jeudi 21 juillet 2022

Tìm Nhau Từ Thuở - Toàn Phong Nguyễn XuânVinh

Trong những năm sống xa quê hương, ông được đi đến nhiều quốc gia và thăm viếng nhiều nơi nên đã viết một loạt những bài ký sự hay tùy bút bộc lộ tâm tư cảm nghĩ của mình với chủ đích hướng về đất nước và mong mỏi giới trẻ Việt nam ở hải ngoại đạt được nhiều thành tích vẻ vang cho dân tộc. Những bài viết này được in thành tập Theo Ánh Tinh Cầu. Sau đó ông viết những truyện ngắn về những mối tình thời đại đăng trên báo chí và được nhiều người theo dõi thích thú, trong đó có nhà văn Đỗ Tiến Đức khuyến khích và tạo cảm hứng để từ những truyện ngắn này viết thành truyện dài Tìm Nhau Từ Thuở, một chuyện tình của đôi nam nữ trải qua những sóng gió của một thời đại loạn ly Việt Nam. 

 Thời gian câu chuyện là những ngày tháng kế cận trước và sau năm 1975. Không gian bao trùm từ những chuyển biến của đất nước trong thời điểm này. Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ trong bài tựa đã phát biểu rằng : “Tìm Nhau Từ Thuở nêu ra một chủ đề là tuổi trẻ hiện nay phải chọn lựa giữa căn bản văn hóa Đông Phương và văn hóa nhiễm mùi hiện sinh của Tây Phương. Nhưng theo tác giả Nguyễn XuânVinh thì sự chọn lựa của giới trẻ Việt Nam hiện nay không hẳn chỉ giữa hai nền văn hóa đông và tây thật cách biệt nhau. Trong giữa hai đối nghịch cũng có những khoảng dung hòa có thể chấp nhận được. Lý tưởng ra thì là mong ước các bạn trẻ sống ở hải ngoại phải cố gắng tranh đua sao cho bằng người mà vẫn giữ được bản sắc đạo đức của giống nòi Hồng Lạc.”

Phong là nhân vật chính của Tìm Nhau Từ Thuở là một chuyên gia tốt nghiệp từ một trường cao đẳng danh tiếng ở Pháp. Phương Vân là em của người bạn thân với Phong đã yêu chàng trong tâm tình của một nữ sinh hiền thục ở tuổi trăng tròn. Mối tình thật đẹp có nét cao thượng của những mảnh đời lý tưởng gặp nhau. Sau này hai người xa nhau và có những lá thư trao đổi tâm tình thương nhớ. Văn phong nhẹ nhàng, lời văn như có hơi thơ quyện vào.

Về Tìm Nhau Từ Thuở, tác giả cho biết : “Cuốn sách này tôi viết ba năm mới xong gồm 14 chương. Tuy diễn tiến của cuộc tình theo với thời gian đã được giàn trải trước nhưng có khi vài tuần lễ tôi mới viết được một đoạn như là một câu truyện ngắn nói về liên hệ giữa hai người. Chẳng hạn trong một chương sách có tiêu đề là Thiên Nga tôi chỉ kể câu chuyện nhân dịp lễ Valentine anh chàng Phong tìm mua được một con thiên nga bằng pha lê để gửi kịp ngày 14 tháng 2 cho cô bé mang ra trường khoe với lũ bạn luôn luôn tọc mạch. Bài viết cũng khá dài gồm nhiều chi tiết làm người đọc thấy thích thú. Mỗi chương sách tôi thường viết một mạch không cần sửa chữa hay thêm bớt. Trong khoảng thời gian đó tôi tưởng tượng mình như có liên hệ với những người trong truyện nên có độc giả đã nghĩ rằng tôi kể chuyện đời mình.”

Trả lời câu hỏi sáng tạo toán học và sáng tạo văn chương có gì giống nhau ? Nguyễn Xuân Vinh cho biết : “Sáng tạo thơ văn không có gì giới hạn, nói theo tiền nhân thì “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp / trong thú yên hà cuộc tỉnh say”, muốn viết sao cũng được miễn là bộc lộ được ý tưởng của mình muốn truyền đến cho người đọc. Nhưng sáng tạo toán học phải dùng hoàn toàn luận lý thật chặt chẽ tuy đôi khi vẫn phải pha một chút tưởng tượng không bình thường.  Một thí dụ, tuy không thực tế lắm, là một phi thuyền đang bay trên một quỹ đạo vòng tròn trái đất, mà giờ ta muốn quay ngược chiều nghĩa là đổi hướng bay180 độ. Như thế, theo ý nghĩ thông thường thì phải hãm vận tốc lại thành số không rồi lại tăng tốc độ thành như cũ nhưng đổi ngược chiều, thật vừa tốn kém nhiên liệu lại vừa gây ra một độ gia tốc quá đáng có ảnh hưởng tai hại đến phi thuyền và phi hành đoàn nếu có. Lời giải đoán thật đúng là làm sao vận hành cho đỡ tốn nhiên liệu là phải tăng tốc độ cùng chiều, nghĩa là thay vì quay ngược chiều ngay lập tức, lại phải tiến tới. Vận động này chỉ tốn thêm một ít nhiên liệu nhưng sẽ làm cho phi thuyền vượt khỏi trọng trường của trái đất và bay đi thật xa. Ở khoảng cách xa, lấy thí dụ là khoảng cách chừng mười lần bán kính quỹ đạo, vận tốc của phi thuyền sẽ rất nhỏ, giống như ta tung một quả bóng lên cao lên tận cùng rồi muốn rơi trở lại. Lúc đó chỉ cần tạo ra một lực nhỏ để cho phi thuyền bay trở lại nhưng lần này ngược với hướng bay trước. Khi tới vị trí cũ thì tốc độ trở lại bằng lúc mới đầu khởi hành nhưng lần này phi thuyền đi ngược chiều và chỉ cần hãm tốc độ lại vừa đủ đi vào quỹ đạo tròn là htực hiện được phép đổi hướng 180 độ. Chi phí về nhiên liệu. Một lần tăng lên và một lần giảm đi, cả hai lần đều bằng nhau theo tính chất đối xứng của quỹ đạo và tương đối nhỏ, Đấy là ý kiến đưa ra nhưng sau đó phải dùng phép tính thật chính xác để xem tất cả những điều tiện lợi, như tiết kiệm nhiên liệu, bớt độ gia tốc và những điều hại như kéo dài thời gian vận chuyển vân… vân… ”

Trích từ: Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh - Nguyễn Mạnh Trinh
https://www.quinhon11.com/2013/06/toan-phong-nguyen-xuan-vinh.html

*
*     * 
Nhạc sĩ Khê Kinh Kha đặc biệt đã sáng tác làm nhạc chủ đề cho tập truyện dài "Tìm Nhau Từ Thưở" của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh


Tìm Nhau Từ Thưở (Khê Kinh Kha - Diệu Hiền)
*
*     *
N/s Lê Tín Hương cảm tác từ tập truyện "Đời Phi công" đã sáng tác bản nhạc Đời Phi công qua tiếng hát của Anh Dũng.

Đời Phi Công (Lê Tín Hương - Anh Dũng)
*
*     *
Và một số bài thơ của Gs Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã được các nhạc sĩ phổ thành những ca khúc:


Chân Dung - Nhạc: Phạm Anh Dũng-Thơ: Toàn Phong-Quang Minh hát
*
*     *
Nhớ Tiếc -  Toàn Phong-Phạm Anh Dũng-Mỹ Dung
*
*     *
Mắt Biếc Hồ Thu - Toàn Phong - Nguyễn Vinh-Cao Duy hát
*
*     *
Mắt Biếc Hồ Thu - Toàn Phong NXV- Vũ Thư Nguyên-Quỳnh Lan
*
*     *
Mắt Biếc Hồ Thu - Võ Tá Hân - Thơ Toàn Phong-Ngọc Quy

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire