dimanche 19 juin 2016

Người Việt Nhớ Ngày Quân Lực - Vi Anh

http://www.nguyenkhapnoi.com/files/2012/06/146.jpgQuân sử Việt Nam có thể ghi Ngày Quân Lực 19-6-1965 như ngày Quân Đội VNCH đứng ra chấp chánh. Đó là ngày chấm dứt cuộc tranh chấp có tính chánh trị phe phái của các nhân vật chánh trị thượng tầng sau cuộc đảo chánh chấm dứt đệ nhứt Cộng Hòa và bao lần đảo chánh, chỉnh lý bằng quân sự.

Nhưng người dân Việt bây giờ nhớ ngày Quân Lực khác hơn. Nhớ đó như ngày ghi ơn những thế hệ người Việt Nam đã gia nhập Quân Đội VNCH vì dân chiến đấu, vì nước hy sinh để bảo vệ xóm làng, bảo vệ tự do, dân chủ trước làn sóng xâm lăng của CS Bắc Việt, trong cuộc chiến tranh tự vệ, mà thế giới sử gọi là Chiến Tranh VN. Ơn đó lớn, nhớ nhiều nên Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ là tượng đài người Việt chung lưng đôi cật, góp công góp của dựng lên đầu tiên ở Thủ Đô Người Việt tỵ nạn, trước hơn các nơi có người Việt tỵ nạn CS định cư, trước hơn các tượng đài tưởng niệm thuyền nhân, danh nhân Việt trong Chiến Tranh VN, trên thế giới.

Kiểu nhớ ngày Quân Lực VNCH đó tuy bình dân, nhưng lâu dài hơn các kiểu nhớ khác. Văn học bình dân, dân gian, ca dao, tục ngữ nhiều người nhớ và nhớ lâu, nhiều hơn văn học Hán Nôm trong văn học sử VN. Quan chỉ nhứt thời, dân mới vạn đại. Kiểu nhớ khác với kiểu nhớ lịch sử giống như kiểu nhớ ngày President Day, Father Day, Mother Day của Mỹ. Chắc chắn không người Mỹ nào còn nhớ hết tên tuổi, nhiệm kỳ, việc làm của gần 50 tổng thống Mỹ. Như khi rời ghế nhà trường và thi xong môn lịch sử, đa số trả lại cho thầy. Giáo dục là những gì còn lại sau khi đã quên hết. Cái còn lại của môn lịch sử trong lòng người Mỹ cũng như Việt là nhớ ơn những người đã làm dân giàu, nước mạnh, tiếng tốt.

Nhờ kiểu nhớ bình dân đó, mà khi các đơn vị Quân Đội tan hàng sau 30-4-75 vì bị thế lực quốc tế bức tử, người quân nhân VNCH vẫn thấy mình chưa giải ngũ. Và suốt hơn 40 năm giã từ vũ khí, những cựu quân nhân VNCH bây giờ là những người sống và làm việc dân chính ở mọi ngành nghề trong ngoài nước, ít hay nhiều vẫn tiếp tục tranhh đấu cho chánh nghĩa tự do, dân chủ. Chánh nghĩa mà trước đây đã thúc đẩy những người ấy để một bên những ngày hoa mộng của tuổi trẻ, đi vào Quân Đội VNCH để chiến đấu. Còn người dân VNCH vẫn thấy quân dân VNCH như cá với nước. Người dân gọi là chạy giặc là chạy ra vùng quân đội VN Cộng Hoà, chủ lực quân, địa phương quân, nghĩa quân kiểm soát, gìn giữ an ninh cho đồng bào. Chớ không ai chạy vào bưng biền do CS tạm chiếm.

Có khoảng 400.000 quân nhân VNCH hy sinh cho Tổ Quốc VN trong chiến tranh. Nếu so với dân số Mỹ và số 2 triệu thương vong Mỹ trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc của Mỹ, tỷ lệ tổn thất của QLVNCH cao gấp đôi của Mỹ. Nếu không thực sự dũng cảm chiến đấu, thì không thể tổn thất lớn lao như vậy. Khi VN Cộng Hoà bị bức tử, số tướng tá tuẫn tiết chết theo thành để bảo toàn danh dự Quân đội VN Cộng Hoà, rất nhiều, làm dân chúng VN, quân đội đồng minh, Mỹ, Nam Hàn rất kính trọng. CS Bắc Việt đã đày những quân nhân VNCH đi tù biệt xứ, lao động khổ sai, tra tấn tinh thần bằng nhiều hình thức, những quân nhân VNCH thà chết chớ không phản bội chánh nghĩa Quốc Gia. Đến đỗi Mỹ hối hận, phải “trao đổi” mật với giá mắc để CSVN cho những chiến sĩ VN Cộng Hoà này đi tỵ nan chánh trị ở Mỹ.

Và suốt 41 năm tỵ nạn CS ở ngoại quốc, bất cứ lúc nào và nơi nào có cuộc đấu tranh chống CS của các cộng đồng và đoàn thể người gốc Việt, là có bóng dáng người quân nhân VNCH. Màu cờ sắc áo của các quân binh chủng VNCH làm người Việt Hải Ngoại cảm thấy những cựu quân nhân ấy là người của mình, thấy được bảo vệ an ninh trong các cuộc tập hợp đấu tranh. Hình ảnh đó cũng khiến cho thế hệ hậu duệ của quân dân cán chính VNCH dù sanh sau chiến tranh vẫn thông cảm vì sao cha anh mình tuổi già, sức yếu vẫn tiếp tục đấu tranh. Từ đó thế hệ thứ hai càng ngày càng kề vai lãnh trách nhiệm bớt hay thay thế cho những người đi trước như bao nhiêu cá nhân và đoàn thể thanh thiếu niên Việt đang làm ở Mỹ. Rõ rệt đã có tình liên đới giữa thế hệ trong hàng ngũ người Việt Hải ngoại trong cuộc đấu tranh chưa hoàn tất.

Chớ kiểu nhớ ngày Quân Lực là ngày Quân Đội đứng ra chấp chánh ít ai còn nhớ nữa. Trong nước khi xưa, thời gian chấp chánh của Quân Đội với Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung ương với hai ông tướng cầm đầu chẳng được bao lâu. Quốc Hội lập hiến được bầu, Hiến Pháp được thông qua, khai nguyên đệ nhị VN Cộng Hòa. Chánh quyền tam lập do dân trực tiếp hay gián tiếp bầu ra. Tướng tá tuy còn ảnh hưởng nhưng vì là do thời chiến, chớ không phải do hiến pháp. Hiến pháp VNCH không có điều khoản nào giao quyền cho quân đội lãnh đạo đất nước. Và Quân đội VNCH chưa bao giờ đương trường đứng ra nhận nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia. Đôi khi tổng thống do dân bầu vốn là tướng có vận động Quốc Hội tạm thời ủy quyền toàn diện để thống nhất chỉ huy, cứu nguy đất nước. Nhưng thất bại tại Quốc Hội và trong lòng dân.

https://dalatian.files.wordpress.com/2015/06/a8747-ngayqlvnch2015_1.jpg

Ngoài nước bây giờ, tướng tá từng chấp chánh Đệ Nhị Cộng Hoà người đã qui tiên, người về chín suối. Lon lá bây giờ chỉ có giá trị vang bóng một thời hơn là quyền thế. Thời gian tướng tá chấp chánh thành bại đã qua, ít ai đặt vấn đề tranh luận lại. Trái lại những hy sinh cao quí của cả một thế hệ chiến đấu cho tự do, dân chủ VN, bảo vệ nửa phần của đất nước trong cuộc chiến tranh tự vệ trước làn sóng xâm lược của CS, dần dần sự thật được trả lại cho lịch sử. Lịch sử Mỹ bị Phản Chiến phủ mờ khói bụi của tấm hình Tướng Loan dí súng vào đầu tù binh được xét lại. Nhà báo viết về vụ Tướng Loan đã tỏ ra hối tiếc vì đó là hình ảnh “cá biệt”, trường hợp đặc biệt của chiến trường, chớ không phải là nguyên tắc hành động, tác phong quen thuộc của quân nhân VNCH. Tinh thần chết theo thành của những quân nhân tuẫn tiết được đem ra đặt tên đường ở Mỹ, do cộng đồng VN vận động. Cờ VN biểu tượng thiêng liêng hàng triệu quân dân cán chính VNCH hy sinh tánh mạng để bảo vệ được chánh quyền và dân chúng Mỹ thừa nhận. Sau khi được nhiều tiểu bang, cả trăm quận hạt, thành phố Mỹ thừa nhận như biểu tượng tự do, dân chủ của người Mỹ gốc Việt./.

(Vi Anh)

https://vietbao.com/a254339/nguoi-viet-nho-ngay-quan-luc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire