vendredi 14 décembre 2018

Đạp Xích Lô - Tiểu Tử


 
         Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ.

Toi xa saigon 01Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích – phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”.


       Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây: 
 … Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày.

Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài.  
L’image contient peut-être : une personne ou plus, vélo et plein air         Bác biết không? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp.
Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không?
Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “ trúng mối lớn ”.
Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói :
- “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây!”.
Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào.
Con hỏi :
- “Bác không đếm sao?”.
Ổng cười, nhìn con :
- “ Khỏi ! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”.
Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời:
- “Cậu lên ngồi, đi !”.
Con lắc đầu:
- “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”.
Nụ cười của ổng tắt mất:
- “Ủa! Gì kỳ vậy?”.
Con giải thích:
- “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”.
Ổng vỗ vỗ lên yên xe:
- “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”.
Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói:
- “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”.
Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng:
- “Cậu liệu được không cậu?”.
Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm:
- “Được mà … Dễ ợt hà!”.
Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết.
Một lúc sau bỗng ổng la lớn:
- “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”.
Từ đó, ổng chỉ cho con chạy:
- “Từ từ … Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít...”
Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên:
- “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!” …
Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì … làm gì … Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói:
- “Mình vô ăn cái gì đi”.
Ổng nói:
- “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”.
Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại:
- “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”. Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra.
Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên:
- “Ăn gì mau vậy cậu?”.
Con nói trớ:
- “Thấy không ngon nên không ăn”.
Rồi con nói tiếp:
- “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”.

Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng!

Kể xong, Trung hỏi:
- “Nhà Nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”.
Tôi nói: “Ờ … ”. Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời !
Tiểu tử
Vài chi tiết về tác giả:
Tên thật là Võ Hoài Nam (1930), lấy bút hiệu Tiểu-Tử. Sinh quán Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh ).
- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy Lý Hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) (1979/ 1982).
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn "Trò Đời" của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện "Những Mảnh Vụn" (Làng Văn Toronto xuất bản) là tập truyện đầu tay.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire