dimanche 25 juin 2023

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA RỪNG - Phan Nhật Nam

“ Rừng…
Rưng rưng nước mắt!
Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẳm,
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong! “
 o O o
LT: Mùa Đông 1958, từ Đà Nẵng, gã thiếu niên 15 tuổi lần đầu được vào Nam. Xe lửa xuyên rừng Miền Đông Nam Bộ bắt đầu từ chặng Tánh Linh, Xuân Lộc, Long Khánh… Rừng ngờm ngợp, ngút ngàn thăm thẳm gây cảm xúc bừng bừng… Gã thúc giục đám bạn trong đoàn Hướng Đạo… Dậy xem rừng! Dậy coi rừng! Xuống ga Trảng Bom, Biên Hòa, đầu cửa rừng, Khu Quốc Gia Lâm Viên với hàng hàng cây sao cao vút hùng vĩ, gã đọc trên tấm bảng màu xanh lá cây dòng chữ hàm xúc… Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong! 
 Gã thiếu niên học được bài Yêu Tổ Quốc từ lời thơ cao quý, trầm lắng nầy.
Chiều ngày 4 Tháng Ba 1973, trong cảm giác rã rời thất vọng, u uất do sau một ngày được sống cùng “Thủ đô xã hội chủ nghĩa Hà Nội” – Một thành phố vô tính/không nhân hậu/xăm xắp khắc nghiệt! Về Nam lúc trời chiều tối, qua khung cửa sổ máy bay, anh nhìn xuống những đám lửa chập chờn vùng Rừng Long Khánh, Hàm Tân… Cảm giác nôn nao, ấm áp của người được về nhà. Trên đường về nhà sau cuộc lữ hành não nề. Về Nam. Về Miền Nam.

Peut être une image de texte

Năm nay, 2023 đọc tin trên báo kể chuyện nặng lòng xẩy ra trong nước, nơi Ban Mê Thuột: Con Người bị bức hại – Núi – Rừng – Tổ Quốc bị tàn phá. Người Lính đang độ tuổi 80 không còn chốn để về. Cũng không còn sức để khóc.
1/ Chiều 23 Tháng Sáu 1976, đám tù người Nam đến Trại 12 Đoàn 776 nằm trong lũng núi Hoàng Liên Sơn. Sáng hôm sau, anh được xếp vào một đội lao động đi lấy gỗ với một con dao tay, dao tông. Núi dựng đứng, rừng mịt mùng, rừng nguyên sinh chưa hề có dấu chân người. Đội lao động số 4 được đánh giá là đội chủ lực (gồm những sĩ quan cấp đại úy, phần đông thuộc các đơn vị tác chiến của quân lực miền Nam, Bộ Binh, Biệt Động, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù… tuổi từ 30, 40) với sức vóc đang độ tráng kiện, tâm lý đơn giản, dứt khoát, tự xác nhận hoàn cảnh: Vào đây coi như là chết!
Trước khi lên đường tìm gỗ, cả bọn bàn tán: Chúng bắt mình lấy gỗ làm nhà… Gỗ làm nhà là những gỗ gì? Hỏi gã tù cùng cấp đại úy thuộc lực lượng cảnh sát (cầm đầu toán làm nhà) nay được cấp phát cây thước nhôm để đo gỗ. Gã đại úy cảnh sát rành rẽ giải thích (không biết học từ đâu, bao giờ?): Các ông chọn cây lá nhỏ, ví dụ như cây “gỗ vàng tâm”, dài 3 thước 8 đến 4 thước, đường kính 20 – 25 cm để làm kèo, làm cột.
Trời đất! Gỗ vàng tâm là cái quái quỷ gì? Go. Toán lấy gỗ ra đi. Cầm bằng nhảy trực thăng xuống LZ của vi-xi! Đầu trần, chân đất giẫm lên núi đá tai mèo, cuối cùng toán lấy gỗ (toàn dân chuyên nghiệp lội rừng hành quân trước 1975) đến vùng rừng có cây cao thẳng, lá nhỏ. Cả toán vây quanh thân cây như đèn cù, tuy nhiên quá trưa cũng hạ được hai thân gỗ theo chỉ tiêu ấn định.
Thạch Xen, đại úy huấn luyện viên thể chất của Trường Thủ Đức nhấc thử. Mẹ, nặng quá! Nặng hơn đá! Cuối cùng, Thạch Xen quyết định: Tao khiêng phần gốc, cho mầy (chỉ anh) khiêng phần ngọn, từ núi xuống dưới đường. Bọn nó khiêng tiếp về trại. Khi thả cây gỗ xuống sân trại, anh cảm thấy ươn ướt ở đũng quần – Máu đỏ tươi chảy ứa ra lúc nào không hay!               
Qua mùa Đông năm 1977, trước khi di chuyển lên xây dựng đập Thủy Điện Thác Bà, khu rừng nguyên sinh năm 1976 đã trở nên trống trải. Trưởng trại hân hoan nêu thành tích: Trại chúng ta đạt chỉ tiêu sản xuất được… mét khối gỗ, đứng đầu toàn Đoàn 776. Khu đất khai thác được “quy hoạch” trồng sắn xuất khẩu. Sắn cọng đỏ để pha chế thành chất hóa học làm lốp ô-tô. Đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa!
Trưởng trại 12 là một thượng úy người sắc tộc, chân chất, có kết luận thật thà kết thúc buổi sinh hoạt: Chúng tôi sinh ra, sống ở đây từ nhỏ. Nay phá rừng, trồng sắn theo lệnh trên là phá hết đất. Sau đó đất hết màu, không trồng ngô, trồng lúa gì được! Đồng bào (sắc tộc bản địa) không biết sẽ ra sao? Làm sao làm nương, làm rẫy để sống?
2/ Cuối năm 1978, trước ngày Tàu đánh Việt Nam (17 Tháng Hai 1979), các liên trại Đoàn 776 rời vùng Hoàng Liên Sơn. Vùng đồi núi mênh mông hai năm trước nay đã hóa thành một biển sắn. Khi lên xe rời vùng núi để di chuyển ra ga Yên Bái về các trại đồng bằng, đám tù người Nam nhìn quanh quẩn: Chúng mình chịu phần tù tội đến đây là xong phần đầu, dân các sắc tộc ở lại làm sao để sống?
Nhưng không chỉ nơi vùng núi Hoàng Liên Sơn với các sắc dân Dao, Mèo, Lô-Lô… 1989, sau khi đi tù về, anh lên Pleiku, đến vùng Phước Long, Long Khánh thấy ra người dân các nhóm Bà Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng… còn chịu cảnh khốn cùng gấp bội, không chỉ vì điều kiện sinh hoạt kinh tế bị khốn cùng mà còn phải nhận áp bức chính trị, tôn giáo, văn hóa.
Năm nay, 49 năm sau 1975, tình cảnh kiệt cùng, tuyệt vọng mỗi ngày của người Thượng luôn hiện mới. Rừng bị phá. Người không còn đất sống. So với hệ thống “công an trị” của Đảng Cộng sản, nhà nước CHXHCNVN thì thực dân Pháp trước 1955, chính phủ VNCH trước 1975 là những “ông tiên nhân hậu” trong chuyện cổ tích. Chúng tôi tiếp chứng minh.
Lịch sử các sắc dân vùng Cao Nguyên Trung Phần, miền núi rừng Trung Bộ, miền Đông Nam Phần từ lâu không hề được bình yên. Cụ thể cuối thế kỷ 19, một cá nhân tên gọi Marie-Charles David de Mayréna sinh năm 1842, vốn là một thủy binh người Pháp có công trận trong chiến tranh với Phổ (1870-1871). Khoảng 1884, Marie-Charles vào Đông Dương, lập đồn điền ở Bà Rịa (Phước Tuy). Nhưng không an phận làm chủ đồn điền, tay phiêu lưu lên vùng Cao Nguyên với y phục võ quan Pháp, được giám mục Jean-Baptiste Guerlach (1858-1912) phù tá lập Liên Bang Bà-Na, đặt bản doanh ở Kontum.
Dần khắc phục thêm hai bộ lạc người Xê Đăng và Jia Rai, ngày 3 Tháng Sáu 1888, y chính thức tự phong vương “Vua Marie I của Xê Đăng”, tuyên bố Hiến Pháp 11 điểm với cờ, quốc hiệu, biểu nghi của một quân vương. Chính quyền bảo hộ Pháp phải phái quân binh từ Quy Nhơn lên đánh dẹp, “Vua Marie I” bị trục xuất về Pháp; cuối cùng bị ám sát tại Tân Gia Ba trong ngày 11 Tháng Mười Một 1890 khi tìm cách trở lại vương quốc Xê Đăng.
Câu chuyện của “Vua Marie I” không phải là trò riêng của một cá nhân nhưng bởi ý chí muốn sống đời tự chủ, độc lập của người Xê-Đăng, Jia Rai… nơi vùng Cao Nguyên Trung Phần, là động cơ tinh thần chính đã giúp Marie-Charles thực hiện mưu đồ cá nhân.
Sau 1955, qua thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, ngày 1 Tháng Năm 1958, một số trí thức người Thượng, đứng đầu là Y Bhăm Êñuôl người Ê Đê, thành lập BAJARAKA. BAJARAKA là chữ viết tắt tên bốn dân tộc chủ yếu tại Cao Nguyên Trung Phần: Bà-Na, Jia-Rai, Ra-Đê, Kà-Ho. Ngày 25 Tháng Bảy 1958, BAJARAKA gửi thư đến Tòa đại sứ Pháp, Tòa đại sứ Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp hoặc độc lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Từ năm 1965, trong chiến lược, chiến thuật chống cộng, cố vấn quân sự Mỹ trang bị vũ khí cho thanh niên Thượng thành lập các đội Dân Sự Chiến Đấu Thượng (Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) dưới quyền chỉ huy của các toán Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ. Tháng Ba 1964, được sự ủng hộ (ngầm) của Mỹ, những người lãnh đạo phong trào BAJARAKA kết hợp với sắc tộc Thượng khác, và người Chăm tại miền Nam Trung Bộ thành lập Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên (Tiếng Pháp: Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP). Tổ chức này chia làm hai phe: Phe chủ trương ôn hòa do Y Bhăm Êñuôl đại diện; Phe chủ trương bạo động, do Y Dhơn Adrơng cầm đầu.
Ngày 19 Tháng Chín 1964, các toán biệt kích thuộc các Trại Lực Lượng Đặc Biệt và các đội Dân Sự Chiến Đấu Thượng nổi dậy đánh chiếm một số đồn ở Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) và Đắk Lắc giết chết 35 quân nhân người Việt, bắt sống quận trưởng Đức Lập; chiếm đài phát thanh Ban Mê Thuột kêu gọi thành lập một quốc gia độc lập.
Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến Thuật điều động Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Biệt Động Quân và thiết giáp bao vây đài phát thanh, chuẩn bị tấn công những vị trí bị chiếm đóng. Nhưng do khuyến cáo của William Beachner, Tham tán Tòa lãnh sự Mỹ, Tướng Lộc đồng ý thương thuyết với lực lượng nổi dậy. Y Bhăm Êñuôl được cử làm chủ tịch phong trào FLHP, tuy nhiên ngay chiều 20 Tháng Chín, người nầy (bị/được) đào thoát sang Campuchia do chủ trương của nhóm quá khích (đối với VNCH).
Tại Campuchia, dưới sự chủ tọa của Sihanouk (được Bắc Kinh và Hà Nội yểm trợ), Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh của các Sắc Tộc bị Áp Bức (United Front for the Liberation of Oppressed Races – FULRO) được thành lập, quyết liệt chống VNCH.
Do chủ trương hòa hợp của phía VNCH (đang phải chống lực lượng chủ lực cộng sản Hà Nội vùng Mặt Trận B3) nên ngày 2 Tháng Tám 1965, một Thông Cáo Chung hợp tác Kinh-Thượng nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và chống cộng sản (Bắc Việt) được ký kết. Ngày 15 Tháng Chín 1965 buổi lễ nạp vũ khí của 500 FULRO Thượng được tổ chức tại Buôn Buor.
Cuối năm 1968, một cuộc thương lượng thượng đỉnh giữa lãnh đạo FULRO và đại diện chính quyền VNCH đi đến các thỏa thuận căn bản. Lễ ký kết dự định sẽ được cử hành tại Ban Mê Thuột đầu năm 1969, và Chủ Tịch Y Bhăm Êñuôl (dự định) sẽ quay về Việt Nam ở hẳn luôn. Nhưng trước khi Quân Lực VNCH đem trực thăng sang Campuchia đón Y Bhăm Êñuôl và lực lượng FULRO Thượng (hồi chánh) về Ban Mê Thuột thì Les Kosem (thuộc phe quá khích chống VNCH) đã bắt cóc Y Bhăm Êñuôl đưa về Nam Vang giam lỏng. Cuối cùng, vị lãnh đạo Fulro (thân VNCH) nầy bị Khmer Đỏ hành quyết vào ngày 17 Tháng Tư 1975.
Tại miền Nam, ngày 1 Tháng Hai 1969, Bộ Trưởng Sắc Tộc VNCH Paul Nưr và Y Dhê Adrong đại diện FULRO dưới sự chủ tọa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký kết thỏa ước hòa hợp giữa đôi bên. Tóm lại, chính phủ VNCH dẫu có những khuyết điểm ở những lãnh vực nào khác nhưng rõ ràng đã có chủ trương, hành động tích cực, đúng đắn để giải quyết vấn đề FULRO – Nhưng quả thật người của Dinh Độc Lập chưa NHẬN đủ  yếu tố sống/chết của VỊ THẾ CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN đối với sinh mệnh miền Nam/Toàn thể Việt Nam nên đã để mất Ban Mê Thuột (10 Tháng Ba 1975), khi di tản, rời bỏ cao nguyên (16 Tháng Ba 1975) để phải chịu (liền) uất hận 30 Tháng Tư 1975 như một điều tất nhiên.
Với chế độ cộng sản Việt Nam/Cộng sản Hà Nội là vấn đề hôm nay đang xẩy ra.
3/ Từ sau năm 1975, đối với Tây Nguyên (cách gọi của Hà Nội), đảng, nhà nước cộng sản có hai chủ trương chiến lược:
  a/ Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng.
  b/ Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước. Để thực hiện chủ trương chiến lược nầy, đảng và nhà nước Hà Nội tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên. Nhưng thực chất là một vụ xâm thực thô bạo, tàn nhẫn: “Thực dân hóa/cộng sản hóa/Bắc kỳ hóa” Cao Nguyên Trung Phần bằng lực lượng dân cư từ, của chế độ cộng sản Miền Bắc. Kết quả, dân số miền Cao Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn…
Đầu thế kỷ 20, các dân tộc người Thượng chiếm 95% dân số; đến năm 1975 (sau 20 năm dưới chế độ VNCH), tỷ lệ này là 50%. Hiện nay, người các sắc tộc chỉ còn 15-20% trên toàn vùng cao nguyên.
Một bài viết của Nguyên Ngọc, cán bộ văn hóa lãnh đạo cấp cao của cộng sản (từ 1950) năm nay 84 tuổi (sinh 1930) ghi nhận: “Người Châu ở trong thung zlũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80 người… Các dân tộc Ba Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng, Thổ Chỉ, Cơ Lao, Xtiêng, Giáy, Cơ-ho, Lào, La Chí… may mắn và đông đúc hơn nên có được một (hay hai) học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào học các trường đại học!
Vậy người các dân tộc Thượng trên cao nguyên Trung phần đi đâu và làm gì, sống ra sao trên phần lãnh thổ cổ truyền ngàn năm của họ từ sau 1975? Bài viết của Nguyên Ngọc cho biết:
“… Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên được quốc hữu hoá, được/bị lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ miền Bắc vào. Người (Thượng) bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.”
Hệ quả, hay nói đúng ra là hậu quả (tai họa) của “hai chủ trương chiến lược” kể trên, theo nhận xét của Nguyên Ngọc (chữ in đậm trong bài viết-Pnn): “Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiễm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ… Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.” (Hết trích)
Từ tình trạng vừa kể ra, đất đai mất trắng, môi trường bị tàn phá, văn hoá bị hủy hoại, xóm làng xơ xác tiêu điều, ngơ ngác đói khát trên mảnh đất quê hương ngàn đời của chính mình, không còn lối thoát nào khác nên cuối cùng người Thượng phải nổi dậy. Sau đó, họ bị đàn áp, săn đuổi (và săn đuổi đến cùng) như thú vật giữa rừng hoang. Đặc phái viên Nguyễn Khanh, Đài Tiếng Nói Á Châu Tự Do (RFA), tường trình vào ngày 4 Tháng Năm 2004:
“Hiện có một số người Thượng đang lẩn trốn trong rừng sâu ở tỉnh Mondulkiri nằm sát biên giới với Việt Nam. Những người này từ Tây Nguyên băng rừng sang đến Xứ Chùa Tháp sau cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo ở Dak Lak và Jia Lai… Công an Ban Mê Thuột đã bắt giữ một số người Thượng, cáo buộc họ hoạt động chính trị, âm mưu lật đổ nhà cầm quyền. Một vài người trong số này may mắn trốn được sang Campuchia… Hà Nội treo giải thưởng: Bắt được mỗi người Thượng, trả lại cho Việt Nam, sẽ được thưởng 125 đôla Mỹ.
Từ năm 2004 đến nay là gần 20 năm, tình trạng gọi là “nổi loạn chống chính quyền” ngày trước nay trở thành… “hàng chục người (Thượng) đã tấn công hai trụ sở chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11 Tháng Sáu, giết chết ít nhất bảy người bao gồm bốn công an”.
Đúng như kết luận (thấy trước) của Nguyên Ngọc đã viết nên: “… Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì ‘vấn đề dân tộc’ sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ…  
Của rừng… Rưng rưng nước mắt – Không chỉ là nước mắt mà là Máu. Máu của Người Dân bị áp bức.
 Phan Nhật Nam
*
*     *
Hồi trước 1975 người Việt kêu những dân tộc thiểu số sống trên núi rừng là "người Thượng".Rất đơn giản,chữ 上 (thượng) có nghĩa ở phía trên và chữ 下(hạ) có nghĩa ở phía dưới
Ngoài Bắc họ kêu đầy đủ hơn là người ở miền thượng du ,dân thượng du là Mường, Thổ, Thái và Mán
Có vùng thượng du sẽ có miền trung du và hạ thu.Hạ du là đồng bằng,trung du là giữa đồng bằng và đồi núi
"Quê em miền trung du" nổi tiếng qua tiếng hát Thái Thanh:
"Quê em miền trung du
Đồng suối lúa xanh rờn
Giặc tràn lên thôn xóm
Dâu bờ xanh thắm
Nong tằm chín lứa tơ
Không tay người chăm bón"
Người Miền Nam không kêu thượng du,họ kêu thẳng là "Thượng" khi ám chỉ người Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông
Ông Lê Dinh có bài "Chiều lên bản Thượng":
"Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương
Nắng úa trên ngàn lá khi ánh chiều buông
Tiếng hát cô Mường vương trên rừng chiều bao la
Qua suối đồi khe lá"

Ngày nay chúng ta có những bản nhạc để tưởng nhớ về vùng Cao Nguyên

Một Mẹ Trăm Con (Dân Ca Jarai) Phạm Duy - Hợp ca
 
 Anh em ta cùng mẹ cha
Nhớ truyện cũ trong tích xưa
Khi thế gian còn mù mờ
Xưa khi xưa mẹ đẻ ra
Trăm cái trứng, sinh lũ con
Trăm đứa con cùng một dòng
Năm mươi con vượt đồi non
Phá rừng núi, khai rẫy nương
Xây đắp buôn, lập nhà sàn.
Năm mươi con dọc Trường Sơn
Ði xứ Bắc, đi xứ Nam
Xây núi sông, lập ruộng đồng.
Hôm nay đây, rừng gặp mây
Lá gặp núi, ta tới đây
Tay nắm tay, mình gặp mình
Vui ca lên, Thượng và Kinh
Người trong nước, anh với em
Em với anh, cùng họ hàng
Khua chiêng lên, đập cồng lên
Tiếng cồng đánh, qua mái tranh
Qua mái tre vào rừng già
Cho con Hua, khỉ già Hua
Cho ma quái, cho lũ nai
Ngơ ngác say vì nhạc gồng.
*
*     *
 

Bầu Ngực Núi Rừng (thơ Như Thương - nhạc Phan Ni Tấn)
*
*     *
Nỗi Nhớ Tây Nguyên thơ La Toàn Vinh - nhạc Phan Ni Tấn
*
*     *
Sóc Sờ Bai- Tâu Na Bòn Ơi thơ Nguyễn Thị Hương-Hà Thanh
*
*     *
Tâm sự nàng Buram Nhạc Ngân Giang - Giao Linh
*
*     *
tiếng cồng Tây nguyên - thơ Bắc Phong - nhạc & trình bày Phan Ni Tấn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire