Mũ Ðỏ: Ðoàn Phương Hải
(Trích tác phẩm “Góc Biển Chân Trời”)
- Nhớ “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ, Cuồng Thái Y” Tô Phạm Liệu, Y Sỹ Trưởng Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù/QLVNCH.
- Các chiến hữu đã ở lại Charlie...
- Gửi Mễ, Duffy, và các bạn hữu để nhớ Charlie.
Những quân mạt-chược màu đỏ màu
xanh, những vệt nắng lung linh xuyên qua khe lá pha trộn với màu áo hoa rừng
của những người lính Nhẩy Dù trong buổi trưa hè, dưới tàng cây rợp bóng của
vườn Tao Ðàn, đã tạo cho tôi một cảm giác thật êm ả, thoải mái dễ chịu.
Ðang mải mê xoa thì anh Năm kêu đi họp, làm cả bọn bật đứng lên.
Trong đơn vị, chúng tôi có thói quen kêu nhau bằng anh, với cấp bậc đi sau.
Tiếng “Anh” nghe gần gũi thân quen và đầy tình cảm, như trường hợp ông Tiểu
Ðoàn Trưởng của tôi hiện nay, chúng tôi vẫn kêu bằng Anh Năm, vì ông mang cấp
bậc Trung Tá.
Tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù của chúng tôi được không vận ra Pleiku, sau
đó vào vùng hành quân để giải tỏa áp lực địch đang đè nặng lên hai tỉnh Pleiku
và Kontum.
Giã từ vườn Tao Ðàn sau hơn một tháng dưỡng quân với nhiệm vụ bảo
vệ Dinh Tổng Thống, cầu Xa Lộ, Hóc Môn, Phú Lâm, Bà Ðiểm. Những địa danh này là
cửa ngõ chính mà địch thường lợi dụng xâm nhập thủ đô Sàigòn. Tạm biệt Ðêm Màu
Hồng, hủ tiếu gà, cá bờ sông, những tàng cây đầy bóng mát trong vườn Tao Ðàn và
Sàigòn, nơi đầy những biến động trong trận chiến tranh dành quyền lực của các
tướng lãnh và các phe phái chính trị?
Ngày 13 tháng 3 năm 1972, tôi ghi lại những nét đầu tiên trong
trang nhật ký hành quân.
Những cơn gió lạnh của rừng núi Pleiku làm tôi rùng mình, kéo cao
cổ áo saut. Những đỉnh núi cao với nhiều hình thể lạ lùng in đậm trên nền trời,
trông thật đẹp và hùng vĩ. Biển Hồ với màu nước xanh phẳng lặng.
Tượng Ðức Mẹ trên đỉnh đồi cao, hiền dịu, bao dung, hai cánh tay
mẹ giơ ngang trái tim như đang ôm cả bầu trời. Lòng tự nhiên lắng đọng, tôi hít
thật sâu cái lạnh của núi rừng, nhìn những ngôi sao đổi ngôi trên bầu trời, tôi
cầu xin bình an cho bạn bè và đồng đội.
Mấy ngày tạm ở Pleiku, đêm nào tôi cũng ra hội quán Phượng Hoàng
với Thăng “Fulro”, Long “đất”, Kỳ, Xuân... bên Không Quân, để nhắc đến bạn bè,
kể cả những người đã ra đi trong cuộc chiến.
Tuần lễ sau, đơn vị tôi theo quốc lộ 14 lên Kontum, Tân Cảnh. Lâu
lắm mới hành quân trở lại vùng 2, vẫn núi đồi hùng vĩ năm nào, nhưng quốc lộ,
xóm làng đã thay đổi nhiều, bom đạn chiến tranh làm loang lổ mặt đường, cầu
cống hoàn toàn đổ gãy, dân chú "font-size: small;">
Ðóng quân tại Diên Bình, tôi đã xúc động khi thấy tháp chuông nhà
thờ sụp đổ, cả dẫy nhà nguyện phía sau chỉ còn là những đống gạch vụn hoang
tàn. Mấy năm trước tôi bị thương trong trận đánh khai thông quốc lộ này, tôi đã
nằm trong dẫy nhà nguyện, tôi không thể quên cha Joe, vị cha xứ người Pháp đã
sống và chết trên ngôi giáo đường cao nguyên với những con chiên ngoan đạo của
cha đến từ các giáo phận miền Bắc, trong những năm 54 chia đôi đất nước.
Từ Tân Cảnh, Charlie ẩn hiện trên nền trời ảm đạm mờ sương.
Charlie gồm 3 đỉnh đồi, cao độ trên dưới 1000 thước, nối liền nhau bằng những
sườn đồi thoai thoải. Phía bắc là ngã ba biên giới Việt-Lào-Cambốt, phía đông
bắc là quận Tân Cảnh, và xa xa về phía nam là tỉnh lỵ Kontum chìm trong rừng
xanh núi đỏ.
Mặt trận B3 Cộng Sản gồm 3 sư đoàn 2, 3, 320, du kích địa phương
và các trung đoàn pháo, phòng không, đang liên tục tấn công tạo áp lực nặng nề
cho Quân Ðoàn II. Cộng quân công khai sử dụng xe Molotova tiếp tế quân trang,
quân dụng cho mặt trận B3 trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và Charlie đã trở
thành cái gai nằm ngay trên khoảng “xa lộ” tiếp tế chính yếu này của địch.
Từ ngã ba biên giới, giòng sông Pôkô dậy sóng, qua núi băng rừng,
đổ về chảy dọc theo quốc lộ 14. Gần đến Tân Cảnh có một nhánh nhỏ ào ào như
thác đổ chảy gần căn cứ Charlie. Dọc theo những đỉnh núi chập trùng, Charlie
cách Tân Cảnh hơn 10 cây số về phía tây nam; phía bắc Charlie là căn cứ Yankee,
căn cứ 5, căn cứ 6, phía nam Charlie là căn cứ Delta, Hồng Hà, Mêtrô, Võ Ðính…
Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù rải đều quân trên các căn cứ, tạo thành một vòng cung với
nhiệm vụ phát giác và tiêu diệt địch, để bảo vệ quốc lộ 14 và vùng đồng bằng
duyên hải của Quân Khu II.
Charlie, Delta, Hồng Hà… hay Võ
Ðịnh, là những tên được Bộ Chỉ Huy Hành Quân đặt ra cho Không Quân, Pháo Binh,
dễ nhận diện khi cần yểm trợ.
Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù được trực thăng vận vào Charlie xong xuôi,
Ðại úy Hùng, đại đội trưởng đại đội 113 đóng quân phía bắc Charlie, 3 cây số
gần chân núi Yankee, tạm gọi là C1. Trung úy Thinh, đại đội trưởng 111, đóng
tại C hay Charlie. Ðại úy Hùng, đại đội trưởng 112, Ðại úy Nho, đại đội trưởng
110, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn và đại đội 114 của Trung úy Cho đóng tại C2, đỉnh cao
phía nam cách Charlie hơn 500 thước. Từ điểm cao C2 này, tiểu đoàn sử dụng để
tiếp tế hay khi cần tăng viện, một cách dễ dàng hơn.
Ném mạnh cục sỏi ra xa, đá tung cục đá dưới chân, anh Năm nhăn
mặt cau có, sau một ngày vần vũ trên trực thăng đổ quân và quan sát địa thế
quanh Charlie. Tôi biết anh đang tức giận với nhiệm vụ hành quân. Ðưa tay chỉ
dẫy núi cao phía tây, trùng trùng điệp điệp, Sư đoàn 320 Cộng quân và các đoàn
xe Molotova của địch đang tự do di chuyển, trong khi đó thì nhiệm vụ của tiểu
đoàn bằng mọi giá giữ vững Charlie, có nghĩa là tử thủ Charlie.
Ráng chiều đỏ rực đang phủ nhòa cảnh vật, Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù
vừa qua ngày đầu tiên trên chiến địa!
Nằm trên võng, lắng nghe những âm thanh kỳ lạ của núi rừng trong
buổi sớm mai, những tia nắng đầu ngày rơi từng vệt tròn trên poncho, tiếng chim
hót, tiếng suối reo, hơi thở của rừng cây, mùi đất mới, vệt khói mong manh từ
ly cà phê buổi sớm tạo cho tôi cảm giác khó tả. Tôi uể oải vươn vai nhìn xuống
thung lũng, những vạt sương sớm giăng mắc trắng đục trên lưng đồi.
Anh Năm, Mễ, tôi, Duffy (Cố Vấn Mỹ Liên Lạc), Liệu (Y Sỹ Trưởng
Tiểu Ðoàn) và các đại đội trưởng bàn thảo kế hoạch phòng thủ, các hỏa tập cận
phòng, chung quanh và ngoài căn cứ. Anh Năm gằn giọng chỉ tay về những đỉnh núi
xa xa:
- Mình chỉ có vài đỉnh đồi để vinh quang hay gục ngã. Tao đã xin
Lữ Ðoàn để lại một đại đội tại Charlie, còn toàn bộ Tiểu đoàn phải di chuyển
hàng ngày để phát giác và tiêu diệt địch sớm hơn, nhưng Lữ đoàn không chấp
thuận và lệnh phải giữ Charlie bằng mọi giá. Như thế là mình mất thế thượng phong,
chỉ thủ và không tấn công.
Hổ “xám” chiến trường nhún vai bất mãn vì cái lệnh hành quân kỳ
cục, phải tử thủ Charlie khi biết địch hơn mình về quân số và vũ khí gấp mấy
mươi lần! Ðưa mắt nhìn nhau, với kinh nghiệm nhiều năm trận mạc, chúng tôi biết
đang bị đâm thấu tim bằng một lệnh hành quân quái ác.
Lính tráng đào hầm hố, giao thông hào ngang dọc vị trí đóng quân.
Tôi xin trực thăng tăng cường tối đa thuốc men, đạn dược, để sẵn sàng phòng
thủ. Các đại đội tung quân lục soát xa căn cứ, nhưng lần nào cũng đụng mạnh,
khi Mễ tiến chiếm các cao điểm phía nam. Lợi dụng địa thế hiểm trở, địch đóng
chốt trong các hang đá, trên các cao điểm mà bom đạn không thể “lách” vào các
khe núi để “móc” chúng ra. Ðịch gài trận địa pháo và bố trí phòng không dày
đặc, gây tổn thất cho đơn vị mỗi khi tấn công.
Ngày 6 tháng 4, Tiểu Ðoàn 2 Nhẩy Dù tại căn cứ Delta, phía nam
Charlie bị pháo và tấn công. Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù bên Charlie theo dõi trận
đánh qua máy truyền tin. Giao tranh suốt đêm, có lúc địch đã chiếm nửa căn cứ,
sau lại bị đánh bật ra, rồi mờ sáng hôm sau “Ngọc Ngà” thằng bạn cùng khóa báo
cáo chiếm lại Delta, địch thảm bại tháo lui, để lại nhiều tổn thất về nhân mạng
và vũ khí.
Chiêu một ngụm cà phê, Anh Năm chỉ trên bản đồ và nói:
- Rút kinh nghiệm trận đánh đêm qua, địch sẽ pháo mình liên tục,
sau đó sẽ tung cả trung đoàn để chiếm lại Charlie. Nhắc “tụi nhỏ” dè sản đạn
dược, căng thêm tối đa phục kích tự động, tung tiền đồn ra xa, tu bổ thêm hệ
thống phòng thủ.
Trước khi về hầm trú ẩn, Anh Năm nói với lại với tôi:
- “Khều”, mày và Mễ move vị trí ra xa tao một chút, mỗi người một
góc, lỡ có gì thì còn thay nhau chỉ huy.
Hai ngày kế tiếp, địch bắt đầu pháo trên cả 3 căn cứ. Theo tình
báo và tài liệu tịch thâu từ tù binh, địch chắc chắn sử dụng Sư Ðoàn 320 tấn công
và tiêu diệt Charlie, để chiếm lại con đường huyết mạch dùng tiếp tế, chuyển
quân về đánh Tân Cảnh, Kontum, trong chiến dịch mùa hè.
Ngày 9 tháng 4, hỏa tiễn và đại pháo 130 địch cầy tung hệ thống
phòng thủ, sau 4 giờ pháo kích, với hàng ngàn quả đạn công phá. Ðịch bắt đầu
tấn công Charlie, trong khi đó chúng vẫn đồng thời pháo Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn.
Ðại đội 111 chống trả mãnh liệt. Pháo binh, khu trục, trực thăng
võ trang trút đủ loại bom đạn lên đầu địch. Sau nhiều đợt xung phong không kết
quả, địch rút, để lại hàng trăm xác chết với vũ khí ngổn ngang đầy ngất sườn
đồi.
Ðịch dùng pháo 130 với đầu nổ chậm, đạn chui sâu xuống lòng đất,
rồi nổ tung lên. Hầm hố nào chịu đựng cho nổi với tầm bắn xa gần 30 cây số,
nhanh và chính xác. Pháo 130 là vũ khí tối tân cực kỳ độc hại, bỏ xa pháo binh
105, 155 hay 175 mà ta đang xử dụng!
Ðêm xuống thật nhanh, Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù đang chuẩn bị cho một
định mệnh tàn khốc trong những ngày sắp tới. Nơi những rặng núi mịt mùng phía
tây, từng đoàn xe Molotova địch đang di chuyển, ánh đèn pha sáng rực góc rừng.
Kêu pháo bắn tiêu diệt, pháo bắn không tới, kêu Không Quân oanh kích thì không
có phi vụ, kêu Duffy xin B52, nhưng vẫn mịt mù vô vọng.
- Mình làm gì bây giờ?! - Anh Năm buông tiếng thở dài với khuôn
mặt buồn bực, rồi nói tiếp - Tử thủ một ngọn đồi chờ địch pháo cho tan nát, sau
đó ào ào tấn công. Cứ đà này tiếp diễn hơn tuần lễ, chắc chắn mình sẽ tổn thất
nặng. Nhớ ngày ở Hạ Lào, Dambe, địch tung cả trung đoàn, nhưng tao coi như “pha”,
vì mình có địa thế để vùng vẫy, không có cái nhiệm vụ “tử thủ”. Còn bây giờ thì
khác, phải “ôm lấy” Charlie để ăn pháo và chấp nhận thương đau..
- Không lẽ sinh nhật tháng này cũng là ngày đi tàu suốt tại đây?
Bếp lửa gia đình mịt mờ xa tắp cuối phương nam!
- Thôi ngủ đi ông ơi. Mình chiến trận nhiều rồi, đâu có sao.
- Nhưng lần này tôi thấy không ổn. Hồi chiều Anh Năm mặc lại bồ
đồ Hoa Huyết Ðỏ, tôi tính nói mà sợ ông giận.
- Bộ đồ đó sui bỏ mẹ! Ông nhớ kỳ quốc lộ 22 giải tỏa Thiện Ngôn,
chút xíu là tịch rồi...
- Mẹ kiếp, cứ mỗi lần ông ấy bận đồ đỏ là đụng liên miên. Sáng
mai tôi phải nói ông ấy vứt mẹ nó đi.
- Dị đoan quá, nhưng không tin không được.
Trao đổi vài câu tâm sự với Toubib Liệu, tôi thiếp đi trong giấc
ngủ nặng nề, đầy mệt mỏi trong cái lạnh của rừng núi Tây Nguyên.
Vừa viết xong chữ “Ngày 10 tháng 4” trên cuốn nhật ký hành quân
thì địch bắt đầu pháo ngay Bộ Chỉ Huy. Nép mình trong giao thông hào, tôi kêu
máy cho các đại đội. Tất cả đều đang bị pháo. Tiếng rít của hỏa tiễn và pháo
130 ly làm tê liệt lệnh lạc. Tôi nói như hét trên máy truyền tin, báo cáo lên
Lữ Ðoàn để xin phi cơ quan sát lên vùng với hy vọng thấy vị trí pháo địch. Lữ
Ðoàn có vẻ không tin là pháo 130. Tôi bực tức cúp máy và chửi thề vài câu cho
bớt giận!
Ðắng môi, khô miệng vì căng thẳng mỗi khi nghe tiếng “depart” của
pháo, vài giây chờ đợi, giây phút ngắn ngủi lằn ranh của tử sinh.
- Nó pháo ra ngoài, hình như đạn rơi về phía suối?
- Ừ, nó pháo ra ngoài...
Thật ra đó chỉ là ảo giác, nói để trấn an, nói để hy vọng, nói để
tự dối lừa mình, nói để biết mình đang sống trong nỗi chết gần kề.
Tôi nghe tiếng phi cơ quan sát trên đầu. Vào tần số Không Lực,
nhận ra giọng Xuân trên chiếc L19. Tôi hét lên:
- Mở mắt ra coi tụi nó đặt pháo ở đâu? Hướng dẫn thằng “Fulro” diệt nó đi cha nội. Nó hỏi thăm tao hơi nhiều rồi đó.
- OK. Có đám thằng Long “đất” khu trục vào vùng rồi đấy.
Căn cứ lãnh gần 3000 quả 130 nổ chậm và hỏa tiễn. Ðịch bắt đầu
tấn công...
Hình như địch muốn dò xét khả năng phòng thủ và hỏa lực Không,
Pháo yểm, nên chúng vừa dứt pháo thì lại tấn công, lúc hướng đông, lúc hướng
nam, xong chúng lại rút... Trò chơi tiếp diễn suốt ngày. Rõ ràng địch đánh thăm
dò và pháo 130 vẫn là trò chơi hữu hiệu và độc hại nhất, vừa tiêu hao, vừa làm
thần kinh căng thẳng. Tiền sát viên của địch trên những hốc núi cao dùng ống
nhòm điều chỉnh pháo mỗi khi thấy binh sĩ di chuyển. Ðể tránh tối đa thiệt hại,
chúng tôi chỉ di chuyển trong giao thông hào kiên cố quanh vị trí đóng quân.
Trực thăng tản thương cố gắng mấy lần, nhưng không thể đáp được
vì hỏa lực phòng không quá mạnh của địch, toàn 12 ly 7 từ các khe núi bắn ra.
Trực thăng võ trang, không quân oanh kích ít gây tổn thất cho địch. Duffy xin
được mấy phi vụ B52 sẽ thả lúc nửa đêm. Sau khi cho tọa độ, anh Cố Vấn hét lên
vì xin thả quá gần, chỉ cách vị trí đóng quân hơn 500 thước.
Ðêm xuống thật nhanh, sao lấp lánh trên cao, núi đồi đen thẫm đầy
đe dọa, những đốm lửa bập bùng trong đêm sau các cuộc oanh kích trong ngày làm
những bụi cây chập chờn di động như bóng địch quân. Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù chống
mắt đợi chờ, mệt mỏi đói khát sau mấy ngày đêm ăn pháo và tấn công của địch.
Tựa lưng vào giao thông hào chờ B52 tới thả bom, tôi buột miệng:
- Anh Năm, sao anh khoái bộ hoa dù Angle quá vậy? Bộ này coi bội
sui lắm, hay là anh thay đi, có tin có lành mà Anh Năm.
- Sui cái gì, tụi mày chỉ dị đoan. Bộ đồ vừa đẹp lại vừa hiếm,
tao kiếm mãi mới ra đấy!
Mễ phang thêm một câu:
- Lần trước ở Dambe, đụng mấy ngày đêm, Anh cũng bận bộ đồ này.
- Lần đó thắng lớn, tao ngồi trên thiết giáp điều quân như
Patton, dứt điểm một trung đoàn của Công Trường 9 như lấy đồ trong túi. Vũ khí
thu như núi, rửa mặt cho Quân Ðoàn III. Nghĩ lại tao còn thấy khoái.
- Nhưng mình mất một đại đội trưởng và hai trung đội trưởng.
- Thì biết làm sao. Chiến tranh có những tổn thất mà tao đâu có bao
giờ mong muốn.
Toubib Liệu thêm một câu:
- Cú giải tỏa quốc lộ 22 gần Thiện Ngôn, một mảnh cối vào mắt,
nằm Cộng Hòa cả tháng, bộ ông không nhớ sao?
Tôi châm thêm ngòi:
- Hôm vi vút ở Văn Cảnh kỳ đóng quân ở vườn Tao Ðàn, chút xíu có
chuyện lớn, bộ anh quên rồi hả? Cứ mỗi lần Anh “chơi” bộ hoa dù Angle này lên
là có chuyện... Vía nó nặng lắm, hay là anh cho tôi đi...
- Ðể mai tính, giờ tối rồi, còn nửa giờ nữa là đúng nửa đêm,
check lại với Duffy chưa? Chúng mày chỉ lắm chuyện, hay là tụi mày muốn “chôm”
bộ đồ của tao. Áo quần thì ăn thua mẹ gì mà sui với hên.
- Rồi Anh Năm! Mấy cái hỏa châu tôi đuổi ra khỏi vùng rồi. Mấy
thằng nhỏ tiền đồn tôi cho về hồi chiều và đã báo tất cả chuẩn bị với sức chấn
động của B52.
Duffy giơ ngón tay cái lên trời, tay kia chỉ hướng nam. Ðột
nhiên, trời đất rung chuyển, lửa cuốn cuồn cuộn bốc lên trong tiếng nổ dây
chuyền của hàng ngàn trái bom 500 cân Anh từ B52 trút xuống. Không khí như
nghẹt thở. Ðứng tựa mình vào giao thông hào, hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai,
mồm há to để chống lại sức dội, nhưng tôi muốn tắt thở, máu muốn ào ra từ lồng
ngực, người rung lên, đất đá, cành cây rơi lộp bộp trên nón sắt. Ðợt ném bom
chấm dứt sau vài phút. Lửa vẫn cuồn cuộn bốc lên ở phía nam căn cứ.
Ngày hôm sau, địch không tấn công chỉ pháo cầm chừng. Buổi sáng
sương mù nên mãi gần trưa trực thăng tản thương mới vào vùng. Khu trục bao
vùng, gunships tác xạ những điểm nghi ngờ trong các khe núi để trực thăng cố
gắng đáp. Nhưng vô hiệu, phòng không địch vẫn tác xạ như đan lưới. Một trực
thăng trúng đạn đang lết ra khỏi vùng... Hy vọng hoàn toàn tan vỡ...
Anh Năm cất tiếng:
- Tao nghĩ cú này nặng đấy. Tao đã báo cáo rất rõ tình hình địch
với Lữ Ðoàn. Vũ khí và quân số mình quá yếu so với địch. Một tiểu đoàn Dù so
với hai trung đoàn địch và cả rừng pháo, phòng không. Chắc chỉ hơn một tuần nữa
ăn pháo và vài đợt biển người tấn công là mình sẽ bị...
Anh Năm bỏ dở câu nói. Trong đôi mắt xa xăm của Anh đã linh cảm
một điều không may sắp đến. Anh lầm bầm:
- Duffy đã báo cáo qua hệ thống Cố Vấn, nhưng chẳng ai buồn nghe,
lúc nào cũng chỉ là lệnh Tử Thủ... Ðánh nhau mà như thế này, tao nản lắm. Tao là
con nhà võ, tao không thích bị trói tay, rồi chìa mặt cho địch đánh. Người trực
tiếp chỉ huy mặt trận phải biết rõ địch và tình hình hơn Bộ Chỉ Huy... Thôi!
Mình cố gắng một hay hai hôm nữa, nếu cứ tình hình này, tao sẽ tính...
Tôi chán nản đề nghị:
- Ðể lại một trung đội, rồi mình di động đi Anh Năm. Ra ngoài dễ
xoay sở hơn. Nằm đây đợi pháo, tôi nghĩ không khá. Nhẩy Dù chuyên tìm và diệt
địch, nay đóng quân chờ pháo... là tiêu rồi.
- Tao đã nói rồi, nhưng không ai nghe. Tao cũng chán với cái chữ
Tử Thủ rồi!
- Sương mù ngày nào cũng dầy đặc đến gần trưa mới tan. Bốn năm
giờ chiều là trời bắt đầu nhá nhem tối thì Không Quân đánh đấm gì được. Có hôm chờ
dài cổ cũng chả có bóng ma nào trên trời... Thôi thì nhờ ông “Lạc” pháo binh nấu
“phở” cho ăn vậy.
- Thôi đừng lèm bèm nữa. Tao không muốn ra tòa. Lữ Ðoàn còn không
tin nó pháo mình bằng delay 130 nữa đấy. Ê, Khều, mày lượm vài mảnh gửi về cho
họ... coi đi!
- Nếu họ muốn thì vào đây mà lấy. Bộ mình đùa với xương máu anh
em hay sao?!
Tựa giao thông hào, mỗi người mang một tâm sự khác nhau. Tôi thấy
không vui và bâng khuâng tự hỏi: “Không lý đây là trận đánh cuối cùng trong
đời?”
Cảnh vật mờ dần trong nắng chiều. Ðêm xuống nhanh, đêm yên lặng
rợn người... Biết đâu ngoài kia địch đang bò tới gần căn cứ và ở một nơi không
xa, trong các dẫy núi phía tây pháo địch đang căn lại hướng súng và dùng loại
đạn tàn phá khốc liệt hơn.
Tôi đang mải suy nghĩ thì Toubib Liệu buông một câu, rồi gục gặc
cái đầu:
- Dám kỳ này không được nhìn mặt đứa con sắp sinh lắm! Mấy thằng
Y sỹ khác giờ này đang “phè cánh nhạn” chứ đâu có đứng tựa giao thông hào chờ
pháo như tao.
- Có ai bắt đi Nhẩy Dù đâu. Thôi ráng đi. Vài tháng nữa về Lữ
Ðoàn hay bệnh xá Sư Ðoàn thì tha hồ vi vút.
- Mẹ kiếp, tôi không thích về đó. Tính tôi ngang bướng, hay nhậu
nhẹt, đụng mấy Xếp mất công. Mấy cha không ưa tôi, thôi tan hàng đi ngủ.
Trằn trọc trên võng căng dưới giao thông hào, tôi nghe rõ tiếng rên
xiết đau đớn của các thương binh. Lòng tôi chùng xuống khi thấy poncho bó xác
các binh sĩ tử thương càng ngày càng nhiều. Hồi chiều anh Toubib cho biết thuốc
men sắp cạn.
Tiếng “em gái hậu phương”, giọng anh ca sĩ quen thuộc trong bản “Lính
Ða Tình” làm tôi muốn đá văng cái radio đi chỗ khác. Mẹ kiếp, lúc này mà đa
tình đa tiếc cái mẹ gì... Tôi buồn bực thiếp đi trong mệt mỏi.
Tảng sáng 12 tháng 4, quây quần bên ly cà phê dã chiến, tôi hỏi
đùa Anh Năm:
- Sao Anh không thay bộ đồ đi. Anh nói anh cho tôi mà?
- Tụi mày chỉ vớ vẩn và nói dai như đỉa. Hải, mày hỏi thằng Hùng “mập”
có động tĩnh gì không? Nói nó bung ra lục soát tìm một cái trảng trống để tản
thương cho mấy thằng “rách áo”. Mễ, mày cho thằng Móm bung ra thật xa phía đông
tìm cái LZ (bãi đáp) khác đi!
Rồi Anh Năm đứng dậy nói:
- Tao về thay bộ đồ, nói không lại tụi mày... Cứ coi ba cái sách
bói tướng, rồi nói nhảm. Nhớ dặn “tụi nhỏ” lấy súng đạn của địch mà sài. Tình
hình này hy vọng tiếp tế, tản thương coi bộ gay go lắm. Ðể thương binh như thế
này tao chịu không nổi. Tao về hầm viết lá thư, khi nào có trực thăng thì gửi,
nhớ kêu tao nếu có gì lạ.
Anh nói xong hơi chồm về phía trước đi về hầm, Liệu đánh một câu:
- Tướng hơi lộ sỉ, đi chồm về phía trước là tướng ít gặp may,
tướng vất vả!
- Lại đến phiên ông. Bụng ông to chứa đầy cognac chắc hậu vận
khá.
- Dĩ nhiên “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ” (người uống rượu số 1) họ Tô có bao
giờ thiếu VSOP đâu!
Vừa nói xong thì nhiều tiếng rít qua đầu và nhiều tiếng nổ liên
tiếp. Ðịch bắt đầu pháo đón chào một ngày mới. Lại hỏa tiễn, lại 130 nổ chậm.
Tôi chép miệng nép mình trong giao thông hào, để mặc cho số phận. Mễ chụp máy
hỏi các đại đội. Tất cả báo cáo đều bị pháo. Mễ lẩm bẩm: “Kỳ này nó nhất định
dứt điểm mình.”
Một quả rớt cách tôi và Mễ vài thước. Mễ bị hất văng ra xa tôi,
tôi nhào lên vừa đúng lúc Mễ lăn mình trở lại. Thật may mắn, quả đạn rớt vào
giao thông hào bên cạnh nên Mễ chỉ bị thương nhẹ, máu lấm tấm đầy người. Toubib
Liệu khám qua cho Mễ và nói:
- Không sao, sây sát chút đỉnh, còn đánh được thằng VSOP.
Tôi kêu máy gọi Anh Năm, không có tiếng trả lời. Tôi chạy lại hầm
trú ẩn của Anh và Duffy. Tôi muốn ngộp thở đứng tim khi thấy hầm Anh Năm trúng
đạn, mấy thân cây lớn đặt ngang hầm sụp đổ hoàn toàn. Ngay lúc đó, Duffy vừa
chui ra khỏi hầm, đầu ngực đầy máu. Mễ, Liệu và tôi, Long và chú đệ tử của Anh
vội moi đất kéo Anh ra khỏi hầm, mặc cho pháo vẫn rơi đều trên căn cứ.
Chúng tôi mang Anh ra khỏi hầm, đặt ngay dưới giao thông hào.
Thân thể Anh còn nóng, tôi bịt chặt vết thương cho Anh, máu ấm chảy qua kẽ ngón
tay. Liệu cúi xuống coi kỹ lại vết thương rồi ngẩng lên nhìn chúng tôi lắc đầu:
“Anh đã đi...”. Thi thể thân thiết đó sẽ lạnh dần, đời sống đã ngưng lại, những
giọt máu hồng vẫn nhỏ giọt thấm vào lòng đất. Bộ áo hoa dù Angle bê bết máu,
mùi thuốc súng và mùi da thịt thoảng trên không. Tai tôi ù đi như không còn
nghe tiếng bom, tiếng đạn. Mắt tôi nhòa đi và thấy rõ lại hình ảnh Anh mới lúc
trước đây hơi chồm về phía trước, đá tung cục sỏi, đi nhanh về hầm. Tôi lẩm bẩm
một mình:
- Ðã nói rồi mà Anh Năm! Bộ đồ sui lắm, sao Anh không thay từ
trước. Biết đâu nếu không mặc nó, Anh chả được bình an?!
Hôm ở hậu cứ Long Bình, Anh đã nói với tôi rằng năm nay là năm
sui của Anh. Anh nói Anh sẽ cẩn thận, nhưng Anh cẩn thận thế nào, Anh chống
chỏi làm sao với một cái lệnh hành quân quái ác “Tử Thủ Charlie” và một định
mệnh tàn khốc đã dành sẵn cho Anh.
Ngày khánh thành câu lạc bộ Ðồi Mũ Ðỏ (Red Hat Hill) trong doanh
trại của Tiểu Ðoàn, Anh bê về bức tượng Mẹ Bồng Con của anh Thịnh và anh Huấn ở
báo Diều Hâu biếu Anh. Anh nói: “Bức tượng ám ảnh tôi hoài. Tượng đẹp thì có
đẹp, nhưng sao lại là nàng chinh phụ bế con và choàng vòng hoa đại trắng.”
Tôi biết Anh không vui từ lúc lãnh nhiệm vụ trấn thủ Charlie. Với
bao lần vào sinh ra tử, Anh biết sớm muộn gì cũng gặp tai ương khi phải đóng
quân tại một đỉnh đồi quá vài ngày. “Song Kiếm Trấn Ải 11 Dù” đã san bằng
Dambe, đánh tung Ashao, Aluoi... nhưng cũng không thể đánh bật cả rừng phòng
không và hai trung đoàn địch đang vây hãm Charlie. Với một tiểu đoàn Dù, vài
trăm binh sĩ. Anh biết và chúng tôi cũng biết, nhưng nào ai có biết cho Anh!
Lấy bông và cồn lau cho Anh, gói ghém Anh... rồi thẫn thờ chào Anh
lần cuối. Tiếng gọi thân quen “mày, tao” đơn sơ mộc mạc nhưng nồng ấm tình
người. Anh thường hay nói với tụi tôi: “Tao Khóa 14, tụi mày Cùi 18, 19, 22…
Tao coi như em út trong nhà nên mày tao với tụi mày cho thân mật.” Thường mỗi
lần Anh nói như thế, thì Toubib Liệu hỏi ngay:
- Còn Quân Y thì sao?
- Thì cũng thế thôi. Năm nào ông chẳng khăn gói lên học quân sự
trên Ðà Lạt. Thái Phiên, Chi Lăng..., ông đi mòn mấy đôi giầy thì rõ ràng là ông
cũng dân Võ Bị...
Nằm đó đi Anh Năm, Charlie sẽ mãi mãi là tên Anh. Rừng núi Tây
Nguyên nơi Anh đến và đi. Tôi sẽ nhớ mãi cả đời Charlie oan nghiệt.
* * * * *
“Anh Năm,
Anh mất đi, Mễ lên thay Anh, tôi thay Mễ làm những chuyện Mễ vẫn
làm. Trách nhiệm đơn vị đang đè nặng trên vai Mễ.
“Ðã quá trưa, địch vẫn pháo. Căn cứ như bị đào sới. Cây cối đổ
gẫy ngổn ngang, lính chết và bị thương càng lúc càng cao. Tử thương gần 30 và
bị thương nặng nhẹ trên 100. Charlie vẫn mịt mờ bom đạn. Tôi cũng chẳng biết là
bao nhiêu đạn đã nổ trên Charlie và trên Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn, mà chỉ biết lòng
đang đầy rẫy những muộn phiền, căng thẳng. Pháo giăng giăng bao phủ khung trời.
Ngày nào cũng ăn pháo từ sáng tới chiều thì chắc ít nhất cũng vài ngàn...
“Pháo vừa ngưng thì địch tấn công. Từ đồi cao nhìn xuống Charlie,
những bộ kaki vàng giắt lá cây, hàng hàng lớp lớp xung phong.
“Giọng Thịnh chắc nịch vang lên trong máy điều động đại đội chống
trả. Pháo binh, Không Quân yểm trợ rất hữu hiệu. Ðã mấy lần địch khựng lại, rồi
lại tấn công. Mễ điều động mấy tổ đại liên và đại bác 90 của Hùng “móm” kéo
xuống lưng đồi tác xạ ngang hông địch. Tôi hướng dẫn và chỉ điểm cho L19 hướng
tấn công của địch.
“Khu trục tác xạ oanh kích mục tiêu, tôi nhìn rất rõ từng chiếc
nón bay của bạn bè khi phi cơ chúi xuống trút bom Napalm trên đầu địch. Cả một
biển lửa bùng lên quanh Charlie. Lửa hừng hực thiêu đốt rừng người, lửa nhân
gian cuồng bạo. Bắc quân la hét lăn lộn trong biển lửa. Lửa từ lưng trời chụp
xuống, lửa từ chân núi cháy lên… chỗ nào cũng lửa và lửa.
“Phòng không địch tác xạ như đan lưới. Hai khu trục trúng đạn,
một nổ cháy như một cây đuốc trên không, chiếc còn lại với làn khói trắng sau
đuôi bay chớp choáng về hướng Tân Cảnh. Tôi hét lên trong máy hỏi Xuân L19 và
biết Kỳ bị bắn rớt, còn Long bị bắn ngay đuôi, sống chết chưa biết ra sao?
“Không gian, tổ quốc, bầu trời! Vì nhiệm vụ, vì bạn bè… đại bàng đã
gẫy cánh. Vĩnh biệt Thần Phong can đảm tài ba mà tôi mới gặp mấy tuần trước tại
Pleiku.
“Sau nửa ngày thiêu đốt Charlie, từng thảm TOT hỏa tập pháo binh
bắn cận phòng với đầu nổ chụp. Ðịch bắt đầu tháo chạy. (TOT là lối tác xạ của
nhiều pháo đội Pháo Binh từ nhiều hướng khác nhau cùng bắn tập trung rất nhiều
quả đạn vào cùng một mục tiêu).
“Tiếng súng thưa dần, xác địch cháy cứng sườn đồi. Mùi da thịt
cháy, mùi thuốc súng, làm tôi lợm giọng muốn ói. Ðánh bao nhiêu trận, đụng địch
bao nhiêu lần, nhưng thật tình tôi chưa bao giờ thấy địa ngục rực lửa thiêu đốt
con người như hôm nay.
“Anh Năm,
“Tôi vẫn làm nhiệm vụ hàng ngày để báo cáo với Anh là “tụi nhỏ” đã làm theo lời Anh, đã chiến đấu như bày sư tử dữ, đã đánh đẹp như ngày theo Anh vào Dambe, Thiện Ngôn, Trại Bí... “Song Kiếm Trấn Ải”, biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù do Anh đặt đã làm những gì Anh muốn với trên 400 xác địch quân cháy la liệt quanh Charlie và cả trăm vũ khí bỏ lại chiến trường.
“Hoàng hôn trên Charlie vẫn đẹp, tôi vẫn tựa giao thông hào nhìn những đám mây giăng mắc với hàng ngàn hình thể khác nhau. Mây trời như biển động dậy sóng theo gió đổi hình và theo nắng chiều đổi thay màu sắc, có lúc ánh vàng rực rỡ, có lúc rực đỏ như máu lửa Charlie, lại có lúc như ngàn vạn tinh binh cờ xí rợp trời bao vây thành quách. Sao Hiệp Sĩ vẫn rực sáng trên trời. Chùm sao Thơ Ấu của Anh, chùm sao trong giải ngân hà Anh đã theo đó về quê tìm lại tuổi thơ ấu nơi miền quê đất Bắc. Anh về tận Hà Ðông, nơi Anh cất tiếng khóc chào đời, nơi êm đềm chỉ có diều bay theo gió và không có chiến tranh...
“Tôi chỉ nhắc lại những gì Anh mơ ước trong những chiều cấm trại, bó gối ngồi ở lưng đồi trên hậu cứ Long Bình, lơ đãng nhìn xuống giòng sông Ðồng Nai mênh mông uốn khúc quanh các lò gạch nhả khói dưới chân làng Cao Thái, gần Tân Mai, Tam Hiệp... và xa xa pho tượng Tiếc Thương để súng ngang đùi như đang thương tiếc những người lính trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.
“Hùng “mập” và Thinh hỏi tôi sao vắng tiếng Anh. Tôi nói Anh còn đang say ngủ...
“Số thương vong lên cao, quanh Charlie đầy xác địch. Mễ nói Thinh để lại mấy toán tiền đồn nhỏ, gài tối đa phục kích tự động, rồi rút về tăng cường phòng thủ Bộ Chỉ Huy. Tôi trằn trọc cả đêm, chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ thì trời sáng. Tôi nghe Liệu nói với Mễ:
- “Hôm nay là ngày 13, con số không lành, thế nào chúng cũng pháo và tấn công mình nữa. Tôi lo cho thương binh quá. Nếu không có thuốc và di tản kịp thì chắc sẽ không qua khỏi. Mê Linh đưa tôi cây M16 hay M79 cho được việc. Tôi hết thuốc men rồi...
“Không Quân và trực thăng võ trang bắn phá để trực thăng tản thương cố gắng vào vùng. Nhưng tất cả đều vô hiệu, một trúng đạn ở phía bắc Yankee, một nổ tung gần Charlie và một chập choạng bay khỏi vùng với làn khói trắng bên hông. Thế là hết! Hy vọng tan theo mây khói.
“Mễ ra lệnh cho Hùng 113 lục soát kiếm bãi đáp phía bắc Charlie. Hùng báo cáo đụng địch khi kiếm ra bãi đáp. Hình như địch bố trí tại tất cả những trảng trống chung quanh Charlie để ngăn chặn tiếp tế hoặc đổ quân tiếp viện. Thinh dẫn đại đội 111 bung mạnh về hướng đông. Giao tranh dữ dội khi Thinh ra khỏi căn cứ hơn nửa cây số. Trung úy Thinh, đại đội trưởng đại đội 111 hy sinh trong trận đánh tàn khốc đầy máu lửa. Ðịch bố trí phòng không 12 ly 7 và đại bác trực xạ kèm theo hàng hàng lớp lớp tấn công. Trung sĩ Lung, tay tổ trưởng nổi tiếng tháo vát, lỳ lợm của tiểu đoàn, chưa bao giờ thất bại trước bất kỳ một nhiệm vụ giao phó nào, cũng vừa gục ngã. Chuẩn úy Khánh, sĩ quan tiền sát pháo binh độc nhất không bị thương và đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh để mang xác Thinh và đồng đội về căn cứ.
“Xế chiều ngày 13, địch tấn công sau khi đã mưa pháo vào căn cứ từ lúc trưa. Hơn tuần lễ nay, hầu như ngày nào cũng vài tiếng đồng hồ ăn pháo. Cây cối đổ gẫy thêm, nằm ngổn ngang. Binh sĩ móc thêm những hàm ếch thật sâu trong các giao thông hào. Chỉ còn đường tơ kẽ tóc để sống còn, nên hệ thống trú ẩn đã được đào sới rất công phu.
“Bây giờ thì đi không được mà ở cũng không xong. Giao tranh tiếp diễn suốt đêm. Nhờ quen thuộc địa thế, quen từng ngã rẽ đường hầm. Nhiều khúc giao thông hào địch đã xâm nhập, nhưng cuối cùng cũng bị tiêu diệt vì chúng không quen hệ thống địa đạo của ta. Hỏa châu vẫn bập bùng soi sáng núi đồi...
“Trời sáng dần, ta và địch vẫn quần thảo đẫm máu, bám sát lấy nhau. Ðã có lúc tôi, Mễ, Duffy và Toubib Liệu chiến đấu như những khinh binh khi địch đánh vào tới sát vị trí chỉ huy.
“Ðại đội 113 bị cầm chân nên không thể về tăng cường cho căn cứ. Tôi đề nghị với Mễ cứ để 113 ở ngoài làm trừ bị cuối cùng và tôi cũng đề nghị bỏ Charlie vì thương vong quá cao, đạn dược còn rất ít. Mễ nhìn hàng loạt poncho bó xác Anh Năm, các sĩ quan, binh sĩ tử thương và các thương binh rên xiết nằm chật giao thông hào.
“Có cái đớn đau, dằn vặt nào hơn khi thế cùng lực kiệt, không tiếp tế, không tản thương, không lương thực thuốc men... mà vẫn phải đương đầu với hàng hàng lớp địch quân, để rồi lần lượt gục ngã vì kiệt sức!
“Mễ, tôi, Duffy lấy quyết định cuối cùng: Bỏ Charlie vào lúc xế chiều, sau khi Duffy xin được mấy phi vụ B52 thả xuống phía nam và phía đông căn cứ để tiểu đoàn di tản. Ðợt bom lửa cuối cùng thả ngay trên tuyến phòng thủ đại đội 114 của Trung úy Cho đã đánh bật địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ. Chiến trường tạm lắng dịu, chỉ còn tiếng pháo binh tác xạ yểm trợ vào những điểm nghi ngờ địch quân tập trung dưới chân đồi. Chúng tôi biết chắc địch đang điều động mở một đợt tấn công khác.
“Tôi thẫn thờ buồn bã châm điếu thuốc cho chú đệ tử bị thương. Thầy trò chia ngọt sẻ bùi với nhau từng miếng ăn, giấc ngủ trong mấy năm liền. Qua ánh mắt như chờ đợi, như ước mong khi tôi dìu chú về chỗ của tôi. Vết thương ở vai khá nặng, máu ra nhiều. Tôi nhắc chú cố gắng đi sát tôi, tới đâu hay tới đó. Chú mỉm cười bóp chặt tay tôi. Giọt nước mắt nóng rớt trên mu bàn tay...
“Chiều nay di tản. Thương binh nhẹ thì đi theo, còn thương binh nặng thì sao?! Không còn một phép nhiệm mầu nào đến với chúng tôi. Tôi báo cho Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù biết rằng chúng tôi sẽ phải di tản hai phần ba quân số thương vong, lương thực, thuốc men đã hết từ hai hôm trước.
“Vĩnh biệt Anh Năm và các chiến hữu! Thôi thì biết làm sao, đời lính chiến nay ở mai đi! “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Có mấy ai đi mà trở về trong buổi loạn ly?!
“Tôi và Hùng “móm” lấy hướng 800 dẫn đầu đoàn quân ào ra khỏi Charlie khi ánh nắng chiều cuối cùng vừa khuất sau dẫy núi phía tây, trong khi pháo binh bắn ngăn chặn phía sau và bên hông để ngăn địch truy kích. Nhờ mấy phi vụ đánh bom hồi chiều và ba toán tiền đồn nằm sẵn từ buổi trưa, đoàn quân ào đi không gặp kháng cự.
“Xuống khỏi chân đồi chừng 400 thước thì B52 rải từng thảm bom ở phía nam, đông nam căn cứ. Chúng tôi cố tránh thả bom ngay đỉnh đồi, vì nghĩ rằng biết đâu những thương binh nặng còn chưa theo kịp và thân xác Anh Năm cùng bao đồng đội tử thương còn nằm tại đó. Bom rít qua đầu. Cơn địa chấn bom và sức ép làm cả đơn vị lăn lộn bên sườn núi. Tất cả đều kiệt lực. Mễ nằm gục vì vết thương hôm qua. Mồm tôi ứa máu vì quá mệt mỏi và kiệt sức. Duffy cũng chẳng hơn gì, còn Toubib Liệu gục xuống bên gốc cây bất động.
- Hải! Coi hướng cho đúng và hỏi coi thằng 3 tới đâu rồi?
Với bản năng sinh tồn, chúng tôi lại vùng lên lao về điểm hẹn. Ðêm tối đen, lính nắm vai áo nhau mà đi, kẻ mạnh dìu kéo thương binh, tựa lưng vào cây rừng để lấy thêm sức tiến qua cây khác. Kim địa bàn lân tinh giao động, hướng 800, hướng của sự sống và hy vọng. Hỏa châu vẫn bập bùng trong đêm tối.
“- Khều! Ông nghĩ mình thoát không? Nó mà phục kích là kể như chết chắc!
“- Còn chừng một cây số nữa thì tới nơi. Tao đã liên lạc được với Hùng “mập” rồi, hắn sắp tới. Ðừng nói nhảm, cái miệng lép xép, sui bỏ mẹ!
“Ðiểm hẹn Mễ và tôi chọn là một khoảng trống ngay cạnh bờ sông Pôkô để đơn vị lấy nước và di tản thương binh. Trảng trống trong khu rừng lau là điểm hy vọng, điểm mong đợi cuối cùng của những người lính Dù sau 7 ngày đêm quần thảo với 2 trung đoàn địch, kèm theo những trận mưa pháo đẫm máu trên hỏa ngục Charlie.
“Trời sáng dần, bắt tay được với đại đội 113, Hùng “mập” đang rải quân sát bìa rừng và tung các toán tiền đồn ra xa.
“Như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi và Mễ, vì Lữ Ðoàn cho biết chưa có trực thăng và ra lệnh cố gắng chiến đấu để về Tân Cảnh.
“Chiến đấu?! Chiến đấu trong thế cùng lực kiệt với quân số 167 người, kể cả thương binh đang kiệt sức vì đói khát đã 3 ngày. Nhưng Nhẩy Dù là “cố gắng” nên chúng tôi lại vùng lên. Tôi không buồn trả lời và đưa mắt nhìn Duffy, viên Thiếu Tá Lực Lượng Ðặc Biệt đã sống với tụi tôi như anh em, chia nhau từng bát cơm hộp cá. Vết thương rỉ máu trên đầu, trên ngực, nhưng Duffy vẫn cứng như một thỏi thép với cây XM18 và chiếc máy truyền tin đặc biệt của các toán Lực Lượng Ðặc Biệt khi nhẩy xâm nhập.
“Chúng tôi sẽ có máy bay Mỹ trong vài phút!
“Ngả lưng nhìn trời xanh qua khe lá, chưa hút tàn điếu thuốc thì có tiếng súng nổ của các toán tiền đồn của đại đội 113. Hùng “mập” báo cáo tất cả đều chạm địch. Pháo 82, B40, B41 và AK nổ vang một góc rừng. Ðịch ào tới tấn công. Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù vùng lên chống trả, lính đại đội 113 ào ra ngăn địch. Giọng Hùng sang sảng điều động các trung đội. Ðúng là kẻ đến không mong, giặc Bắc phương ào vào vị trí đóng quân. Chúng tôi vừa bắn vừa rút vào khu rừng lau cao quá đầu người...
“Ðơn vị tan thành từng mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, tên tôi ra đầu hàng! Chắc chúng tra khảo thương binh để lấy tin tức. Ngay lúc đó, Duffy vừa liên lạc được với 2 chiếc trực thăng võ trang Cobra, một chở quân và một O2 quan sát. Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. Toán còn 36 người nên di tản làm 5 đợt vì chỉ có một trực thăng chở quân.
“Với hỏa lực khủng khiếp và chính xác của Cobra, địch khựng lại, trực thăng đáp xuống rừng lau:
“- Liệu, ông đi trước đi! Chân ông bị thương ông không chạy nổi đâu!
“- Tôi không đi, tôi ở lại với các ông.
“- Ði đi, chân cẳng như thế mà ở lại. Ông nặng bỏ mẹ, tôi cõng ông không nổi đâu.
“Vừa nói, tôi vừa lùa Liệu lên trực thăng với 6 người lính khác. Máy bay vút đi. Trong ánh mắt Liệu có một chút gì vương vấn xót xa.
“Ðịch lại ào về phía chúng tôi. Cả toán vừa chạy vừa bắn lại. Nhờ hỏa lực yểm trợ của Cobra, thêm được 3 đợt bốc quân an toàn. Toán còn lại Mễ, Duffy, tôi và Trung úy Long bị địch đuổi bắt tới cùng.
“Trong mấy chuyến trực thăng di tản vừa qua, phi công Mỹ muốn Duffy được bốc đầu tiên, nhưng Duffy nhìn tôi và nói:
“- Tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh.
“Ngay lúc đó, cặp Cobra, trực thăng võ trang mới vào vùng, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi di tản đợt cuối cùng.
“Trực thăng vừa đáp, tôi lên sau cùng. Máy bay vừa lên cao vài thước thì một loạt AK bắn lên tàu, tôi trúng đạn ở chân phải và rớt từ trực thăng xuống đất. Tôi hét lên và chỉ kịp nhìn đuôi trực thăng vút lên... Trời xanh mây trắng ngang tầm mắt. Tôi đứng lên, nhưng gục xuống ngay vì đạn bắn trúng bàn chân và ống chân bên phái. Tôi tự nghĩ chắc sẽ chết vì vết thương ra hết máu, vì đói, vì khát, vì kiệt sức cho dù địch không bắt được tôi. Khẩu súng Colt và cây M16 còn đầy đạn. Tôi chợt nghĩ đến hồi tháng 6 năm 65, một lần Ðồng Xoài tan nát, tôi đã mất Dũng, thằng bạn thân cùng khóa. Tôi đã thấy Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn Phó và mấy trăm chiến hữu gục ngã trong trận đánh kinh hãi hồi tôi mới ra trường Võ Bị. Lần đó, với vết thương bể mặt nát tay, tôi vẫn về được sau 5 ngày lê lết, đói khát trong rừng với vết thương đã làm độc.
“Giờ là tháng 4 năm 72, Charlie rực lửa, tôi đã mất Anh Năm và bao nhiêu chiến hữu còn nằm lại Charlie. Tôi ước tính từ đây về Tân Cảnh chỉ còn 5 cây số, nhưng là 5 cây số đồi cao vực thẳm, 5 cây số đường rừng và tôi lại đang bị thương ở chân thì làm sao tôi đi được. Tôi có thể sẽ gục chết ở một xó rừng, khe suối và bày kiến sẽ kéo nhau rúc vào thân thể, thịt xương sẽ rữa nát hình hài. Hình ảnh thân yêu vợ con, cha mẹ chập chờn trong trí óc. Thằng bé mới sinh chỉ gặp mặt đôi lần... Còn phép lạ nào sẽ đến với tôi?! Sau 7 ngày chiến đấu quên ăn quên ngủ, sao giờ này tôi lại trúng đạn từ trực thăng rớt xuống. Chỉ chậm một giây nữa là tôi sẽ bay về vùng trời êm ấm...
“Tiếng trực thăng trên đầu làm tôi vụt đứng lên bằng bàn chân trái. Tôi giơ cao tay, miệng hét lớn. Tôi không thể tin, mồm tôi há to, mắt mở lớn. Trực thăng xà xuống bãi cỏ. Duffy giơ hai tay nắm chặt giây đạn và một tay tôi, rồi kéo mạnh tôi lên. Máy bay vút lên với một loạt đạn bắn trúng thân tàu. Chiếc trực thăng nghiêng một bên rồi bay thẳng, máu phun có vòi từ anh xạ thủ đại liên người Mỹ làm ướt mặt tôi và Duffy. Mễ kéo tôi vào giữa thân tàu khi nửa người tôi và hai chân còn đong đưa ngoài không khí. Duffy chồm tới bịt chặt vết thương trên ngực anh xạ thủ đại liên.
“Nằm trên sàn tàu, tôi không thể tưởng và không thể tin tôi còn sống trước tình chiến hữu cao cả của hai người lính ở hai đất nước khác nhau. Duffy ôm lấy tôi... Có một chút nghẹn ngào trong khoé mắt. Vì vết thương quá nặng, anh xạ thủ đại liên Mỹ đã qua đời, anh phi công phụ đang gục đầu bên cửa máy bay với vết thương ở tay.
“Khi về đến trạm cứu thương, tôi mới biết anh xạ thủ đại liên Mỹ đã hết nhiệm kỳ, ngày mai anh sẽ về Mỹ, anh đang có mặt trên trực thăng thì vô tình chiếc máy bay nhận được lệnh vào bốc tụi tôi. Ðịnh mệnh thật trớ trêu!
“Tảng sáng hôm sau 15 tháng 4, Thành “râu”, bạn cùng khóa 19 của tôi, từ Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn vần vũ trên trực thăng bay ngang Charlie, ngó cảnh hoang tàn đổ nát đang âm ỷ cháy để chào Anh Năm lần cuối và tìm cách bốc các binh sĩ lạc lõng sau trận đánh hãi hùng ngày hôm trước.
“Anh Năm,
“Ðó là tất cả những gì đã đến với đơn vị, sau khi Anh ra đi. Mặc dù Anh ở lại Charlie, nhưng Anh không cô độc, anh có “tụi nhỏ” ở lại cùng Anh. Anh sẽ ngắm hoàng hôn để nhớ thời trai trẻ, Anh sẽ gặp lại hình ảnh một “công tử càn” của Hà Nội năm xưa hay một thanh niên mới vào đời trong Trại Học Sinh Nghèo Phú Thọ, bỏ Bắc vào Nam năm 1954 khi đất nước chia đôi. Chiếc đai đen nhu đạo và những kỷ niệm “giang hồ” Anh hay kể cho tụi tôi nghe vẫn mãi mãi là những gì đẹp nhất khi bạn bè ngồi nhắc tới anh.
“Anh Năm thân kính,
“Ðúng như Anh đã tiên liệu khi đặt chân lên Charlie, nỗi lo âu, sự tiên đoán của Anh đã thực xảy ra cho Bộ Chỉ Huy Nhẩy Dù và các đơn vị bạn.
“Charlie mất ngày 14 tháng 4 thì Delta, Metro ở phía nam cũng phải di tản. Vòng đai Nhẩy Dù bỏ trống bên hông, Sư Ðoàn 320 Cộng quân tăng thêm Sư Ðoàn 2 ào ào như nước vỡ bờ đánh chiếm Tân Cảnh, khởi đầu cho những ngày Hè rực lửa trên quê hương.
“Sông Lô, Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù phải mở huyết lộ đánh qua đỉnh Chu-Pao, kéo toàn Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù về Kontum.
“Ngày 24 tháng 4 năm 72, Tân Cảnh rơi vào tay giặc, đúng 12 ngày sau khi Anh đi khuất. Giòng sông Dapla quanh thị trấn Kontum đỏ ngầu, xác ta và địch hòa với màu đỏ của những hàng phượng vĩ buồn thảm gục ngã hai bên bờ sông. Kontum, Pleiku đang chiến đấu một mất một còn với giặc. Mùa hè thảm khốc đang ập đổ trên quê hương, mở đầu cho thiên Chiến Sử oai hùng của Quảng Trị, Kontum và Bình Long anh dũng.
“Anh Năm,
“Sau ngày tôi bị thương, tôi được đưa về bệnh viện Ðỗ Vinh trong căn cứ Hoàng Hoa Thám. Loạt đạn AK bắn bể xương bàn chân và mắt cá chân bên phải. Mổ xẻ xong xuôi, mấy anh Toubib cho biết tôi không còn hy vọng quay lại đơn vị tác chiến và nhẩy dù được nữa, vì xương bàn chân và mắt cá đã gẫy vụn làm nhiều mảnh. Tôi lê bàn chân bó bột về nhà chờ 29 ngày tái khám và bắt đầu làm quen với đôi nạng gỗ trên vai.
“Anh Năm,
“Ðã năm lần bảy lượt tôi vào cư xá sĩ quan Chí Hòa muốn thăm Chị và cháu Tường, nhưng lần nào cũng vậy, khi đỗ xe gần cửa nhà Anh, nhìn vành khăn tang trên đầu chị và cháu thì tôi lại không có can đảm và đổi ý ra về. Tôi sợ sự thật, tôi sợ khi phải đối diện với chị. Tôi biết ăn nói làm sao, giải thích thế nào về sự ra đi của Anh. Còn cái cảnh khổ và chua xót đớn đau nào hơn khi hình Anh trên bàn thờ nghi ngút khói hương, nhưng thân Anh lại không có được một nấm mồ? Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ, nhưng chúng tôi đã bất lực, đã bỏ Anh mà đi, bỏ Anh ở lại Charlie nơi rừng xanh núi đỏ xa hút mãi tận Trường Sơn.
“Anh Năm,
“Ngoài đời Anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật “giang hồ” với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, Anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, Anh chia xẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp. Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?
“Tôi lang thang ra phố, người ta vẽ chân dung nhiều sĩ quan tử trận trên khắp 4 Quân Khu thuộc đủ mọi binh chủng, trên những khung vải thật lớn dựng trên công viên hay những giao lộ tấp nập người qua lại, với hàng chữ “Anh Hùng” và hai chữ “Tiếc Thương”. Người họa sĩ có nét bút xuất thần vẽ thật giống Anh với đôi hàng chữ: “Tiếc Thương Cố Ðại Tá Nhẩy Dù Nguyễn Ðình Bảo, Người Anh Hùng Ðã Ở Lại Charlie” trên khung hình treo trước công viên Quốc Hội.
Tôi ngừng xe, nhìn Anh thật lâu giữa giòng người xa lạ trên hè phố, nhưng đầu óc thì chỉ thấy khói lửa ngập trời bên tiếng hò reo ở trận chiến Charlie.
Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy mầu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của Anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng.
Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Xiết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết Anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa Anh. Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá Ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao Ông Trời bắt đi sớm như vậy!? “Tôi lên xe theo xa lộ Biên Hòa để về hậu cứ tiểu đoàn. Doanh trại Ðồi Mũ Ðỏ hoang vắng buồn tẻ khi các đơn vị đang bận hành quân. Qua khu trại gia binh, khăn sô trải trắng trên đầu góa phụ, bầy em bé thơ ngây đang nô đùa hồn nhiên trước sân trường.
Vượt con dốc, chạy một vòng quanh doanh trại, sông Ðồng Nai vẫn mênh mông uốn khúc quanh các lò gạch nhả khói dưới chân đồi, rừng cây khuynh diệp bên kia vẫn thoang thoảng mùi dầu gió trên không. Giàn hoa dưa tím trước phòng Anh và tôi thoảng mùi thơm đong đưa trước gió. Cảnh cũ còn đây, nhưng người xưa sẽ chẳng trở về.
Tôi chợt nghe tiếng kèn hạ cờ buổi chiều trên đỉnh đồi doanh trại. Tôi lại nghĩ tới Anh. Lúc nằm xuống không một tiếng kèn đưa tiễn và thiếu cả một lá cờ phủ lấy xác thân. Tôi dục chú tài xế lái xe xuống đồi thật nhanh, tôi đang chạy trốn Anh, chạy trốn đồng đội và thằng bé đệ tử của tôi. Tất cả hình như đang nói nói cười cười đâu đây trong doanh trại.
“Anh Năm,
“Anh đã ra đi hơn một phần tư thế kỷ, 26 năm biết bao vật đổi sao rời. Ðể tôi làm lại nhiệm vụ ngày xưa kể lại anh nghe...
“Mễ, Liệu và tôi, những người gần gũi Anh nhất trong trận chiến Charlie đã không còn ở quê nhà và chúng tôi đã nhấp nhô theo vận nước nổi trôi. Ðàn em của Anh đã bỏ quê hương đi về “quê hương mới?!” Mặc dù Anh đã đi thật lâu, con trai của Anh đã là một y sỹ, chiến hữu của Anh kẻ ở người đi, nhưng những người còn lại vẫn nhớ Anh, họ vẫn nhắc đến tên Anh qua bài hát mà Nhật Trường viết tặng riêng Anh, viết cho “Người Ở Lại Charlie.”
“Mấy chục năm sau, vượt đại dương muôn trùng sông nước, theo gió bay ngang dọc địa cầu, dù ở nơi đâu, chân trời góc biển, nơi đâu có người Việt thì nơi đó họ hát bài ca bất hủ để nhớ Anh. Ngay cả ở quê nhà, kẻ thù của Anh cũng vẫn nghe dân chúng hát bài ca để nhắc đến tên Anh.
“Chắc Anh chưa quên ông “Sĩ Quan Võ Bị Quân Y” Tô Phạm Liệu, ông Toubib Nhẩy Dù ngực đỏ huy chương, người uống VSOP (Very Sexy Old Parachutist) như hũ chìm. Khi hành quân thì một bên ống chích, một bên M16, cũng ăn pháo, cũng la hét, cũng bắn hết băng M16 này đến băng M16 khác khi đánh ở Charlie, Dambe, Hạ Lào, Ashao, Aluoi...
“Tháng 4 năm 75. Cũng lại tháng 4, tháng mà Anh đã đi khuất, Liệu di tản qua Mỹ, thi lại bằng y sĩ và hành nghề tại tiểu bang Lousiana trong một bệnh viện tâm thần. Liệu vẫn như xưa, vẫn vui vẻ, ồn ào. Ông đội trưởng “Ðội Hổ Sói Con” vẫn gặp tôi, Duffy và Mễ vài tháng một lần, nhưng Liệu có cái tên mới, để tôi đọc Anh nghe, chắc Anh lại búng tay, đá sỏi mà cười: “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ, Cuồng Thái Y Tô Phạm Liệu”.
Làm gì có ai trên đời có cái tên lạ lùng và hay như vậy. “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ”, người uống rượu số 1 thì Anh đã biết rồi, còn “Cuồng Thái Y” là anh Toubib làm việc ở nhà thương chữa cho mấy người điên.
“Liệu vẫn “ra đi không mang ba-lô, quần áo cứ thế đút túi” mà giang hồ với anh em. “Bến Cũ” nào cũng nồng ấm khi Liệu ghé ngang. Nếu ngày xưa chinh chiến có cướp mất Anh, thì ngày nay, bệnh hoạn đâu có tha Tô Phạm Liệu. Mặc dù là “Quan Thái Y” nhưng Liệu cũng không tránh khỏi bệnh nan y. “Ẩm Sĩ” họ Tô đã bỏ “Bến Cũ” mà đi. A Lịch Sơn thành (Alexandria) là nơi Liệu làm việc và lặng lẽ ra đi sau cả năm bạo bệnh cuối đời...
“Mê Linh, Phương Hải, Sông Lô, từ Bắc Cali “đội pháo” mà đi. “Bến Cũ” Nam Cali, Dallas, Houston, New Orleans “hành quân” kéo tới. Ðám gà nhà Tịnh Hô, Ðà Lạc, Phán, Trác từ New York, DC kéo sang. “Nam Xương”, người kể chuyện Anh trong thiên bút ký Mùa Hè Ðỏ Lửa đọc bài điếu văn, có nhắc đến Anh, nhắc đến Charlie... cỏ cây hoa lá còn rung động, nói chi đến đám bạn bè đỏ mắt đứng quanh.
Ở đâu “Bến Cũ” cũng về để dự đám táng, đến để nhìn Liệu ra đi, đến để mỗi người một ly nhỏ VSOP với “Ẩm Sĩ” họ Tô. Ngày xưa thì bạn bạn bè bè. Bây giờ thì tro tàn thiêu xác!
Gần một phần tư thế kỷ sau, Liệu ra đi ở một nơi cách Charlie nửa trái địa cầu.
“Anh Năm và Toubib Liệu thân kính,
“Viết để nhớ Anh, để kể sự thật về Charlie và cũng để báo cáo với Anh là Liệu đã trở lại Charlie với Anh, với tụi nhỏ trong ngày giỗ tròn một năm của Liệu. Ðáng lẽ tôi muốn báo cáo với Anh từ lâu, nhưng mỗi lần cầm bút lên thì lại không biết viết gì. Không biết viết làm sao, toàn là chuyện kẻ ở người đi làm lòng chùng xuống, viết hoài không nổi.
“Hôm tháng rồi đi xem một phim chiến tranh. Phim chiếu cảnh một ông già mang gia đình qua bãi biển Normandie bên Pháp. Ông cụ đi một mình vào nghĩa trang, bóng người chập chững trong nghĩa địa toàn thập tự giá trắng tinh. Từ ngàn dậm xa xôi ông mang bó hoa đến thăm cấp chỉ huy, thăm những chiến hữu cùng chung đại đội với ông đã nằm xuống khi cùng ông cụ đánh chiếm một khu phố. Bao nhiêu bạn bè hy sinh, chỉ còn một mình ông cụ sống sót. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, một mình đứng nhìn bãi biển đổ quân, tiếng binh đao khói lửa, hình ảnh bạn bè gục ngã, cụ chập choạng với nước mắt lưng tròng. Ði vào nghĩa trang, gục đầu bên mộ để nhớ bạn và hình ảnh chiến trận năm xưa. Gia đình, vợ con rời xa nghĩa trang để cụ một mình sống lại với những huy chương dĩ vãng.
“Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, tôi không thể đi thăm Anh, đồng đội và thằng bé đệ tử thân tín của tôi đã ở lại Charlie. Không phải vì Anh ở quá xa, nhưng vì 23 năm qua tôi chưa có ý định trở về. Nơi nào người ta cũng kèn hoa cho người đi khuất, vinh danh tưởng nhớ những chiến sĩ vị quốc vong thân, chỉ riêng nơi quê cũ, từ khi đất nước đổi thay, đâu có ai còn nhắc đến Ngày Chiến Sĩ Trận Vong!?
“Xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ Anh và tất cả bạn bè đã hy sinh cho tổ quốc.
“Tôi tự nhủ lòng, một ngày nào đó, nếu có dịp, tôi sẽ về, sẽ đến Charlie, sẽ đến những chiến trường xưa cũ, để nhớ bạn bè, để thắp một nén nhang thăm Anh và đồng đội. Nhưng, chả biết bao giờ thì làm được, mặc dù bây giờ tóc đã điểm sương!
“Xin tạ lỗi cùng Anh và Chiến Hữu.
“Toubib Liệu, gọi tên ông một lần nữa: “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ, Cuồng Thái Y Tô Phạm Liệu” để nhớ Giỗ đầu của ông và gửi về ông hai chữ “Hồ Trường”: ...... “Hồ trường, Hồ trường... nay biết rót về đâu...”
Bắc California, mùa đông 1998
Mũ Ðỏ: Ðoàn Phương Hải
https://sites.google.com/site/hoikysite/mau-lua-charlie
“Tôi vẫn làm nhiệm vụ hàng ngày để báo cáo với Anh là “tụi nhỏ” đã làm theo lời Anh, đã chiến đấu như bày sư tử dữ, đã đánh đẹp như ngày theo Anh vào Dambe, Thiện Ngôn, Trại Bí... “Song Kiếm Trấn Ải”, biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù do Anh đặt đã làm những gì Anh muốn với trên 400 xác địch quân cháy la liệt quanh Charlie và cả trăm vũ khí bỏ lại chiến trường.
“Hoàng hôn trên Charlie vẫn đẹp, tôi vẫn tựa giao thông hào nhìn những đám mây giăng mắc với hàng ngàn hình thể khác nhau. Mây trời như biển động dậy sóng theo gió đổi hình và theo nắng chiều đổi thay màu sắc, có lúc ánh vàng rực rỡ, có lúc rực đỏ như máu lửa Charlie, lại có lúc như ngàn vạn tinh binh cờ xí rợp trời bao vây thành quách. Sao Hiệp Sĩ vẫn rực sáng trên trời. Chùm sao Thơ Ấu của Anh, chùm sao trong giải ngân hà Anh đã theo đó về quê tìm lại tuổi thơ ấu nơi miền quê đất Bắc. Anh về tận Hà Ðông, nơi Anh cất tiếng khóc chào đời, nơi êm đềm chỉ có diều bay theo gió và không có chiến tranh...
“Tôi chỉ nhắc lại những gì Anh mơ ước trong những chiều cấm trại, bó gối ngồi ở lưng đồi trên hậu cứ Long Bình, lơ đãng nhìn xuống giòng sông Ðồng Nai mênh mông uốn khúc quanh các lò gạch nhả khói dưới chân làng Cao Thái, gần Tân Mai, Tam Hiệp... và xa xa pho tượng Tiếc Thương để súng ngang đùi như đang thương tiếc những người lính trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.
“Hùng “mập” và Thinh hỏi tôi sao vắng tiếng Anh. Tôi nói Anh còn đang say ngủ...
“Số thương vong lên cao, quanh Charlie đầy xác địch. Mễ nói Thinh để lại mấy toán tiền đồn nhỏ, gài tối đa phục kích tự động, rồi rút về tăng cường phòng thủ Bộ Chỉ Huy. Tôi trằn trọc cả đêm, chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ thì trời sáng. Tôi nghe Liệu nói với Mễ:
- “Hôm nay là ngày 13, con số không lành, thế nào chúng cũng pháo và tấn công mình nữa. Tôi lo cho thương binh quá. Nếu không có thuốc và di tản kịp thì chắc sẽ không qua khỏi. Mê Linh đưa tôi cây M16 hay M79 cho được việc. Tôi hết thuốc men rồi...
“Không Quân và trực thăng võ trang bắn phá để trực thăng tản thương cố gắng vào vùng. Nhưng tất cả đều vô hiệu, một trúng đạn ở phía bắc Yankee, một nổ tung gần Charlie và một chập choạng bay khỏi vùng với làn khói trắng bên hông. Thế là hết! Hy vọng tan theo mây khói.
“Mễ ra lệnh cho Hùng 113 lục soát kiếm bãi đáp phía bắc Charlie. Hùng báo cáo đụng địch khi kiếm ra bãi đáp. Hình như địch bố trí tại tất cả những trảng trống chung quanh Charlie để ngăn chặn tiếp tế hoặc đổ quân tiếp viện. Thinh dẫn đại đội 111 bung mạnh về hướng đông. Giao tranh dữ dội khi Thinh ra khỏi căn cứ hơn nửa cây số. Trung úy Thinh, đại đội trưởng đại đội 111 hy sinh trong trận đánh tàn khốc đầy máu lửa. Ðịch bố trí phòng không 12 ly 7 và đại bác trực xạ kèm theo hàng hàng lớp lớp tấn công. Trung sĩ Lung, tay tổ trưởng nổi tiếng tháo vát, lỳ lợm của tiểu đoàn, chưa bao giờ thất bại trước bất kỳ một nhiệm vụ giao phó nào, cũng vừa gục ngã. Chuẩn úy Khánh, sĩ quan tiền sát pháo binh độc nhất không bị thương và đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh để mang xác Thinh và đồng đội về căn cứ.
“Xế chiều ngày 13, địch tấn công sau khi đã mưa pháo vào căn cứ từ lúc trưa. Hơn tuần lễ nay, hầu như ngày nào cũng vài tiếng đồng hồ ăn pháo. Cây cối đổ gẫy thêm, nằm ngổn ngang. Binh sĩ móc thêm những hàm ếch thật sâu trong các giao thông hào. Chỉ còn đường tơ kẽ tóc để sống còn, nên hệ thống trú ẩn đã được đào sới rất công phu.
“Bây giờ thì đi không được mà ở cũng không xong. Giao tranh tiếp diễn suốt đêm. Nhờ quen thuộc địa thế, quen từng ngã rẽ đường hầm. Nhiều khúc giao thông hào địch đã xâm nhập, nhưng cuối cùng cũng bị tiêu diệt vì chúng không quen hệ thống địa đạo của ta. Hỏa châu vẫn bập bùng soi sáng núi đồi...
“Trời sáng dần, ta và địch vẫn quần thảo đẫm máu, bám sát lấy nhau. Ðã có lúc tôi, Mễ, Duffy và Toubib Liệu chiến đấu như những khinh binh khi địch đánh vào tới sát vị trí chỉ huy.
“Ðại đội 113 bị cầm chân nên không thể về tăng cường cho căn cứ. Tôi đề nghị với Mễ cứ để 113 ở ngoài làm trừ bị cuối cùng và tôi cũng đề nghị bỏ Charlie vì thương vong quá cao, đạn dược còn rất ít. Mễ nhìn hàng loạt poncho bó xác Anh Năm, các sĩ quan, binh sĩ tử thương và các thương binh rên xiết nằm chật giao thông hào.
“Có cái đớn đau, dằn vặt nào hơn khi thế cùng lực kiệt, không tiếp tế, không tản thương, không lương thực thuốc men... mà vẫn phải đương đầu với hàng hàng lớp địch quân, để rồi lần lượt gục ngã vì kiệt sức!
“Mễ, tôi, Duffy lấy quyết định cuối cùng: Bỏ Charlie vào lúc xế chiều, sau khi Duffy xin được mấy phi vụ B52 thả xuống phía nam và phía đông căn cứ để tiểu đoàn di tản. Ðợt bom lửa cuối cùng thả ngay trên tuyến phòng thủ đại đội 114 của Trung úy Cho đã đánh bật địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ. Chiến trường tạm lắng dịu, chỉ còn tiếng pháo binh tác xạ yểm trợ vào những điểm nghi ngờ địch quân tập trung dưới chân đồi. Chúng tôi biết chắc địch đang điều động mở một đợt tấn công khác.
“Tôi thẫn thờ buồn bã châm điếu thuốc cho chú đệ tử bị thương. Thầy trò chia ngọt sẻ bùi với nhau từng miếng ăn, giấc ngủ trong mấy năm liền. Qua ánh mắt như chờ đợi, như ước mong khi tôi dìu chú về chỗ của tôi. Vết thương ở vai khá nặng, máu ra nhiều. Tôi nhắc chú cố gắng đi sát tôi, tới đâu hay tới đó. Chú mỉm cười bóp chặt tay tôi. Giọt nước mắt nóng rớt trên mu bàn tay...
“Chiều nay di tản. Thương binh nhẹ thì đi theo, còn thương binh nặng thì sao?! Không còn một phép nhiệm mầu nào đến với chúng tôi. Tôi báo cho Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù biết rằng chúng tôi sẽ phải di tản hai phần ba quân số thương vong, lương thực, thuốc men đã hết từ hai hôm trước.
“Vĩnh biệt Anh Năm và các chiến hữu! Thôi thì biết làm sao, đời lính chiến nay ở mai đi! “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Có mấy ai đi mà trở về trong buổi loạn ly?!
“Tôi và Hùng “móm” lấy hướng 800 dẫn đầu đoàn quân ào ra khỏi Charlie khi ánh nắng chiều cuối cùng vừa khuất sau dẫy núi phía tây, trong khi pháo binh bắn ngăn chặn phía sau và bên hông để ngăn địch truy kích. Nhờ mấy phi vụ đánh bom hồi chiều và ba toán tiền đồn nằm sẵn từ buổi trưa, đoàn quân ào đi không gặp kháng cự.
“Xuống khỏi chân đồi chừng 400 thước thì B52 rải từng thảm bom ở phía nam, đông nam căn cứ. Chúng tôi cố tránh thả bom ngay đỉnh đồi, vì nghĩ rằng biết đâu những thương binh nặng còn chưa theo kịp và thân xác Anh Năm cùng bao đồng đội tử thương còn nằm tại đó. Bom rít qua đầu. Cơn địa chấn bom và sức ép làm cả đơn vị lăn lộn bên sườn núi. Tất cả đều kiệt lực. Mễ nằm gục vì vết thương hôm qua. Mồm tôi ứa máu vì quá mệt mỏi và kiệt sức. Duffy cũng chẳng hơn gì, còn Toubib Liệu gục xuống bên gốc cây bất động.
- Hải! Coi hướng cho đúng và hỏi coi thằng 3 tới đâu rồi?
Với bản năng sinh tồn, chúng tôi lại vùng lên lao về điểm hẹn. Ðêm tối đen, lính nắm vai áo nhau mà đi, kẻ mạnh dìu kéo thương binh, tựa lưng vào cây rừng để lấy thêm sức tiến qua cây khác. Kim địa bàn lân tinh giao động, hướng 800, hướng của sự sống và hy vọng. Hỏa châu vẫn bập bùng trong đêm tối.
“- Khều! Ông nghĩ mình thoát không? Nó mà phục kích là kể như chết chắc!
“- Còn chừng một cây số nữa thì tới nơi. Tao đã liên lạc được với Hùng “mập” rồi, hắn sắp tới. Ðừng nói nhảm, cái miệng lép xép, sui bỏ mẹ!
“Ðiểm hẹn Mễ và tôi chọn là một khoảng trống ngay cạnh bờ sông Pôkô để đơn vị lấy nước và di tản thương binh. Trảng trống trong khu rừng lau là điểm hy vọng, điểm mong đợi cuối cùng của những người lính Dù sau 7 ngày đêm quần thảo với 2 trung đoàn địch, kèm theo những trận mưa pháo đẫm máu trên hỏa ngục Charlie.
“Trời sáng dần, bắt tay được với đại đội 113, Hùng “mập” đang rải quân sát bìa rừng và tung các toán tiền đồn ra xa.
“Như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi và Mễ, vì Lữ Ðoàn cho biết chưa có trực thăng và ra lệnh cố gắng chiến đấu để về Tân Cảnh.
“Chiến đấu?! Chiến đấu trong thế cùng lực kiệt với quân số 167 người, kể cả thương binh đang kiệt sức vì đói khát đã 3 ngày. Nhưng Nhẩy Dù là “cố gắng” nên chúng tôi lại vùng lên. Tôi không buồn trả lời và đưa mắt nhìn Duffy, viên Thiếu Tá Lực Lượng Ðặc Biệt đã sống với tụi tôi như anh em, chia nhau từng bát cơm hộp cá. Vết thương rỉ máu trên đầu, trên ngực, nhưng Duffy vẫn cứng như một thỏi thép với cây XM18 và chiếc máy truyền tin đặc biệt của các toán Lực Lượng Ðặc Biệt khi nhẩy xâm nhập.
“Chúng tôi sẽ có máy bay Mỹ trong vài phút!
“Ngả lưng nhìn trời xanh qua khe lá, chưa hút tàn điếu thuốc thì có tiếng súng nổ của các toán tiền đồn của đại đội 113. Hùng “mập” báo cáo tất cả đều chạm địch. Pháo 82, B40, B41 và AK nổ vang một góc rừng. Ðịch ào tới tấn công. Tiểu Ðoàn 11 Nhẩy Dù vùng lên chống trả, lính đại đội 113 ào ra ngăn địch. Giọng Hùng sang sảng điều động các trung đội. Ðúng là kẻ đến không mong, giặc Bắc phương ào vào vị trí đóng quân. Chúng tôi vừa bắn vừa rút vào khu rừng lau cao quá đầu người...
“Ðơn vị tan thành từng mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, tên tôi ra đầu hàng! Chắc chúng tra khảo thương binh để lấy tin tức. Ngay lúc đó, Duffy vừa liên lạc được với 2 chiếc trực thăng võ trang Cobra, một chở quân và một O2 quan sát. Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. Toán còn 36 người nên di tản làm 5 đợt vì chỉ có một trực thăng chở quân.
“Với hỏa lực khủng khiếp và chính xác của Cobra, địch khựng lại, trực thăng đáp xuống rừng lau:
“- Liệu, ông đi trước đi! Chân ông bị thương ông không chạy nổi đâu!
“- Tôi không đi, tôi ở lại với các ông.
“- Ði đi, chân cẳng như thế mà ở lại. Ông nặng bỏ mẹ, tôi cõng ông không nổi đâu.
“Vừa nói, tôi vừa lùa Liệu lên trực thăng với 6 người lính khác. Máy bay vút đi. Trong ánh mắt Liệu có một chút gì vương vấn xót xa.
“Ðịch lại ào về phía chúng tôi. Cả toán vừa chạy vừa bắn lại. Nhờ hỏa lực yểm trợ của Cobra, thêm được 3 đợt bốc quân an toàn. Toán còn lại Mễ, Duffy, tôi và Trung úy Long bị địch đuổi bắt tới cùng.
“Trong mấy chuyến trực thăng di tản vừa qua, phi công Mỹ muốn Duffy được bốc đầu tiên, nhưng Duffy nhìn tôi và nói:
“- Tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh.
“Ngay lúc đó, cặp Cobra, trực thăng võ trang mới vào vùng, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi di tản đợt cuối cùng.
“Trực thăng vừa đáp, tôi lên sau cùng. Máy bay vừa lên cao vài thước thì một loạt AK bắn lên tàu, tôi trúng đạn ở chân phải và rớt từ trực thăng xuống đất. Tôi hét lên và chỉ kịp nhìn đuôi trực thăng vút lên... Trời xanh mây trắng ngang tầm mắt. Tôi đứng lên, nhưng gục xuống ngay vì đạn bắn trúng bàn chân và ống chân bên phái. Tôi tự nghĩ chắc sẽ chết vì vết thương ra hết máu, vì đói, vì khát, vì kiệt sức cho dù địch không bắt được tôi. Khẩu súng Colt và cây M16 còn đầy đạn. Tôi chợt nghĩ đến hồi tháng 6 năm 65, một lần Ðồng Xoài tan nát, tôi đã mất Dũng, thằng bạn thân cùng khóa. Tôi đã thấy Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn Phó và mấy trăm chiến hữu gục ngã trong trận đánh kinh hãi hồi tôi mới ra trường Võ Bị. Lần đó, với vết thương bể mặt nát tay, tôi vẫn về được sau 5 ngày lê lết, đói khát trong rừng với vết thương đã làm độc.
“Giờ là tháng 4 năm 72, Charlie rực lửa, tôi đã mất Anh Năm và bao nhiêu chiến hữu còn nằm lại Charlie. Tôi ước tính từ đây về Tân Cảnh chỉ còn 5 cây số, nhưng là 5 cây số đồi cao vực thẳm, 5 cây số đường rừng và tôi lại đang bị thương ở chân thì làm sao tôi đi được. Tôi có thể sẽ gục chết ở một xó rừng, khe suối và bày kiến sẽ kéo nhau rúc vào thân thể, thịt xương sẽ rữa nát hình hài. Hình ảnh thân yêu vợ con, cha mẹ chập chờn trong trí óc. Thằng bé mới sinh chỉ gặp mặt đôi lần... Còn phép lạ nào sẽ đến với tôi?! Sau 7 ngày chiến đấu quên ăn quên ngủ, sao giờ này tôi lại trúng đạn từ trực thăng rớt xuống. Chỉ chậm một giây nữa là tôi sẽ bay về vùng trời êm ấm...
“Tiếng trực thăng trên đầu làm tôi vụt đứng lên bằng bàn chân trái. Tôi giơ cao tay, miệng hét lớn. Tôi không thể tin, mồm tôi há to, mắt mở lớn. Trực thăng xà xuống bãi cỏ. Duffy giơ hai tay nắm chặt giây đạn và một tay tôi, rồi kéo mạnh tôi lên. Máy bay vút lên với một loạt đạn bắn trúng thân tàu. Chiếc trực thăng nghiêng một bên rồi bay thẳng, máu phun có vòi từ anh xạ thủ đại liên người Mỹ làm ướt mặt tôi và Duffy. Mễ kéo tôi vào giữa thân tàu khi nửa người tôi và hai chân còn đong đưa ngoài không khí. Duffy chồm tới bịt chặt vết thương trên ngực anh xạ thủ đại liên.
“Nằm trên sàn tàu, tôi không thể tưởng và không thể tin tôi còn sống trước tình chiến hữu cao cả của hai người lính ở hai đất nước khác nhau. Duffy ôm lấy tôi... Có một chút nghẹn ngào trong khoé mắt. Vì vết thương quá nặng, anh xạ thủ đại liên Mỹ đã qua đời, anh phi công phụ đang gục đầu bên cửa máy bay với vết thương ở tay.
“Khi về đến trạm cứu thương, tôi mới biết anh xạ thủ đại liên Mỹ đã hết nhiệm kỳ, ngày mai anh sẽ về Mỹ, anh đang có mặt trên trực thăng thì vô tình chiếc máy bay nhận được lệnh vào bốc tụi tôi. Ðịnh mệnh thật trớ trêu!
“Tảng sáng hôm sau 15 tháng 4, Thành “râu”, bạn cùng khóa 19 của tôi, từ Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn vần vũ trên trực thăng bay ngang Charlie, ngó cảnh hoang tàn đổ nát đang âm ỷ cháy để chào Anh Năm lần cuối và tìm cách bốc các binh sĩ lạc lõng sau trận đánh hãi hùng ngày hôm trước.
“Anh Năm,
“Ðó là tất cả những gì đã đến với đơn vị, sau khi Anh ra đi. Mặc dù Anh ở lại Charlie, nhưng Anh không cô độc, anh có “tụi nhỏ” ở lại cùng Anh. Anh sẽ ngắm hoàng hôn để nhớ thời trai trẻ, Anh sẽ gặp lại hình ảnh một “công tử càn” của Hà Nội năm xưa hay một thanh niên mới vào đời trong Trại Học Sinh Nghèo Phú Thọ, bỏ Bắc vào Nam năm 1954 khi đất nước chia đôi. Chiếc đai đen nhu đạo và những kỷ niệm “giang hồ” Anh hay kể cho tụi tôi nghe vẫn mãi mãi là những gì đẹp nhất khi bạn bè ngồi nhắc tới anh.
“Anh Năm thân kính,
“Ðúng như Anh đã tiên liệu khi đặt chân lên Charlie, nỗi lo âu, sự tiên đoán của Anh đã thực xảy ra cho Bộ Chỉ Huy Nhẩy Dù và các đơn vị bạn.
“Charlie mất ngày 14 tháng 4 thì Delta, Metro ở phía nam cũng phải di tản. Vòng đai Nhẩy Dù bỏ trống bên hông, Sư Ðoàn 320 Cộng quân tăng thêm Sư Ðoàn 2 ào ào như nước vỡ bờ đánh chiếm Tân Cảnh, khởi đầu cho những ngày Hè rực lửa trên quê hương.
“Sông Lô, Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù phải mở huyết lộ đánh qua đỉnh Chu-Pao, kéo toàn Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 2 Nhẩy Dù về Kontum.
“Ngày 24 tháng 4 năm 72, Tân Cảnh rơi vào tay giặc, đúng 12 ngày sau khi Anh đi khuất. Giòng sông Dapla quanh thị trấn Kontum đỏ ngầu, xác ta và địch hòa với màu đỏ của những hàng phượng vĩ buồn thảm gục ngã hai bên bờ sông. Kontum, Pleiku đang chiến đấu một mất một còn với giặc. Mùa hè thảm khốc đang ập đổ trên quê hương, mở đầu cho thiên Chiến Sử oai hùng của Quảng Trị, Kontum và Bình Long anh dũng.
“Anh Năm,
“Sau ngày tôi bị thương, tôi được đưa về bệnh viện Ðỗ Vinh trong căn cứ Hoàng Hoa Thám. Loạt đạn AK bắn bể xương bàn chân và mắt cá chân bên phải. Mổ xẻ xong xuôi, mấy anh Toubib cho biết tôi không còn hy vọng quay lại đơn vị tác chiến và nhẩy dù được nữa, vì xương bàn chân và mắt cá đã gẫy vụn làm nhiều mảnh. Tôi lê bàn chân bó bột về nhà chờ 29 ngày tái khám và bắt đầu làm quen với đôi nạng gỗ trên vai.
“Anh Năm,
“Ðã năm lần bảy lượt tôi vào cư xá sĩ quan Chí Hòa muốn thăm Chị và cháu Tường, nhưng lần nào cũng vậy, khi đỗ xe gần cửa nhà Anh, nhìn vành khăn tang trên đầu chị và cháu thì tôi lại không có can đảm và đổi ý ra về. Tôi sợ sự thật, tôi sợ khi phải đối diện với chị. Tôi biết ăn nói làm sao, giải thích thế nào về sự ra đi của Anh. Còn cái cảnh khổ và chua xót đớn đau nào hơn khi hình Anh trên bàn thờ nghi ngút khói hương, nhưng thân Anh lại không có được một nấm mồ? Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ, nhưng chúng tôi đã bất lực, đã bỏ Anh mà đi, bỏ Anh ở lại Charlie nơi rừng xanh núi đỏ xa hút mãi tận Trường Sơn.
“Anh Năm,
“Ngoài đời Anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật “giang hồ” với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, Anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, Anh chia xẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp. Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?
“Tôi lang thang ra phố, người ta vẽ chân dung nhiều sĩ quan tử trận trên khắp 4 Quân Khu thuộc đủ mọi binh chủng, trên những khung vải thật lớn dựng trên công viên hay những giao lộ tấp nập người qua lại, với hàng chữ “Anh Hùng” và hai chữ “Tiếc Thương”. Người họa sĩ có nét bút xuất thần vẽ thật giống Anh với đôi hàng chữ: “Tiếc Thương Cố Ðại Tá Nhẩy Dù Nguyễn Ðình Bảo, Người Anh Hùng Ðã Ở Lại Charlie” trên khung hình treo trước công viên Quốc Hội.
Tôi ngừng xe, nhìn Anh thật lâu giữa giòng người xa lạ trên hè phố, nhưng đầu óc thì chỉ thấy khói lửa ngập trời bên tiếng hò reo ở trận chiến Charlie.
Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy mầu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của Anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng.
Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Xiết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết Anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa Anh. Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá Ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao Ông Trời bắt đi sớm như vậy!? “Tôi lên xe theo xa lộ Biên Hòa để về hậu cứ tiểu đoàn. Doanh trại Ðồi Mũ Ðỏ hoang vắng buồn tẻ khi các đơn vị đang bận hành quân. Qua khu trại gia binh, khăn sô trải trắng trên đầu góa phụ, bầy em bé thơ ngây đang nô đùa hồn nhiên trước sân trường.
Vượt con dốc, chạy một vòng quanh doanh trại, sông Ðồng Nai vẫn mênh mông uốn khúc quanh các lò gạch nhả khói dưới chân đồi, rừng cây khuynh diệp bên kia vẫn thoang thoảng mùi dầu gió trên không. Giàn hoa dưa tím trước phòng Anh và tôi thoảng mùi thơm đong đưa trước gió. Cảnh cũ còn đây, nhưng người xưa sẽ chẳng trở về.
Tôi chợt nghe tiếng kèn hạ cờ buổi chiều trên đỉnh đồi doanh trại. Tôi lại nghĩ tới Anh. Lúc nằm xuống không một tiếng kèn đưa tiễn và thiếu cả một lá cờ phủ lấy xác thân. Tôi dục chú tài xế lái xe xuống đồi thật nhanh, tôi đang chạy trốn Anh, chạy trốn đồng đội và thằng bé đệ tử của tôi. Tất cả hình như đang nói nói cười cười đâu đây trong doanh trại.
“Anh Năm,
“Anh đã ra đi hơn một phần tư thế kỷ, 26 năm biết bao vật đổi sao rời. Ðể tôi làm lại nhiệm vụ ngày xưa kể lại anh nghe...
“Mễ, Liệu và tôi, những người gần gũi Anh nhất trong trận chiến Charlie đã không còn ở quê nhà và chúng tôi đã nhấp nhô theo vận nước nổi trôi. Ðàn em của Anh đã bỏ quê hương đi về “quê hương mới?!” Mặc dù Anh đã đi thật lâu, con trai của Anh đã là một y sỹ, chiến hữu của Anh kẻ ở người đi, nhưng những người còn lại vẫn nhớ Anh, họ vẫn nhắc đến tên Anh qua bài hát mà Nhật Trường viết tặng riêng Anh, viết cho “Người Ở Lại Charlie.”
“Mấy chục năm sau, vượt đại dương muôn trùng sông nước, theo gió bay ngang dọc địa cầu, dù ở nơi đâu, chân trời góc biển, nơi đâu có người Việt thì nơi đó họ hát bài ca bất hủ để nhớ Anh. Ngay cả ở quê nhà, kẻ thù của Anh cũng vẫn nghe dân chúng hát bài ca để nhắc đến tên Anh.
“Chắc Anh chưa quên ông “Sĩ Quan Võ Bị Quân Y” Tô Phạm Liệu, ông Toubib Nhẩy Dù ngực đỏ huy chương, người uống VSOP (Very Sexy Old Parachutist) như hũ chìm. Khi hành quân thì một bên ống chích, một bên M16, cũng ăn pháo, cũng la hét, cũng bắn hết băng M16 này đến băng M16 khác khi đánh ở Charlie, Dambe, Hạ Lào, Ashao, Aluoi...
“Tháng 4 năm 75. Cũng lại tháng 4, tháng mà Anh đã đi khuất, Liệu di tản qua Mỹ, thi lại bằng y sĩ và hành nghề tại tiểu bang Lousiana trong một bệnh viện tâm thần. Liệu vẫn như xưa, vẫn vui vẻ, ồn ào. Ông đội trưởng “Ðội Hổ Sói Con” vẫn gặp tôi, Duffy và Mễ vài tháng một lần, nhưng Liệu có cái tên mới, để tôi đọc Anh nghe, chắc Anh lại búng tay, đá sỏi mà cười: “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ, Cuồng Thái Y Tô Phạm Liệu”.
Làm gì có ai trên đời có cái tên lạ lùng và hay như vậy. “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ”, người uống rượu số 1 thì Anh đã biết rồi, còn “Cuồng Thái Y” là anh Toubib làm việc ở nhà thương chữa cho mấy người điên.
“Liệu vẫn “ra đi không mang ba-lô, quần áo cứ thế đút túi” mà giang hồ với anh em. “Bến Cũ” nào cũng nồng ấm khi Liệu ghé ngang. Nếu ngày xưa chinh chiến có cướp mất Anh, thì ngày nay, bệnh hoạn đâu có tha Tô Phạm Liệu. Mặc dù là “Quan Thái Y” nhưng Liệu cũng không tránh khỏi bệnh nan y. “Ẩm Sĩ” họ Tô đã bỏ “Bến Cũ” mà đi. A Lịch Sơn thành (Alexandria) là nơi Liệu làm việc và lặng lẽ ra đi sau cả năm bạo bệnh cuối đời...
“Mê Linh, Phương Hải, Sông Lô, từ Bắc Cali “đội pháo” mà đi. “Bến Cũ” Nam Cali, Dallas, Houston, New Orleans “hành quân” kéo tới. Ðám gà nhà Tịnh Hô, Ðà Lạc, Phán, Trác từ New York, DC kéo sang. “Nam Xương”, người kể chuyện Anh trong thiên bút ký Mùa Hè Ðỏ Lửa đọc bài điếu văn, có nhắc đến Anh, nhắc đến Charlie... cỏ cây hoa lá còn rung động, nói chi đến đám bạn bè đỏ mắt đứng quanh.
Ở đâu “Bến Cũ” cũng về để dự đám táng, đến để nhìn Liệu ra đi, đến để mỗi người một ly nhỏ VSOP với “Ẩm Sĩ” họ Tô. Ngày xưa thì bạn bạn bè bè. Bây giờ thì tro tàn thiêu xác!
Gần một phần tư thế kỷ sau, Liệu ra đi ở một nơi cách Charlie nửa trái địa cầu.
“Anh Năm và Toubib Liệu thân kính,
“Viết để nhớ Anh, để kể sự thật về Charlie và cũng để báo cáo với Anh là Liệu đã trở lại Charlie với Anh, với tụi nhỏ trong ngày giỗ tròn một năm của Liệu. Ðáng lẽ tôi muốn báo cáo với Anh từ lâu, nhưng mỗi lần cầm bút lên thì lại không biết viết gì. Không biết viết làm sao, toàn là chuyện kẻ ở người đi làm lòng chùng xuống, viết hoài không nổi.
“Hôm tháng rồi đi xem một phim chiến tranh. Phim chiếu cảnh một ông già mang gia đình qua bãi biển Normandie bên Pháp. Ông cụ đi một mình vào nghĩa trang, bóng người chập chững trong nghĩa địa toàn thập tự giá trắng tinh. Từ ngàn dậm xa xôi ông mang bó hoa đến thăm cấp chỉ huy, thăm những chiến hữu cùng chung đại đội với ông đã nằm xuống khi cùng ông cụ đánh chiếm một khu phố. Bao nhiêu bạn bè hy sinh, chỉ còn một mình ông cụ sống sót. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, một mình đứng nhìn bãi biển đổ quân, tiếng binh đao khói lửa, hình ảnh bạn bè gục ngã, cụ chập choạng với nước mắt lưng tròng. Ði vào nghĩa trang, gục đầu bên mộ để nhớ bạn và hình ảnh chiến trận năm xưa. Gia đình, vợ con rời xa nghĩa trang để cụ một mình sống lại với những huy chương dĩ vãng.
“Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, tôi không thể đi thăm Anh, đồng đội và thằng bé đệ tử thân tín của tôi đã ở lại Charlie. Không phải vì Anh ở quá xa, nhưng vì 23 năm qua tôi chưa có ý định trở về. Nơi nào người ta cũng kèn hoa cho người đi khuất, vinh danh tưởng nhớ những chiến sĩ vị quốc vong thân, chỉ riêng nơi quê cũ, từ khi đất nước đổi thay, đâu có ai còn nhắc đến Ngày Chiến Sĩ Trận Vong!?
“Xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ Anh và tất cả bạn bè đã hy sinh cho tổ quốc.
“Tôi tự nhủ lòng, một ngày nào đó, nếu có dịp, tôi sẽ về, sẽ đến Charlie, sẽ đến những chiến trường xưa cũ, để nhớ bạn bè, để thắp một nén nhang thăm Anh và đồng đội. Nhưng, chả biết bao giờ thì làm được, mặc dù bây giờ tóc đã điểm sương!
“Xin tạ lỗi cùng Anh và Chiến Hữu.
“Toubib Liệu, gọi tên ông một lần nữa: “Ðệ Nhất Ẩm Sĩ, Cuồng Thái Y Tô Phạm Liệu” để nhớ Giỗ đầu của ông và gửi về ông hai chữ “Hồ Trường”: ...... “Hồ trường, Hồ trường... nay biết rót về đâu...”
Bắc California, mùa đông 1998
Mũ Ðỏ: Ðoàn Phương Hải
https://sites.google.com/site/hoikysite/mau-lua-charlie
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire