mardi 11 décembre 2018

VIỆT DZŨNG: TIẾNG HÁT DŨNG CẢM CỦA NGƯỜI VIỆT- PHAN NHẬT NAM

Chữ nghĩa, nốt nhạc, lời ca, giọng hát, sắc màu tất cả chỉ là ký hiệu… Nhưng tất cả ký hiệu nầy chỉ trở nên là tác phẩm văn học, đại nhạc phẩm. Cũng thế, người viết văn, ca, nhạc sĩ, họa sĩ.. chỉ nên thành Nghệ Sĩ Lớn khi tác phẩm của họ mang đủ Hơi Thở, Sự Sống, Nỗi Đau, Cảnh Chết của thời đại họ chung phần. Việt Dzũng sống đủ với mỗi chúng ta qua truyền giao lại cho mỗi người Nguồn Hy Vọng bất diệt mà Người Nghệ Sĩ hằng cảm nhận từ trái tim luôn đập nhịp Thương Yêu.
 
Ca khúc lưu vong của Việt Dzũng 

 I- Tiếng hát bừng lên từ lửa.. Trước, sau 30 Tháng Tư, 1975 Người Lính Quân Lực VNCH trả đủ ân nghĩa quốc gia bằng chính sinh mệnh của mình vào những giờ phút hấp hối của miền Nam. Đấy là những trận đánh dũng cảm, bi thương, hùng tráng và tuyệt vọng với những những người lính vô danh. Những người lính không chịu đầu hàng, bắn đến viên đạn cuối cùng và chết bằng trái lựu đạn bật nổ giữa vòng vây chiến hữu.. Nhưng có một trận đánh cuối với những người lính nhỏ nhất của quân lực – Những Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, những người lính vị thành niên tự lập phòng tuyến quyết tâm tử thủ. Quân cộng sản tung hai tiểu đoàn xung kích bao vây cứ điểm cuối cùng này nhưng đã gặp phải một lực lượng võ trang nhỏ bé nhưng kiên cường đương đầu không khoan nhượng. Mặc phía cộng sản bắt loa kêu gọi đầu hàng và đe doạ.. Thiếu Sinh Quân vẫn quyết liệt giữ vững trận tuyến, khiêng chướng ngại vật làm lũy phòng ngự, tổ chức liên lạc, tiếp tế đạn dược, nước uống, lương khô, cứu thương và cứu hoả.. Đây là trận đánh thực sự đầu tiên và cũng là trận đánh cuối cùng của chiến sĩ niên thiếu đang còn trên ghế nhà trường. Các Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu không nao núng dù có nhiều em ngã gục. Những đứa con nhỏ yêu quý của quê hương đã chết cùng với miền Nam khi tóc còn xanh, mắt trong sáng, lòng tràn đầy dũng khí.
Cuộc chống cự từ sáng kéo dài đến 3 chiều ngày 30 cho đến khi đạn dược dần cạn, kho lương thực bị bốc cháy, các Thiếu Sinh Quân đại diện mới bằng lòng để Việt Cộng thương thảo. Các em yêu cầu một giờ ngưng bắn, sau đó sẽ buông súng, và mở cổng... Nhữngc Thiếu Sinh Quân chỉ huy trận chiến đã dùng một giờ ngưng bắn nầy để thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài những người chiến sĩ nhỏ tuổi nhưng bản lãnh đã vụt lớn hiên ngang. Sau đó nhóm Thiếu Sinh Quân chỉ huy tập họp trước sân cờ, đứng trang nghiêm, thành kính nhìn lên Quốc Kỳ nguyên vẹn Màu Vàng Ba Sọc Đỏ thắm tươi máu máu trung liệt. Hai Thiếu Sinh Quân lớp lớn nhất là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chung bước tới.. Hai em đứng nghiêm trước kỳ đài theo đứng lễ nghi quân cách, đưa tay chào.. Họ từ từ nắm từng nấc giây cho lá cờ hạ xuống thật chậm, từ tốn như cố kéo dài giây phút thiêng liêng khi nước mắt đầm đìa trên má. Và tất cả đồng bật cao tiếng hát..Nầy công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi… Tiếng hát vọng âm động theo gió biển dâng lên.. Dâng lên cao.. Tất cả Thiếu Sinh Quân từ tầng lầu, từ các hầm hố tác chiến, các giao thông hào, sau những gốc cây, bờ tường, sau những mái nhà...., không ai bảo ai, lớp lớp đứng bật dậy đồng thanh cất tiếng hát bài Quốc Ca muôn thuở.. Người dân Vũng Tàu chung quanh khu trường nghe ra, rung động bật khóc, cùng hát lên lời vĩnh biệt quê hương…Nầy công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…Nầy Công Dân ơi…
Noel 1978. Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa. Những người tù Miền Nam sau lần tập trung cải tạo, tháng 5, 6, 1975 tại Sài Gòn đến nay, năm thứ 4 đã thấm đủ nghĩa tù tội với cảnh giam giữ dưới tay công an cộng sản hiện thực cảnh nhục nhằn trên quê hương với đồng bào, đồng chủng. Dẫu đã đến Miền Bắc từ mùa Hè 1976, nhưng những năm tháng lao động khổ sai nơi núi rừng Việt Bắc kia không làm họ sờn chí, ngã lòng.. Cũng bởi giữa cảnh núi non, với đám lính cộng sản, nơi láng trại sâu rừng hoang… Người tù, bộ đội có nhiệm vụ canh gác, và người dân bản địa buộc phải cùng chia chung cảnh đọa đày, điều kiện thiếu thốn và sự đơn độc thụ động của con người dưới một chế độ khắc nghiệt.. Cả ba tập thể người dẫu khác biệt nhau từ vị thế xã hội, phân biệt chính trị nay kết hợp trong khổ cảnh nơi miền thượng du Bắc Việt. Người tù miền Nam cùng đành cùng đành chấp nhận coi như tình cảnh chung của cả nước do họa cộng sản. Người tù miền Nam còn có được an ủi..Miền Nam chỉ hứng chịu sau 1975, miền Bắc chịu họa cộng sản từ 1954. Cũng có thể xa hơn sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, vỡ mặt trận chống Pháp, 1945, 1946... Nhưng nay Noel 1978, giữa bốn bức tường xây bằng đá tảng, cửa lim bọc tôn thiếc, chận ngang thanh sắt, ổ khóa chuồng nhốt thú dữ, người tù miền Nam hiểu đủ nghĩa ngục tù không án lệnh không tội danh – Tù chung thân do đã chiến đấu trong hàng ngũ Quân-Dân-Cán- Chính Miền Nam –Và Noel đến như một thúc dục cụ thể để nhớ lại: Họ đã là và luôn là Công Dân Tự Do của quốc gia tên gọi Việt Nam Cộng Hòa cho dù sự chết, tù tội, đang trong vũng lửa im lặng của tù ngục miền Bắc. Để làm sống lại hiện thực linh thiêng nầy.. Đêm Noel tất cả bật cao tiếng hát khi có lời khởi xướng cảm động.. Việt Nam! Việt Nam.. Tên gọi vào đời.. Và cuối cùng tiếng hát không thể dừng lại với.. Nầy Công Dân ơi đứng lên đáp lời sông nùi.. Nầy Công Dân ơi..
Chúng tôi không nói điều ngoa ngôn, xưng tụng: Người lính Miền Nam trong giờ phút tuyệt vọng nơi Trại Ái Tử, Bình Điền cũng có hành động tương tự nhân kỷ niệm ngày 26 Tháng 3 năm 1979. Ngày mất Huế của bốn năm trước, và đề tưởng nhớ những đồng đội Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Tiểu Khu Thừa Thiên và bao đồng bào vô tội (Có tội chăng là “tội” đã chạy theo người lính cộng hòa khi bộ đội cộng sản tràn đến) trên bãi biển sôi máu người ở Thuận An.. Từ sâu tù ngục, giữa vòng đai đe dọa của xe tăng và họng súng chức nhã đạn.. Tất cả những người lính không trừ một ai (kể cà những người đang trong hầm kiên giam kỹ luật) Tất cả đồng cất lên câu hát hùng vĩ đã từng vang dội núi sông.. Cờ bay! Cờ bay! Trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại hôm qua bằng máu!! Bài hát có nội dung thật sự trả bằn g máu: Lần dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị, 14 tháng 9 năm. Lá cờ bay lộng lẫy trên thành c ổ năm xưa quả đã thắm bao nhiêu máu trung liệt của đồng đội, của đồng bào..
Và người tù tiếp tục hát khi trên đường trở về Nam năm 1981, 1983, 1988
Khi xe lửa qua cầu Hiền Lương bắt đầu vào địa giới Miền Nam. Xe qua những nơi còn nóng mùi máu của anh em, chiến hữu, đồng bào.. ở Cam Lộ, Ái Tử, Hải Lăng.. Người tù cất tiếng hát với khuôn mặt tan nát, đọa đày đẵm đầy nước mắt.. Bời qua màn nước mắt kia họ thấy rõ, nghe ra âm thanh kêu gào, quằn quại của con người đang bị dầm trong vũng lửa.. Lửa bùng vỡ từ đạn pháo của Pháo đoàn Bông Lau bộ đội cộng sản miền Bắc bắn thằng vào đoàn người chạy loạn 29, tháng 4 năm 1972 trên đoạn đường sên sết thây người chết vô hồi chập chùng, ngập ngập. Người tù cất cao tiếng hát bởi muốn chứng thật: Họ không chết. Không thể chết. Họ phục sinh với miền Nam. Phục sinh với Tiếng Hát.

II- Tiếng hát dậy lên từ trái tim người trẻ tuổi
Năm 1975 khi những người lính miền Nam đang tận sâu khổ nạn tù ngục, giữa vũng lửa của chế độ cộng sản. Chế độ mà họ đã tận sức chiến đấu nhưng không thành vì vận nước điêu linh thì Việt Dzũng chỉ vừa đến tuổi 17, chưa đến tuổi thành niên. Nước mất, người lính cộng hòa thua trận, thiếu niên Việt Dzũng và bà ngoại quyết định đành rời bỏ gia đình, ra khỏi nước. Sau 22 ngày trên biển khi không còn thức ăn, nước uống, cũng như chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương trên biển, tàu cập bến Tân Gia Ba. Sau đó tất cả lại chuyển qua một chiếc tàu khác, thẳng tới trại tị nạn Subic, Phi Luật Tân. Tại trại Subic, dẩu còn nhỏ, không điều kiện di chuyển bình thường, Việt Dzũng vẫn tham gia với ban tổ chức điều hành trại qua đón tiếp, giúp đở những chuyến tàu tị nạn đến sau cho đến khi trại Subic đóng cửa. Rời trại tị nạn này, Việt Dzũng cùng bà ngoại được đưa sang đảo Guam, rồi chuyển sang Trại Ft. Chaffee ở Tiểu Bang Arkansas. Cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức Cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ, gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ.
Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học Trường Trung Học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi âm nhạc theo như sở thích từ nhỏ. Một năm sau, 1977, Việt Dzũng đoàn tụ với gia đình ở Wood River, Tiểu Bang Nebraska. Năm 1978, anh chính thức bước vào lãnh vực âm nhạc, cùng với Vernon Larsen một người bạn học lập ban song ca “Firebirds” (Chim Lửa) chuyên trình diễn nhạc du ca của Mỹ. Cũng năm 1978 này, Việt Dzũng đoạt giải nhất về sáng tác nhạc country music tại cuộc thi Iowa Grand Old Orphy. Anh là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người Á Châu đầu tiên chiếm giải nhất về bộ môn sáng tác nhạc country music viết trực tiếp bằng Anh Ngữ.
Đến đây chúng ta có thể kết luận tiên khởi và cũng chung nhất: Nếu chỉ muốn tiếp tục phát triển tài năng, theo đuổi ngành ca nhạc thuần túy, chắc chắn người trẻ tuổi Việt Dzũng có đù điều kiện để trở thành nghệ sĩ sân khấu trình diễn và sáng tác trong giòng chính ở Mỹ với khả năng Anh Ngữ vượt trội, tính cảm thụ cao, và năng lực làm việc vượt bực khó ai có thể theo kịp. Chúng ta cũng có thể suy diễn rằng, điều kiện thể chất hạn chế của anh không hẳn là yếu tố trở ngại, nhưng sẽ đặt khán giả vào tình đồng cảm với người nghệ sĩ (Trường hợp tương tự đối với Ray Charles, Sammy Davis). Việt Dzũng cũng không theo đuổi ngành y như thân phụ, thân mẫu hằng mong muốn dẩu đã tốt nghiệp Cử Nhân Hóa Học (Bachelor of Chemistry) . Nhưng Việt Dzũng đã từ bỏ tất cả những tương lai bình yên với sở học, khả năng thích hợp. Anh đến với Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại - Những người đã thấm hiểu nghĩa Tự Do mua bằng sinh mạng của mỗi cá nhân và Nỗi Đau của cả Dân Tộc. Việt Dzũng lên tiếng hát cho những Người Cùng Khổ - Những Người không có cơ hội lên tiếng nói. Những người vượt biển đã chết. Những em bé theo mẹ vượt biên tìm tự do bị hải tặc dày xéo, hãm hại trong tận cùng đau đớn nhục nhằn. Những dân oan khiếu kiện mấy mươi năm từ buổi điêu linh 1975, hằng ngày lây lất nơi vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội; nơi Văn Phòng Dân Oan Khiếu Kiện 2 ở Sài Gòn để chờ đợi một lần cứu xét. Những mẹ già bị cướp ngôi nhà xưa bởi lũ quan tham hiện đang độc trị đất nước. Nhưng không những chỉ thế, sau lần nước mất nhà tan mà hậu quả kéo dài cho đến hôm nay với xã hội Việt Nam biến dạng tệ hại trên tất cả mọi phương tiện mà điều bất hạnh nhất là Nhân Quyền bị chà đạp, và lý do ngụy tạo “chống đối chế độ” trở thành một tội danh mà kẻ cầm quyền cộng sản mặc sức chụp lên trên tất cả mọi con người muốn nói lời Yêu Nước trong nghĩa Tự Do. Và Tuổi Trẻ là đối tượng đầu tiên bị bức hại khinh miệt… Việt Dzũng phải hát vì nỗi Thống Khổ của Người Việt Nam.
Không bằng tu từ ước lệ. Không bằng những hình dung từ hoa mỹ. Việt Dzũng viết lại Nỗi Đau Người Việt với những hình ảnh cụ thể nhưng chứa đựng đủ đoạ đày mà người Việt của tất cả các giới, của nhiều thế hệ đã trải qua một lần sống/chết với chính bản thân sau ngày 30 tháng 4, 1975… Thuyền trôi xa ... về đâu ai biết? Thuyền có về ...ghé bến tự do ? Trời cao xanh ... Hay trời oan nghiệt Trời có buồn ... hay trời vẫn làm ngơ ?...Người buông xuôi về nơi đáy nước.. Người có mộng một nấm mồ xanh ? Biển ngây ngô hay biển man rợ Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ ...?”Nỗi Đau của Dân Tộc Việt đã khiến người nhạc sĩ chạm đến cốt cõi của phận nhân sinh: Vấn đề của Thượng Đế. Vấn đề của “Thiên Địa bất nhân (?)” mà ngàn năm triết học cũng không thể giải thích. Và con người thế giới hẵn đã tìm ra nguồn gốc của nguồn mối bi thảm của phận người – Với điễn hình với phận người Việt dưới chế độ cộng sản mới tìm ra lời giải thích, cách mô tả đúng nhất về Sự Ác- Tính Phi Nhân của một chế độ hằng đánh lừa nhân nầy kia vẫn tồn tại và đang củng cố bằng bạo lực từng ngày ở Việt Nam. Người Việt không xây dựng triết học. Người Việt chỉ mô tả đủ về Nỗi Đau qua những phẩm vật đơn giản tầm thường chứa đựng đủ lượng uất hờn của một dân tộc: “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay ... Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đày ... Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình ...” Thế nên tiếng hát Việt Dzũng luôn là một điều cần thiết. Cũng bởi con người phải vượt sống với Hy Vọng. Hy vọng vượt qua cái chết. Cao hơn cái chết.

Hậu từ: Chữ nghĩa, nốt nhạc, lời ca, giọng hát, sắc màu tất cả chỉ là ký hiệu… Nhưng tất cả ký hiệu nầy chỉ trở nên là tác phẩm văn học, đại nhạc phẩm. Cũng thế, người viết văn, ca, nhạc sĩ, họa sĩ.. chỉ nên thành Nghệ Sĩ Lớn khi tác phẩm của họ mang đủ Hơi Thở, Sự Sống, Nỗi Đau, Cảnh Chết của thời đại họ chung phần. Việt Dzũng sống đủ với mỗi chúng ta qua truyền giao lại cho mỗi người Nguồn Hy Vọng bất diệt mà Người Nghệ Sĩ hằng cảm nhận từ trái tim luôn đập nhịp Thương Yêu.

PHAN NHẬT NAM
  
LỜI KINH ĐÊM - Việt Dzũng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire