Bức tượng Thương Tiếc
Bức tượng Thương Tiếc
Do nổi tiếng từ bức tượng Trung Liệt đặt
tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, ngày 22-8-1966, ông được Chủ Tịch Ủy
Ban Lãnh Đạo Quốc Gia – Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giao thực hiện bức
tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Tượng
ngồi, bằng bê-tông cốt thép, màu đen, uy nghiêm, cao 4 m. Nếu tính cả mô
đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao tượng đài là 8 m. Về
bức tượng Thương Tiếc, ông kể rằng ông được Tổng thống Thiệu
chọn thực hiện, từ việc thể hiện ý tưởng đến việc xây dựng tượng đài tại
Nghĩa trang Quân đội.
Sau bảy
ngày, ông được mời vào Dinh để trình bày năm phác thảo nhưng vào cuối
buổi, ông nói phác thảo mà ông yêu thích nhất là phác thảo thứ sáu mới
vẽ nháp trên bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ trong khi chờ ngoài hành lang
Dinh. Ý tưởng thứ sáu lấy từ hình ảnh của hạ sĩ Võ Văn Hai khóc bạn tại
quán nước trước Nghĩa trang Quân đội cũ ở Gò Vấp mà ông nhìn thấy một
tuần trước đó. Phác thảo thứ sáu được chọn và chỉ sau hai tháng rưỡi,
bức tượng đồng Thương Tiếc cao 9 m hình thành, đưa ông lên đỉnh
cao danh vọng ở tuổi 32 với sự kính trọng của giới chức và quân nhân
thời đó. Tượng được khánh thành ngày Quốc Khánh VNCH 1-11-1966.
Trên
không gian rộng thoáng, từ mọi hướng, người ta có thể nhìn thấy bức
tượng cao, nổi bật trên nền trời xanh. Đó là người lính từ chiến trường
về thăm mộ đồng đội, quân phục, ba-lô lấm bụi, súng trường gác trên hai
đùi, lưỡi lê ngang hông, dây quai nón sắt buông thỏng như sợi buồn rơi
vào cõi vô định. Anh ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, thương
tiếc cho người bạn vừa nằm xuống. Bức tượng trong bối cảnh đó trở nên có
hồn hơn và nhiều chuyện linh thiêng của bức tượng đã không ngớt lưu
truyền trong dân chúng lúc đó.
Đỉnh danh vọng và đáy địa ngục
Tiếng
tăm của điêu khắc gia Thu và các tác phẩm của ông đã vang xa khỏi quê
hương. Ngày 20-7-1967, đại tá H.G. Fuller, thuộc Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa
Kỳ ở Việt Nam (USARV), gửi thư cho đại tá William P. Jones – Chủ Tịch
Ủy Ban Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ, trong đó ông ca ngợi ông Thu
và các bức tượng về đề tài chiến tranh. Ông William xem ông Thu là điêu
khắc gia xuất sắc nhất Việt Nam lúc ấy và đánh giá bức tượng Thương Tiếc là một kiệt tác nghệ thuật. Ông William viết: “… xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng với bức ảnh nổi tiếng Raising The Flag on Iwo Jima ở
Arlington”. Ông cũng tiến cử ông Thu với Ủy ban để thực hiện việc dựng
tượng ở Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong các dự án tương lai.
Nói đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người ta chỉ nhớ đến ông với bức tượng Thương Tiếc. Thật ra ông còn một số tác phẩm khác, chẳng hạn tượng Quyết Thắng,
tác phẩm được tạc sau cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tượng cao
4m, bằng bê-tông cốt thép mô tả hình ảnh người lính Thủy Quân Lục Chiến
trong tư thế ném lựu đạn. Chân trái co thấp bước tới trước, chân phải
thẳng tạo thế đứng vững chắc. Cánh tay và bàn tay trái duỗi thẳng hướng
về đích đến, tay phải đưa về phía lưng, làm thân người lính vặn về phía
sau, thế đứng này giúp người lính có thể ném lựu đạn đi xa nhất. Khẩu
súng đặt vội giữa hai chân, nón sắt rơi xuống, phần áo phía trước phủ ra
ngoài quần làm cho người xem cảm nhận được sức nóng của chiến trường.
Trong khoảnh khắc sống còn, gương mặt người lính trở nên căng thẳng…
Tượng Quyết Thắng
Khi vừa hoàn thành, tượng Quyết Thắng được
triển lãm tại công viên Đống Đa, trước Tòa Đô Chánh vào năm 1969. Cái
thần của bức tượng cùng bảy bức tượng khác về đề tài quân đội của ông
Thu tại cuộc triển lãm làm cho người xem cảm nhận không khí chiến tranh
lan vào tận đô thành Sài Gòn. Trước đó vài năm, có một tác phẩm điêu
khắc đồ sộ cùng chủ đề người lính Thủy Quân Lục Chiến được đặt trước
Quốc Hội (Hạ Nghị Viện).
Tượng
do điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ tạc năm 1966. Ông Đỏ là thiếu tá Bộ Tổng
Tham Mưu, là bạn học với ông Thu tại Cao Đẳng Mỹ Thuật. Ban đầu tượng
được duyệt với phác thảo gồm ba người lính nhưng khi hoàn thiện thì
tượng đài chỉ có hai người. Trong thời gian thực hiện, ông Đỏ rút lui
không rõ lý do, công việc dang dở, vì vậy được giao cho thiếu úy Đinh
Văn Thuộc (không phải điêu khắc gia), cùng làm với sự cố vấn của họa sĩ
Lê Chánh và Lương Trường Thọ. Trong hoàn cảnh như vậy, tượng khi hoàn
thành có nhiều khiếm khuyết mà tác giả của nó chắc không khỏi buồn lòng!
Sóng gió của bức tượng này chưa dừng ở đó. Ngay khi tượng được dựng,
dân biểu Hạ Nghị Viện phản đối kịch liệt, vì súng người lính hướng thẳng
vào tòa nhà Quốc Hội. Họ cương quyết đòi di chuyển tượng sang địa điểm
khác. Đầu năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị điêu khắc gia
Thu làm gấp một tượng khác để thay thế. Đó là lý do ra đời của tượng Quyết Thắng.
Chỉ ba tháng sau khi có chỉ thị, ông Thu đã gấp rút hoàn thành Quyết Thắng với
kinh phí tự bỏ 300.000 đồng. Tổng thống Thiệu muốn thay thế bức tượng
trước trụ sở Quốc hội ngay và có ý đưa tượng Thủy Quân Lục Chiến về Ngã
Tư Hàng Xanh. Tuy nhiên, không dễ gì thay thế biểu tượng một binh chủng
oai hùng, khi ông Thiệu cùng lúc đương đầu với thiếu tướng Bùi Thế Lân
(tư lệnh Thủy quân lục chiến) và đại tướng Cao Văn Viên (Bộ Tổng Tham
Mưu). Bức tượng Thủy Quân Lục Chiến nhờ vậy tồn tại thêm vài năm cho đến
ngày 30-4 rồi bị nhóm thanh niên “cách mạng 30-4” phá sập.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, “bên thắng cuộc” đã giật đổ bức tượng Thương Tiếc bằng
đồng, rồi chuyển về Dĩ An. Đến nay không ai biết được số phận của nó.
Chưa dừng lại, ít lâu sau đó, một nhóm vài chục bộ đội đã kéo tới tư gia
điêu khắc gia Thu để truy tìm bức tượng Thương Tiếc bằng bê-tông
cốt thép đã tạc và đặt tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa năm 1967. Đó
là tượng dùng để đúc đồng (khuôn gốc) và hình thành nên bức tượng Thương Tiếc phiên bản bằng đồng năm 1970.
Nhóm người hung hãn ra sức đập phá bức tượng Thương Tiếc một
cách không… thương tiếc và chỉ dừng lại khi tượng chỉ còn lại phần bụng
và chân. Hiện nay tượng bê-tông bị đập phá này vẫn còn nằm trong sân
sau nhà của ông Thu, cạnh các ngôi mộ gia tiên, cây dại che phủ nên ít
ai chú ý. Sau khi đập phá bức Thương Tiếc, nhóm người này tiếp
tục đập phá bức tượng Lính Thủy quân Lục Chiến, cao 4m, chỉ để lại đầu
tượng. Ngày trở về nhà từ trại tù Hàm Tân với thân hình tiều tụy, ông lê
bước đến bên bức Thương Tiếc. Ông đã ngã quỵ dưới chân tượng và
ngồi ở đó rất lâu cho đến lúc sụp tối. Ông nói sự trả thù này còn ác hơn
những đòn thù mà ông phải gánh chịu trong tám năm dài ngục tối…
Bức thư của đại tá H.G. Fuller gửi cho đại tá William P. Jones về điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Võ Văn Hai, giờ này ông ở đâu?
Hạ sĩ Võ Văn Hai, Tiểu Đoàn II binh chủng Nhảy Dù bỗng trở nên nổi tiếng cùng với ông Thu và bức tượng Thương Tiếc lịch
sử khi được chọn làm người mẫu. Giống như điêu khắc gia Thu, cuộc đời
bí ẩn của hạ sĩ Hai cũng chìm nổi theo bức tượng. Không lâu sau tượng
được dựng lên, người ta đồn ông Hai đã hy sinh tại chiến trường Quảng
Trị. Nhiều bài thơ khóc ông đã ra đời. Thật ra ông Hai chưa chết!
Trong
thời gian ông Thu ở tù, ông Hai đã hai lần thăm gia đình ông Thu. Lần
đầu, rất sớm sau năm 1975. Tim ông như vỡ vụn khi thấy tượng Thương Tiếc –
như là phần xác của ông – giờ đây chỉ là đống đổ nát. Lần thứ hai,
nhiều năm sau đó. Ông nghe gia đình ông Thu kể rằng ông Thu được cai
ngục đưa về thăm nhà với đôi chân yếu không thể tự đi. Ông Hai hoảng
loạn, lo sợ có ngày cộng sản tìm đến ông rồi cuộc đời mình cũng chìm
xuống địa ngục như thiếu tá Thu. Ông nhanh chóng rời khỏi nhà và không
ai có tin tức của hạ sĩ Hai từ ngày đó. Có lẽ ông Hai đã thay tên đổi
họ, “mai danh ẩn tích”, trở về cuộc sống nông dân ở đâu đó trên đất Diên
Khánh, ông Thu nghĩ vậy…
Trong tù, tạc tượng ông Thiệu, thay vì Hồ Chí Minh!
Tháng
Tư đen đã đẩy gia đình ông xuống địa ngục. Tháng 12-1975, tại lớp 10C5
Trường Võ Trường Toản (VTT), Trí – cậu con trai của ông – được lệnh rời
lớp, mang theo cặp lên văn phòng. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồng, dân Nam
tập kết, môi mỏng, đầu hói, lạnh lùng nói: “Ba em nợ máu với nhân dân,
em không được học ở đây. Từ hôm nay”. Linh cảm chuyện không lành, tôi
đợi Trí tại nhà xe, Trí lầm lũi, khóc nấc và nói: “Tao bị đuổi học”. Trí
giấu mẹ vì sợ bà đau buồn, có thể sinh bệnh mà chết. Mỗi sáng nó vẫn ra
khỏi nhà, chui “lỗ chó” vào Sở thú ngồi cho đến giờ về, nhìn buồn sang
trường cũ nơi có tượng cụ Võ Trường Toản do chính Ba nó tạc năm 1972.
Trại
tập trung Hàm Tân, một buổi sáng cũng khoảng thời gian Trí bị đuổi,
thiếu tá Thu bị gọi lên chất vấn về thành tích không khai trong lý lịch:
là người đã tạc tượng Ngày về (giải thưởng văn hóa nghệ thuật Ngô Đình Diệm 1963) và tượng Thương tiếc.
Sau ít phút lắng nghe ý nghĩa của các bức tượng, sáu tên cai ngục thay
nhau đánh đập ông dã man trong ba ngày. Chúng dùng cánh tay hộ pháp vỗ
mạnh vào mang tai khiến ông chảy máu và điếc luôn từ ngày đó. Ông bị
biệt giam trong conex. Tám tháng không thấy Mặt trời. Ít lâu sau, chúng
yêu cầu ông tạc tượng Hồ Chí Minh. Suy nghĩ hồi lâu, ông đồng ý với điều
kiện: được về Gia Định để thăm mẹ già, vợ con và chuẩn bị vật liệu.
Ngày
trở về thăm mẹ tại cư xá Việt Nam Thương Tín (Hàng Xanh), khi người em
gái ý tứ giữ chân bốn tên an ninh ở phòng khách, ông Thu nghe mẹ nghiêm
khắc nói: “Mẹ đẻ ra con, mẹ hiểu con muốn gì. Nếu trái ý, mẹ sẽ tự tử
ngay. Cố gắng ở thêm ít năm rồi về”. Biết tính mẹ, ông đành bỏ kế hoạch
trốn sau khi thăm vợ con ở Gò Vấp. Ông trở lại địa ngục, miễn cưỡng tạc
tượng kẻ thù với một mật kế mới. Hàng ngày, ông nuốt vào những lời sỉ vả
của chiến hữu nhắm vào ông.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)
Tác giả và ông Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)
Một giấc mơ cuối đời
Sau
bốn năm dưỡng thương, buồn cảnh gia đình tan nát, ông vượt biên bằng
đường bộ mà trong túi không có một xu theo nghĩa đen. Hành trình gian
khổ ly kỳ này (sẽ được hầu chuyện vào dịp khác) đưa ông đến Thái Lan,
sau đó định cư ở Mỹ hơn 10 năm, rồi trở về Việt Nam cho đến nay. Tổng
thống Thiệu, trong lần nói chuyện với đồng bào tại California, cảm kích
về việc ông Thu dựng tượng mình trong trại tù Hàm Tân, đã xuống tận chỗ
ngồi của ông Thu để thăm hỏi.
Hơn 10 năm ở Mỹ, ông trông mong cộng đồng giúp phục dựng lại bức tượng Thương Tiếc nhưng
niềm hy vọng đó cuối cùng chỉ là những “confetti vương vãi trên sàn”.
Không sống được bằng nghề điêu khắc, ông không biết làm gì khác. Với
thính lực gần bằng không, ông ngày càng bế tắc trong việc mưu sinh xứ
người. Cô độc, cuối cùng ông miễn cưỡng trở về Việt Nam. Trở lại mái nhà
xưa, gần gia đình, trong không gian sáng tác quen thuộc, ông tạc thêm
một số tượng, dựa trên các ý tưởng hình thành từ trước như: Được Mùa, Cửu Long Được Mùa… Tuy nhiên, đó là những tượng tỷ lệ nhỏ, tạc chỉ để thỏa mãn đam mê nghệ thuật.
Bây
giờ, với những ngày tháng còn lại cuối cùng của cuộc đời, ông chỉ mong
gặp lại ba người, trong đó có hạ sĩ Hai, người đã ghé thăm gia đình ông
vài lần trong lúc ông ở tù; và hai người phụ nữ mà ông mang ơn cứu mạng:
cô Lan (bán canteen trong trại Hàm Tân), người giao cơm khi ông bị biệt
giam với miếng thịt giấu ở đáy chén; cô Oanh, người tình của trùm du
đãng xóm chài Sa Tưng (Campuchia). Ở tuổi 87, ông ấp ủ một việc làm cuối
cùng: dựng tượng chính mình ngay sau khi tôi thực hiện xong album chân
dung của ông. Cầu chúc ông sớm đạt nguyện để lớp hậu sinh có dịp viếng
ông, nghiêng mình trước một người lính VNCH can trường.
Những
tâm sự trong bối cảnh tháng Tư đen khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi.
Cuộc đời sóng gió của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã làm cho pho
tượng Thương Tiếc đẹp hơn và trở nên bất tử. Những kẻ hậu sinh rồi sẽ còn nhắc về ông: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire