mardi 2 mai 2023

Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”

Nhà thơ Trần Mộng Tú là khuôn mặt quen thuộc của giới thưởng ngoạn thơ hải ngoại từ đầu những thập niên 80 khi bà vừa đặt chân đến Mỹ với tư cách một người tỵ nạn.

 

 

Trần Mộng Tú là tác giả của nhiều tập thơ và người đọc thơ bà nhanh chóng tăng theo thời gian kể từ khi những trang thơ đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng hải ngoại.

Thơ của bà chủ yếu là thơ tình, nhưng đây là những bài thơ tình khó tìm trong tủ sách các nhà thơ nữ của thời cận đại. Thơ của Trần Mộng Tú thả lỏng ngôn ngữ để chúng có thể buông mình rơi tự do xuống khoảng trống suy tưởng và thăng hoa thành thứ tinh chất kết dính bài thơ với người đọc chúng.

tran-mong-tu-200.jpg

“Tôi rời Việt Nam vào ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với nhau.

Sang Mỹ năm 1975 coi như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài người nữa làm tờ bào đó chung với nhau.

Tôi bắt đầu đem những bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”

Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu tới quý thính giả tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009” của Trần Mộng Tú, một trong nhiều tác phẩm của bà đã được in ra tại Hoa Kỳ.

Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009” 
Mặc Lâm-RFA  

Mặc dù tác giả cho rằng tập thơ này không nhất thiết chứa đựng những bài thơ hay nhất của mình, nhưng ít ra cũng tập trung hầu hết những bài thơ quan trọng của từng chặng thời gian qua suốt bốn mươi năm sáng tác.

Hãy tưởng tượng ra em 
ở một căn nhà lạ 
mình em một ngôn ngữ 
mình em một màu da  
mình em một màu mắt 
mình em một lệ nhòa
Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới 
em tủi như chim khuyên  
khóc trong lồng son mới
 Hãy tưởng tượng ra em 
 ở một thành phố khác 
em buồn như nước sông  
khóc chia dòng tan tác

Bài thơ quý vị vừa nghe được Trần Mộng Tú sáng tác vào tháng 7/1975, ba tháng sau khi Trần Mộng Tú đặt chân xuống Mỹ. Thành phố tạm dung bà và gia đình dường như cũng thở dài cho cái không khí thê lương trong tâm hồn nhà thơ lúc ấy.

Cũng những tiếng than khô không lệ nhưng những giòng thơ của bà nghe ra có thấp thoáng hơi hám của mùa xuân lấp ló trong tiếng thở dài của buổi ban đầu ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Con chim khuyên trong lồng có thể đang khóc, đang tủi bởi màu sơn son cộng với thếp vàng chóa ngời đôi mắt, nhưng con chim họ Trần ý thức rất rõ chiếc lồng hẹp này chỉ là giai đoạn ban đầu, giai đoạn rét mướt trước khi mùa Xuân tới.

Bài thơ nổi tiếng của bà mang tên “Cả một dòng sông đứng lại chờ” có không khí của giòng nhạc thính phòng những năm đầu thập niên 60. Vần bằng đều đặn ở cuối mỗi câu thơ khiến người đọc liên tưởng tiếng vọng của những bản thánh ca buồn vào cuối ngày Chúa Nhật. Lễ Misa nào thống thiết trong nỗi nhớ của nhà thơ, nhớ từng hơi ấm làn da, nhớ mài miệt từng hơi thuốc thơm vàng tay cháy môi thơm phức.

Tôi xa người nắng buồn trên vai
môi tôi mùi thuốc còn thơm hơi
người xa tôi một dòng sông trắng
dãy núi bên kia có ngậm ngùi 

Tôi xa người hàng cây bâng khuâng
nước dâng chiều xuống nhớ muôn trùng
người xa tôi có còn đứng ngóng
một cánh chim bay ở cuối rừng

Nỗi buồn đeo bám Trần Mộng Tú dai dẳng nơi xứ người, cho dù khi đã lấy chồng, đã bước ra đường với một cái họ mới, họ của nhà chồng. Nhà thơ thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ từng cọng rơm sợi tóc, cái nhớ mà người Việt trong những năm 80 vẫn canh cánh như Trần Mộng Tú. Bà không nhớ một mình, nhưng cái nhớ của bà khác người, thật khác.

Tôi ở quê chồng xa xăm quá
cách quê cha cả một đại dương
mỗi độ xuân về tôi ngơ ngác
như con ngựa trận mất yên cương

Mỗi độ xuân về tôi nhớ lắm
những ngày xuân cũ trên quê hương
nhớ người tình cũ, ngôi chùa cũ
hoa mẫu đơn nở đỏ bên tường 

 

Bài thơ “Tôi buồn như một nốt dương cầm” được bà viết năm 1984 thật sự là một tiếng ngân nhẹ nhưng thăm thẳm của nỗi buồn. Mùa Xuân đến một lần nữa nhưng Mùa Xuân khoác lên vai chiếc áo khác với chiếc áo Trần Mộng Tú quen biết từ nhiều chục năm trước. Ngôi nhà chơ vơ lạnh và trống vắng. Các con tung tăng đến trường trong khi bà đứng một mình, buồn như một con chim đuối sức.

 Có thật mùa xuân đã đến đây
sao lòng tôi không đổi mới
sáng nay đưa con đi học
các con vẫn mặc đồng phục
và trong túi thì không có một phong bao
tôi trở về,
buồn như một con chim
con chim bay về từ phương nam
không tìm thấy tổ

Ngôi nhà cũng cô đơn
đứng chơ vơ
trên ngọn đồi ngập gió
những cánh đồng cửa sổ đóng im
trên bàn
một bài thơ viết dở…
một chuyện tình cố quên

Chuỗi buồn phiền cứ đeo đuổi bà trong suốt nhiều chục năm tại xứ người. Buồn là âm thanh của mọi bài thơ trong tuyển tập. Buồn từ động tác, từng hơi thở và từng hành động thường nhật. Cái buồn của Trần Mộng Tú không phải ai cũng được gặp. Nó miên man và bất ngờ. Nó không lộ ra nhưng ăn mòn ký ức. Nỗi buồn của sự chết và hơn thế nữa, nỗi buồn như những vết cắt, cào xước tâm hồn

 Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt
khói có bay về tận cố hương
vườn người, tôi chiết cành xuân thắm
nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn.

Mùa Xuân đối với Trần Mộng Tú hình như đã qua và không trở lại nhưng tháng Giêng thì vẫn rất quê nhà trong tâm trí bà. Tháng Giêng xuất hiện lại qua lăng kính trời Tây với những đứt khúc trí nhớ. Vườn sau nhà, khung cửa vắng và mùa Xuân ướt sũng…những tập hợp hình ảnh này làm thơ bà hình tượng hơn nhưng vẫn không mất nét lãng mạn của một cơn bão tháng Giêng, bão rất nhẹ nhưng đủ làm cho ai đó trăn trở, nhớ thao thiết một khung trời, một sắc lá.

 Vườn tôi gầy quá hoa không nở
mưa ở nơi đây ướt sũng xuân
những cành thông gẫy ôm đầy gió
khung cửa nhà ai nhận vết thương

Mưa gió đuổi nhau qua thớ gỗ
que diêm xòe thảng thốt trong đêm
nến như mắt bão trừng bóng tối
một mảnh tháng Giêng vỡ bên thềm

Nỗi buồn nào rồi thì cũng phai, vết thương nào rồi cũng tới ngày lành. Thế nhưng bài thơ mang tên “Vết thương” xem ra rất khó lành. Nhà thơ ngập ngừng lắm mới mở được lòng ra thăm dò vết thương năm cũ, mà chao ơi, vết thương tuy đã kéo da non nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ lành lặn. Nó vẫn đau phía bên trong. Vẫn cần được thăm nom trong những ngày tháng tới

 Được sáng tác vào năm 1991 bài thơ “Vết thương” báo hiệu với chính nhà thơ về sự cạn kiệt dần quỹ thời gian trên hai khóe mắt. Quê nhà vẫn xa xa chơi trò cút bắt trong khi người yêu nay đã kiệt cùng nỗi nhớ. Bài thơ nhẹ nhàng nhưng cay đắng chen lẫn mỏi mệt của tháng ngày chồng chất:

Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà hun hút sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương

 Năm tháng qua mau quên đếm tuổi
trong gương mắt đã rạn chân chim
em nhuộm nỗi buồn như nhuộm tóc
vết thương đóng vảy nhói trong tim

 Anh ạ! Tháng Tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi ngã về.

 “Sương mỏng nhưng sao nhìn mãi chẳng thấy quê!”
Câu thơ nhẹ mà đau như dao cắt.

 Em ở nơi này mười bảy năm
có khi cất tiếng gọi dòng sông
có lúc bóng chùng lên bóng núi
sao núi sông vẫn đỗi lạ lùng

 Nắng hạ cũng vàng thêu áo lụa
chẳng ai níu vạt tặng câu thơ
chữ hiếu như kim chìm đáy biển
chữ tình gió thổi đến xác xơ

 Em ở nơi này mười bảy năm
buông vào nhật nguyệt nắm tuổi xuân
cầm như thả tuyết vào lò sưởi
những cánh hoa tan dưới lửa hồng

 Tóc đã sợi đen chen sợi trắng
mắt cười đã lụn bấc đam mê
người vẫn từ quê ngơ ngác đến
ngượng môi không dám nhắc…chuyện về

 Cảm tác bài thơ “Ta về”của Tô Thùy Yên, Trần Mộng Tú ghi lại những nốt trầm của 17 năm xa xứ. Bài thơ “17 năm 17 đoạn thơ” mà chúng ta vừa nghe man mác cái tứ của thất ngôn, thể loại thơ gần với “hành”, với gươm cùn, với ngựa mỏi…Người đọc chia sẻ không khí cổ xưa trong bài thơ qua những từ rất cũ như chữ hiếu, chữ tình, cầm như…thế nhưng toàn bài thơ lại toát lên cái tứ rất mới, rất đa nghĩa và nhất là mang đậm nỗi nhớ tươi roi rói nhưng đôi khi ngơ ngác đến tội nghiệp.

 Không phải lúc nào Trần Mộng Tú cũng cứng cỏi, mạnh mẽ của thất ngôn, bà sử dụng lục bát cũng bén và đa chiều đến bất ngờ. Chỉ với bốn câu trong bài “Mưa Seattle”, Trần Mộng Tú đã dẫn dụ người đọc đứng trước cái mênh mông của một sợi tóc mỏng manh:

 Sáng nay ra phố gội đầu
giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
cong tay hứng hạt mưa sa
mưa giăng mắt lưới xóa nhòa chỉ tay

 Mưa và tóc, hai hình tượng nhạt nhòa trong bốn câu thơ trên gây cảm giác người phát hiện ra chúng đang tan dần vào số phận, vào định mệnh, vào những đường chỉ tay đầy bất trắc…

 Những bài thơ cuối trong Tập Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009 của Trần Mộng Tú được lật sang trang của những năm hai ngàn, những năm đầu trong thiên niên kỷ mới. Và, nhà thơ, cũng như mọi người khác, hăm hở bắt đầu bằng hy vọng. Qua bài “Nhìn Nhau Rất Xa” bà viết:

Sáng đầu năm hồn em chắp cánh
bay lơ mơ vào một kỷ nguyên
dĩ vãng như bức tường trong suốt
bụi hôm qua rũ lại bên thềm

 Em giấu em ở trong hạt gạo
nằm rất ngoan giữa những chân nhang
đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa
về chia nhau một thế kỷ tàn

 Đóa thủy tiên của ngày rất mới
đang quay đầu nhìn thế kỷ qua
những viên sỏi đã thành cổ tích
anh và em nhìn nhau rất xa

Và một hôm bà trở về nhà.

 Việc đầu tiên là nhà thơ chia sẻ cái hạnh phúc mà bà có cho người yêu. Cái mà nhà thơ muốn chia trong bài thơ là một chút thân ái mà bà đánh mất nhiều năm, hôm nay gặp lại bà viết Trong bài “Chia nhau Hà Nội”:

 Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà Nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ

 Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm

Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này

 Em gửi cho anh
đất trời Hà nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột
được bạn chia cho trong một lúc.

 Ai là người may mắn này? Không biết! có thể là “anh” của Sài Gòn người trước khi chia tay. Có thể là “anh” của chốn dung thân, người từ bên kia bờ đại dương ngóng theo bước chân bà trong những ngày vacation ngắn ngủi. “Anh” cũng có thể là tiềm thức, là nhớ nhung là trăn trở và tại sao không, những mất mát cần tìm…

Mặc Lâm, phóng viên RFA  
2010.12.04 
*
*     *
Có phải tôi không? thơ Trần Mộng Tú, nhạc Phù Chí Phát-Duy Thủy trình bày  

Có Phải Tôi Không
Tác giả: Trần Mộng TúCó người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không?

Ô hay tại sao tự nhiên tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu góa phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi

Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang

Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô Trần Thị ChiếnTranh.

 

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire