Ngày làm việc đầu tiên 23/5 của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam diễn ra
tốt đẹp “gần như” dự kiến. Bên cạnh nội dung chính theo lịch trình,
thông tin về các hoạt động bên lề của chuyến thăm được truyền thông
trong nước tập trung tường thuật sôi động, dày đặc, từng li từng tí một.
Không ít những pha “ly kỳ” do ống kính phóng viên hay cả người dân ghi
lại khiến một lần nữa, “người Việt nằm nhớ nước non”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, phía Hoa
Kỳ sẽ luôn luôn có những điều kiện cụ thể, trong đó có thể bao gồm cả
vấn đề nhân quyền, đối với từng hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước.
Như thế, việc hủy bỏ cấm vận vũ khí, đồng nghĩa với việc “quả bóng” đã
được đẩy cho phía Việt Nam, rằng chính quyền trong nước có sẵn sàng thỏa
mãn các điều kiện ràng buộc kèm theo các hợp đồng đó hay không, mà
thôi! Đồng thời, phải có cách ứng xử thích hợp với các “nhà cung cấp”
truyền thống trước luật chơi của “nhà cung cấp” mới?
Tốt đẹp “gần như” dự kiến?
Các
nội dung chính không gây bất ngờ, vì đã được dự báo từ trước, là các ký
kết, thông báo trong cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch
nước Trần Đại Quang. Ông Obama mở đầu bằng hai chữ tiếng Việt “Xin chào”
để thông báo cho cả thế giới biết việc Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ lệnh
cấm bán vũ khí quân sự (vũ khí sát thương) đối với Việt Nam.
Cũng
tại buổi gặp trên, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai quốc gia, hãng
hàng không tư nhân Vietjet Air Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 13,3 tỷ
USD mua máy bay của hãng Boeing Mỹ. Dấu ấn tư nhân đã chiếm vị thế
thượng tôn trong cung cách “làm ăn” với Mỹ quốc, chứ không phải như
chiến lược “doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo nền kinh tế”. Dù biết
rằng, không ngoại lệ trong trường hợp này, doanh nghiệp tư nhân kia có
thể cũng là “sân sau” của không ít ai đó. Thế nhưng, nó chắc chắn phải
chịu chi phối và tuân theo định luật “ba bàn tay” của kinh tế thị trường
– “without” định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tinh
thần này sẽ tiếp tục thể hiện trong các buổi gặp gỡ của Tổng thống Hoa
Kỳ tại Sài Gòn với cộng đồng doanh nghiệp và các thành viên chương trình
Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). YSEALI là một học bỗng do
chính ông Barack Obama thành lập nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và
kết nối trong khối ASEAN với hy vọng nơi các thủ lĩnh trẻ trong tương
lai cho các thách thức then chốt của khu vực và toàn cầu.
Theo
lịch trình, cùng ngày 23/5, ông Obama tiếp tục gặp Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân và làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chính
phủ của ông Phúc vẫn chưa thể trả lời về điều kiện một Công đoàn độc lập
để có thể đạt được thương lượng gia nhập TPP. Cơ quan đang hiện hữu là
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa bao giờ đáp ứng được tính “độc
lập” mà phía Mỹ yêu cầu.
Hạt sạt “ê
răng” nhất trong ngày “rộn ràng không khí Huê Kỳ” thuộc về cái xô đựng
thức ăn cho cá tại nhà sàn bác Hồ và cú hẩy xô trút bỏ hết xuống ao cho
“lũ cá còn sống” của quý bà Quốc hội, khiến quý ông Nhà trắng phải
thoáng giật mình. Đầu tiên là cái xô nhựa màu xanh rất “cù lần”, chứ
không phải là một chiếc rổ mây che lá xinh xắn hoặc cái gáo dừa Bến Tre
được bán đầy quanh khu lưu niệm hoặc trên đường phố Hà Nội, cớ sao lại
luộm thuộm, thiếu tinh tế như thế? Khoảnh khắc cho cá ăn thay vì phải
được diễn với tất cả sự chăm chút như ông Obama, đã bị bà Kim Ngân hắt
vèo xuống ao bác. Hay bà sợ cá đang là hình ảnh quá nhạy cảm vào thời
điểm này nên muốn tránh xa càng sớm càng tốt? Ở khía cạnh khác, có người
đã thốt lên “cả một xô văn hóa” để ví von hành động của bà Chủ tịch
Quốc hội trong một cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao.
Như
đã nói ở đầu bài, sở dĩ cho rằng ngày đầu tiên và cũng có thể là cả
chuyến thăm của ông Obama sẽ chỉ tốt đẹp “gần như” dự kiến, bởi ngoài
những nội dung chính, kế hoạch gặp các nhà dân chủ, tổ chức xã hội dân
sự trước khi rời Hà Nội, Sài Gòn của Tổng thống nhiều khả năng không thể
thực hiện. Như thế, cũng là một cách trả lời cho ông Obama biết về tình
trạng thực thi dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Thế lực nào kích động dân chúng xuống đường vì Obama?
Tình
trạng mất tự do, dân chủ đó cũng phần nào được Tổng thống Hoa Kỳ cảm
nhận qua việc ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm lơ không đề cập gì
đến vấn đề nhân quyền khi trả lời câu hỏi của một ký giả trong buổi họp
báo sau cuộc tiếp kiến trưa 23/5.
TT Obama tại hàng bún chả Hương Liên, Hà Nội tối 23/5
Cuối cùng, điều ấn tượng nhất của chuyến
thăm, không những cho phái đoàn ông Obama, mà có lẽ cho cả người Việt
trên khắp hành tinh, đó thái độ phấn khích của người dân Hà Nội dành
chào đón Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – “cõi đi về” của những nhà
bất đồng chính kiến.
Bất cứ nơi nào
ông Obama đặt chân đến, người dân Hà Nội đều đứng chờ kín hai bên đường
với mong muốn được một lần trông thấy, được bắt tay, để được “say
hello”, để selfie với Tổng thống… Công bằng mà nói không riêng gì ông
Obama, các đời Tổng thống Mỹ trước đây cũng đều được người dân Hà Nội,
Sài Gòn dành tình cảm ưu ái đặc biệt như thế, so với bất kỳ nguyên thủ
quốc gia nào.
Một sự kiện “ly kỳ” xảy
ra vào tối 23/5 khi ông Obama đi ăn bún chả trên phố Lê Văn Hưu (Hà
Nội). Sau bữa ăn, ông ra khỏi quán và trước khi bắt tay đám đông đang
reo hò, ông đã vội tháo chiếc nhẫn cưới ở ngón áp út trái ra đút vào túi
quần. Video được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet quay rõ tình
huống này, làm nhiều người liên tưởng ngay đến câu chuyện vui trứ danh
thời bao cấp: cứ giơ tay ra ngoài mà thấy mất đồng hồ, cà rá là biết
ngay đã đến… Việt Nam. Một chút hoảng hốt với hành xử quá thẳng thừng
này của một Tổng thống lịch lãm như Obama? Tuy nhiên, theo một đồng
nghiệp sống ở nước ngoài cho biết, văn hóa tháo nhẫn, trang sức ra trước
khi làm một gì mà mình nghĩ có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người
xung quanh là một việc hết sức bình thường ở Mỹ. Riêng đối với ông Obama
thì đây không phải là lần đầu tiên, trước đây ông đã từng tháo nhẫn,
đồng hồ trong các chuyến viếng thăm Nam Mỹ và Đông Âu. Theo đồng nghiệp
này, có lẽ do ông sợ làm trầy xước tay những người trong đám đông (?).
Cần
phải thẳng thắng nhìn nhận một sự thật đáng thương: 21 phát súng đại
bác đón chào Tập Cận Bình của Đảng, Nhà nước trở nên quá vô nghĩa so với
những gì mà người dân Hà Nội, sắp tới là Sài Gòn, thể hiện trong chuyến
thăm của Barack Obama. Mỗi nụ cười trên gương mặt một người dân Việt
Nam đã là một phát đại bác chào đón Tổng thống Mỹ. “Ối giời ơi, bàn tay
ông ấy rất ấm và mềm, rất chi là sướng, giờ vẫn còn sướng, tay của tôi
vẫn còn ấm đây này… Tôi sẽ không bao giờ quên”, bà chủ quán bún chả
Hương Liên trả lời truyền thông sau vinh dự được Tổng thống Obama chọn
đến ăn tối 23/5. Theo bà, ông ăn 2 suất và gọi thêm 4 suất mang về.
Dường
như lòng người dân là thứ tình cảm và sắc thái chính trị khó có thể che
giấu được nhất ở một quốc gia độc tài đảng trị như Việt Nam. Tương tự
như khi họ xuống đường bảo vệ môi trường, đòi bạch hóa nguyên nhân cá
chết trong các tuần lễ từ 1 đến 15/5 vừa qua. Tuy nhiên, nếu lập luận
theo cách mà nhà cầm quyền đã kết án các cuộc biểu tình này là do tổ
chức phản động Việt Tân, thế lực thù địch kích động, xúi giục nhằm lât
đổ chính quyền, vậy thì những đám đông đầy hứng khởi hò reo dọc hai bên
đường đi của Tổng thống Hoa Kỳ trên đất nước này sẽ do động cơ nào, thế
lực nào đứng phía sau?
Trong những
ngày lưu lại Việt Nam, Tổng thống của đất nước mệnh danh là “đất hứa” sẽ
có những trải nghiệm rất riêng về người dân của miền đất mà người Mỹ đã
một lần thất hứa, điều đã khiến ông phải cất tiếng “đáng lẽ tôi phải
đến sớm hơn”? Lời hứa hay sứ mạng mang tên Việt Nam cần được ông và đất
nước của ông cam kết với người dân Việt Nam khắp năm châu, chứ không
phải với những kẻ cầm quyền đang quan hệ nước đôi, đối phó hoặc sự cân
đo của các tập đoàn kinh tế. Chọn quyền lợi của nhân dân hai quốc gia,
chính là điều đã luôn khiến đất nước của ông được yêu mến và là một
cường quốc.
Trong 3 ngày hân hoan với
người đứng đầu một đất nước mệnh danh “giấc mơ Mỹ”, bản thân tôi tự hỏi,
hình ảnh ông Obama da đen thân thiện tiềm ẩn những giá trị nào trong
giấc mơ của những người Việt da vàng đêm đêm…
Cam Châu
http://tinhdongchuacuuthe.com/vu-khi-boeing-xo-thuc-an-ca-bun-cha-va-nhan-dan/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire