ở Sài Gòn?
o O o
Pham (Cholon), January 13, 2011:
Trích: “CTHàÐông: Chuyện Tình thật Ðẹp. Chỉ có một sự kiện thiếu trong truyện là Ông Cựu Học sinh Trường Võ Trường Toản kiêm Ông Cựu Sĩ Quan Phạm không viết cho biết ông có đưa bà đi HO sang Mỹ không? Ông bà và gia đình sống ở Mỹ hay vẫn sống ở Sài Gòn?” – Ngưng trích.
Ôi chao ! Lão Công tử làm tôi cảm động khiến nước mắt của nhà tôi phải nhạt nhòa. Nàng trách yêu :
“Nị” hay ghê nha, dám nói xấu em há !”
Cám ơn ông, tôi chỉ muốn kể lại chuyện một gia đình trong nhiều gia đình của người Lính Chiến QLVNCH sau ngày “Ba Chục Thứ Tang.”
Thưa Lão Công tử, ngày xưa khi còn ở bậc Trung học đệ I cấp, lần đầu tiên tôi được 13/20 điểm cho bài Luận văn (lớp Ðệ Lục) – tôi ôm bài luận ấy về nhà đọc đi, đọc lại hoài mà thấy sung sướng vô hạn. Bởi trước đó những bài Luận văn của tôi chỉ được điểm 9/20,  cao nhất là đến 10/20.
Cảm giác ấy hôm nay còn mạnh gấp mấy lần hơn, khi được đôi mắt của Lão Công tử chuyển thành màu xanh khi đọc bài viết của tôi.
Cám ơn Lão Công tử có lòng trắc ẩn khi nhắc đến những thương phế binh hiện còn sống khắc khoải ở Việt Nam – trong đó có tôi.
Lại cám ơn Lão Công tử đã có lời hỏi thăm về gia đình tôi. Hiện nay toàn gia đình tôi sống ở Việt Nam – dẫu rất muốn ra đi. Nhưng chúng tôi nhất quyết không đi … đến Mỹ – Nếu có thể chúng tôi sẽ đến một nước nào đó, dù là đảo hoang. Nhưng nhất quyết nơi đó không liên quan gì đến Mỹ và không phải là xứ Mỹ.
Nên hiện nay chúng tôi lấy Sài Gòn làm gốc – tức làm chuẩn. Vợ chồng tôi và vợ chồng cháu trai thứ hai của chúng tôi (kỹ sư nông nghiệp) cùng lấy ruộng vườn làm kế sinh nhai, đồng thời để làm nơi lánh nạn cho toàn gia, phòng khi đất nước có biến.
Chúng tôi hận Mỹ vô cùng. Viết rõ: chúng tôi “hận sách lược của Mỹ.” Ðến tận bây giờ cũng vậy, người Mỹ chỉ  biết quyền lợi của họ. Tôi không tin cộng sản (tất nhiên) chỉ có một. Nhưng tôi hoàn toàn không tin bất cứ những gì Mỹ nói tới gấp 10 lần.
Tôi thù cộng sản chỉ có 1, nhưng tôi thù Mỹ tới trăm, tới ngàn lần hơn. Tôi thù Mỹ tới tận xương tủy và trong tim óc.
Tôi nghĩ chỉ những tay súng VNCH lâm trận ở những chiến trường khốc liệt nhất tại Việt Nam mới có, hay thông cảm, nỗi Hận Mỹ của tôi..
Tôi muốn viết một bài về Mùa Hè Ðỏ Lửa của miền Hỏa tuyến (Quảng Trị), tôi muốn lấy bài viết đó thay cho những nén nhang để thắp lên, và khóc lên tỏ lòng thương hận muôn ngàn người dân Việt đã ngã gục vì đạn thù của Việt Cộng, khi họ và gia đình họ trên đường tìm phương lánh xa bọn linh Cộng, năm  1972 trên  Ðại lộ Kinh Hoàng.
Tôi ước ao được viết về cái ngày mà ta thường gọi là “BA CHỤC THỨ TANG” để tạ tội với quốc gia và dân tộc.
Tôi xin chấm dứt thư này, kẻo sức sống cương cường trai trẻ của thời lính chiến trở lại với tôi, làm nỗi uất ức của tôi dâng lên. Tôi e rằng không cách chi kìm hãm được tốc độ và lộ trình của nó.
Tôi muốn nói, nói nhiều lắm. Xin bắt chước ý của ông Vạn Toàn một câu – đối với tôi là bất hủ :
“Tôi sẽ nói mãi, nói hoài về cái ngày mà đất nước tôi và dân tộc tôi bị gông cùm. Nói cho đến chết, nói bằng tất cả nước mắt và máu của tôi.”
Tôi kính gởi nơi đây câu nói tuyệt hay của người bạn chí thân của tôi – Cựu Ðại úy Quân Lực VNCH Hứa Doãn Khương, Ðại Uý Khương nói trước khi ông thở hơi cuối cùng:
“TÔI HÃNH DIỆN TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT GỐC HOA. TÔI MONG TẤT CẢ QUÝ VỊ ÐỪNG Ai VÀ ÐỪNG BAO GIỜ  LÀM NGƯỜI TẦU GỐC VIỆT.
“VÀ TRÊN HẾT, TÔI RẤT HÃNH DIỆN TÔI ÐÃ  LÀ MỘT CÔNG DÂN QUỐC GIA VNCH, MỘT NGƯỜI LÍNH CHIẾN CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.”
TB – Tôi xin nhấn mạnh. “Mỹ” ở đây mà tôi nói tới – tức là “sách lược của Mỹ.”Không phải là người Mỹ, dân tộc Mỹ, văn hóa Mỹ v.v
Hết thư của ông Phạm (Chợ Lớn.)
 Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thuỷ
 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire