Bài Qua Sông, Anh Hùng Tận, Đêm Qua Bắc Vàm Cống, Đãng Tử, Trường Sa Hành… là thơ lính, nhưng mà là thơ buồn. Người lính bơ phờ, mỏi mệt, sau những chuyến quân hành. Người lính “dô dô..”, lính nhậu nhẹt, lính quên đời. Uống để quên những gương mặt bạn bè, đồng đội mới vừa ngã xuống. Thơ lính của Tô Thùy Yên nói lên tiếng nói tự do, quyền được khóc. Đó là điều nghiêm cấm ở Miền Bắc. Không có bài thơ lính nào ở Miền Bắc có nước mắt cả. Vì vậy thơ lính của Tô Thùy Yên là tiếng thơ nhân bản cho thân phận con người. Ông Tô không phải chỉ là người lính của Miền Nam, mà còn là người lính của thân phận, của con người. Thơ tuy buồn, nhưng cái nét bi hùng vẫn cuồn cuộn trong thơ:
“Ly rượu rót mời, xin uống cạn.
Bài ca ta hát đến đâu rồi?
Xin hát nốt – còn đi kẻo muộn…
Cho úp ly – bóng xế đường dài…
Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn.
Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê?
Đến ngã ba, đành theo một lối,
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.
Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm
Lược sử ta trong bí lục nào,
Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn,
Thiên thu loé tắt vệt phù du… “
(Đãng Tử)
Ngoài chiến địa, sinh mạng người lính nhấp nháy như một vì sao!
Bài “Qua Sông” cũng là một bài thơ buồn. Không những vậy, nó còn buồn
hơn những bài lính buồn khác. Nếu nó là một bài thơ hùng, chắc hẳn nó
chỉ dùng như một tiếng trống thúc quân. Số phận bài thơ cũng sẽ khác.
Trong nhạc Việt, người ta thường ví Phạm Duy là phù thủy âm thanh. Trong
thơ, phải ví Tô Thùy Yên là phù thủy của ngôn ngữ. Trong bài Qua Sông,
ông dùng những chữ diễn tả thật mới lạ. Như , “trời mốc”, vẽ nên màu
trời vần vũ âm âm hơi nước. “xa như nhớ” – chỉ khoảng cách trừu tượng,
không thể ước lượng. Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò”. Thi trung hữu họa
là đây. Chỉ bằng hai chữ “xiêu lạc dáng cò” Con cò phiêu hốt bỗng dưng
hiển hiện như tranh,…
“Quán chật xanh lên rừng lính ướt.
Mặt bơ phờ dính gió bao la”
Lần đầu tiên có người diễn tả người lính qua sông là “lính ướt”, mặt
“dính gió”,… Những chữ đặc thù của Tô Thùy Yên khiến thơ ông không lẫn
với ai được. Nhưng cái “tuyệt chiêu” nhất là chữ “ngời” trong câu kết.
“Xuống đò đời đã bỏ quên,
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời”
“Mắt ngời”? Nước mắt trào như nước sông, ngấn đầy trong khóe ?
Quả,Tô Thùy Yên dùng chữ như Giả Đảo làm thơ.
“… Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền.
Xuống đò, đời đã bỏ quên…
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.”
Ở bốn câu cuối, âm điệu, tiết tấu bỗng lạc hẳn đi, nó khiến người ta liên tưởng tới tiếng khóc lạc thần trong hai câu thơ khác.
“Thùng thùng trống đánh ngũ liên.
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.”
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện.
Mưa lâu, trời mốc, buồn hôi xưa.
Con đường đáo nhậm xa như nhớ.
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò.
Quán chật xanh lên rừng lính ướt,
Mặt bơ phờ dính gió bao la.
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét,
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa.
Vang lên những địa danh huyền hoặc,
Mỗi địa danh nồng một xót xa.
Giặc đánh lớn – mùa mưa đã tới.
Mùa mưa như một trận mưa liền.
Châu thổ mang mang trời nước sát,
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên.
Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên.
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh…
Sông cái nước men bờ sóng sánh.
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng.
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt.
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang.
Quê xa không tiện đường đưa tiễn,
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh.
Thêm một chút gì như hối hả,
Người thân chưa khóc ráo thâm tình…
… Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền.
Xuống đò, đời đã bỏ quên…
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.
nguyễn thị thảo an
Kennesaw, June19/ 2017
* *
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire