dimanche 3 juillet 2022

TRẦN VẤN LỆ, ANH LÀ AI?

Tôi nghĩ Trần Vấn Lệ là một người bạn văn nghệ mà tôi đã “gặp” trên nẻo đường đời mịt mù gió bụi. 
Tôi nghĩ thế; nhưng... tôi biết gì về con người Trần Vấn Lệ, để trả lời câu hỏi trên? 
Tôi biết quá ít. 
Tôi chỉ biết quê nhà của Trần Vấn Lệ là vùng biển cực Nam miền Trung, nơi đã sản sinh một nhà thơ thiên tài bất hạnh. 
Trần Vấn Lệ sinh ra và lớn lên ở đó, thành phố mặn chát muối biển; nhưng anh rời nó mà đi, để sống quãng đời thơ mộng nhất ở Dalat, nơi anh dạy học tại một ngôi trường nữ nổi tiếng. Trần Vấn Lệ đã sống, làm việc ở Dalat một thời gian khá dài, đủ để anh thấy mình đã thuộc về nó. 
Về thơ Trần Vấn Lệ thì tôi càng biết ít hơn nữa.
Bài thơ đầu tiên mà tôi đọc được cho biết anh đã là một người lính: 
“3 giờ chiều rồi đó, mà nắng vẫn chưa lên. Ba tháng rồi sau Giêng, tháng Tư buồn muốn khóc. Thời gian con đường dọc, lòng tôi con đường ngang. Tôi nhớ ai? Việt Nam? Tôi nhớ ai miên man…Tôi nhớ làng, nhớ xóm, nhớ những con đom đóm những đêm không có trăng. Tôi nhớ những dấu chân, chân em in đường đất. Ôi trời mưa lất phất, nước mắt của trời sa…” (3 giờ chiếu)
Trong bài thơ này, anh nói lên nỗi nhớ của mình. Anh nhớ miên man, nhiều thứ: làng, xóm, những con đom đóm …cơn mưa lất phất… một người con gái, với những dấu chân trên con dốc đường Hai Bà Trưng, trong “tháng Tư buồn muốn khóc”.
Đã nhớ một ngày tháng Tư buồn muốn khóc thì không thể không nhớ ngày người ấy đi lấy chồng; vì hai biến cố này, cái xảy ra sau, cái xảy ra trước; đều buồn như nhau, buồn bằng nhau:
“Người ta thì rượu hồng, người ta thì pháo đỏ, em vẫn cô gái đó, cúi đầu đi bên ai. Rồi, tôi một người trai, súng gối đầu nằm ngủ. Bao nhiêu năm rừng rú, em, hú hồn lạnh tanh…” (3 giờ chiều)
Anh đi lính; và cũng vì cái biến cố “tháng Tư buồn muốn khóc”, đã phải trôi dạt “quê người lạc lõng”, “mất mát…cả Quê Hương”, quê hương được anh viết hoa.
“…Tôi đang tựa chỗ nào trên quê người lạc lõng? Mỗi ngày mình còn sống, mỗi ngày mình còn xa…Ngôi nhà núp dưới hoa, con đường đi lên dốc. Em ơi hoa quỳ mọc trên vệ đường…long lanh, tôi quỳ xuống chung quanh bao nhiêu người kinh ngạc. Có gì cũng mất mát…cả Quê Hương Trời ơi!” (3 giờ chiều)
Hai tiếng kêu “Trời ơi!” thoát ra không kềm hãm xuất phát từ đáy lòng một con người đa cảm là kết tụ của nỗi hoài hương ray rứt. 
Đã mất quê hương; người ta chỉ còn biết hoài niệm.
“Mười bảy tuổi em cười, cố gắng cười, chụp ảnh. Mười chín tuổi tôi tránh thành phố…vào quân trường! Nói thế, em khỏi buồn để sinh con đủ tháng. Tôi lau từng viên đạn bắn vào trái tim tôi!” (3 giờ chiều).
Bài thơ rất hay này, mà nhà thơ gọi là tùy bút, là loại ngũ ngôn “riêng” của Trần Vấn Lệ, một phong cách khó lẫn với người khác. Ngắt câu tự do như văn xuôi, mà đầy nhịp điệu, mạch thơ liền lạc, chữ nghĩa của Trần Vấn Lệ đơn giản; nhưng cách dùng những chữ nghĩa ấy thật điêu luyện. Nếu có thể đi vào thế giới thơ của Trần Vấn Lệ, người đọc tha hồ thưởng ngoạn những bài thơ kiểu tùy bút như vậy:
“Giờ này, Mỹ, tôi thức. Mặt trời lên, chói chang. Em vẫn ở Việt Nam. Đêm. Trăng cài song cửa…” (Một bài thơ nằm ngoài giới hạn)
Thơ nằm ngoài giới hạn, vì tình yêu không biên giới. Ở Mỹ mà luôn nhớ về Việt Nam; vì xác thì ra đi, mà hồn thì ở lại; với em (một chữ M viết hoa, như tựa một tập thơ của tác giả mà tôi chưa được đọc).
Em là một người con gái; mà em cũng là quê hương. Nhưng…e rằng quê hương yêu dấu đó giờ đã thay đổi (hay đã mất?):
“…Một Việt Nam đẹp xinh Tất cà là giấu diếm Đại lộ thành đường hẻm Những đống rác cháy xém cứ cháy xém hoài, mùi hôi! Những đứa trẻ mồ côi làm ăn mày mãi mãi…Tiên không học lễ nghĩa Hậu, cần gì văn chương ( Thư gửi về Việt Nam không tới tay người nhận)
Những câu thơ trơ trụi và đau…Đau lắm!. Trần Vấn Lệ tự thấy đáng lẽ mình không nên viết ra những câu thơ như vậy:
“Tôi làm thơ, em nói vô duyên Thôi đừng đọc để cho tôi chờ gió…để tôi chờ áo lụa vàng qua ngõ, cô học trò mười bảy tuổi, xa xăm!...” (Em có bao giờ đứng ngắm mùa đông?)
Thời gian đã lấy mất của nhà thơ những gì rất đẹp, nên đã có những câu thơ “vô duyên” đó. Chiếc “áo lụa vàng qua ngõ” và “cô học trò mười bảy tuổi” đã quá xa xăm!
Không còn nữa!
Chỉ còn sự trần trụi…của cuộc sống, và của thơ. Nhà thơ nhìn nhận:
“Thơ tôi trần trụi thiệt kỳ! Không vui đừng đọc, buồn thì buồn thêm! Vậy mà cứ gửi về em, để em mở thấy đầy thềm lá bay…Từ bao giờ đến hôm nay, không hình ảnh mới chỉ đầy cố nhân!...” (Thơ tôi độc thoại)
Nhưng…đọc lại mới thấy cái trần trụi đó chính là thơ.
Như bao người trai khác, nhà thơ không quên những năm tháng làm lính:
“Nhớ thuở Bình Long/ qua rừng trăng vỡ/ lá cao su đổ/ đường rừng máu rơi…
Nhớ thuở xa xôi/ đi trong lằn đạn/ buồn bay tứ tán/ rừng cao su tan…
Một thuở Việt Nam/ trăng còn một nửa/ nửa kia là gió/ lộng áo nhà binh… (Trăng đêm mồng Bảy)
Người ta thường nói “Gió bay tà áo em…” chẳng hạn; Trần Vấn Lệ lại nói “lộng áo nhà binh”. Hay thật! Mà đúng quá! Người lính cũng có vầng trăng của riêng mình, dù chỉ còn một nửa. Để nghe gió thổi. Để mơ mộng.


Dù rất mộng, nhưng thơ Trần Vấn Lệ không vui chút nào. Ai cũng “thấy” như vậy, trước hết là tác giả:
“Thơ tôi… một cõi tứ bề, buồn trăm phương cứ đổ về một phương!’ (Thơ tôi độc thoại)
Nỗi buồn đến ngay trong sự hoài niệm về những khung trời cũ:
“Có thể là ngàn năm, ngàn năm, ai tôi nhớ không còn về đây nữa…giống như bây giờ tôi đang chờ gió thổi mây trời bay xuống Đơn Dương…” (Em có bao giờ đứng ngắm mùa Đông?)
Thơ Trần Vấn Lệ ngập tràn Dalat- Dalat của một thời quá khứ và Dalat thực tại:
“Không biết Đà Lạt giờ, 16 Trần Hưng Đạo, những con chim sáo sậu/ còn tụ về đấy không?
Biệt thự giữa rừng thông/ nghe nói giờ trống trải, lá thông rơi trên mái/ gió đã bay hết rồi…
Đà Lạt vậy, xa xôi/ nếu tôi về đường cũ…con đường không phải phố/ đã mất chiều dài xưa?...
Đà Lạt vậy, hết thơ, tôi sẽ buồn biết mấy…”
 (Hỏi thăm Đà Lạt)
Buồn; nhưng vẫn hẹn một ngày về:
“Mai mốt tôi về thăm Đơn Dương
Chao ôi tôi nói mà tôi buồn
Hẹn hoài mai mốt, còn mai mốt
Ai khiến quê nhà hóa Cố Hương?...”
 (Mai mốt tôi về)
Thời tiết, khí hậu ở thành phố cao nguyên đó cũng đặc biệt, khó quên như nỗi nhớ:
“Khi anh biết em lạnh…thì anh ở trong tù !
Nhìn mưa, Giọt Mưa Thu nhớ trời ơi Tương Phố…
Nhớ lắm bà, ngôi mộ giữa đường qua Prenn…
Nhớ, nhớ đỉnh Langbian, mây, mù, sương, khói, trắng”
 (Cơn bão ngày thứ hai)
Những địa danh thân quen được nhà thơ nhắc đến nhiều lần:
“…Tôi nhớ Đà Lạt lắm, ở đó phấn thông bay, áo dài em gió lay…nhẹ nhàng mà thơm ngát…
Một thời xưa Trại Mát. Một thời xưa Trại Hầm. Nhà thờ xưa Xuân An. Nắng vàng hườm hồ biếc…
Tất cả lời tha thiết, tôi rót vào tai em Lúc đó có gió lên, tôi ôm em càng chặt
Đà Lạt ơi Đà Lạt…nắng sau những ngày mưa ! Nắng đẹp như bài thơ, vì nắng, lời thơm thảo!...” (Hoa hồng trắng tuyết sương)
Nhà thơ yêu Dalat quá; nên đã cùng khóc với thành phố của mình:
“Tôi hỏi, nhiều người nói: Bồng Lai chừ tiêu rồi!
Tôi không nói thành lời. Tự nhiên. Nước mắt chảy!
Từ Liên Khương, bên phải/ lên Đà Lạt ngày… xưa…
Một cánh rừng như…Mơ. Một…Thiên Đàng…Trên Đất!
Nửa thế kỷ, biến mất/ công trình còn dỡ dang…
Lịch sử mới nửa trang, sang hàng mà nghèn nghẹn!
Mồ hôi đổ và đến… trong cảnh huống Ngạc Nhiên:
Không Lẽ Hậu Thế Điên Xóa Tấm Lòng Người Trước”
 (Mưa bay trên thành phố cao)
Nửa thế kỷ đã trôi qua, như một giấc mộng. Còn gì nguyên vẹn nữa đâu!
“Tôi thèm hôn Đà Lạt người-con-gái-không-bao-giờ- điểm trang!
Đà Lạt tôi nằm ngang Đà Lạt tôi nằm dọc
Đà Lạt tôi khóc!” (Mưa bay trên thành phố cao)
Đó là nỗi nỗi buồn của một người đã đi quá xa quê hương của mình. Là nỗi đau, của một người có thể, hoặc sẽ mãi mãi, đánh mất những gì tha thiết nhất:
“Tôi nhớ quá đi ! Không kể hết
Mà thôi tôi có trở về đâu
Thương Đà Lạt lắm. Thương và nhớ
Đất nước quê hương. Nhớ. Cúi đầu !”
 (Tôi nhớ quá đi chừng đó kể)
Nhớ! Đôi mắt nhớ, bàn tay nhớ, cái mũi cũng nhớ:
“Tôi nhớ quá đi Quê Hương! Cái mùi thơm của Mạ
Tôi cũng nhớ Ba khôn tả…Cái giọt mồ hôi cũng thơm
Chao ôi Quê Hương Quê Hương!
Không gì đẹp hơn Tổ Quốc! (Cung Chúc Tân Xuân)
Một người nói về quê hương và tổ quốc của mình một cách tự nhiên như thế không thể nào là người không yêu nước:
“…Quê hương là Tổ Quốc là tiếng ngựa lọc cọc vang vang trên đường xa!
Lính nào không nhớ nhà? Lính nào không yêu nước? Người con gái chưa bước…tiếng tim mình đã reo!...”
 (Áo Dài Em Óng Ánh Biển Trời Ơi Quê Hương)
“…Đà Lạt mù sương
Bay bay áo lụa
Sao tôi không nhớ
Sao tôi không yêu…” (Merry Christmas)
“Tháng này của chúng mình
Hoa Dã Quỳ bung nở!
Ôi chao ôi là nhớ
tháng Chạp vào mỗi năm…
Hồi đó anh xa xăm
Bởi vì anh đi lính!
Rồi bây giờ vô định
vì anh ở quê người…”
 (Khi Đà Lạt hết mưa)
Quê người đó xa quá. Khoảng cách là một đại dương; nhưng nhiều lúc, vì cái yếu tính mơ mộng và thơ mộng mà nhà thơ cứ tưởng như mình đang nhìn thấy, bằng đôi mắt đã mờ, những ngọn đồi, những cánh rừng thông, con dốc đi về ngôi trường cũ, những chiếc lá trúc đào rơi bên sân nhà hàng xóm…Có lúc nhà thơ tưởng như mình đang sờ nắm và cảm nhận, bằng bàn tay đã mỏi, những cánh hoa dã quỳ mềm mại, những trái thông nham nhám dễ chịu… Có lúc nhà thơ tưởng như mình đang ngửi thấy, bằng cái khứu giác đã không còn nhạy bén, mùi thơm của những giọt mồ hôi trên lưng áo của người Cha lam lũ…
Đó chỉ là một phần kỷ niệm và tình cảm của Trần Vấn Lệ mà độc giả hiểu được qua những bài thơ, rất đằm thắm.
Lưu vong xứ người, đã ở khoảng cuối đời, nhà thơ tóm tắt cuộc tồn sinh của mình, bằng tiếng than:
“Tôi sinh ra đời, ầm ầm tiếng súng; tôi sống cuối đời, như chim lẻ loi…Có Tổ Quốc sao đành xa Tổ Quốc? Có Quê Hương sao chịu kiếp lạc loài?...”
Câu hỏi đó; chỉ để hỏi chính mình.
“Thắp điếu thuốc ngồi nhìn khói tỏa, núi rừng xưa, làng xóm xưa mờ
Mưa trắng núi và đầu ta trắng tóc, thơ thì xanh mà mong manh, mong manh” (Mưa trắng núi và đầu ta trắng tóc).
Nói chung, thơ Trần Vấn Lệ buồn, rất buồn. Nhà thơ nhìn nhận:
“Thơ tôi… một cõi tứ bề
Buồn trăm phương cứ đổ về một phương”
 (Thơ tôi độc thoại)
Tại sao tôi đặt câu hỏi Trần Vấn Lệ là ai? 
Tôi không hỏi Trần Vấn Lệ mà tôi hỏi tôi; và chờ đợi câu trả lời từ những người khác, những nhà phê bình văn học hay những độc giả của anh, những người hiểu biết về anh, về thơ anh, nhiều hơn tôi. Tôi “biết” anh hơi muộn.
Tôi đọc Trần Vấn Lệ quá ít- so với tài sản khổng lồ hàng chục tập thơ anh đã in, trong nước hay ở hải ngoại- để có thể nói hay viết một điều gì thỏa đáng. 
Tôi cũng chưa hề được gặp anh và e rằng một lần hạnh ngộ cũng là khó. Dường như trong mọi chuyện, tôi luôn là một kẻ muộn màng.
Và tại sao Trần Vấn Lệ? Cái tên lạ quá. Như một định mệnh. Muốn gói lại những giọt nước mắt mà chúng vẫn rơi; bởi lẽ trái tim yêu thương vẫn còn đập trong lồng ngực. Thơ Trần Vấn Lệ đầy nước mắt:
“Bỗng dưng lệ tôi trào Tôi hiểu chữ hạnh phúc Qua dòng mưa lất phất như dòng kẻ học trò…” (Đêm nay Thiên Chúa Giáng Sinh)
Nhà thơ lại tự hỏi mình, trong nỗi hoài nghi:
“…Bao giờ gió thổi ngược-người tha hương trở về? Ngoại ơi cái nón mê con cầm cho Ngoại nhé, để con chờ Ngoại hái mấy trái cam cho con…và nước mắt con tuôn yêu Ngoại bằng Tổ Quốc!...” (Có nắng là có tình)
Bài thơ mới nhất, cũng buồn như bài thơ đầu tiên:
“…Tôi đi kiếm ý thơ, giụi mắt từng hạt lệ chưa bao giờ nhiều thế, lăn tròn kiếp tha hương!...” (Đáo Bỉ Ngạn)
Tôi đã đọc nhiều người viết về thơ Trần Vấn Lệ; và tôi nghĩ bài viết này của tôi dù có hay có dở có đúng có sai thế nào cũng không bao giờ là đủ; mà vẫn là thiếu; vì làm sao có thể nói, viết cho hết cái mênh mông trong hồn thơ Trần Vấn Lệ? 
Mặc dù giữa chúng tôi có nhiều điểm chung; nhưng tôi thấy viết về thơ anh thật không dễ. Đối với tôi, đọc thơ anh “đã” hơn nhiều. Tôi mong sẽ có thêm nhiều người nữa tiếp tục viết về thơ anh, một phong cách kỳ lạ.
Mặc cho nỗi buồn, khi nào viết cho M, giọng thơ Trần Vấn Lệ cũng nồng nàn, âu yếm; rất tình tứ, ngọt ngào:
“Em ơi em, cho hồn anh ở đậu…
hai bờ vai em nha
thương lắm những tàn nhang
những ánh sao rơi trên mái tóc rẽ hai hàng…
Anh sẽ chải lại cho em
khi hai đứa mình vào trong quán
Người ta bật sưởi và ly cà phê đen, nóng
Hai đứa mình ngồi nhìn khói mùa Đông bay lên!...”
 (Tháng Chạp lễ Nô En)
Mộng tưởng của tình yêu bao giờ cũng rất đẹp:
“…Một chiều có mưa nho nhỏ. Một chiều áo lụa tung bay. Anh kẻ cho em chân mày…chỉ em: chân mày vời vợi!
Anh rất chờ mong em nói: “Anh à, em rất yêu anh!” Anh hôn em áo dài xanh, anh hôn tóc em nón lá…
Chúng mình đi thăm đồng mạ chúng mình đi thăm Quê Hương!” (Cánh Đồng Mạ Quê Hương Áo Dài Em)
Vì tình yêu đó càng lớn hơn khi không tách rời khỏi tình yêu Quê Hương, Tổ Quốc:
“Anh không muốn em khóc! Hỡi nước mắt kim cương!
Anh không muốn Quê Hương…mình buồn như năm ngoái
Anh nói đi, nói lại:
Anh Yêu Em Vô Cùng!” (Thơ mãi là Tổ Quốc)
Có những bài thơ, câu thơ rất dễ thương, cái dễ thương của tuổi teen:
“Chúng ta ới ới ơi
Hoa cẩm tú cầu đổi sắc
Anh hôn em cái mặt
Nhăn nheo tuổi lên mười…
Anh hôn em nụ cười, anh nhớ hoài đến chết !…”
 (Vũng lầy thời gian)
Qua bao nhiêu “vũng lầy thời gian”, tâm hồn của nhà thơ vẫn như cũ, già nua một cách trẻ trung, mệt mỏi một cách nồng nhiệt:
“Bây giờ đã lạnh lắm, mai lạnh biết bao nhiêu? Ôi Tổ Quốc thương yêu…đâu con diều giấy cũ…Em à, em yêu dấu, em là mặt trời nha! (Ôm mặt trời đi ngủ) 
Nhà thơ muốn người yêu là mặt trời, để soi sáng và làm ấm áp cái không gian lạnh lẽo của đời sống anh. 
Được thế đã là vui, trong lúc cùng đường, mạt lộ:
“…Anh không còn Tổ Quốc! Anh hết đường để đi!
Anh không còn cái chi cả tình em hờn dỗi…”
 (California mùa Đông)
Rồi sẽ một kết thúc ngậm ngùi?
“Đây đang là mùa Đông, mai mốt sẽ có tuyết…
Mai mốt sẽ chấm hết…mai mốt bình tro thôi!
Mai mốt anh ngậm cười, ước ngậm ngón tay em nhỉ?
Mà thôi…tình chung thủy ngàn năm mây trắng trôi…
 (California mùa Đông)
Nhà thơ kêu gọi những người đồng cảnh ngộ, những người suốt đời mồ côi:
 “Tôi nói thế có nghe không hỡi những người bạn thiết?
Còn bao nhiêu…xin hãy đọc thơ tôi !
Chúng ta mồ côi, chúng ta đã mồ côi.
Từ năm 1975 đến giờ, đến bao giờ nữa chớ ?” (Ngày đầu năm 2022 ở Los Angeles)
Dường như đã không có ai trả lời câu hỏi đó của Trần Vấn Lệ.
Vì thế mà anh vẫn làm thơ, trong cô độc, mỗi ngày; trong trí tưởng (tượng) ở đâu cũng là chốn quê nhà:
“Chỗ nào trời cũng trời quê Để cho anh nhớ em kìa núi non…Muôn năm rồi núi chẳng mòn Muôn năm sau nữa sông còn cứ trôi…” (Hôm nay ở Los Angeles)
Sông trôi về đâu? Hẳn là về hướng quê nhà xa lắc:
“Đi mặc thêm chiếc áo
Trời lạnh thêm…bỗng dày
Quê nhà ở hướng Tây
Cố quốc Cố hương và…Cố lý! (Nói thế cho nó phỉ)
Có lẽ, ở xứ người, nhiều buổi chiều, giữa cảnh tàn phai của khung trời màu sắc, có người thi sĩ già một mình đi ra bờ sông, để nhìn dòng nước chảy, chảy hoài không nghỉ, rồi nghe trong lòng một tiếng gọi, và thấy không có ai, không một ai, ngoài chính mình, cô độc, lủi thủi, như một đứa con lạc loài:
“Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò”
 (Ca dao)
Nguyễn Hữu Thời
7/1/2022
*
*     *
Giấc mơ Dã Quỳ, Thơ Trần Vấn Lệ  phổ nhạc

Đêm qua tôi lại nằm mơ
Thấy mình về đứng trên đồi
Thấy đồng hoa nở bát ngát
Dã quỳ hoa vàng đón tôi

Đêm qua tôi thả hồn chơi
Đi về tận chốn quê nhà
Nắng vàng nghẹn ngào theo tôi
Nắng vàng thương Dã quỳ tôi

Tôi chết, chết thật rồi
Bên tôi Dã quỳ tàn úa
Kỷ niệm đau mấy cho vừa
Tôi hóa thành bụi mưa

Tôi khóc, khóc thật nhiều
Quê hương sao còn đau yếu
Tôi mơ, mơ để làm gì
Tôi về, về đây làm chi

Đêm qua tôi vừa kịp mơ
Thấy em đứng hát bên đồi
Nụ hôn còn chưa kịp tới
Nước mắt đã vội tuôn rơi
Giấc mơ Dã Quỳ - Thơ: Trần Vấn Lệ-nhạc: Tuấn Khanh-Nhã Ca trình bày

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire