vendredi 12 mai 2023

Trần Thiện Thanh: Tình Lính, Âm Nhạc và Quê Hương

Résultat de recherche d'images pour "TrầnThiệnThanh"Tôi còn nhớ vào khoảng giữa thập niên 60, người láng giềng nhà tôi vốn mê một nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ông nghe say sưa, nghe triền miên. Tôi nhớ giờ prime time của bản nhạc này là 6 hay 7 giờ sáng trước khi ông đi làm và giờ 7 đến 8 giờ tối trước khi đi ngủ. Ngày đó, nếu tôi nhớ không lầm thì ca sĩ là Hà Thanh đã ru chúng tôi ngủ hay đánh chúng tôi thức qua tình khúc "Không Bao Giờ Ngăn Cách":
TrầnThiệnThanh Tình Lính Âm nhạc và Quê Hương 
Tác giả: Việt Hải - Diễn đọc: LamSơn719 - Tiếng hát: HạtSươngKhuya

Anh về . . . với em rồi mai lại đi 
Đường xa . . . mang theo bao nhiêu tình ý 
Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu 
Đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím 
Nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng 
Đâu bằng đôi mắt em 

Chúng mình . . . cách xa mà vẫn gần nhau 
Tình yêu . . . không mau phai như màu áo 
Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ 
Lá rơi gọi mùa thu về sân úa 
Vẫn không bao giờ . . . 
Không bao giờ ngăn cách đâu em...
Ông láng giềng là người đã giới thiệu tôi dòng nhạc tình ca Bolero của Trần Thiện Thanh, nhà ở Việt Nam chia chung vách nên giờ prime time của ông cũng là giờ prime time của tôi, khiến tôi nghe trong đam mê và rồi tôi mãi hát theo:
Không bao giờ 
Không bao giờ ân tình lại vỡ đôi 
Một người đi nghe thương sao thương nhiều quá 
Dáng một người em xinh sao quá xinh màu má 

Không bao giờ 
Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi 
Một đời hoa không khi nào hai lần nở 
Trái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về... 
*Trần Thiện Thanh - Thân Thế: Ông sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết. Trần Thiện Thanh là tên thật của ông. Bút hiệu ông thường dùng là Trần Thiện Thanh, nhưng thỉnh thoảng ông cũng đề tên Anh Chương và Trần Thiện Thanh Toàn trên các bản nhạc. Ông còn có giọng ca thật trầm ấm, rất truyền cảm, khi ca hát ông lấy tên là Nhật Trường. Khi được hỏi vì sao có tên Nhật Trường, ông trả lời: "Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê, nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là... ngày dài.". Rời quê hương Phan Thiết ông vào Sài Gòn vào năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát nồng ấm, mượt mà, và mang nét âm hưởng trau chuốt có chất "điệu" trong đó đã được giới yêu mộ điệu nhạc tình ca Sài Gòn rất yêu mến. Từ các bài Không Bao Giờ Ngăn Cách, Anh Nhớ Về Thăm Em, Ai Nói Yêu Em Đêm Nay, Khi Người Yêu Tôi Khóc,... đến các bài Người Yêu Của Lính, Hoa Trinh Nữ, Chuyện Tình Người Đan Áo, Mùa Đông Của Anh,... Nhật Trường - Trần Thiện Thanh nguyên là một nhà giáo. Tuy hành nghề mang tính cương kỷ, nhưng tâm hồn ông rất phóng khoáng, chất ngất say mê nghệ thuật cầm ca, ông có tâm hồn thơ văn. Vào trong miền Nam sinh sống khi tuổi còn rất trẻ, chẳng bao lâu âm nhạc mang tên tuổi của ông càng ngày càng thăng hoa trong ngành sáng tác, cũng như trình diễn âm nhạc. Ông có rất nhiều những sáng tác được nhớ mãi và hầu như người Việt Nam nào yêu quê hương, nặng tình dân tộc, trân quý đời người chiến binh xả thân gìn giữ sơn hà hay quyết tâm với lý tưởng bảo vệ quê hương cũng nghĩ vậy.
* Trần Thiện Thanh - Âm Nhạc Một Đời Yêu Lính:
Tôi đọc bài viết của nhà văn Huy Phương, người làm việc trong tòa sọan báo Chiến Sĩ Cộng Hòa khi xưa, ông viết:
"Ðất nước chúng ta đã trải qua những năm dài chiến tranh, hằng triệu thanh niên đã hy sinh cho lý tưởng của mình, máu đỏ đã đổ, khăn tang đã trắng cả những mảnh đời góa bụa côi cút. Văn chương, hội họa, điêu khắc không có mấy tác phẩm về chiến trận, nhưng hằng đêm qua các đài phát thanh, ca sĩ hát những bài lên án chiến tranh, nói tới tang tóc, nỗi đợi chờ. Trần Thiện Thanh là một nhạc sĩ có số lượng nhạc chinh chiến cao nhất, đi vào lòng từng người lính trận, nhưng mang một màu sắc riêng, trong sáng vui tươi, hoặc là thi vị hóa cho đời lính nhọc nhằn. Tôi không nghĩ đó là những dòng nhạc tâm lý chiến thúc đẩy người lính luôn luôn lao về phía trước như những tiếng kèn thúc quân hay những khúc quân hành. Trần Thiện Thanh đi vào đời sống và tâm tình những người lính trẻ trong những phiên gác đêm, những buổi dừng quân hay những mối tình đơn sơ, vội vã, có phân ly và cả chết chóc. Bất cứ người lính miền Nam nào cũng thuộc một vài bài hát của Trần Thiện Thanh hay vu vơ đôi câu những lúc bâng khuâng nghĩ tới cuộc đời của một người lính trận, tới một chiến hữu hay một người tình ở trong vùng sáng đêm đêm của một phố thị nào đó..."
Tôi đồng ý với nhận xét trên, âm nhạc Trần Thiện Thanh không sắt máu, âm nhạc Trần Thiện Thanh nói lên lòng yêu nước, yêu quê hương và trong một tâm tình riêng của người thanh niên trẻ khi xông pha nơi chiến địa, anh có một mối tình mang theo trong tim, và nó là cái hình ảnh dễ thương trong bài "Người Yêu Của Lính":
Nếu em không là người yêu của lính 
Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh 
Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng 
Và giữa chốn muôn trùng 
Ai viết tên em lên tay súng. 

Nếu em không là người yêu của lính 
Ai sẽ nhớ em chiều dừng hành quân 
Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần 
Để thấy cánh sao gần 
Không đẹp bằng hồ mắt giai nhân 
Người lính trẻ khi trấn đóng miền xa, đối đầu với tử thần hàng ngày hay hằng giờ, họ rất cần hậu phương an ủi, sưởi ấm lòng họ. Chính âm nhạc Trần Thiện Thanh đem cho họ những tâm tình cũng như ý nhạc của niềm tin yêu nơi sa trường:
Hỡi người em gái Gia Long ơi 
Hỡi người em chốn xa xôi 
Áo trinh thơm mùi giấy 
Có khi anh ngỡ là mình quen nhau từ kiếp trước 
Đến bây giờ mơ ước tròn tơ duyên 
Để má em thêm hồng 
Nếu em không là người yêu của lính 
Ai đem cánh hoa rừng về tặng em 
Ai băng gió sương cho em đợi chờ 
Và những lúc anh về 
Ai kể chuyện đời lính em nghe 
Hỡi người em gái Gia Long ơi 
Hỡi người em gái chốn xa xôi 
Áo trinh thơm mùi giấy 
Nhớ hôm em về 
Đường chiều nghiêng nghiêng cầu sắt đó 
Khiến cho lòng anh thấy nhiều lo âu 
Anh sợ má em phai màu 
Cũng vì dòng nhạc Trần Thiện Thanh đã mai mối và khuyến khích bao mối tình giữa người chiến binh và các em gái hậu phương. Nhạc Trần Thiện Thanh không là sáo ngữ, nhưng nó là chất men say trong tình yêu của những chàng trai thế hệ chiến chinh và những người em gái nhỏ đáng yêu:
Nếu em không là người yêu của lính 
Ai đem cánh hoa rừng về tặng em 
Ai băng gió sương cho em đợi chờ 
Và những lúc anh về 
Ai kể chuyện đời lính em nghe
Âm nhạc Trần Thiện Thanh viết chỉ dành cho đồng đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nó là niềm kiêu hãnh trong màu áo treilli hay màu hoa dù camouflage, và đời người chiến binh hay đời lính đánh giặc quanh năm, những cọp biển, những cọp ba đầu vằn, những thiên thần mũ đỏ,... được trực thăng ném đi từ mặt trận này đến chiến trường khác, họ là những con thoi, những nhu cầu của quốc gia, người lính biết vai trò của họ, và rồi nhạc Trần Thiện Thanh vỗ về, đưa tâm sự đời lính vào âm nhạc:
Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác aó treilli 
Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây 
Ngại chăng đêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu, 
Một thằng ước ao để một thằng khát khao, còn mình thì nằm đếm sao. 

Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ướt dẫm đáy sông thưa, 
Nhiều tên trong dơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ, 
Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung. 
Một thằng nhớ em, để một thằng nhớ thêm, một thằng thì lấy hình xem. 
Lính nơi chiến trận miền xa mà trong cuộc sống thường nhật lấy ba lô làm gối, poncho làm mền, và trong lúc nhớ em gái phương xa anh gửi đôi dòng mà nét chữ không ngay vì lời tình viết vội trên ba lô:
Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. 
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. 
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ 
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy. 

Chiều hôm kia thăm làng, tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh. 
Một cô đi trên đường, đẹp tựa như em khóc lúc giận anh. 
Để cho anh nghe thèm, đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh. 
Thèm một nét môi, một lần về phép thôi, và mình thì lại có đôi. 
Thư của lính, thư không được dài như mong ước đâu em. 
Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em.
(Tình Thư Của Lính)
Trần Thiện Thanh đã thi vị hóa đời lính và ông muốn nâng cao tinh thần người lính Việt Nam Cộng Hòa. * Trần Thiện Thanh - Âm Nhạc Bảo Vệ Quê Hương:
Trần Thiện Thanh Nhật Trường đã hy sinh một đời bằng trái tim, bằng khối óc để nói lên hình ảnh người lính với lý tưởng bảo vệ sơn hà, người trai thế hệ không sờn lòng gìn giữ từng tất đất quê hương, anh ra đi nơi tuyến đầu mang theo màu da nắng cháy từ vùng chiến địa của Mùa Hè Đỏ Lửa 72 với An Lộc, Bình Long, Kontum hay miền trường sơn rừng núi với Dak To, A Shau, Chu Pao hay Khe Sanh, hay vùng địa đầu có Đông Hà, Hải Lăng, Triệu Phong, Thạch Hãn, nơi có sương mù buồn tênh của vùng Quảng Trị… nơi nào có chiến tích là được Nhật trường đưa vào những ca khúc của ông. Trần Thiện Thanh Nhật Trường nói thay cho người lính bằng dòng nhạc của ông, bằng giọng ca của ông. Những bài hát bất tử với quân dân Việt Nam Cộng Hòa: Chiều Trên Phá Tam Giang, Góa Phụ Thơ Ngây, Tưởng Người Chết Đi và điều đặc biệt nhạc Trần Thiện Thanh đã vinh danh những anh hùng tiêu biểu cho Việt Nam Cộng Hòa đi vào quân sử một thời chiến chinh: Ôi, những Trần Thế Vinh trong bài Bay Lên Cao Ði Anh, Trần Duy Phước trong Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh, Nguyễn Văn Ðương trong Anh Không Chết Ðâu Em, và Nguyễn Ðình Bảo trong Người Ở Lại Charlie.
Trong khi miền Nam tự do có những tác giả sống nơi yên bình tung ra những bài hát phản chiến ru ngủ, làm nản lòng người thanh niên đại loại như sau:
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
(Bài Ca Dành Cho Những Xác Người, TCS)
Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình,
Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng …
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng,
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
(Đại Bác Ru Đêm, TCS)
Tôi có người yêu chết trận Plei-me,
Tôi có người yêu ở chiến khu D,
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà nội,
Chết vội vàng dọc theo biên giới …
(Tình Ca Người Mất Trí, TCS)
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa 
Anh trở về trên chiếc băng ca 
Trên trực thăng sơn màu tang trắng... 
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ 
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân . 
Em một chiều dạo phố mùa Xuân, 
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá. 
(Kỷ Vật Cho Em, PD)
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lên một hình ảnh khác với những triết lý của triết gia mất trí, hay loại âm nhạc thời cơ chủ nghĩa. Những mẫu người anh hùng nằm xuống trong nhạc Trần Thiện Thanh là những gương cương trực khác nhau, miền Nam cần đứng vững bởi đôi chân chính mình, người chiến binh trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa cần nêu lên nhiều tấm gương anh dũng của họ tại chiến trường, họ chắc chắn không cần những bản tình ca điên loạn tâm thần để ru ngủ sự chủ bại hay nhút nhát, yếu hèn. Người ở lại Charlie, cố đại tá Nguyễn Đình Bảo, khóa 14 võ bị Đà Lạt đã cùng anh em Dù bảo vệ đồi Charlie và vĩnh viễn ra đi trong trận chiến. Trần Thiện Thanh đã viết lên một bi hùng ca cho người ở lại Charlie như sau:
Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie 
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí 
Vâng, chính anh là ngôi sao mới 
Một lần này chợt sáng trưng 
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng 

Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie 
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý 
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý 
Một lần dậy cánh bay 
Người để cho người nước mắt trên tay 
...
Toumorong, Dakto, Krek, Snoul 
Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul 
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu 
Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, 
vừa ở lại một mình 
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành. 
...
Ngàn đời của nhớ thương 
Gởi bức chân dung trên công viên buồn.
Trước 75 Nhật Trường và Thanh Lan dựng những nhạc cảnh mà chúng ta xem khi họ song ca trên TV từ bài Góa Phụ Thơ Ngây, Chiều Trên Phá Tam Giang, Người Ở Lại Charlie đến Anh Không Chết Đâu Em, nói về cái chết anh dũng của đại úy Nguyễn Văn Đương. Dưới áp lực mưa pháo nặng nề lên căn cứ 30 và 31 tại mặt trận Khe Sanh, đại úy Đương, pháo đội trưởng B-3 Dù, báo cáo tăng địch xuất hiện dưới chân đồi và đích thân bắn trực xạ nát hai chiếc tăng địch. Trong khi Tiểu Đoàn 3 Dù anh dũng giữ từng thước đất, từng giao thông hào. Nhưng quân số Dù không đủ sức ngăn chặn cuộc tấn công mưa pháo và tăng địch cày nát chiến hào. Để rồi cuối cùng pháo đội trưởng Nguyễn Văn Đương vĩnh viễn ra đi tại Khe Sanh. Sau đó bài anh hùng ca Anh Không Chết Đâu Em, ám chỉ anh sẽ mãi mãi lưu danh trong sử xanh, anh mãi mãi sống trong âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa, trong lời nhạc của Trần Thiện Thanh, với nhịp điệu luyến láy ở cung La thứ, tiết tấu hào hùng thiết tha để diễn tả nỗi niềm tiếc nuối của tất cả chúng ta:
Anh  không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương 
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu 
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau 
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi 

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con 
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính 
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công 
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh 
Người lính miền Nam hy sinh vì đại nghĩa, nhưng tên anh đã hơn ba thập niên rồi vẫn được nhớ đến trong âm nhạc Trần Thiện Thanh... để mãi mãi... Không, anh không, anh không chết đâu em...
Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh 
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh 
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu 
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh 

Không, anh không, anh không chết đâu em anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua 
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ 
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân 
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ...
* Trần Thiện Thanh - Âm Nhạc Về Tình Yêu: Dòng nhạc Trần Thiện Thanh chia ra hai chủ đề chính: Lính và Tình Yêu. Về Lính, như trên đã bàn là ông có nhiều bài về lính nhất. Trong số hơn 200 ca khúc ông sáng tác trước và sau năm 1975, nhiều ca khúc nói về người lính của chúng ta, trong ý niệm rất nhân bản, và mang nét trữ tình với lính yêu trong tình yêu vốn nhẹ nhàng. Bây giờ tôi xin trình bày về những bài tình ca thuần túy không có màu áo lính xen vào. Chủ đề Tình Yêu của Trần Thiện Thanh có rất nhiều bài dễ thương như: Khi Người Yêu Tôi Khóc, Bảy Ngày Đợi Mong, Hoa Trinh Nữ, Lâu Đài Tình Ái (phổ thơ Mai Trung Tĩnh), Cho Anh Xin Số Nhà, Mùa Đông Của Anh, Ai Nói Yêu Em Đêm Nay,... Những từ ngữ trong bài ca của Trần Thiện Thanh không cầu kỳ, dễ hiểu, nét nhạc dễ nghe, kỹ thuật viết nhạc chú trọng đưa những tâm tình đi vào lòng thính giả. Sau năm 1975, Trần Thiện Thanh vẫn sáng tác, bản Chiếc Áo Bà Ba mang âm hưởng dân ca quê hương Nam phần. Điểm hay là nhạc Trần Thiện Thanh nếu do Nhật Trường ca thì lại xuất sắc, theo nhiều trường hợp khác thì nhạc sĩ đặt nhạc không hẳn người ấy sẽ là ca sĩ ca hay, nhưng với Trần Thiện Thanh thì quá đặc biệt. Bài Ai Nói Yêu Em Đêm Nay được ra đời, với lời ca thật trữ tình:
Ai nói yêu em đêm nay? 
Ai nói yêu em đêm mai? 
Ai sẽ yêu em sau này? 
Son phấn nào giết ngây thơ? 
Ánh đèn nào màu đơn côi? 
Lệ sao nhiều hơn mưa lũ 

Ai dìu bước em đêm nay? 
Ai dìu bước em đêm mai 
Ai dìu bước em tương lai? 
Nhịp chân nào . . . đưa rã rời? 
Ôi tiếng kèn nghẹn như tiếng khóc 
Thương cho người một kiếp vô duyên...
Trần Thiện Thanh sáng tác riêng bài này cho thoại kịch có tựa đề "Ai nói yêu em đêm nay ?" do ban kịch Thẩm Thúy Hằng trình diễn trên chương trình Vô Tuyến Truyền Hình VN đài số 9 vào cuối thập-niên 60.
Bài tình ca dễ thương Anh Về Với Em, điệu Bolero: 

Anh về với em, 
như chim liền cánh như cây liền cành. 
Như đò với sông, 
như nước xuôi giòng vào lòng biển xanh. 
Em ơi trăng còn sáng nên tình yêu vẫn còn mang, 
Em ơi sương còn xuống nên tim côi mong sưởi ấm. 
Ta xa nhau lâu rồi, 
ta mong nhau lâu rồi, gần nhau đêm nay thôi... 

Anh về với em, 
mai ta lại cách xa nhau muôn trùng. 
Bao ngày nhớ nhung, 
vơi hết tâm sự vừa cạn một đêm. 
Sao em anh lại khóc khi anh ra đi vì em? 
Hay chăng ân tình lớn hơn không gian đôi mình cách?...
Bài ca nhuốm màu sắc quê hương khi ông đi trình diễn ở miệt lục tỉnh và có cảm hứng với Chiếc Áo Bà Ba:
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm 
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh 
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ 
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời 

Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ 
Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông 
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi 
Người thương ơi em vẫn đợi chờ. 

Điệp Khúc: 
Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần 
Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn 
Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều 
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu...
Tôi vốn thích bài tình ca nhiều kỷ niệm vì Khi Người Yêu Tôi Khóc:
Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu 
Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn 
Khi người yêu tôi khóc thành phố buồn thiu 
Em ơi tôi nói một lần ưu ái trên cung ngà hắt hiu 

Mây từ đâu bay đến mờ khuất chân trời 
Em tại sao em đến cho anh yêu vội 
Xin một lần yêu cuối là những lẻ loi 
Em ơi hãy nói vạn lời sầu đắng 
Như em vừa trách anh...
Gặp Nhau Làm Ngơ là bài hát khi thuở ban đầu mới quen nhau, tình lắm ngại ngùng bởi vì thẹn thùng. Tình yêu Việt Nam vốn đẹp hơn tình yêu phương tây, “bạo phát, bạo tàn”:
Nhớ khi xưa lạ nhau, chung một đường 
kẻ trước, người sau. 
Chàng lặng đi theo nàng, 
hát vu vơ mấy câu nhạc tình. 
Nàng làm như vô tình, 
gái đoan trang dễ đâu làm quen. 
Lối đi qua nhà em nghe nồng 
nàn mùi Dạ Lý thật thơm...
Trong tình yêu giữa người con trai và con gái, bài tình ca này là chất xúc tác cho men tình yêu đôi lứa, em à, hãy Cho Anh Xin Số Nhà:
Cho anh xin số nhà, này cô em xinh nét hiền hòa 
Nầy cô em xinh áo xanh em xinh 
Cho anh xin số nhà, này cô em má xinh hồng 
hồng này cô em xinh màu da rám nắng 
tuy xe anh chẳng đẹp đừng chê anh không 
bắp kịp nhiều chàng trai đang rong chơi trên đường phố 

Cho anh xin số nhà, cho anh xin biết tên đường, 
và xin cho anh biết tên em luôn... 
Tình yêu xa cách là những giây phút đẹp nhất bởi vì tình yêu nhiều nhớ nhung, bài Ðôi Ngã Ðôi Ta:
... Ngày đó! đôi ta thường hẹn hò, 
Mà nay trăng bâng khuâng thềm vắng . . . . 
Em ơi! anh muốn rằng! dù thương thương nhớ nhớ, 
bàng hoàng nghìn đêm mơ, chợt biết lòng bơ vơ. 
Ðừng buồn! đừng buồn cho đôi má xinh phai hồng . . . 
Một lần xa cách, duyên tình thành mộng vào đêm trăng sáng . . . 
Gần nhau thu ngắn, cho ân tình dài, dài thêm nhớ mong . . . 
Hãy cho thời gian gom yêu thương lên thật đầy, 
hôm nao mình nắm tay, khi anh về chốn đây. 
Ðêm khuya trăng vàng lặng lờ trôi như thầm nói, ta với ta thành đôi. 
Một mai quê hương thanh bình khi đảng Cộng Sản cáo chung, ước mơ của Trần Thiện Thanh vẫn chỉ là ước mơ đúng muôn thuở, Lời Cho Người Yêu Nhỏ:
Nếu một mai khi hòa bình 
Anh sẽ dìu em qua lối xưa 
Cho từng ngón tay đan lại 
Ái ân ngọt mềm 
Dù mưa qua vùng giá rét 
Trời xanh trong lòng đôi ta 
Mình yêu nhau như khi vừa mới biết nghe em 

Nếu một mai khi hòa bình 
Anh có trở về như ước mơ 
Khi lửa khói xưa chỉ là giấc mơ trong đời 
Ngày chia ly đầy nước mắt 
Lạnh mi em, mặn môi anh 
Thì em ơi xin xem là dĩ vãng mà thôi...
Bài tình khúc tuyệt vời Mùa Đông Của Anh, được viết dưới tên Trần Thiện Thanh Toàn, mà tôi rất thích vì tình nồng nàn, vì chất lãng mạn:
Ngày nào anh yêu em, anh đã quen trong cay đắng tuyệt vời. 
Ngày nào em yêu anh, em hẳn quên với trời hạnh phúc mới 
Em ơi Đông lại về từ trăm năm lạnh giá 
Tim anh như ngừng thở, từ sau ân tình đó ... 
Em nghe không? Mùa đông, mùa đông 
Tình ca chỉ rung động con tim khi nó diễn tả được cái nội tâm sâu kín nhất của bản thể con người, nhất là khi họ đang yêu nhau:
Ngày nào ta xa nhau, anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa 
Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với đường đời băng giá 
Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp 
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp 
Nên anh yêu mùa đông, nên anh yêu mùa đông, ôi Mùa Đông của anh. 
Nhạc sĩ cũng là nhà thơ Hoàng Thy làm cả một bài thơ nhạc Hương Mùi Tóc Em, anh gợi cả hương mùi tóc em, tóc em gợi lại kỷ niệm của những nhớ nhung, của những yêu thương, tôi đọc tài liệu khảo cứu về tình yêu thì khi loài thú yêu nhau như dơi, hươu, nai, thỏ, chó, cọp hay sư tử có đặc tính dễ thương là chúng ngửi mùi của nhau. Con người không ra khỏi luật thiên nhiên, cái khứu giác yêu đương đi tìm hương mùi tóc em như các bản nhạc của các nhạc sĩ Lương Bằng Quang với Hương Tóc Em, Hoàng Thy với Hương Mùi Tóc Em hay Phạm Mạnh Cương với Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè hoặc Thanh Sơn với Hương Tóc Mạ Non. Dẫu thế nào đi nữa thì hương mùi tóc em tượng trưng cho nhớ nhung, là biểu tượng cho yếu tố tình thắm duyên thơ khi yêu nhau như nhạc của Trần Thiện Thanh:
Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi 
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới. 
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc ... 
Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc 
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian ... 
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình nồng hai chúng ta. 
Người ta còn nhớ vào đầu thập niên 60, Nhật Trường cho lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi (được báo chí Sài Gòn mệnh danh là Du Ca Chi Bảo), trong phần trình diễn của ban Tứ Ca này chỉ có mình ông hát, ba nữ ca sĩ kia thì chỉ hát bè phụ họa mà thôi. * * *
Sau khi chúng ta đi qua các chi tiết đã trình bày trên, Nhật Trường Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ độc đáo khi viết nhạc cho lính, hát cho lính trong suốt diễn trình của cuộc chiến Việt Nam từ 1958 ông vào Sài Gòn đến biến cố đau thương 1975, trong sinh hoạt âm nhạc đời ông đã nói lên được cái ước mơ xoa dịu người lính trong thời chiến nỗi niềm trăn trở của mình về ý thức nam nhi, về thân phận người lính với quê hương như một biệt tài mà trời phú cho ông về âm nhạc. Bị kẹt lại tại quê hương sau biến cố 1975, Trần Thiện Thanh nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị cấm chỉ hoạt động. Năm 1984 thì CSVN cho phép ông hoạt động lại, nhưng Trần Thiện Thanh từ chối làm việc dưới chế độ Cộng Sản, tuy ông vẫn âm thầm soạn tiếng nhạc lời ca, như ông kể lại. Tới năm 93 thì Trần Thiện Thanh được sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết duyên với nữ ca sĩ Mỹ Lan.
Ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã chính thức lìa bỏ mọi người vào ngày thứ Sáu 13 tháng 5, 2005 tại quận Cam, Nam California, Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ nhiều báo chí, websites, đài phát thanh và truyền hình Việt Ngữ trong vùng Little Saigon đã loan tin hay liên tục phát đi phát lại các sáng tác bất hủ của ông như Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Tâm Sự Người Lính Trẻ, Chiều Trên Phá Tam Giang, Tình Thư Của Lính, Góa Phụ Thơ Ngây,... với niềm thương tiếc vô biên.
Một trong các ý nguyện của Nhật Trường Trần Thiện Thanh, là đám tang của ông, sẽ đi ngang qua Tượng Đài Chiến sĩ Việt- Mỹ ở trong phố Little Saigon, vì ông sống cho người lính và khi chết xin được chia sẻ với đồng đội, một nghĩa cữ ưu ái và cao quý bởi cá tánh của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tuy anh xác thân anh ra đi, nhưng tinh thần trong âm nhạc Trần Thiện Thanh vẫn còn đó. Khi anh nằm xuống đã có bao bài viết đã tri ân anh, đã khóc thương anh, những giọt lệ của đồng hương, đồng đội dành cho anh, và bài viết này như một nén hương lòng thắp lên để một lần nữa tri ân người lính Nhật Trường Trần Thiện Thanh là Anh Không Chết Đâu Anh... mãi mãi Không Chết Đâu Anh.
1/ Tôi tham khảo bài viết của nhà văn Phạm Lễ có dòng thơ cho nhạc sĩ Trần Thiện Thanh:
“Cho lệ khóc anh trong đôi mắt của hồn tôi
Nếu có ngày ai đến hôn lên quan tài người nghệ sĩ
Hãy giữ trong tim những dòng nhạc một thời
Một ngày dài ai kịp về bên anh hấp hối
Tôi sẽ hát bằng câu ca người nhạc sĩ đã ra đi.”
(Phạm Lễ)
2/ Lời của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thời sinh tiền đã phát biểu: “Trăm năm sau, chắc gì có được một tác phẩm chuyên chở nổi ẩn tình của người lính chiến như “Người ở lại Charlie”...”. Bài nhạc nói về người lính nhảy dù tử thủ giữ đồn, nghe trong nỗi luyến tiếc, bi hùng. 3/ Nhạc sĩ Lê Dinh đã nói về Trần Thiện Thanh: "Chủ đề Lính đã tạo ra những bài hát hay thể điệu Bolero của tân nhạc Việt Nam. Và tôi nghĩ, Trần Thiện Thanh đã có những ca khúc kể chuyện tâm tình người lính Việt Nam Cộng Hòa rất dễ thương. Như trong bài Tình Thư Của Lính có câu: “Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay”".
4/ Sau hết, Tôn Tử quan niệm là: "Con người sống vì sự can đảm, vì danh dự và vì niềm tin của mình", và chúng ta có thể hiểu xa hơn khi con người sống bên lề sự nhu nhược là những người đánh mất lý trí vì sự vị kỷ hay vì thời cơ chủ nghĩa. Với tôi, Trần Thiện Thanh sống hết lòng cho quê hương và dân tộc Việt Nam. Ông đã hoàn tất sứ mạng của mình và tiếng lòng của Trần Thiện Thanh vẫn bàng bạc trong cuộc đời này. Xin cám ơn Nhật Trường, cám ơn Trần Thiện Thanh... Cám ơn những giá trị tích cực đóng góp của ông vào một lịch sử mà thế hệ chúng ta đã không may đánh mất.
Việt Hải Los Angeles
Ghi chú:
1/ Việt Hải xin cám ơn quý nhà văn Huy Phương, Mường Giang, Phạm Lễ BMD và Trần Củng Sơn, Biển Nhớ và Nguyễn Đình Toàn mà tôi đã tham khảo các bài viết của quý vị về nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
2/ Việt Hải xin cám ơn quý nhạc sĩ Thanh Trang, Lê Dinh qua bài viết về ca sĩ Nhật Trường, cũng như cám ơn quý chị Bích Huyền, Ngọc An và Hồng Vũ Lan Nhi cung cấp nhiều tài liệu cho bài này.

http://www.vn.net/article.php/20060125124801772

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire